Chào thuytt93. Chào gardenia2803
Trước hết, anh chia sẻ những lo lắng của các em trước thềm kì thi đang tới gần. Những lo lắng ấy là có cơ sở và thể hiện sự quan tâm, ý thức nghiêm túc trong việc ôn luyện của các em.
Tuy nhiên, nếu chú ý quan sát hệ thống các đề Kiểm tra định kì (và sau này là hệ thống các đề Thi thử đại học), các em sẽ nhận ra dụng ý của người ra đề.
Trước hết, phải nói ngay rằng, khóa học của thầy Ninh được thiết kế dành cho tất cả các bạn có nhu cầu ôn tập thi ĐH môn Ngữ văn, cả khối C và khối D. Như các em biết, dường như có một tiền lệ trong đề thi ĐH môn Ngữ văn là các câu hỏi ra ở khối C thường "nặng" hơn, "khó" hơn những câu hỏi ra ở khối D. Tuy nhiên, như có lần thầy Ninh đã chia sẻ cùng các em, một số năm trở lại đây, độ khó của đề ra ở hai khối đã "xích lại gần nhau" và không có sự khác biệt đáng kể.
* Tại sao trong đề Kiểm tra định kì, câu 3 không có 2 lựa chọn như trong đề thi đại học chính thức ? Anh xin trả lời như sau:
- Mục đích của đề KTĐK là để các em có cơ hội ôn tập, tự đánh giá kiến thức của mình trong một giai đoạn học tập nhất định (thường là một tháng). Do đó, các đề KTĐK được thiết kế theo sát chương trình học trên khóa học, nội dung kiểm tra nằm trong giai đoạn học tập đó. Làm như vậy, không những các em có cơ hội tập dượt, mà còn được làm quen với nhiều câu hỏi thuộc nhiều phần kiến thức khác nhau, giúp hệ thống hóa lại các kiến thức vừa học.
- Trong đề thi chính thức, câu 3 luôn có 2 lựa chọn : Dành cho chương trình Chuẩn và chương trình Nâng cao. Thầy Ninh cung cấp đầy đủ cho các em tài liệu của cả hai ban này. Tuy nhiên, thầy có gợi ý các em nên ưu tiên dành thời gian tập trung ôn luyện các tác phẩm trong chương trình Chuẩn vì hai lẽ:
+ Số lượng các tác phẩm trong chương trình Chuẩn ít hơn chương trình Nâng cao (5 tác phẩm). Do vậy, các em chỉ phải học ít hơn.
+ Độ khó của các câu hỏi phần Nâng cao thường cao hơn so với các câu hỏi trong chương trình Chuẩn.
Như vậy, thiết nghĩ, các em tùy theo trình độ, điều kiện của mình mà lựa chọn chiến lược ôn tập cho hiệu quả (cá nhân anh rất đồng ý với quan điểm của thầy Ninh trong việc định hướng ôn tập cho các em như vậy).
Trong hệ thống các Đề thi thử ĐH sắp tới, đề thi sẽ được thiết kế theo đúng cấu trúc chuẩn của Đề thi ĐH, phù hợp với mục đích của việc thi thử.
* Tại sao lại có nhiều câu hỏi dạng so sánh ?
Nếu quan sát các đề thi ĐH (cả khối C và khối D những năm gần đây), các em sẽ nhận ra một xu hướng trong việc ra đề: những đề bài đòi hỏi khả năng vận dụng những kiến thức tổng hợp liên quan đến nhiều văn bản, đòi hỏi khả năng hiểu sâu, hiểu kĩ vấn đề, năng lực phân tích, so sánh, tổng hợp của thí sinh đang được xem trọng. Do vậy, thầy chủ động đưa những dạng đề So sánh để các em tập dượt. Các em đừng nghĩ rằng những câu hỏi ấy chỉ dành cho khối C. Xem lại đề thi khối D năm 2010 các em sẽ thấy. Độ khó của đề thi ở hai khối dường như đã không còn nhiều khoảng cách.
Bên cạnh các câu hỏi so sánh, thầy cũng đan xen những dạng câu hỏi phân tích một tác phẩm/đoạn trích/nhân vật (như đề KTĐK số 6, đề gần đây nhất).
Mình nên chuẩn bị sẵn sàng cho tất cả mọi khả năng, phải không em ?
Lời cuối anh muốn nói, các em đã lựa chọn thi môn Văn, một môn không quá khó để có được kết quả khả quan trong kì thi, tất nhiên, chỉ dành cho những người nỗ lực và học tập nghiêm túc, đúng phương pháp. Vậy hãy chọn cho mình một chiến lược ôn tập hiệu quả và phương pháp học tập phù hợp. Và thành công sẽ đến.
Thân ái