Văn 12 Hướng dẫn phân tích & giải đề văn nghị luận xã hội 200 chữ

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,982
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Kì thực mình đã cân nhắc rất nhiều lần mới quyết định đặt bút viết ra topic này. Có thể nói nghị luận xã hội là phần mà mình tâm đắc nhất trong kì thi THPTQG vì đó là lần đầu tiên mình dám đưa lí luận văn học vào trong bài thi của mình. Cảm giác chờ đợi nó thực sự rất thú vị. À, khi đọc đến đây chắc hẳn các bạn hỏi vì sao một đoạn văn nghị luận xã hội có thể đưa lí luận văn học vào đúng không? :D Bản chất của văn học là nghệ thuật mà bản chất của nghệ thuật đến từ sáng tạo. Chưa một tài liệu nào về lí luận văn học mình đọc qua xác nhận về việc này cả. Nhưng mình thích thì mình nghiên cứu và biến nó thành "của riêng" thôi :D Bài viết này mang tính chất chủ quan dựa trên nền tảng hướng dẫn khách quan của thầy Trương Văn Quang. Dưới đây mình sẽ nói đôi nét về cách làm đề văn nghị luận xã hội. Và dạng nào là dạng mình "dám" to gan đưa lí luận văn học vào :D

A. Điểm chung của các dạng bài văn nghị luận xã hội:
I. Phân loại: Có 3 dạng nghị luận xã hội:
- Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí
- Nghị luận về một hiện tượng đời sống
- Nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học (Đây là dạng mình đã đưa lí luận văn học vào. Và theo mình thì để đưa vào cần một sự tinh tế và tỉ mỉ cao)

II. Thao tác lập luận:
- Các dạng bài NLXH đều vận dụng chung các thao tác lập luận là giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bác bỏ, bình luận.
- Ba thao tác cơ bản nhất là giải thích, chứng minh, bình luận.

1.Giải thích
a. Mục đích: Làm rõ vấn đề, giúp người đọc HIỂU ra vấn đề
b. Các bước:
- Làm rõ vấn đề được dẫn trên đề. Nếu vấn đề thể hiện dưới dạng là một câu trích dẫn khá nổi tiếng nào đó hoặc một ý tưởng do người ra đề đề xuất, người viết cần lần lượt giải nghĩa, làm rõ nghĩa của vấn đề theo cách đi từ khái niệm đến các vế câu và cuối cùng là toàn bộ ý tưởng được trích dẫn. Khi vấn đề được diễn đạt theo kiểu ẩn dụ bóng bẩy thì phải giải thích cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ ngữ. Nếu vấn đề là một hiện tượng đời sống, người viết cần cho biết đó là hiện tượng gì, hiện tượng đó biểu hiện ra sao, dưới các hình thức nào (miêu tả, nhận diện)...
- Làm tốt bước giải nghĩa này sẽ hiểu đúng vấn đề, xác định đúng vấn đề (hoặc mức độ) cần giải thích để chọn lí lẽ cần thiết.

- Trong quan niệm làm văn truyền thống, bước này được xem là bước trả lời câu hỏi "LÀ GÌ"
Tìm hiểu cơ sở của vấn đề: Trả lời tại sao có vấn đề đó (xuất phát từ đâu có vấn đề đó). Cùng với phần giải nghĩa, phần này là phần thể hiện rất rõ đặc thù của thao tác giải thích. Người viết cần suy nghĩ kĩ để có cách viết chặt chẽ về mặt lập luận, lô gíc về mặt lí lẽ, xác đáng về mặt dẫn chứng.

- Trong quan niệm làm văn truyền thống, bước này được xem là bước trả lời câu hỏi TẠI SAO.
Nêu hướng vận dụng của vấn đề: Vấn đề được vận dụng vào thực tiễn cuộc sống như thế nào. Hiểu nôm na, phần này yêu cầu người viết thể hiện quan điểm của mình về việc tiếp thu, vận dụng vấn đề vào cuộc sống của mình như thế nào.

- Trong quan niệm làm văn truyền thống, bước này được xem là bước trả lời câu hỏi NHƯ THẾ NÀO.
Các bạn lưu ý rằng nên đặt trực tiếp từng câu hỏi (LÀ GÌ, TẠI SAO, NHƯ THẾ NÀO) vào đầu mỗi phần (mỗi bước) của bài văn. Mục đích đặt câu hỏi: để tìm ý (phần trả lời chính là ý, là luận điểm được tìm ra) và cũng để tạo sự chú ý cần thiết đối với người đọc bài văn. Cũng có thể không cần đặt trực tiếp ba câu hỏi (LÀ GÌ, TẠI SAO, NHƯ THẾ NÀO) vào bài làm nhưng điều quan trọng là khi viết, người làm bài cần phải có ý thức mình đang lần lượt trả lời từng ý, từng luận điểm được đặt ra từ ba câu hỏi đó.

- Tuỳ theo thực tế của đề và thực tế bài làm, bước NHƯ THẾ NÀO có khi không nhất thiết phải đưa vào như một phần bắt buộc.

Phân tích ra mặt cốt lõi trong phần giải thích thì khá là dài dòng. Tuy nhiên, hãy đơn giản hóa vấn đề rằng khi bắt tay vào viết đoạn nghị luận xã hội dạng giải thích, các bạn hãy đặt câu hỏi LÀ GÌ, TẠI SAO hoặc NHƯ THẾ NÀO để viết. Chỉ cần vỏn vẹn 1 câu hoặc 2 câu trong phần thân đoạn này là được rồi các bạn nhé.

2. Chứng minh
a. Mục đích: Làm cho người đọc TIN vào tư tưởng đó, đạo lí đó, hiện tượng đó hoặc đơn giản là hiện thực của vấn đề xã hội đó.
b. Các bước:
- Xác định chính xác điều cần chứng minh, phạm vi cần chứng minh.
- Dùng dẫn chứng trong thực tế cuộc sống để minh hoạ nhằm làm sáng tỏ điều cần chứng minh, phạm vi cần chứng minh.

Thao tác chứng minh này thì đơn giản hơn nhiều. Mình khuyến khích các bạn sử dụng các tư liệu dẫn chứng trong thực tế để đưa vào đây. Có thể dùng một, hai hoặc tối đa là ba dẫn chứng để đưa vào đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ là tuyệt vời rồi nhé. Đưa quá nhiều sẽ làm loạn đoạn văn và sa vào lạc đề. Dẫn chứng chỉ là một phần nhỏ trong cả đoạn văn mà thôi.

3. Bình luận
a. Mục đích: Làm cho người đọc ĐỒNG TÌNH với những giải thích, dẫn chứng của bạn qua các lời lập luận sắc bén.
b. Các bước:
- Nêu, giải thích rõ vấn đề (hiện tượng) cần bình luận.
- Dùng lí lẽ và dẫn chứng (chủ yếu là lí lẽ) để khẳng định giá trị của vấn đề hoặc hiện tượng (giá trị đúng hoặc giá trị sai). Làm tốt phần này chính là đã bước đầu đánh giá được vấn đề (hiện tượng) cần bình luận.
- Bàn rộng và nhìn vấn đề (hiện tượng) cần bình luận dưới nhiều góc độ (thậm chí từ góc độ ngược lại) để có cái nhìn đầy đủ hơn.
- Khẳng định tác dụng, ý nghĩa của vấn đề trong cuộc sống hiện tại.

Thao tác này thì chủ yếu dựa vào kinh nghiệm viết và khả năng đánh giá, phân tích, thuyết phục người đọc đồng tình với những ý kiến mà bạn đưa ra đối với vấn đề nghị luận. Mình chỉ có một lời khuyên là hãy đặt mình vào vị trí của người khác mà viết. Tình cảm đi từ trái tim đến trái tim. Khi mình vừa đứng ngoài vừa đứng trong vấn đề đó thì mình mới có thể thấu hiểu hết mọi việc và truyền tải chúng đến với người đọc.

B. Nét riêng
I. Dạng nghị luận về một tư tưởng, đạo lí
1. Loại: Thuộc loại bài nghị luận xã hội.
2. Đề tài:
- Về nhận thức (lí tưởng, mục đích sống, mục đích học tập...).
- Về tâm hồn, tính cách (lòng yêu nước, lòng nhân ái, lòng vị tha, lòng bao dung, lòng độ lượng; tính trung thực, tính cương quyết, tính hoà nhã, tính khiêm tốn, tính ích kỉ...).
- Về quan hệ gia đình (tình mẫu tử, tình anh em...).
- Về quan hệ xã hội (tình đồng bào, tình thầy trò, tình bạn...).
3. Về cấu trúc triển khai tổng quát:
- Giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận (hiểu vấn đề cần nghị luận là gì).
- Phân tích những mặt đúng, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề bàn luận.
- Nêu ý nghĩa của vấn đề (bài học nhận thức và hành động về tư tưởng, đạo lí).
4.Một số đề tham khảo từ sách chuẩn và nâng cao:
- Tình thương là hạnh phúc của con người.
- Bình luận danh ngôn: “Tiền mua được tất cả, trừ hạnh phúc.”
- Đồng chí Lê Duẩn có nói: “Cái gốc của đạo đức, của luân lí là lòng nhân ái.” Em hiểu câu nói đó như thế nào?
- Suy nghĩ của anh (chị) về câu nói: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông.” (Nguyễn Bá Học)
- Phải chăng, “Bạn là người đến với ta khi mọi người đã bỏ ta đi.”?
- Phải chăng “Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là bạn để cho tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống.”? (Noóc-man Ku-sin, theo “Những vòng tay âu yếm – NXB Trẻ, 2003).
- Tiền tài và hạnh phúc.
- “Có ba điều làm hỏng một con người: rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ.” Anh, chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến đó?

Có nhiều đề nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lí thật nhỉ :D Haha, nếu bạn nào là hội viên CLB Khu Vườn Ngôn Từ thì hãy thử viết cho mình xem nào. Đến buổi sinh hoạt CLB thì mình sẽ chữa cho bạn nhé ^^

II. Dạng nghị luận về một hiện tượng đời sống
1. Loại: Thuộc loại bài nghị luận xã hội.
2. Đề tài: Những hiện tượng tốt hoặc chưa tốt cần được nhìn nhận thêm.
- Về nhận thức (lí tưởng, mục đích sống, mục đích học tập...).
- Về tâm hồn, tính cách (lòng yêu nước, lòng nhân ái, lòng vị tha, lòng bao dung, lòng độ lượng; tính trung thực, tính cương quyết, tính hoà nhã, tính khiêm tốn, tính ích kỉ...).
- Về quan hệ gia đình (tình mẫu tử, tình anh em...).
- Về quan hệ xã hội (tình đồng bào, tình thầy trò, tình bạn...).
3.Về cấu trúc triển khai tổng quát:
- Nêu rõ hiện tượng.
- Nêu nguyên nhân. Phân tích các mặt đúng-sai, lợi-hại.
- Bày tỏ thái độ, ý kiến về hiện tượng xã hội đó.
4. Một số đề tham khảo:
- Hiện nay, ở nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp. Anh (chị) hãy bày tỏ suy nghĩ về hiện tượng đó.
- Về hiện tượng ngày càng có nhiều người rời bỏ quê hương để đổ xô về các thành phố lớn.
- Về hiện tượng nhiều người trong lớp trẻ hôm nay lạnh nhạt với âm nhạc truyền thống.

III. Dạng nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học
1. Loại: Thuộc loại bài nghị luận xã hội.
2. Đề tài:
Một vấn đề xã hội có ý nghĩa sâu sắc nào đó đặt ra trong tác phẩm văn học, *Vấn đề xã hội có ý nghĩa có thể lấy từ hai nguồn: tác phẩm văn học đã học trong chương trình hoặc một câu chuyện nhỏ, một văn bản văn học ngắn gọn mà học sinh chưa được học.
3. Về cấu trúc triển khai tổng quát:
a. Phần một: Phân tích văn bản (hoặc nêu vắn tắt nội dung câu chuyện) để rút ra ý nghĩa của vấn đề (hoặc câu chuyện).
b. Phần hai (trọng tâm): Nghị luận (phát biểu) về ý nghĩa của vấn đề xã hội rút ra từ tác phẩm văn học (câu chuyện).
4. Một số đề tham khảo từ sách chuẩn và nâng cao:
- Từ đoạn trích vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ, nghĩ về niềm hạnh phúc khi được sống thực với mình và với mọi người.
- “Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao.
Ông ơi, ông vớt tôi nao!
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con”​
Từ bài ca dao, hãy bàn về vấn đề lẽ sống của con người Việt Nam.
-Từ tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” của nhà văn Ma Văn Kháng, hãy bàn về mối quan hệ giữa gia đình và xã hội.
-Từ truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu, nghĩ thêm về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.
- Từ đoạn trích "Vợ nhặt" của Kim Lân, hãy bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về lòng nhân ái của con người Việt Nam

C. Ví dụ phân tích về cách lồng ghép lí luận văn học vào đoạn văn nghị luận xã hội:
Uhm, vậy lấy đề bài cuối cùng của đi nhé. Vì mình thấy nó gần và các bạn dễ soi chiếu trong quá trình mình hướng dẫn nhất.
Đề bài: "Từ đoạn trích "Vợ nhặt" của Kim Lân, hãy bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về lòng nhân ái của con người Việt Nam"
Vậy thì bước căn bản nhất là hình thành ý tưởng nè :D
- Khi nói đến lòng nhân ái, các bạn sẽ nói gì? Là gì, tại sao hay như thế nào?
- Các dẫn chứng về lòng nhân ái trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam.
- Vận dụng lí luận văn học vào để bàn luận: Có thể chọn 1 trong 2 cách sau:
+ Trích dẫn câu lí luận văn học của các nhà văn hoặc nhà phê bình văn học vào. Với đề này thì có thể lấy của Hoài Việt trong tác phẩm "Văn học trong nhà trường": "Nhà văn dùng Vợ nhặt để làm cái đòn bẩy để nâng con người lên trong tình nhân ái. Câu chuyện Vợ nhặt đầy bóng tối nhưng từ trong đó đã lóe lên những tia sáng ấm lòng"
+ Tư duy để làm bật lên bản chất về sáng tác văn học, các chức năng xã hội, thẩm mĩ, v.v Có thể viết thế này. "Những ngày tháng lầm than, người sống tựa xác chết ấy đã rung lên các dây tơ xúc cảm trong tâm hồn nhà thơ để ông lặng lẽ kí gửi hình bóng mẹ hiền bao dung, bờ vai người chồng trĩu nặng quang gánh mưu sinh vào tiềm thức bạn đọc như chỉ để cảm ơn tạo hóa vì đã ban cho loài người một trái tim nhân ái mà sống vì người khác"

Chà chà, bài viết này cũng dài rồi nhưng vẫn chưa giải được cái đề văn nghị luận xã hội 200 chữ nào cho các bạn cả :D Mà cũng tốt thôi, hiểu được bản chất của vấn đề thì khi giải đề các bạn sẽ không khỏi bỡ ngỡ và dễ dàng hình thành ý tưởng hơn mà. Do vậy, bài viết kế mình sẽ không phân tích dài dòng nữa mà sẽ đi thẳng vào hướng dẫn giải đề qua dàn ý và trích dẫn một đoạn văn nghị luận xã hội mẫu cho các bạn tham khảo nhé!

Tái bút: Nếu các bạn có phản hồi nào về topic này thì hãy gửi tại đây. Đừng bình luận vô tội vạ dưới topic này nếu như không phải một bài viết mang tính chất học thuật.
 

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,982
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
Chậc, một tí nữa là quên mất việc giải các đề nghị luận xã hội cho các bạn. Để xem nào. Vậy hãy thử bắt đầu với một đề thi đại học nhé. Nguyên đề bài trích từ đề thi đại học khối C năm 2012

Đề bài: Trình bày suy nghĩ về ý kiến: Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn tạo nên thành tựu

Hướng dẫn làm dàn ý chi tiết:

I. Mở đoạn: Dẫn dắt vào vấn đề "Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn tạo nên thành tựu"
II. Thân đoạn:
1. Giải thích ý kiến:
- Kẻ cơ hội là những người sống chỉ biết lợi dụng thời cơ để mưu cầu danh lợi mà bất chấp luân thường đạo lý. Họ là những người bán rẻ tất cả chỉ để đạt được mục đích của mình trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất
- Người chân chính là những người có lối sống đẹp. Đối với họ, thành tích chỉ là một cột mốc, là một đích đến sau một quá trình phấn đấu, nỗ lực dài lâu. Bởi vì vậy, họ luôn trân quý thành tựu của mình và trân trọng mối quan hệ giữa người với người.

2. Bàn luận về ý kiến:
- Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích:
+ Bởi vì hư danh, lợi lộc mà họ bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được thành tựu giả dối. Họ không quan tâm đến kết quả thực sự ra sao, càng không quan tâm hệ lụy mà kết quả ấy đem lại, điều họ quan tâm là bề ngoài ấy được đánh giá tốt. Họ chính là những con người mục rữa đã tạo ra trào lưu thành tích giả.
+ Họ luôn thấp thỏm vì những giá trị yếu kém của bản thân mình nên luôn tỏ ra nôn nóng, luôn mong những việc mình làm sớm có kết quả nên thường dùng mọi thủ đoạn hèn hạ để đạt được mục đích
+ Hành động ấy, cách sống ấy làm băng hoại nhân cách của con người và xa hơn là động cơ thúc đẩy căn bệnh thành tích trở nên khó kiểm soát hơn bao giờ hết. Một lối sống giả dối thật đáng chê trách!

- Người chân chính thì kiên nhẫn tạo nên thành tựu
+ Họ làm việc bởi vì họ nhận thức được tầm quan trọng của mỗi kết quả sẽ tác động đến tương lai của họ và mọi người như thế nào. Họ luôn coi trọng chất lượng quy chuẩn và cho rằng việc nỗ lực để đạt được kết quả đó mới là điều thiết yếu.
+ Họ luôn nỗ lực sau mỗi lần vấp ngã, luôn kiên trì trên mỗi chặng thử thách và hạnh phúc với những gì họ đã đạt được sau tất thảy những cố gắng thấm đẫm mồ hôi, công sức ấy
+ Họ chính là gương mặt đại diện cho những phẩm chất cao quý của con người, luôn tiên phong trong việc tạo ra những thành tựu đích thực đưa nền văn minh của nhân loại tiến lên một tầm cao mới

3. Bài học nhận thức và hành động:
- Đây là hai lối sống đối lập với nhau về tư tưởng lẫn nhân cách. Một bên là tiêu cực, đáng chê trách còn một bên là tích cực, đáng ngưỡng mộ
- Cần lên án lối sống giả tạo, tẩy chay trào lưu thành tích ảo và trân trọng thành tựu thật sự, noi gương để trở thành một công dân chân chính.

III. Kết đoạn: Khẳng định lại vấn đề: Kẻ cơ hội sẽ mãi không bao giờ được công nhận thật sự còn người chân chính mãi tỏa sáng với cống hiến của mình

Chà chà, khi viết đến đây thì các bạn sẽ đặt câu hỏi: Dàn ý dài như thế thì làm sao mà gói gọn trong 200 chữ??
Câu hỏi trả lời là dàn ý cũng chỉ là một gợi ý để làm bài. Gọt giũa nó, biến tấu nó trở thành lời văn của chính mình mới thật sự là điều tuyệt vời nhất :D

Sau đây là đoạn văn mình tự viết. Nó chỉ là một đoạn văn mẫu không hơn không kém chỉ để các bạn tham khảo thôi. Vì vậy, hãy tự tư duy ra và viết nên một đoạn văn của riêng mình, các bạn nhé :D

Sống trên đời có mấy ai thấu được ẩn ý của câu nói "Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn tạo nên thành tựu"? Kẻ cơ hội là những người mưu cầu danh lợi bằng những thủ đoạn rẻ tiền bất chấp luân thường đạo lí chỉ vì muốn thật nhanh được nhìn thấy kết quả. Còn người chân chính là những người kiên trì với nỗ lực để có thể tạo ra những thành tựu vĩ đại mà thế hệ sau đời đời ngợi ca. Từ chính những lí giải đơn thuần này mà chúng ta có thể nhận thấy được hai tư tưởng, lối sống đối lập của họ. Một bên là cộng đồng các kẻ cơ hội với những tâm hồn mục rữa. Họ luôn tìm mọi cách để giành lấy vinh quang, được đắm mình trong những lời khen rẻ tiền bởi vì từ trong tận sâu bản chất, họ chán ghét năng lực chính mình và từ bỏ mọi thứ chỉ để gặt lấy hư danh phù phiếm. Thật là một lối sống đáng chê trách! Một bên là cộng đồng những người chân chính với nhân cách cao quý. Họ luôn tâm niệm về chất lượng thật sự, luôn nỗ lực sau mỗi lần vấp ngã, luôn kiên trì trên mỗi chặng thử thách và hạnh phúc với những gì họ đã đạt được sau tất thảy những cố gắng thấm đẫm mồ hôi, công sức ấy. Thật là một lối sống đáng ngưỡng mộ! Thời đại ngày một phát triển, chúng ta cần tẩy chay trào lưu thành tích ảo và noi gương người chân chính để vươn đến thành tựu thật sự các bạn nhé.
 
Top Bottom