Qua những hàng tre, nhà thơ bồi hồi tiến về lăng Bác , khung cảnh gần lăng càng khiến Viễn Phương xúc động hơn nữa :
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.
Mặt trời trong câu ''ngày...lăng'' là hình ảnh nhân hóa. Từ sự nhân hóa này để tạo ra liên hệ với ''mặt trời trong lăng''. ''Mặt trời trong lăng'' là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho Bác Hồ. Viết như vậy, nhà thơ muốn khẳng định : nếu mặt trời mang lại ánh sáng cho trái đất thì Bác Hồ mang lại ánh sáng cho dân tộc Việt Nam và rồi Bác cũng sẽ bất tử như vầng thái dương rực sáng. Không chỉ vậy, ''mặt trời'' của thiên nhiên đi qua lăng còn phải nghiêng mình trước ''mặt trời'' của dân tộc :''thấy một..đỏ''. Hình ảnh dòng người xếp hàng vào lăng Bác được ví với tràng hoa cũng là một liên tưởng độc đáo vừa mang tính tả thực vừa mang tính biểu tượng. Đoàn người đi từ bên lăng lên trước lăng rồi lại đi ra bên lăng giống như một tràng hoa . ''Bảy mươi chín mùa xuân '',bảy mươi chín năm cuộc đời của Bác dành trọn cho dân tộc ,vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Tràng hoa viếng người được kết bằng những tấm lòng thành kính, nhớ thương của hàng triệu triệu người con hường về vị cha già dân tộc. Điệp ngữ ''ngày ngày'' tạo ấn tượng về thời gian vĩnh viễn, vô tận, mặt trời kia là vĩnh viễn.