CLB lịch sử Nguồn gốc Đình làng Việt Nam

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

ĐÌNH VIỆT NAM – NGUỒN GỐC

Đình là ngôi nhà công cộng của cộng đồng làng xã Việt Nam. Nơi đây ba chức năng được thực hiện: hành chính, tôn giáo và văn hoá. Về chức năng hành chính, đình là chỗ để họp bàn các "việc làng", để xử kiện, phạt vạ… theo những quy ước của làng. Về chức năng tôn giáo, đình là nơi thờ thần của làng, thường là một vị, nhưng cũng có khi nhiều vị, được gọi là "Thành hoàng" làng. Về chức năng văn hoá, đình là nơi biểu diễn các kịch hát, như chèo, hay hát cửa đình - một hình thức đã phát triển trong các thế kỷ trước, nơi tiến hành các lễ hội, các trò chơi… Thực ra, các chức năng trên không bao giờ được tách bạch, mà đan xen hoà quyện với nhau.
Có thể nói đình là một toà thị chính, một nhà thờ và một nhà văn hoá cộng lại của làng xã Việt Nam. Ngôi đình là biểu tượng cho cộng đồng làng xã Việt Nam, là một yếu tố hữu hình của văn hoá làng Việt Nam.
X..
X X
Đình xuất hiện từ bao giờ ở Việt Nam? Đấy là một câu hỏi chưa có lời giải đáp chắc chắn.
Hiện nay những ngôi đình xưa nhất còn biết niên đại, đều thuộc thời Mạc hay thế kỉ XVI..
Đình Thụy Phiêu ở huyện Ba Vì thành phố Hà Nôi, có niên đại Đại Chính năm thứ hai (1531). Đình Lỗ Hạnh (ở huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) được dựng vào niên hiệu Sùng Khang (1566-1577) và nhiều người đoán định là vào năm 1576. Đình Tây Đằng ở huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội được xếp vào thế kỷ XVI là dựa theo phong cách kiến trúc và điêu khắc. Đó là những đình được coi là còn khá nguyên vẹn gần với buổi ban đầu. Đình Phù Lưu (ở thị xã Từ Sơn , tỉnh Bắc Ninh) tuy đã được tu tạo nhiều lần, nhưng vẫn còn dấu vết xây dựng đầu tiên từ thế kỷ XVI. Một số đình khác như Yên Sở, Đắc Sở , huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội cũng vậy.
Ngoài ra, theo tài liệu bi ký, chúng ta còn biết thêm nhiều ngôi đình xây dựng trong thế kỷ XVI. Chẳng hạn bia đình Nghênh Phúc (xã Lam Cầu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) dựng năm Hưng Trị thứ 4 (1591) ghi rằng đình được làm vào niên hiệu Cảnh Lịch (1548-1553), văn bia đình Đại Đoan (xã Đoan Bái, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh) cho biết đình dựng năm Quý Tỵ, niên hiệu Diên Thành (1583), văn bia đình Trừng Hoài (huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình) thì ghi đình được xây dựng năm Diên Thành thứ 8 (1583)… Có thể kể thêm nhiều hơn nữa.
Vậy là vẫn còn những ngôi đình tồn tại từ thế kỷ XVI và nhiều văn bia nói về những ngôi đình dựng thời Mạc. Nhưng như vậy thì phải chăng đình làng đến thế kỷ XVI mới xuất hiện? Chúng tôi không tin điều đó. Ngay những văn bia thời Mạc cũng cho ta biết là đình được trùng tu hay dựng lại trên nền một ngôi đình có từ sớm hơn. Chẳng hạn như văn bia đình Đại Đoan (huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh) viết năm 1585, nói đến ngôi đình dựng năm 1583, nhưng ghi rõ rằng "trên đất thôn Viên Ngoại, xã Đoan Bái, huyện Gia Phúc, phủ Thuận An vốn có đình. Nay quan viên xã, thôn trưởng cùng mọi người lớn nhỏ trong thôn nhân nền cũ dựng lên đình mới" . Chúng ta cũng chú ý là, trên bức cốn đình Lỗ Hạnh cũng ghi là năm Bính Tý (có người cho là của niên hiệu Sùng Khang, tức năm 1576) đình "tân tạo", tức "xây mới", có nghĩa là đã có một ngôi đình cũ từ trước. Đại Việt sử ký toàn thư cũng kể lại việc vua Lê Chiêu Tông, năm Quang Thiệu thứ 7 (1522), trước sự nổi dậy của Mạc Đăng Dung, đã chạy lánh đến đình làng Nhân Mục. Lê Quý Đôn cũng đã nhắc lại sự kiện này trong Đại Việt thông sử. Như vậy, rõ ràng đình làng Việt Nam đã có từ trước thời Mạc.
-----------------------------------------
- Nguồn: Đình Việt Nam.
-Tác giả: Hà Văn Tấn- Nguyễn Văn Kự. Nxb Khoa học Xã hội 2014..
Sách dây 416 tr. giới thiệu 100 ngôi đình trong toàn quốc với trên 800 ảnh, bản vẽ và Bài Tổng luận Đình Việt Nam của Giáo sư Hà Văn Tấn .

Bài trích dẫn của nnc Nguyễn Văn Kự

inbound2745469057415920029.jpg inbound5023608219242233045.jpg inbound359299802422164769.jpg inbound1173743468216995392.jpg inbound4884879492458914703.jpg inbound6872487691572698055.jpg inbound7776457439361130499.jpg inbound6834469992786346642.jpg inbound6044252271405804969.jpg inbound7103281417176463614.jpg inbound4188267369056485945.jpg inbound2934778924674001964.jpg inbound3685839113999095350.jpg inbound982867500970762296.jpg
 
Top Bottom