Ai trên thế giới này khi đã sống không thể không có ước mơ, ước mơ là mục tiêu của cuộc sống, dù bạn đang làm gì, đang học gì, đang có hoàn cảnh sống thế nào hay ở trong bất cứ trường hợp nào bạn cũng có một ước mơ nuôi trong lòng. Dường như con người ta từ khi sinh ra đã mang sẵn một ước mơ trong lòng, khi còn bé ta vẫn mơ ước thành ngùơi lớn, khi lớn lên ta lại muốn mình học giỏi, trưởng thành thì lại mong thành đạt trong cuộc sống và có nhiều bạn bè, người thân được hạnh phúc...Dù là nhỏ hay lớn thì ước mơ vẫn luôn là động lực cho mỗi con người tiến lên, đó là sự khao khát, là ước vọng, là ý chí mãnh liệt, là nguồn sức mạnh rất lớn lôi kéo ta trở lại với chính mình mỗi khi khó khăn đánh gục.
Ai khi đã sống cũng hành động, bạn đang đánh máy, đang ăn, đang học, đang đi...đều là hành động. Hành động là phương thức để thực hiện ước mơ của bạn. Hành động cần có cái gọi là mục tiêu, hành động mà không có chủ đích thì hành động đó vô nghĩa và không mang lại lợi ích gì cả. Ngược lại, có ước mơ, có khát vọng mà không hành động thì đó chỉ là mảnh rác vứt ở xó nhà, nó không thể làm được gì mà chỉ bất lực, nhiều khi nản lòng mà đâm ra trách đời.
Hai yếu tố trên bổ trợ cho nhau và làm hoàn thiên nhau, nếu ghép lại thì phải nói là: "sống là ước mơ và hành động
Vấn đề đặt ra tiếp theo là giữa ước mơ và hành động nên có cái nào trước? Vấn đề này thật khó khăn và không có phạm trù nhất định.
Chúng ta bước đi được nhờ có mặt đất nâng đỡ, cũng giống như khi ta sống phải có nền tảng của cái sống, nền tảng của sự sống không gì hơn ngoài niềm tin, hi vọng và nhất là mục tiêu phấn đấu của bản thân. Chính vì vậy, ước mơ lúc nào cũng hình thành trước và là cơ sở, nền tảng cho những hoạt động khác nối tiếp. Nhìn lại lịch sử, ta không thể quên nhà sáng chế tài ba người Mĩ Edison, từ ngày còn bé ông đã không ngừng nuôi mơ ước đi theo con đường khoa học và đóng góp thật nhiều cho lĩnh vực nào, cái khao khát đó thúc đẩy và sôi sục trong lòng ông khiến ông đã trở thành một con người đầy nghị lực. Chưa học hết lớp 2 nhưng ông đã có nhiều công trình mà đến ngày hôm nay nhân loại vẫn không ngừng nhắc đến tên ông với lời khâm phục và cám ơn chân thành.
Nhìn lại hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mĩ gần đây ta sao quên được những năm tháng vất vả và gian nan, những lúc dân tộc ta chìm trong máu lửa và bị giày của quân thù giày xéo quê hương. Khi ấy trong lòng mỗi con người Việt Nam đều nung nấu một ý chí, một ước mơ, một mong muốn dường như là duy nhất là có thể giết chết chúng đi. Chính từ đó mà Bác - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đã ra đi tìm đường cứu nước và với tinh thần chiến đấu ngoan cường, không chịu khuất phục nhân dân ta đã làm nên những chiến thắng lẫy lừng năm châu.
Tuy nhiên không thể nói ước mơ và hành động ở một phạm trù cụ thể. Ước mơ có thể chia làm hai loại như sau:
1. Ước mơ chính đáng:
Ước mơ chính đáng là ước mơ phù hợp với hiện thực xã hội, hoàn cảnh gia đình, điều kiện của bản thân, tình hình đất nước, nằm trong khả năng của mình và đáp ứng nhu cầu chung của cộng đồng, xã hội, của gia đình và cá nhân, không nhằm phục vụ cho những mục đích ích kỉ, đi ngược với đạo đức, lối sống và chuẩn mực văn hóa xã hội.
Nhìn ra ngòai cuộc sống ta có thể bắt gặp nhiều ước mơ chính đáng, như hai ví dụ trên đã nêu. Ước mơ chính đáng giúp thúc đẩy xã hội phát triển, là động lực giúp cá nhân vươn lên trong cuộc sống và không ngừng phấn đấu, rèn luyện sao cho tiến bộ, là nền tảng giúp các lĩnh vực khác trong đời sống ngày càng cải tiến. Nói tóm lại nó mang yếu tố tích cực.
Muốn có ước mơ chính đáng phụ thuộc vào nhận thức của từng người về giá trị bản thân và có những tư tưởng, suy nghĩ phù hợp với chuẩn mực chung của các phạm trù đạo đức khác.
2. Ước mơ không chính đáng:
Ước mơ không chính đáng là ước mơ phục vụ cho lợi ích cho riêng mình mà không có lợi ích cho mọi người xung quanh mà ngược lại còn làm ảnh hưởng xấu đến xã hội, là những ước mơ viển vông, không có khả năng thành hiện thực và là rào cản cho sự phát triển của xã hội.
Những ước mơ không chính đáng như những kẻ đi xâm lược, có mong muốn và khao khát làm bá chủ thiên hạ nhưng lại ảnh hưởng xấu đến tình tình thế giới.
Mỗi chúng ta cần suy nghĩ kĩ và thận trọng khi hình thành ước mơ vì đó là nền tảng giúp chúng ta định hướng hoạt động trong tương lai mà không phải hối hận
Tương tự, hành động cũng có hai loại tương ứng với ước mơ:
1. Hành động chính đáng:
Là những hành động phục vụ cho ước mơ chính đáng theo con đường phù hợp với chuẩn mực đạo đức và không vi phạm pháp luật, chuẩn mực văn hóa xã hội.
Những ngừơi có ước mơ và hành động chính đáng thường là người được mọi người quý trọng, có uy tín, có nghị lực vươn lên và có nhiều thành công trong cuộc sống.
2. Hành động không chính đáng:
Là những hành động bất chấp tất cả để phục vụ cho những ước mơ không chính đáng, có thể vi phạm pháp luật hoặc tiêu chuẩn đạo đức xã hội, ngoài ra những hành động không có chủ đích cụ thể, không nhằm phục vụ lợi ích cho xã hội, không có chủ kiến cũng được xem là không chính đáng
Trong cuộc sống ước mơ và hành động luôn đi đôi và bổ sung cho nhau, góp phần làm hoàn thiện nhau và nếu biết cách kết hợp giữa ước mơ chính đáng với hành động chính đáng chúng ta sẽ dễ dàng nhận được thành công trong cuộc sống. Ngược lại với ước mơ không chính đáng và hành động không chính đáng sẽ là những ảnh hưởng xấu và gây hại cho xã hội,cần được loại trừ và xóa bỏ triệt để.