Sử 11 Một số vấn đề về lịch sử Việt Nam giữa thế kỷ XIX

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Tác giả: Thái Minh Quân

Lời tác giả: bài này được viết dựa trên các tài liệu chưa được công bố (các tài liệu sẽ được liệt kê ở cuối bài này) về tình hình Việt Nam trước khi Pháp xâm lược, trong khi Pháp xâm lược Việt Nam được 9 năm (1858 - 1867), để phục vụ cho HS lớp 8 học bài 22, HS lớp 11 học bài 19, đồng thời giúp các HS có cái nhìn khách quan về nhân vật này cũng khi tình hình Việt Nam thời Pháp xâm lược. Tác giả dự định sau bài này sẽ thêm 1 bài nữa, giải thích nguyên nhân tại sao Pháp lợi dụng Công giáo phục vụ cho việc xâm lược của chúng ở Việt Nam sau này. Mời quý vị đón xem

1. Cuộc tiếp xúc Việt - Pháp đầu tiên
Trong cách mạng tư sản Pháp và đế chế Napoleon I, mối quan hệ Việt - Pháp được bắt đầu sau một thời gian gián đoạn không lâu khi Hiệp ước Versailles 1787 được ký kết. Lúc này, các giáo sĩ của Hội truyền giáo Paris được gửi sang Việt Nam; đồng thời vua Pháp cũng tìm cách gửi sứ giả sang để đặt quan hệ chính thức (1) với vua Nguyễn. Thời gian đầu, Gia Long còn niềm nở tiếp đón sứ giả; nhưng ba vua kế nhiệm Gia Long bài Công giáo và chống người châu Âu không thương tiếc. Vua thứ hai của nhà Nguyễn là Minh Mạng ra hai sắc lệnh bách hại vào năm 1825, 1833. Nhưng vua kế tiếp Minh Mạng là Thiệu Trị khoan hòa hơn; ông cho thả Giám mục Lefevbre (2) vào năm 1845, nhưng Pháp lại cho hai chiến hạm phá hủy một đoàn thuyền của Việt Nam, khiến vua Thiệu Trị rất tức giận và tiếp tục bách hại (vua con là Tự Đức tiếp tục ra hai sắc lệnh bách hại nữa vào các năm 1848, 1860)
2. Ý tưởng thôn tính đầu tiên
Nhiều tài liệu chứng minh ý định bành trướng từ lâu đã là nền móng cho mục đích tiến hành các cuộc viễn chinh của Pháp chống lại Đế quốc An Nam. Vào ngày 25/11/1857, Ngoại trưởng Walewki của Pháp gửi thư cho Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa là Hamelin, có đoạn: "những nỗ lực vô ích mà chúng tôi thực hiện theo hướng nay trong nhiều trường hợp đã cho thấy cần thiết phải mời Chuẩn đô đốc Rigault de Genouilly ưu tiên cho phương cách nào hiệu quả và chắc chắn hơn. Với kinh nghiệm và khả năng của mình, viên tướng này (khi đến bờ biển An Nam) phải chiếm giữ vịnh và lãnh thổ Tourane. Làm chủ vị trí này, ông ta sẽ phải thị sát (...), một mặt là tầm quan trọng của kết quả thu được, mặt khác là sự hy sinh có thể chấp nhận, nếu những nỗ lực này có xu hướng thiết lập sự bảo hộ của Pháp ở Nam Kỳ hoặc nếu phải giới hạn ký một hiệp ước hữu nghị, thương mại và hàng hải, theo quy định bồi thường thỏa đáng những cuộc đàn áp nhà truyền giáo của ta, an ninh trong tương lai phải là mục tiêu chính thức." (3). Ít lâu sau, Hamelin lại gửi một thư nữa cho De Genouilly, trong phụ lục có đoạn: "Trong mọi trường trường hợp, điều đó có nghĩa là ngài hoặc các sĩ quan của ngài, phải hoàn tất các chiến thuật, cần phài chiếm giữ vùng Tourane và đóng quân vững chắc ở đó" (4). Năm 1862, thư của giám mục Pháp De La Liraye gửi cho Napoleon III có đoạn tương tự: "cơ hội và quyền can thiệp vũ trang và chiếm giữ (An Nam) với bất cứ giá nào" (5).
3. Viễn Đông miễn cưỡng mở ra với phương Tây
Mặc khác, quan niệm của phương Tây về tầm quan trọng của giao thương vốn không ảnh hưởng gì đến nước Việt Nam. Giữa thế kỷ XIX, Trung Quốc trở thành miếng mồi ngon của phương Tây sau khi chiến tranh nha phiến bùng nổ không lâu; kết quả là Hoàng đế Trung Hoa phải ký Hiệp ước Nam Kinh năm 1842, mở 5 cảng cho phương Tây và nhượng Hongkong cho Anh. Nhật cũng bị phương Tây nhòm ngó, bị buộc phải ký các hiệp ước bất bình đẳng; từ 1868 thì cuộc Duy tân Minh Trị diễn ra, Nhật Bản nhanh chóng hiện đại hóa.
4. Người Pháp đến không chỉ bảo vệ Công giáo ?
Không phải là không có lợi ích để nhận rõ ra các cuộc đàn áp người theo Công giáo không phải là lý do duy nhất khiến liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng. Ngay từ năm 1841, hoàng thân Louis Bonaparte (về sau là Napoleon III tương lai) đã kêu gọi rằng, động cơ duy nhất mà luôn chi phối việc thành lập các thuộc địa là lợi ích thương mại và lợi ích chiến tranh (6). Ngày 9/12/1861, Đô đốc Bonard gửi điện báo về Bộ Hải quân và thuộc địa, trong đó khẳng định lý do khiến người Pháp phải chiếm đóng Nam Kỳ: nỗi sợ bị người Anh vượt qua: "Khi tôi đến Nam Kỳ, tôi đã báo cho ngài Đô đốc rằng có khả năng, một lúc nào đó người Anh cũng có thể cắm cờ trên hòn đảo này (tức Côn Đảo), và có thể sau đó sẽ gây trở ngại lớn cho Chính phủ và thuộc địa". (7)
5. Tự Đức bàn bạc ra sao với các quần thần
Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Xuân Thọ đã nói ra tâm trạng của Hoàng đế nhà Nguyễn khi ông bàn bạc với các quần thần: "Không còn nghị ngờ gì nữa, Tự Đức có thể yêu cầu một cuộc kháng chiến toàn lực, ban lời khen ngợi, tưởng thưởng và phẩm tước nếu thành công, bãi chức không qua xem xét quan lại mỗi khi thất bại (...) Nhưng thật không may, những lời tuyên bố đẹp đẽ này, những phần thưởng cao quý và những lời khiển trách nặng nhất, đặc biệt đến từ một ông vua không rời khỏi cung điện, cách xa người dân, hoàn toàn không đủ để bù đắp cho quân đội Việt Nam đang bị thiếu trang bị và mất niềm tin" (8).
Trong các văn bản gửi Thượng thư Bộ Hộ là Nguyễn Bá Nghi, Hoàng đế ra lệnh cho ông này phải theo cách trì hoãn với Pháp. Trong chiếu chỉ gửi Nguyễn Bá Nghi yêu cầu nghị hòa với Pháp, nhà vua ghi mơ hồ: "sự thế khó làm, Trẫm đã biết hết rồi. Người có lòng chịu trách nhiệm, nên hết sức mà làm, để tỏ khí tiết như cây khỏe gặp bảo táp là được" (9). Mặc dù lệnh cho Nguyễn Bá Nghị phải đàm phán với Pháp ở thế mạnh, ý đồ của nhà vua khi muốn Bá Nghi đàm phán với Pháp là: "cái hòa ước là cái cớ để đánh lừa sự cảnh giác của quân Pháp, cuộc chiến vẫn là động lực thực sự cho hành động của chúng ta ở Nam Kỳ" (10). Nhưng Bá Nghi vẫn trái ý vua, nghị hòa nên bị vua cách hết chức tước sau khi ông này về triều đình.
6. Tự Đức bàn bạc với quần thần và Hiệp ước 5/6/1862
Tháng 5/1862, Pháp cử soái hạm sang triều đình Huế phải cử khâm sai đại thần đến ký hòa ước, đòi bồi thường 100.000 quan tiền bảo lãnh cho hòa bình (11).
Vua Nguyễn bàn bạc với các quần thần Huế. Trong cuộc bàn bạc, "Trương Đăng Quế cho rằng cử sứ giả Việt Nam là việc khả thi. Lâm Duy Hiệp ủng hộ việc này và thúc làm càng sớm càng tốt. Trương Đăng Quế đồng ý với Lâm Duy Hiệp và ông ta nhận định, hòa binh nên được ưu tiên hơn chiến tranh. Nếu người không tận dụng các quy định tương đối thuận lợi của Pháp để phê chuẩn các điều nghị hòa, có thể sẽ có rắc rối đáng tiếc không ai có thể lường hết hậu quả. Tất cả các quan chức (kể cả vua) đồng tình với Lâm Duy Hiệp" (12). Triều đình cử người có uy tín nhất, can đảm và yêu nước là Phan Thanh Giản làm khâm sai đại thần để ký hòa ước. Trong lễ yến tiệc chia tay, vua nhắn nhủ Phan Thanh Giản phải: "hai điểm cốt yếu cần ghi nhớ: nhượng lại lãnh thổ, thực thi tôn giáo Công giáo (...) không được yếu đuối, không được vội vàng thỏa hiệp. Hãy tin chắc, không vì bất kỳ duyên cớ nào, bất kỳ giá nào mà để bị lung lạc khỏi kế hoạch đã đạt ra" (13). Tự Đức tin tưởng với sự lựa chọn người đàm phán của mình, rằng các vị sứ giả sẽ có đủ quyền cân nhắc và quyết định. Trước khi khởi hành, vua còn dặn: "khi thương thuyết xin hãy dò lường từng tý, tùy nghi biện bác, sao cho họ bình tâm nghĩ lại, giảm được phần nào thì tốt phần ấy, nếu không được thì mới từ ít đến nhiều (...) Nếu họ không nghe thì không nên kiếm cớ đình cuộc thương thuyết này để bảo vệ trù biện cho hợp sự thể" (14).
Tháng 6/1862, phái đoàn thương thuyết của triều đình Huế đến Sài Gòn. Theo mô tả của Paulin Vial và Lemire, cả hai vị sứ giả Việt Nam xuất hiện ở Sài Gòn trên chiếc tàu giương cờ rách rưới và bảo trì kém (15). Theo mô tả của Lemire, "chuẩn đô đốc Pháp cùng toàn bộ nhân viên và đại tá Palanca, cưỡi ngựa đến Trường Thi (...). Sứ giả và Đại tướng vào trong ba chiếc xe, mỗi chiếc được kéo bởi bốn con ngựa pháo" (16). Đến nơi, sứ giả tận mắt thấy Pháp diễu hành, nhưng họ để lại ấn tượng tốt với quan binh Pháp. Vial viết: "những người này có dung mạo thông minh và thiện cảm, làm rạng rỡ cho lễ nghi khiêm tốn (...) biểu lộ nét mặt điềm tĩnh và tươi cười, nhiều lần nhân cơ hội bày tỏ những lời lịch sự, hòa hoãn mong muốn sâu sắc" (17). Lemire hết lời khâm phục khâm sai đại thần của Việt Nam: "Vị Thượng thư Hình bộ và Lễ bộ có diện mạo toát lên vẻ tinh tế, thông minh và khôn khéo. Dù đã 67 tuổi nhưng ông vẫn tràn đầy sức sống và chính ông là người thương thảo, xử lý các sự vụ" (18). Tuy vậy hai Thượng thư vẫn thoải mái thảo luận và buộc phải ký Hòa ước 1862.
7. Bonard giải thích tại sao ông ký Hiệp ước 1862
Trong bức thư gửi Bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp ngày 28/7/1862, Bonard khoe rằng với lực lượng hiện tại thì "chúng tôi không chỉ chiếm được 6 tỉnh, yêu cầu chính quyền Huế đến thỉnh cầu hòa bình ở Sài Gòn, công khai trả trước một phần phí bồi thường... chúng tôi đã xác lập một tiền lệ, hoàn toàn trái ngược với những thói quen tự hào của những người châu Á này" (19). Bức thư này cũng hé lộ một tình tiết mới: "Tôi sẽ không đề cập quá nhiều đến quý ngài đại diện Toàn quyền của Tây Ban Nha, người đã hỗ trợ tôi trong cuộc đàm phán khó khăn này (...) chưa đặc biệt nhắc đến Đại úy hải quân Aubaret, với hiểu biết về ngôn ngữ Trung Hoa, An Nam cũng như thế giới châu Á đã giúp đỡ tôi rất nhiều".
8. Thái độ của Tự Đức sau Hiệp ước 1862
Sau khi Hiệp ước được ký kết, Phan Thanh Giản được bổ làm Tổng đốc Vĩnh Long, Lâm Duy Hiệp làm Tuần phủ Thuận Khánh; là hai tỉnh giáp với những vùng mà họ đã nhượng cho Pháp. Nhiệm vụ của quan cai trị hai tỉnh này: duy trì quan hệ tốt đẹp với Pháp, bình định và giải giáp những dân binh ẩn náu ở hai tỉnh mà họ đang cai trị. Mặc dù vậy, triều đình vẫn hỗ trợ nghĩa quân Trương Định về tiền bạc, nhân sự và vũ khí. Sợ Pháp nghi ngờ, Hoàng đế tỏ vẻ hợp tác với thực dân Pháp bằng cách: sao chép 12 mục của Hiệp ước để yết thị cho thần dân biết, khuyên họ tiếp tục làm việc. Gosselin nhấn mạnh rằng, nhà vua Nguyễn tỏ vẻ hợp tác vì vua muốn giữ gìn những vùng đất nơi tro cốt tổ tiên nằm ở cửa ngõ Sài Gòn.
Về phần mình, Bonard lo ngại nhân dân Việt Nam khởi nghĩa khắp nơi nhưng hắn ta vẫn tin tưởng vào những cam kết của Hoàng đế Tự Đức. Ít lâu sau, Bonard gửi tiếp một báo cáo về Bộ. Trong Báo cáo này có đoạn: "Bằng cách trì hoãn, với một số quân dự bị nhất định ở thành Vĩnh Long, chính phủ Huế can dự quá mức đến việc hoàn thành giao nộp các tỉnh đã bị nhượng (điều kiện tiên quyết) để không phải nhượng bộ nước ta trong việc hoàn thành cuộc bình định này, điều sẽ khiến chúng ta phải trả giá bằng nhiều thời gian, con người và tiền bạc"(20).
9. Tổng đốc Vĩnh Long - Phan Thanh Giản
Trong chỉ dụ ngày 15/7/1862, vua Tự Đức quyết định tước phẩm hàm của Tổng đốc Vĩnh Long Trương Văn Huyền (tức Trương Văn Uyển) và cử Lễ bộ thương thư Phan Thanh Giản làm Toàn quyền Vĩnh Long, Lâm Duy Hiệp làm Tuần phủ Bình Thuận (21).
Khi Phan Thanh Giản nhậm chức, Bonard than thở về tình hình trong báo cáo gửi về Bộ (trích đoạn): "Không có gì ngạc nhiên khi tình cảnh xảy ra sau bốn tháng chiến tranh đã phá vỡ mọi thứ, đã tập cho dân chúng (...) để tập hợp vũ trang nhập ngũ vào tất cả băng cướp biển và tội phạm Nam Kỳ nghe theo sự xúi giục của các mật sứ Tự Đức (...). Sự hiện diện của những kẻ gây rối này ở đất nước, trong đó một số người chiếm giữ các vị trí cao trong chính quyền cũ, vẫn tiếp tục để duy trì kích động, bất chấp Hiệp ước; nhưng tất cả những người này sẽ được triệu hồi và thay thế. Vua An Nam đã thông báo vói tôi rằng về bằng chứng không thể chối cãi về việc thực thi Hiệp ước, ông đã gởi hai nhân vật (là hai người đã ký hòa ước 1862) với một mệnh lệnh, họ đã chấp thuận, và nhớ vào mối quan hệ tốt đẹp mà tôi đã duy trì với họ trong các hội nghị trước khi ký kết hòa ước (22).
Viên tân Tổng đốc Vĩnh Long và Bonard nhiều lần trao đổi thư từ với nhau để duy trì liên hệ. Trong thư của Tổng đốc gửi Bonard vào tháng 7/1862, Phan Thanh Giản "chỉ thị họ (tức những quan lại khởi nghĩa) triệt thoái". Bonard cũng biên một bức thư ngày 1/8/1862 nói về thiện chí của Tổng đốc Vĩnh Long: "Những vị đại quan này là người mang các chỉ dụ của Hoàng đế Tự Đức, triệu hồi các thủ lãnh những cuộc nổi dậy và bổ nhiệm các quan lại mới độc lập với chỉ dụ này. Các sứ thần đã có trong tay Tuyên cáo của Hội đồng Phụ chính, thông báo về việc ký hòa ước và khuyến nghị dân chúng các tỉnh từ bỏ vũ khí, giải trừ dân bình và trở lại công việc (...) Tội phải nhấn mạnh rằng, chúng ta sở hữu ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Mỹ Tho (tức Định Tường)" (23).
Sự hài lòng của Bonard không kéo dài được bao lâu, hắn ta báo cáo mật (ngày 20/10/1862) về Paris. Báo cáo có đoạn: "Tôi tiếp tục ca ngợi chỉ mình Phan Thanh Giản; tất cả Nam Kỳ đã thi hành Hiệp ước (...), nhưng Gò Công, nơi tất cả những kẻ manh đông đã lánh nạn ở một xứ đầm lầy khiến không thể chiến đấu trong mùa này, đã không tuân theo mệnh lệnh của Hoàng đế; tôi e ngại, với đầy hối tiếc, buộc phải chấm dứt sự rắc rối này bằng vũ lực ngay khi mùa khô đến, cho phép tôi huy động quân đội" (24). Sự không hài lòng của ý là có cơ sở, khi triều đình Huế giáng cấp Tổng đốc Vĩnh Long, Tuần phủ Thuận Khánh chết vì dịch tả (tháng 6/1863). Dù vậy, Bonard vẫn thể hiện niềm tin vào Tổng đốc Vĩnh Long. Mặc khác, Bonard hết sức lo ngại hoạt động của những giáo sĩ: "Về phía những thừa sai, rắc rối nghiêm trọng nhất có thể xảy ra nếu chúng ta không hạn chế với một sự che chở đúng đắn bảo đảm cho họ, và viện cớ tôn giáo, người ta ủng hộ họ trong các chính sách tồi tệ nhằm lật đổ Chính phủ hiện thời (...) bởi vì họ sẽ trở thành những kẻ phiến loạn thực sự chứ không phải là những người tử vì đạo. (Họ - ý chỉ các giáo sĩ) không thấy rằng những người kế vị Gia Long đã đáp ứng đủ những ước muốn của họ, nhưng họ chối bỏ tính chính đáng của những điều này. (...). Họ coi Gia Long là một kẻ tiếm vị và tìm kiếm một hậu duệ triều Lê mà các vị vua, vốn đã trở thành những vị vua lười nhác (...). Một hậu duệ của dòng họ Lê, đã từng trải qua những nhục nhằn, từng đóng vai người gác cổng nhà dòng, mà những người cực đoan của Giáo hội này (tức dòng tu sĩ Đa Minh) khiến anh ta trở thành ứng viên cho ngôi vương, tin chắc vào ảnh hưởng của họ lên anh ta, nếu kế hoạch của họ thành công" (25).
10. Quản Định và quyết định hai mặt của Tự Đức
Sau bức thư (số hiệu 555, trong bộ M.D. Asie. Micr. N0 28) của Bonard gửi về Bộ hồi ngày 30/9/1862, Bộ cũng nhận tiếp một bức thư của Chủng viện Hội thừa sai Paris, có đoạn: "Cha Herrengt (...) đã làm Tự Đức ác cảm (...). những vị thừa sai trong vùng này vẫn chưa thể đưa tin tức của họ cho những đồng sự Sài Gòn và cánh cửa nhà tù thối tha nơi của Kito hữu bản xứ tội nghiệp, bị tước hết tài sản, bị nhốt cứng (...). Theo báo cáo của các nhân chứng, (họ) rách rưới và đau xót do sự hành hạ của cơn đói và khổn khổ đã tàn sát họ". Cha Herrengt cũng nhận định: "ngày càng rõ ràng rằng hòa bình chỉ là cái bẫy để người An Nam có được phương cách chống lại cuộc nổi dậy ở Bác Kỳ, cũng như bày tỏ một số biểu hiện thân thiên đối với người Pháp, họ tiếp tục tăng cường chuẩn bị cho kháng chiến ở khắp mọi nơi" (26).
Lá thư số 309 của Bonard ngày 14/1/1863 bày tỏ nỗi thống khổ của quân Pháp, khởi nghĩa Quản Định: "lực lượng ít ỏi của chúng tôi (...) không đủ sức làm Tự Đức chấp nhận đầu hàng. Dần dần, cuộc chiến đã lan rộng và dân chúng tham gia ngày càng nhiều hơn (...). Triều đỉnh tổ chức công khai và lén lút thời kỳ này, trên toàn diện Nam Kỳ một cuộc nổi dậy bền bỉ đã bị đẩy lùi ở khắp mọi nơi, nhưng không nơi nào chúng tôi có thể thống trị được vì thiếu phương tiện hoạt động đầy đủ: đó là một ngọn lửa âm ỉ dưới đống tro tàn, luôn luôn sẵn sàng bùng lên trở lại; đó là nguyên nhân hủy hoại sắp đến, nếu chúng ta tiếp tục chỉ sử dụng một nửa năng lực để kiểm soát tình hình". Về Quản Định, lá thư này có đoạn: "Quản Định, thủ lãnh cuộc khởi nghĩa Gò Công - mặc dù bị kinh lược đại thần Vĩnh Long công khai phủ nhận, nhiều lần yêu cầu ông ta giải giáp để hiệp ước của xứ sở được thực thi - bị từ chối chính thức (...), nhưng tất nhiên ông ta được lén lút hỗ trợ và gửi vũ khí, đạn dược, và thậm chí danh vị và ấn triện"(27).
Nhưng để lấy lòng Pháp, Phan Thanh Giản trong bức thư mật gửi Bonard có đoạn: "Trương Định cư trú bất hợp pháp trên lãnh thổ Tân Hòa (...) gầy dựng quân binh và từ lâu không có bất kỳ mối quan hệ nào với tôi (...). Tôi biết rằng Trương Định tự gọi mình là Tương quân của những kẻ nổi loạn kiêu hùng (...) rằng dân chúng ở ba tỉnh này khao khát quay lại tình trạng cũ đã tôn ông làm thủ lãnh để dấy binh và khởi sự khi thời cơ đến; ông ta nói rằng (...) chúng tôi phải gửi điện văn liên quan đến sự đầu hàng của ba tỉnh, ông ta cho phép liên lạc như vậy; nhưng nếu chúng tôi duy trì việc nhượng lãnh thổ như trước và giúp quân đội các ngài, khi đó ông ta sẽ chọn việc chống lại mệnh lệnh của Triều đình và chắc chắn sẽ không có thỏa thuận đình chiến giữa hai bên. Trương Định trước đây đã lừa dối Triều đình An Nam bằng cách giả vờ rằng ông ta dành hết nhiệt huyết phục vụ Triều đình; sau đó ông ta tập hợp và nuôi dưỡng một số lớn nhân sự, trù tính ý đồ phản nghịch. Ông dám lợi dụng tình cảnh này để phất lên bằng cách phó mặt cho dân chúng, ông ta tuyên bố rằng chính quản và đội đã buộc ông ta phải cầm đầu họ. Ông ta cũng dám cho rằng, bằng hành động theo cách này, ông ta đã tuân theo mệnh lệnh của Triều đình; và trong một thời gian dài, ông ta đã làm cho dân chúng phật ý"(28). Ở phần cuối bức thư này, Phan Thanh Giản yêu cầu người Pháp giúp đỡ bắt Trương Định

(còn nữa)

Tài liệu tham khảo:
  1. Vua Pháp Louis XVIII gửi thư cho Bougainville con nhờ chuyển đến Huế cho vua Minh Mạng xem, nhưng sau đó vua Nguyễn từ chối và ông cấm sứ giả Pháp đến Huế. Theo Philippe Heduy, Histoire de L'Indochine 1624 - 1954, Sociétes des Productions litteraires, Paris, 1983
  2. Claude Lange, Histoire du Christianisme au Vietnam: L'Histoire, la terre, les hommes, sous la direction d'Alain Ruscio, Nxb Harmattan, Paris, 1989.
  3. C.A.O.M (Trung tâm lưu trữ hải ngoại Pháp).GGI, thư mục gốc 110
  4. C.A.O.M. Indochine Amiraux, tài liệu 110, phần 1 (bản gốc)
  5. C.A.O.M.GGI, tài liệu 11106: vấn đề An Nam
  6. "Các thuộc địa của chúng ta ở Thái Bình Dương; Sự tiến bộ của Pas-de-Calais ngày 14/6/1841", trong Tác phẩm của Napoleon III, tập 2, Henri Plon xuất bản, Paris, 1856
  7. M. D. Asie. Micr. N028; phụ lục đầu tiên cho bức điện báo của Bộ Hải quân ngày 7/2/1862.
  8. Nguyễn Xuân Thọ, Histoire de la pénétration francaise au Vietnam (1858 - 1897), Nxb Giáo hội Phật giáo Linh Sơn thế giới, USA, 1993
  9. Lê Thanh Cảnh, "Notes puor servir à l'Indochine de l'etablisselnent du protectorat francais en Annam", B.A.V.H. 1932
  10. Lê Thanh Cảnh, Tài liệu đã dẫn.
  11. Nguyễn Xuân Thọ, Tài liệu đã dẫn.
  12. Nguyễn Xuân Thọ, Tài liệu đã dẫn.
  13. Lê Thanh Cảnh, Tài liệu đã dẫn.
  14. Phan Khoang, Việt Nam Pháp thuộc sử, Nxb Khai trí, Sài Gòn, 1961
  15. Paulin Vial, Les premières annes de la Cochichine colonie francaise, Challamel Aine, Paris, 1874 (2 tập). Charles Lemire, Ingenieur civil des Telegraphes (1839 - 1912); xem "Charles Lemire ou la foi coloniale", B.S.E.I, 1936
  16. "Charles Lemire ou la foi coloniale", B.S.E.I, 1936
  17. Paulin Vial, Sách đã dẫn.
  18. Charles Lemire, Lettre du 13 Juin 1862.
  19. M.D. Asie. Micr. N0 28
  20. M.D. Asie. Micr. N0 28 (tài liệu đã dẫn).
  21. M.D. Asie. Micr. N0 28 (tài liệu đã dẫn), phụ lục thứ ba trong điện văn của Bonard ngày 7/11/1862. Theo Đại Nam thực lục, Lâm Duy Hiệp được cử làm Tuần phủ Thuận Khánh, không phải Tổng đốc Bình Thuận
  22. M.D. Asie. Micr. N0 28 (tài liệu đã dẫn).
  23. M.D. Asie. Micr. N0 28 (tài liệu đã dẫn).
  24. Thư mật của Bonard gửi Bộ Hải quân và Thuộc địa ngày 20/10/1862, số hiệu 595; theo M.D. Asie. Micr. N0 28 (tài liệu đã dẫn).
  25. M.D. Asie. Micr. N0 28 (tài liệu đã dẫn). Mật thư số 432 ngày 24/7/1862 của Bonard gửi về Bộ
  26. Hai đoạn trích của đoạn văn này trích lại từ M.D. Asie. Micr. N0 28
  27. M.D. Asie. Micr. N0 28.
  28. M.D. Asie. Micr. N0 28.
 
  • Like
Reactions: Hồ Phong Linh
Top Bottom