Sử 12 Khởi nghĩa Yên Bái (9/2/1930) của Việt Nam Quốc dân Đảng

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Tác giả: Thái Minh Quân

Bài này không có mục đích trình bày thẳng vào vấn đề khởi nghĩa là chính, chỉ trình bày cốt lõi dẫn tới khởi nghĩa của tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng; khởi nghĩa Yên Bái là minh chứng cho biện pháp thực hiện của tổ chức này mà thôi. Bài này mở rộng và phục vụ cho bài 17 của lịch sử 9, bài 13 của lịch sử 12 (có mở rộng "chủ nghĩa Tam dân" để học được bài Trung Quốc cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX trong lịch sử 8 và lịch sử 11). Cả nhà cùng theo dõi

1. Việt Nam Quốc dân Đảng ra đời và đường lối cách mạng
Việt Nam Quốc dân Đảng chính thức được thành lập vào đêm 24 rạng sáng 25/12/1927 tại Hà Nội, với hạt nhân là Nam Đồng thư xã do thấy giáo Phạm Tuấn Tài thành lập
Về tư tưởng hành động của Việt Nam Quốc dân Đảng, có hai giai đoạn: giai đoạn 1 theo chủ nghĩa Tam dân, giai đoạn 2 bãi bỏ chủ nghĩa xã hội đó đi mà hình thành bước đầu chủ nghĩa dân tộc:
- Sau khi thành lập, Bản đảng cương đầu tiên tuy lấy chủ nghĩa Tam dân là chính - nhưng họ lại không lấy chủ nghĩa Tam dân làm đường lối cách mạng của mình.
Theo sách Trung Quốc cách mạng sử, Tôn Dật Tiên vạch ra tư tưởng chính của "Tam dân" là: dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc. "Dân tộc độc lập" nghĩa là đánh đổ Mãn Thanh, giải phóng Trung Quốc và cùng nhau bình đẳng (dân tộc) trên đất Trung Quốc. "Dân quyền tự do" là bãi bỏ quân chủ để lập dân chủ. Theo Tôn Dật Tiên, nhà nước phong kiến có tư tưởng dân chủ, nhưng không có chế độ dân chủ; Trung Quốc phải từ bỏ quân chủ vì: (1) dân là gốc của nước nên tất nhiên dân phải làm chủ; (2) quân chủ Mãn Thanh quá ác cảm với nhân dân; (3) không có loạn lạc vì quân chủ thì nhiều người muốn làm vua. Tôn Trung Sơn lập ra "ngũ quyền" gồm: hành pháp, lập pháp, tư pháp, khảo thí, củ soát. Về phương thức lãnh đạo cách mạng, có ba giai đoạn: (1) quân chính (dùng quân đội lật đổ nhà vua), (2) huấn chính (quá độ, để chính quyền cách mạng giao quyền cho Tổng thống dân cử), (3) hiến chính (thi hành hiến pháp). Về vận động cách mạng: lập đảng, tuyên truyền và khởi nghĩa. Chủ nghĩa Tam dân là một học thuyết tiến bộ, cao hơn học thuyết cách mạng dân chủ tư sản.
Người yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX xem học thuyết của Montesquieu, Rousseau khó hiểu quá; nhưng "chủ nghĩa Tam dân" lại được dùng phổ biến vì: (1) nó gần gũi và "hợp khẩu vị" với họ, làm cơ sớ lý luận cách mạng phù hợp; (2) nó có sức hấp dẫn đáng kể với các trí thức và phần lớn các nhà nho cũ.
Chủ nghĩa Tam dân vào nước ta đầu thế kỷ XX, do cách mạng Trung Quốc phát triển rất mạnh ở phương nam, dội sang nước ta; Hoa kiều đông hàng triệu; nhưng chủ nghĩa này không xâm nhập sâu được vào nước ta vì các lý do: (1) lý tưởng cao siêu đẹp đẽ; (2) tính khoa học chặt chẽ, sát với nhu cầu cách mạng để xác định đường lối chiến lược thì "Tam dân" hoàn toàn không có; (3) bên Quốc dân Đảng ở bên kia vừa phản cách mạng ngay khi Việt Nam Quốc dân Đảng thành lập không lâu.
- Bản điều lệ năm 1928 bãi bỏ chủ nghĩa Tam dân mà chỉ ghi "chủ nghĩa xã hội dân chủ" (điều 2); bản điều lệ năm 1929 không nói gì tới chủ nghĩa nữa. Lý do chính là Quốc dân Đảng bên Trung Quốc phản cách mạng và thỏa hiệp với thực dân, phong trào thì bản sắc "Tam dân" bị nhạt dần. Cả hai bản đều nêu ba mục đích lớn của tổ chức này:
+ Làm cách mạng dân tộc
+ Xây dựng nền cộng hòa dân chủ trực tiếp
+ Giúp đỡ các dân tộc bị áp bức
Bản điều lệ năm 1929 của tổ chức này xác định ba nguyên tắc là: tự do, bình đẳng, bác ái - theo hướng dân tộc chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa. Ta chứng minh ở bản Tuyên án tử hình toàn quyền Pax-ki-ê có đoạn: "Mấy năm cuối của chiến tranh đế quốc 1914 - 1918 và sau đó, toàn thế giới bước vào thời kỳ bạo động, tất cả các dân tộc bị áp bức đều nổi dậy làm cách mạng. Một mặt khác, cách mạng cách mạng vô sản Nga, cách mạng dân tộc Trung Quốc đã gây một ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới. Bị áp bức vô cùng về vật chất lẫn tinh thần, đồng bào ta cuối cùng đã thức tỉnh và đứng lên làm cách mạng. Hiện nay nước ta có hai luồng cách mạng: một là luồng cách mạng dân tộc, hai là luồng cách mạng dân chủ. Việt Nam Quốc dân Đảng là đội tiên phong của cách mạng dân tộc".
Theo Trần Huy Liệu (một đảng viên cũ của Việt Nam Quốc dân Đảng) trong sách Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam, có câu: "Trước làm cách mạng dân tộc, sau làm cách mạng thế giới" (trong tài liệu chính thức của Việt Nam Quốc dân Đảng không có câu này), rất giống với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên cũng có một câu giống hết như thế.
Nhưng hạn chế cơ bản của Việt Nam Quốc dân Đảng là tổ chức này không có chủ nghĩa xác định: đảng viên nói nhiều về chủ nghĩa tam dân mà chương trình điều lệ thì không nói; chương trình điều lệ có nói "chủ nghĩa xã hội dân chủ" mà không có cắt nghĩa rõ ràng. Hơn nữa, Việt Nam Quốc dân Đảng không chú trọng tuyên truyền vì cơ sở Đảng rất ít. "Mặc dù có một ban tuyên truyền ở trung ương và các chi bộ, công tác tuyên truyền của Việt Nam Quốc dân rất ít. Tại trung ướng có tờ Hồn cách mạng là tờ báo duy nhất, nhưng cho đến tháng 2/1929, trước ngày bị bại lộ, mới xuất bản được số đầu, in bằng thạch" (dẫn theo sách của Trần Huy Liệu). Cũng theo sách của Trần Huy Liệu, "vì quá câu nệ về nguyên tắc bí mật, từ tổ chức đến cả danh nghĩa, đảng không hề tuyên truyền ra đến ngoài. Còn việc huấn luyện đảng hầu như không đặt thành vấn đề. Người mới vào đảng chỉ được giải thích qua loa về chương trình điều lệ của đảng. Ngoài một vài bài văn thơ cảm khái để cổ động lòng yêu nước thương nòi, đảng không có một chương trình đào tạo cán bộ hay giác ngộ đảng viên."
Phương pháp chủ yếu của đảng là phiêu lưu mạo hiểm, ám sát cá nhân. Mục đích của những vụ ám sát cá nhân là vì: (1) thức tỉnh đồng báo mê ngủ, mê; (2) làm cho kẻ gian và kẻ thù kinh hồn; (3) lưu ý dư luận thế giới; (4) khẳng định sự tồn tại của đảng cách mạng. Ám sát cá nhân tuy là phương châm tranh đấu; nhưng trong tình thế chưa phải là trực tiếp cách mạng thì rất có hại; ám sát không hết tạo cớ để quân thù đàn áp cách mạng tàn bạo. Việt Nam Quốc dân Đảng nâng ám sát thành hệ thống đã gián tiếp đặt lên tay bọn thực dân sợi dây bí mật dắt đến cơ quan đầu não cách mạng; nhưng việc làm này chứng tỏ tổ chức này không tin vào sức mạnh của quần chúng nhân dân. Tổ chức này nhận định: đi vận động để tổ chức một công hội, nông hội, biểu tình thì lâu quá; biểu tình và bãi công làm lộ bí mật - nên không tin sức mạnh của quần chúng nhân dân, chỉ lo đúc vũ khí thôi
Một điểm nữa chứng minh thất bại của Việt Nam Quốc dân Đảng, đó là tổ chức này "đốt cháy giai đoạn". Các cuộc ám sát làm bại lộ cơ sở chứng tỏ sai lầm của tổ chức này: đáng lẽ củng cố tổ chức thì lại "đốt cháy giai đoạn" (thời kỳ dự bị) để tiến thẳng sang thời kỳ tiền khởi nghĩa, không biết cân nhắc giữa lực lượng ta và địch, không cần biết tình hình thế giới như thế nào. Nguyễn Thái Học rất xao lãng về lý luận tổ chức; rất ham mê mạo hiểm. Chương trình ba thời kỳ của tổ chức này (phôi thai, dự bị, khởi nghĩa) thì Nguyễn Thái Học cho là quá dài, quá lâu. Ông chỉ có quan niệm: "cứ ngồi yên để cho quân giặc bắt được rồi cho vào nhà tù hay lên máy chém, kết liễu một đời hoạt động; chi bằng thừa lúc còn tự do ở ngoài, dốc lên lực lượng còn lại đánh một trận cuối cùng, may thì thành công, nếu không thì cũng thành nhân".
Thế là hội nghị Lạc Đạo ra kế hoạch "tổng công kích"; nhưng bị lộ liền ở những chỗ đặt bom và địch cảnh giác đề phòng. Từ sau vụ phản của Đội Dương ở hội nghị Võng La, kế hoạch bị hoãn lại mặc dù các nhà lãnh đạo của tổ chức này thấy khởi nghĩa ít có cơ hội thành công hơn; chủ nghĩa anh hùng cá nhân được nâng lên mức độ cao nhất.
Cũng theo các nhà lãnh đạo Việt Nam Quốc dân Đảng, tư tưởng của họ không rõ ràng. Gạt bỏ chủ nghĩa dân tộc tả phái của Tôn Dật Tiên, tư tưởng của Quốc dân Đảng là: giúp các dân tộc khác đấu tranh giải phóng. Tổ chức này xác định nó là đảng dân tộc; trong khi Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và Tân Việt theo chủ nghĩa cộng sản, đảng của Nguyễn An Ninh theo chủ nghĩa dân tộc.
dt_1022015954_nguyen-thai-hoc.jpg
Nguyễn Thái Học
121046_bi-trang1.jpg

Di tích lịch sử khu mộ Nguyễn Thái Học và các cộng sự của ông trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 tại Công viên Yên Hòa, thành phố Yên Bái, di tích lịch sử cấp quốc gia. Nguồn ảnh: internet

dt_1022015955_nguyen-khac-nhu.jpg
Nguyễn Khắc Nhu

luoc_do_khoi_nghia_yen_bai_1930_500_02.jpg

2. Khởi nghĩa Yên Bái
- Diễn biến:
“Lịch sử 80 năm chống Pháp” của nhà sử học Trần Huy Liệu còn cho biết do khởi nghĩa nổ ra ở miền trên và đồng bằng nên thời gian không đều. Khởi nghĩa nổ ra đầu tiên vào đêm 9 - 2 - 1930 ở Yên Bái, Phú Thọ, sau đó là ở Hải Dương, Thái Bình; riêng ở Hà Nội, đã tổ chức ném bom vào Sở Mật thám, Sở Cảnh sát...
GS. Lê Thành Khôi trong “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” cho hay, cuộc khởi nghĩa nổ ra đầu tiên ở Yên Bái vào lúc 1 giờ sáng ngày 10.2.1930: “đội quân đồn trú Yên Bái nổi dậy và chiếm thành phố. Quân khởi nghĩa đã chiếm được trại lính cơ số 5 và 6, giết được một số sĩ quan và hạ sĩ quan người Pháp. Nhưng họ vẫn không lôi kéo được toàn bộ lính khố xanh, và không làm chủ được tình hình chiến sự ở Yên Bái.
+ Đêm ngày 14 rạng 15 tháng 2 năm 1930, VNQDĐ đã nổi dậy khởi nghĩa ở Phả Lại, Vĩnh Bảo (Hải Dương), Kiến An và Phụ Dực (Thái Bình), nhưng đều không thu được kết quả.
Tại Vĩnh Bảo, dưới sự chỉ huy của Trần Quang Diệu, nghĩa quân đã từ Cổ Am kéo lên đánh phá huyện đường, giết tri huyện Hoàng Gia Mô, rồi tự giải tán: ở Phụ Dực nghĩa quân đánh chiếm phủ huyện, đốt hết giấy tờ sổ sách, sau đó tự giải tán. Tại Kiến An, do kế hoạch khởi nghĩa bị lộ, thực dân Pháp đã tức thời bắt giam toàn bộ số lính khố đỏ, và tố chức canh phòng cẩn mật. Biết không thể khởi nghĩa thắng lợi, nghĩa quân nhanh chóng tự giải tán trước khi bi quân Pháp phản công.
+ Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí khi lên máy chém đã hô to: “Việt Nam vạn tuế” (Việt Nam muôn năm).
- Nguyên nhân thất bại:
+ Về khách quan: đế quốc Pháp lúc ấy còn mạnh, đủ sức đàn áp một cuộc đấu tranh vũ trang vừa đơn độc, vừa non kém như khởi nghĩa Yên Bái.
+ Về chủ quan: Việt Nam Quốc dân đảng vừa non yếu lại không vững chắc về tổ chức và lãnh đạo. Thất bại cua cuộc khởi nghĩa này là thất bại chung của giai cấp tư sản dân tộc trong cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đồng chí Lê Duẩn - nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: "Khởi nghĩa Yên Bái chi là một 'cuộc bạo động bất đắc dĩ, một cuộc bạo động non, để rồi chết luôn không bao giờ ngóc lên nổi. Khẩu hiệu “Không thành công thì thành nhân" biểu lộ tính chất hấp tấp tiểu tư sản, tính chất hăng hái nhất thời và đồng thời cũng biểu lộ tính chất không vững chắc, non yếu của phong trào tư sản.
- Ý nghĩa: Tuy thất bại, khởi nghĩa Yên Bái đã góp phần cổ vũ lòng yêu nước và chí căm thù của nhân dân ta đối với bè lũ cướp nước và tay sai.


Tài liệu tham khảo:
  1. Trần Huy Liệu, Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1956
  2. Trần Huy Liệu, Lịch sử 80 năm chống Pháp, tập 2, Nxb Hà Nội, 1955
  3. Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng Tám 1945, tập 2, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2019
  4. Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2014
  5. Đinh Xuân Lâm, Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 2, Nxb Giáo Dục, Hà Nội
  6. Một số trang web khác
 
Top Bottom