Văn [Lớp 10] Cùng bạn ôn thi học kì 1 - Nhàn

Kagome811

Banned
Banned
28 Tháng hai 2017
670
1,763
271
21
Hải Dương
th
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Tùy vào từng dạng đề các bạn lựa chọn dàn ý phù hợp nha !!!
Dàn ý phân tích:
  1. Mở bài
– Giới thiệu tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đa tài, sống trong xã hội đầy bất công ông suy nghĩ, trăn trở về cuộc sống con người, quyết cầm bút lên để chiến đấu với gian tà.
– “Nhàn” là bài thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện rõ quan niệm sống của tác giả.

  1. Thân bài
– Hai câu đề:
“Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai, vui thú nào”
+ Nhịp điệu những câu thơ đầu tạo cảm giác thư thái, ung dung

+ Bằng cách sử dụng những vật dụng quen thuộc của người dân lao động cho thấy cảnh nghèo khó nhưng an nhàn, thanh bình biết bao

+ Tâm trạng của nhà thơ là tâm trạng của một kẻ sĩ “an bần lạc đạo” vượt lên trên nỗi lo lắng bon chen của đời thường để tìm đến thú vui của ẩn sĩ.
– Hai câu thực:
"Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao"
+ Cách sử dụng phép đối: dại >< khôn, nơi vắng vẻ >< chốn lao xao
-> cho thấy được sự khác nhau giữa lối sống của tác giả và người đời thường. Ông cho rằng nơi vắng vẻ là nơi thôn quê yên bình ở đó không còn bon chen chốn quan trường, đây mới thực là cuộc sống.
+ Cách xưng hô “ta” , “người”
-> Hai về tương phản làm nổi bật ý nghĩa, nhấn mạnh phương châm, quan niệm sống của tác giả khác với thông thường. Đồng muốn ngầm ý phê phán thói đời, thói người, và thể hiện cái cao ngạo của kẻ sĩ.
– Hai câu luận:

“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”
+ Cuộc sống giản dị không cần những thứ giàu sang hào nhoáng chỉ là sản vật từ nhiên nhiên “măng trúc” “giá” -> Thấy được cuộc sống an nhàn, đạm bạc thanh cao, lối sống hòa nhập với thiên nhiên của tác giả.
+ Cái thú sống an nhàn ẩn dật, những con người có nhân cách cao đẹp khi sống trong thời loạn lạc ấy để giữ được phẩm giá cốt cách của mình chỉ có cách cáo quan về ẩn dật, an lòng với cảnh nghèo khó, sống chan hòa với thiên nhiên với vũ trụ.
– Hai câu kết:

"Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao"
+ Xem nhẹ lẽ đời sống sa hoa phú quý, ông ngậm ngùi coi đó như một giấc chiêm bao.
+ Lối sống thanh cao vượt lên trên lẽ đời thường

  1. Kết luận
– Quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm sống vui thú với lao động, hòa hợp với thiên nhiên, giữ cốt cách thanh cao, xa lánh vòng danh lợi.
Nguồn: Onthivanhoc.com
Đề bài: Quan điểm “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện trong bài “Nhàn”
A. Mở bài:
– Nhàn là một chủ đề lớn trong thơ NBK, cả trong thơ chữ Hán và chữ Nôm: “rỗi nhàn”, “thân nhàn”, “phận nhàn”…Bài thơ Nhàn là bức chân dung Nguyễn Bỉnh Khiêm được chụp từ nhiều góc độ khác nhau: cuộc sống, tâm hồn và trí tuệ.

B. Thân bài:
a. Góc độ thứ nhất, Nhàn là bức chân dung cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

– Hai câu đầu thể hiện vẻ đẹp của ông trong cuộc sống thuần hậu:

"Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào."
+ Cụ Trạng về sống giữa thôn quê như một “lão nông tri điền”, với những công cụ quen thuộc của nhà nông: “mai” để đào đất, “cuốc” để xới đất, “cần câu” để câu cá. Cách sử dụng số từ : “Một…, một…, một…” cho thấy tư thế hoàn toàn chủ động, chu đáo và sẵn sàng của ông, hòa vào cuộc sống mới – cuộc sống của những người nông dân lam lũ, vất vả. Thái độ của Cụ Trạng hoàn toàn vui vẻ, không chút buồn phiền: “Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”

– Cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm còn mang đậm vẻ đạm bạc mà thanh cao:

"Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao."
+ Sự đạm bạc là ở những thức ăn quê mùa, dân dã: măng trúc, giá đỗ. Các món ăn đạm bạc, cây nhà lá vườn do chính bàn tay và sức lao động của Cụ Trạng làm ra. Không chỉ thế, ông sinh hoạt cũng như bao người dân quê khác: không cao sang, quyền quý, mà cũng tắm hồ, tắm ao…
+ Đạm bạc mà không ảm đạm. Đạm bạc mà thanh cao. Cuộc sống thanh cao trong sự trở về với thiên nhiên, mùa nào thức ấy.
Hai câu thơ là một bức tranh tứ bình về cảnh sinh hoạt với bốn mùa : xuân, hạ, thu, đông.

b. Góc độ thứ hai, Nhàn là bức chân dung tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

– Nguyễn Bỉnh Khiêm vốn là người thẳng thắn, trung nghĩa. Vì dâng sớ xin vua chém mười tám tên lộng thần không được, nên ông cáo quan về quê sống, chứ không phải ông trốn tránh cuộc đời như nhiều người nghĩ. Nhờ vậy, chúng ta mới có dịp tìm hiểu con người ông qua Nhàn – một bài thơ được sáng tác khi ông đã rời bỏ chốn quan trường.

– Yêu thiên nhiên nên ông trở về sống với thiên nhiên. Yêu đến độ giữa con người và thiên nhiên không còn khoảng cách. Bốn mùa, mùa nào cũng có những ưu đãi cuộc sống thanh tao của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Về với thiên nhiên, sống hòa hợp với tự nhiên là thoát ra ngoài vòng ganh đua của thói tục, không bị cuốn hút vào vòng xoáy danh lợi.

– Nhân cách của ông đối lập với danh lợi như nước với lửa:

"Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao."
+ “Nơi vắng vẻ” đối lập với “chốn lao xao”, “ta dại” đối lập với “người khôn”. Ta tìm nơi vắng vẻ là nơi không người cầu cạnh ta, ta cũng không cầu cạnh người, là nơi tĩnh tại của thiên nhiên, thảnh thơi của tâm hồn. Người đến chốn lao xao là đến chốn sang trọng, ngựa xe tấp nập, thủ đoạn, bon chen, mua danh bán tước…Thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm là sự phủ nhận danh lợi : “Để rẻ công danh đổi lấy nhàn” (thơ Nôm, bài 13).

c. Góc độ thứ 3, Nhàn là bức chân dung trí tuệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm

– Cụ Trạng là người trí tuệ sáng suốt, tỉnh táo và uyên thâm. Ông tìm đến say để mà tỉnh:

"Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao."
Ông tỉnh táo chọn lựa cho mình một nơi thư thái của tâm hồn “nơi vắng vẻ”, mặc cho người đời đua nhau tìm “chốn lao xao”. Như vậy không có nghĩa là ông thích cuộc sống nhàn hạ, thích hưởng thụ, thích xa lánh xã hội và cuộc đời. Ông chỉ muốn bảo toàn nhân cách trong sạch của mình giữa cuộc sống phàm tục, muốn tìm về với thiên nhiên xa rời danh lợi. Bởi ông nhận ra công danh, phú quý chỉ là giấc chiêm bao.

C. Kết bài:
Bài thơ là bức chân dung tự họa của Nguyễn Bỉnh Khiêm về con người và nhân cách. Qua Nhàn, chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn quan điểm của Bạch Vân cư sĩ về cuộc sống Nhàn. Nhàn ở đây là hòa mình vào thiên nhiên, phủ nhận danh lợi, giữ cốt cách thanh cao. Chúng ta hãy xác định cho mình một quan điểm sống phù hợp, đừng vì danh lợi và những thứ xa hoa phù phiếm mà đánh mất đi nhân cách của mình. Chúng ta hãy cống hiến hết mình cho dân, cho nước mà không chút vụ lợi vì bản thân.

Nguồn: Luonluon.net

Hai câu đề: Hoàn cảnh sống.

“Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.”

– Câu thơ đầu tiên đã khắc họa một cuộc sống lao động thuần hậu, chất phác. Một nhà nho tri thức uyên thâm lại tìm về lối sống của một “lão nông chi điền” ngày ngày đào đất, cày ruộng, câu cá, tìm niềm vui trong công việc lao động chân tay vốn dành cho nhà nông. Không cho rằng đó cuộc sống vất vả, khổ cực, Nguyễn Bỉnh Khiêm thấy tâm hồn mình thanh thản, bình yên khi cầm những công cụ lao động mộc mạc, thô sơ để “cày mây cuốc nguyệt gánh yên hà”. Cách kết hợp số từ “một” cùng loạt danh từ “mai”, “cuốc”, “cần câu” trong nhịp thơ 2/2/3 chậm rãi vừa khẳng định, củng cố thêm cho lựa chọn của tác giả, đồng thời bộc lộ tâm trạng thư thái, khí chất thanh cao của ông.

– Câu thơ thứ hai càng thể hiện rõ hơn thái độ, tâm trạng của Nguyễn Bỉnh Khiêm về quan niệm tìm niềm vui trong công việc đồng áng. “Thơ thẩn” chỉ trạng thái thảnh thơi không vướng vào cơ mưu, dục vọng, là tâm trạng của một nho sĩ có trình độ học vấn cao, vốn sống, văn hóa sâu sắc. Ông với cốt cách nhà nho chân chính kiên định với quan niệm của mình “dầu ai vui thú nào”.

=> Triết lý sống nhàn: Nhàn là tận hưởng niềm vui trong lối sống, cách sinh hoạt, lao động nhẹ nhàng nơi thôn quê, tuy bình dị mà thanh cao hòa hợp giữa thiên nhiên và con người.

Hai câu thực: Quan niệm bộc lộ nhân cách.

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao.”

– Hai câu thơ mang những hình ảnh ẩn dụ đối lập: “ta dại” là chỉ vẻ vụng về bên ngoài của người học vấn uyên thâm, lối sống cao đẹp còn “người khôn” là nói sự khôn lỏi, ranh mãnh của chốn quan lại, kẻ tiểu nhân; “nơi vắng vẻ” ấn dụ cho nơi yên tĩnh, thanh bình, giúp con người ta hòa hợp với thiên nhiên, thoát khỏi vòng danh lợi, “chốn lao xao” là để gọi chốn cửa quyền ồn ào xô bồ, người lừa lọc, hãm hại lẫn nhau vì tiền bạc, công danh của bản thân. Sự đối lập cho thấy tầm vóc, vị thế của nhà nho thanh cao, xưng “ta” ngạo nghễ trên những kẻ tầm thường gọi “người” đầy mỉa mai, châm biếm. Cách nói ngược nghĩa này không chỉ hóm hỉnh, sâu sắc mà còn thể hiện khái niệm “dại” – “khôn” theo quan niệm riêng của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Khôn mà hiểm độc là khôn dại/ Dại vốn hiền lành ấy dại khôn”. Nhà thơ tự coi mình là “dai” khi coi thường vinh hoa, phú quý trước mắt, tìm về “nơi vắng vẻ” để thanh lọc tâm hồn trong khi người đời “khôn”, tranh giành, tính toán thiệt hơn với nhau khi đã sa phải vòng xoáy đáng sợ bởi ma lực của địa vị, của danh lợi. Từ đó, tác giả lên tiếng phê phán xã hội đồng tiền, phê phán những con người chạy theo thứ phù phiếm. Qua đó, nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm lại được nâng lên một tầng cao mới: một người thanh cao, thoát tục, trí tuệ sáng suốt khi thờ ơ với cuộc sống quyền quý.

=> Triết lý sống nhàn: Nhàn là kiên định chọn cho mình lối đi riêng trong xã hội chen chúc, lừa lọc vì lợi ích bản thân, nói không với những mưu đồ, lòng tham vinh hoa phú quý.

Hai câu luận: Lối sống đề cao tinh thần, coi nhẹ vật chất.

“Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao.”

– Nguyễn Bỉnh Khiêm mô tả cuộc sống của mình khi về ở ẩn, tìm niềm vui nơi thôn quê qua chuyện ăn uống, sinh hoạt. Thay vì yêu cầu cao lương mĩ vị, bữa ăn của ông bốn mùa chỉ có “măng trúc”, “giá”. Là một nhà nho cốt cách thanh cao, ông thích những món ăn được tạo ra từ sức lao động chân chính, đơn giản, đạm bạc. Bên cạnh đó, lối sinh hoạt của thi nhân vừa giản dị, vừa vô cùng thi vị. “Hồ sen”, “ao” là những nơi gắn liền với thôn quê, hòa hợp với thiên nhiên, không chỉ giúp cho tâm hồn của nhà thơ được thanh bình, thoải mái mà còn bộc lộ tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương của tác giả. Suốt bốn mùa, thú vui của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chỉ có vậy. Mặc dù “người khôn” có thể cho rằng cuộc sống đó nhàm chán, quê mùa nhưng ông luôn kiên định với lựa chọn của mình. Nhịp thơ 1/3/1/2 và các từ chỉ mùa nhấn mạnh vào bức tranh tứ bình giản dị mà thanh cao ấy, lại tạo ra nhịp điệu chậm rãi, thư thái, góp phần thể hiện tâm trạng nhà thơ.

=> Triết lý sống nhàn: Nhàn là tận hưởng niềm vui từ sự hòa hợp với thiên nhiên, là đề cao tinh thần, coi nhẹ vật chất.

Hai câu kết: Suy ngẫm về cuộc đời (cảm hứng thế sự)

“Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
– Ở đây Nguyễn Bỉnh Khiêm nhắc đến điển tích Thuần Vu Phần uống rượu, nằm mộng sống trong vinh hoa phú quý, đến khi tỉnh dậy thấy mình nằm dưới gốc cây hòe, cạnh tổ kiến. Ông muốn ám chỉ tiền bạc, danh lợi chỉ là phù du, hão huyền. Cũng có thể hiểu rằng, Tuyết Giang Phu Tử cho rằng cuộc sống nhàn rỗi nơi thôn quê của mình là “phú quý”, quý ở cái tâm trạng thảnh thơi, không khí thanh bình và những thú vui thanh cao mà chốn cửa quyền bon chen, vụ lợi kia không có! Qua hai câu thơ kết, Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên người đời đừng nên đắm chìm trong vinh hoa, phú quý mà quên bồi dưỡng tâm hồn mình.

=> Triết lý sống nhàn: Nhàn là không đắm chìm công danh, bổng lộc; giữ cho tâm hồn luôn thoải mái, nhẹ nhõm.


Nguồn: vantogether.wordpress.com


[Lớp 10] Cùng bạn ôn thi học kì 1 - Tỏ Lòng
[url="https://diendan.hocmai.vn/threads/lop-10-cung-ban-on-thi-hoc-ki-1-canh-ngay-he.654158/#post-3313431"]
[Lớp 10] Cùng bạn ôn thi học kì 1 - Cảnh ngày hè

[/URL]
https://diendan.hocmai.vn/threads/lop-10-cung-ban-on-thi-hoc-ki-1-to-long.654058/


 
Last edited:
Top Bottom