T
thanhdatkien
Trên lan can
Dư lần theo thành vịn, thoăn thoắt leo lên những bậc thang. Mùa Xuân về rồi. Dư biết vậy. Vừa có tiếng con Kinô nhà bên cạnh sủa vang. Cái tiếng sủa rối rít, xoắn xít, vỡ toang những âm thanh của mong đợi, của mừng vui. Chỉ có Dư nhận ra: điều ấy dành cho mùa Xuân. Ðiều ấy có nghĩa là mùa Xuân đã về! Ðã về!!!
Dư hối hả chạy ra lan can gác, dang hai tay dò đường - rất vội. Môi Dư nở tròn nụ cười, cái nụ cười chỉ dành cho ngày này, mỗi năm, mỗi mùa Tết đến.
Bây giờ thì Dư đã đứng sát giàn bông giấy - ranh giới giữa bên này và bên ấy. Những cành lá chạm vào tay Dư. Dư nắm chặt lấy nó. Úi a!... Gai! Ðau quá!... Không sao, như vậy mới biết rằng mình đang tồn tại giữa đời thường.
Hoa giấy màu gì?
Mùa Xuân bảo rằng nó màu hồng.
Với Dư, màu hồng đẹp nhất trên đời. Màu hồng chắc phải là một màu trong veo, một màu thanh thoát như tiếng cười của Mùa Xuân.
Nhà bên cạnh đã ngưng tiếng sủa của Kinô. Dư lắng nghe, và tường tượng... Lúc này, chắc con chó tinh ranh ấy đang lẩn quẩn bên chân Mùa Xuân, vòi một cái xoa đầu mà nó đã mong chờ suất mùa hạ, suốt mùa thu, qua mùa đông... Còn Mùa Xuân thì đang làm nũng với ông bà ngoại.
Mùa Xuân là chúa nhõng nhẽo!
Dư bật cười một mình, nhớ những câu hờn dỗi của con bé Titi ngày cũ.
Ừ, những ngày cũ. Chính con nhỏ Titi đã lôi Dư ra khỏi cái vỏ tự ti mặc cảm của một đứa trẻ không biết tới ánh sáng. Nó kéo Dư lên ruộng, bày trò nện đất sét. Chiều hôm ấy, mẹ Dư giận kinh khủng vì quần áo Dư dơ bẩn không giặt nổi. Ít ngày sau, con Titi lại rủ rê: “Có cái này hay lắm!”. Và nó đem Dư ra sau hè. Cây rơm của ngoại nó mới vun lên sau mùa gặt đã biến thành cầu tuột cho hai đứa. Cây rơm đổ vung vãi. Con Titi bị một trận đòn nhớ đời, còn Dư thì bị phạt quì gối suốt mấy tiếng đồng hồ, ê ẩm.
Bẵng đi mấy ngày, rất dài, con Titi biến đâu mất. Rồi một sáng, khi Dư đang nhẩn nha bên lan can gác, chợt có tiếng í ới gọi vang từ căn gác nhà bên cạnh :
- Dư ơi Dư! Có cái này hay lắm!
Dư rụt rè :
- Thôi, hông chơi cầu tuột nữa!
- Hổng phải cầu tuột! - Titi kiên nhẫn giải thích - Là con ong bầu bị Titi nhốt trong thùng thiếc... Nghe nè, nó hát vu vu... vu vu...
Ừ. Có tiếng vu vu thật. Dư nghe mê mẩn, rồi tư lự :
- Nó hát nghe buồn quá! Hình như nó khóc... Nó bị nhốt trong thùng, chẳng nhìn thấy được gì...
Titi tiếc lắm, nhưng rốt cuộc cũng phải thả con ong bay đi. Hồi ấy, chín tuổi, con nhỏ hiểu được tại sao Dư nói vậy.
Titi vào cấp hai, bớt ham chơi, lúc nào cũng kêu ca ra vẻ quan trọng “Bài nhiều lắm!”. Nó ôm tập ra lan can học bài, đọc rổn rảng suốt buổi chiều. Tiếng nó trong veo lồng lộng cùng với gió. Dư cũng ra ngồi lan can nhà mình. Một niềm thích thú lạ lùng là được nghe tiếng Titi học bài. Nó học xong bài nào là Dư thuộc nhẵn bài ấy - từ bảng cửu chương đến bài sử, bài địa, cả những đoạn thơ Kiều mà Titi than là khó nhớ.
Càng lớn, Titi càng bận tíu tít. Nào chuyện thi cử, nào chuyên bạn bè. Lâu lâu, nó lại chạy ra lan can, kể Dư nghe về một thầy giám thị đáng sợ như “ông kẹ”, về những đứa bạn gái hay ganh điểm nhau, về anh chàng lớp phó học tập cận thị chín đi-ốp...
Có một ngày, Titi mang về mấy cành lá đầy gai trồng ở góc lan can.
- Là hoa giấy - Nó tả cho Dư biết - Cánh mỏng như tờ giấy, màu hồng hồng nhẹ như hơi thở.
... Ít lâu sau, Titi biến mất. Không phải dăm ba ngày mà biệt luôn mấy tháng. Nó theo ba mẹ lên thành phố, mãi đến Tết mới trở về thăm ông bà ngoại, thăm giàn bông giấy và thăm “bạn hiền” - Titi bảo vậy.
Một Tết. Hai Tết. Ba Tết... Mỗi lần về lại là Titi chạy bay lên lan can gác, cứ như hẹn trước, gọi vang “Dư ơi Dư à!”, rồi lăng xăng trăm nghìn câu hỏi, trăm nghìn câu chuyện, có vui có buồn - có cả những suy tư...
Những ngày này, khi mẹ Dư tất bật vào ra canh chảo mứt dừa, Dư cũng không thể ngồi yên, cứ ngong ngóng một tiếng cười trong veo từ nhà bên ấy. Cái cảm giác trông đợi ùa đến như gió mùa. Dư nghe lao xao trong lòng thứ hy vọng vừa rắn vừa ngô nghê như những hình đất sét được nặn ra từ bàn tay trẻ con. Dư nghe đau ran một nỗi mặc cảm tật nguyền, rơi tuột như những cọng rơm trên ụ bị con nít nghịch phá. Và Dư sợ hãi với cái mớ hỗn tạp đó - tự nhủ rằng mình đang đợi Mùa Xuân chứ không phải một con người hay một điều gì khác.
Dư úp hai bàn tay lên mặt, nén chặt đôi mắt chưa từng biết thế nào là màu hồng của hoa giấy. Dư lắc mạnh đầu - Titi và Mùa Xuân trộn lẫn vào nhau... Vì sao?
“Có gì đâu!!!”
Dư muốn nói to như vậy, cho chính mình mà thôi, giống như Titi vẫn đọc bài rổn rảng trên lang can suốt những buổi chiều. Vậy mà không được. Có hai cái tên đan nhau, kêu “vu vu” trong một thế giới không màu.
- Dư ơi Dư!
Lời réo gọi ríu ran mà Dư ngóng đợi đến rồi, nhưng lúc này Dư lại muốn lánh đi. Không kịp nữa. Ðã nghe huyên thuyên trăm nghìn câu hỏi, trăm nghìn câu chuyện. Dư lặng thinh. Mùa Xuân không còn là con bé Titi chỉ biết kể về thầy giáo thị và lũ bạn cùng trường. Những câu chuyện bây giờ - khi nhộn nhạo, khi bỏng rát, khi lãng đãng, lại có khi quá thực tế. Duy một điều không đổi, Mùa Xuân vẫn cứ vạch đám lá tìm cái màu hồng nhẹ như hơi thở ấy, rồi xuýt xoa tiếc :
- Ðúng ngay lúc mình về lại chẳng chịu trổ hoa.
Nhưng Mùa Xuân chẳng buồn điều gì lâu hơn hai phút - sang phút thứ ba lại rối rít, lời nó như trích ra từ... bài văn tả thực :
- Này Dư, giàn bông giấy bây giờ toàn lá, chứ như những trái tim màu lục nối nhau, vươn lên khỏi đám gai... Dư sờ thử xem!
Dư không chạm vào, chỉ thắc mắc :
- Màu “lục” là sao? Có giống màu hồng?
- Không! Khác nhau xa lắm! Nhưng nó cũng đẹp, như là... - Mùa Xuân lại trở về làm con bé Titi hay giải thích những sắc màu - như là... tiếng con ong bầu cười khi được thả ra khỏi cái thùng thiếc!
Dư thấy vui lâng :
- Vậy thì màu lục đẹp thật!
- Ừ, rất đẹp! - Mùa Xuân ngâm ngợi một hồi rồi chợt nói - Là màu mà những bạn hiền có thể đem tặng nhau.
Và Mùa Xuân chồm qua lan can nhà hàng xóm, mở bàn tay Dư ra, đặt vào đó một chiếc lá vừa hái, nói nhanh hơn cả bước đi của gió :
- Quà Tết!
Dư khép bàn tay mình lại. Cánh lá nhỏ chạm vào da, không có tiếng. Dư hiểu rằng, nó chỉ là một trái tim màu lục.
Dư lần theo thành vịn, thoăn thoắt leo lên những bậc thang. Mùa Xuân về rồi. Dư biết vậy. Vừa có tiếng con Kinô nhà bên cạnh sủa vang. Cái tiếng sủa rối rít, xoắn xít, vỡ toang những âm thanh của mong đợi, của mừng vui. Chỉ có Dư nhận ra: điều ấy dành cho mùa Xuân. Ðiều ấy có nghĩa là mùa Xuân đã về! Ðã về!!!
Dư hối hả chạy ra lan can gác, dang hai tay dò đường - rất vội. Môi Dư nở tròn nụ cười, cái nụ cười chỉ dành cho ngày này, mỗi năm, mỗi mùa Tết đến.
Bây giờ thì Dư đã đứng sát giàn bông giấy - ranh giới giữa bên này và bên ấy. Những cành lá chạm vào tay Dư. Dư nắm chặt lấy nó. Úi a!... Gai! Ðau quá!... Không sao, như vậy mới biết rằng mình đang tồn tại giữa đời thường.
Hoa giấy màu gì?
Mùa Xuân bảo rằng nó màu hồng.
Với Dư, màu hồng đẹp nhất trên đời. Màu hồng chắc phải là một màu trong veo, một màu thanh thoát như tiếng cười của Mùa Xuân.
Nhà bên cạnh đã ngưng tiếng sủa của Kinô. Dư lắng nghe, và tường tượng... Lúc này, chắc con chó tinh ranh ấy đang lẩn quẩn bên chân Mùa Xuân, vòi một cái xoa đầu mà nó đã mong chờ suất mùa hạ, suốt mùa thu, qua mùa đông... Còn Mùa Xuân thì đang làm nũng với ông bà ngoại.
Mùa Xuân là chúa nhõng nhẽo!
Dư bật cười một mình, nhớ những câu hờn dỗi của con bé Titi ngày cũ.
Ừ, những ngày cũ. Chính con nhỏ Titi đã lôi Dư ra khỏi cái vỏ tự ti mặc cảm của một đứa trẻ không biết tới ánh sáng. Nó kéo Dư lên ruộng, bày trò nện đất sét. Chiều hôm ấy, mẹ Dư giận kinh khủng vì quần áo Dư dơ bẩn không giặt nổi. Ít ngày sau, con Titi lại rủ rê: “Có cái này hay lắm!”. Và nó đem Dư ra sau hè. Cây rơm của ngoại nó mới vun lên sau mùa gặt đã biến thành cầu tuột cho hai đứa. Cây rơm đổ vung vãi. Con Titi bị một trận đòn nhớ đời, còn Dư thì bị phạt quì gối suốt mấy tiếng đồng hồ, ê ẩm.
Bẵng đi mấy ngày, rất dài, con Titi biến đâu mất. Rồi một sáng, khi Dư đang nhẩn nha bên lan can gác, chợt có tiếng í ới gọi vang từ căn gác nhà bên cạnh :
- Dư ơi Dư! Có cái này hay lắm!
Dư rụt rè :
- Thôi, hông chơi cầu tuột nữa!
- Hổng phải cầu tuột! - Titi kiên nhẫn giải thích - Là con ong bầu bị Titi nhốt trong thùng thiếc... Nghe nè, nó hát vu vu... vu vu...
Ừ. Có tiếng vu vu thật. Dư nghe mê mẩn, rồi tư lự :
- Nó hát nghe buồn quá! Hình như nó khóc... Nó bị nhốt trong thùng, chẳng nhìn thấy được gì...
Titi tiếc lắm, nhưng rốt cuộc cũng phải thả con ong bay đi. Hồi ấy, chín tuổi, con nhỏ hiểu được tại sao Dư nói vậy.
Titi vào cấp hai, bớt ham chơi, lúc nào cũng kêu ca ra vẻ quan trọng “Bài nhiều lắm!”. Nó ôm tập ra lan can học bài, đọc rổn rảng suốt buổi chiều. Tiếng nó trong veo lồng lộng cùng với gió. Dư cũng ra ngồi lan can nhà mình. Một niềm thích thú lạ lùng là được nghe tiếng Titi học bài. Nó học xong bài nào là Dư thuộc nhẵn bài ấy - từ bảng cửu chương đến bài sử, bài địa, cả những đoạn thơ Kiều mà Titi than là khó nhớ.
Càng lớn, Titi càng bận tíu tít. Nào chuyện thi cử, nào chuyên bạn bè. Lâu lâu, nó lại chạy ra lan can, kể Dư nghe về một thầy giám thị đáng sợ như “ông kẹ”, về những đứa bạn gái hay ganh điểm nhau, về anh chàng lớp phó học tập cận thị chín đi-ốp...
Có một ngày, Titi mang về mấy cành lá đầy gai trồng ở góc lan can.
- Là hoa giấy - Nó tả cho Dư biết - Cánh mỏng như tờ giấy, màu hồng hồng nhẹ như hơi thở.
... Ít lâu sau, Titi biến mất. Không phải dăm ba ngày mà biệt luôn mấy tháng. Nó theo ba mẹ lên thành phố, mãi đến Tết mới trở về thăm ông bà ngoại, thăm giàn bông giấy và thăm “bạn hiền” - Titi bảo vậy.
Một Tết. Hai Tết. Ba Tết... Mỗi lần về lại là Titi chạy bay lên lan can gác, cứ như hẹn trước, gọi vang “Dư ơi Dư à!”, rồi lăng xăng trăm nghìn câu hỏi, trăm nghìn câu chuyện, có vui có buồn - có cả những suy tư...
Những ngày này, khi mẹ Dư tất bật vào ra canh chảo mứt dừa, Dư cũng không thể ngồi yên, cứ ngong ngóng một tiếng cười trong veo từ nhà bên ấy. Cái cảm giác trông đợi ùa đến như gió mùa. Dư nghe lao xao trong lòng thứ hy vọng vừa rắn vừa ngô nghê như những hình đất sét được nặn ra từ bàn tay trẻ con. Dư nghe đau ran một nỗi mặc cảm tật nguyền, rơi tuột như những cọng rơm trên ụ bị con nít nghịch phá. Và Dư sợ hãi với cái mớ hỗn tạp đó - tự nhủ rằng mình đang đợi Mùa Xuân chứ không phải một con người hay một điều gì khác.
Dư úp hai bàn tay lên mặt, nén chặt đôi mắt chưa từng biết thế nào là màu hồng của hoa giấy. Dư lắc mạnh đầu - Titi và Mùa Xuân trộn lẫn vào nhau... Vì sao?
“Có gì đâu!!!”
Dư muốn nói to như vậy, cho chính mình mà thôi, giống như Titi vẫn đọc bài rổn rảng trên lang can suốt những buổi chiều. Vậy mà không được. Có hai cái tên đan nhau, kêu “vu vu” trong một thế giới không màu.
- Dư ơi Dư!
Lời réo gọi ríu ran mà Dư ngóng đợi đến rồi, nhưng lúc này Dư lại muốn lánh đi. Không kịp nữa. Ðã nghe huyên thuyên trăm nghìn câu hỏi, trăm nghìn câu chuyện. Dư lặng thinh. Mùa Xuân không còn là con bé Titi chỉ biết kể về thầy giáo thị và lũ bạn cùng trường. Những câu chuyện bây giờ - khi nhộn nhạo, khi bỏng rát, khi lãng đãng, lại có khi quá thực tế. Duy một điều không đổi, Mùa Xuân vẫn cứ vạch đám lá tìm cái màu hồng nhẹ như hơi thở ấy, rồi xuýt xoa tiếc :
- Ðúng ngay lúc mình về lại chẳng chịu trổ hoa.
Nhưng Mùa Xuân chẳng buồn điều gì lâu hơn hai phút - sang phút thứ ba lại rối rít, lời nó như trích ra từ... bài văn tả thực :
- Này Dư, giàn bông giấy bây giờ toàn lá, chứ như những trái tim màu lục nối nhau, vươn lên khỏi đám gai... Dư sờ thử xem!
Dư không chạm vào, chỉ thắc mắc :
- Màu “lục” là sao? Có giống màu hồng?
- Không! Khác nhau xa lắm! Nhưng nó cũng đẹp, như là... - Mùa Xuân lại trở về làm con bé Titi hay giải thích những sắc màu - như là... tiếng con ong bầu cười khi được thả ra khỏi cái thùng thiếc!
Dư thấy vui lâng :
- Vậy thì màu lục đẹp thật!
- Ừ, rất đẹp! - Mùa Xuân ngâm ngợi một hồi rồi chợt nói - Là màu mà những bạn hiền có thể đem tặng nhau.
Và Mùa Xuân chồm qua lan can nhà hàng xóm, mở bàn tay Dư ra, đặt vào đó một chiếc lá vừa hái, nói nhanh hơn cả bước đi của gió :
- Quà Tết!
Dư khép bàn tay mình lại. Cánh lá nhỏ chạm vào da, không có tiếng. Dư hiểu rằng, nó chỉ là một trái tim màu lục.