HÓA HỌC VUI ( Nghiên Cứu Về Hóa Học Trong Cuộc Sống )

L

lehoanganh007

NỌC RẮN :

Nọc độc rắn vốn cực kỳ phức tạp, bao gồm hàng trăm peptide ( chuỗi axit amin) ;Nọc rắn gồm hơn 20 thành phần khác nhau, chủ yếu là protein chứa các men và độc tố polypeptide

dưới đây là một số chất có trong nọc độc của rắn

*Neurotoxin: chất độc gây loạn thần kinh, ảnh hưởng não và hệ thần kinh, đặc biệt là cơ quan kiểm soát việc hô hấp và tuần hoàn. Hậu quả nó gây ra co rút cơ bắp, nôn ói, lên cơn co giật và dẫn đến tình trạng tê liệt.

*Haemotoxin: chất độc thường tác động lên máu hay mạch máu, phá hủy tế bào máu, gây xuất huyết nội. Nhưng lại có chất làm đông máu, tốc độ đông máu đến rất nhanh, có thể gây chết do mạch máu bị tắc nghẽn.

*Myotoxin: có trong nọc độc, đảm nhiệm chức năng tấn công và hủy hoại mô cơ gây hoại tử, làm mô chết và gây ung thối.

ngoài ra dưới đây là chất độc có trong một số loài rắn :

+ rắn Copperhead có một chất protein có tên là contortrastin

+ rắn độc hổ mang (Bothrops jaracaca) ở Brazil, có chất captopril gây hạ áp rất nhanh cho con mồi khi bị cắn khiến nó bủn rủn, tê liệt
 
B

bigmove

Thử độ tươi (mới) của bột mì


--------------------------------------------------------------------------------

Bột mì để lâu, do tác dụng của oxy, nước, vi sinh vật trong không khí, có thể sinh ra hiện tượng bị chua, hư hỏng. Muốn biết bột mì có còn tươi mới hay không, có thể dùng chất thử hoá học để kiển định đơn giản, như sau:

1. Lấy một bình thuỷ tinh hình nón, dung tích 150ml. Cho vào bình 40ml nước cất, rồi cho 5 gam bột mì biết chắc là tươi, mới vào bình, khuấy trộn đều, cho tới khi không còn cục bột nào ở trong nước. Tiếp đó nhỏ vào 5 giọt dung dịch chất thử phenolphatalêin, lắc đều. Lúc này dung dịch trong bình thủy tinh hình nón là không màu.

Pha loãng dung dịch natri hydroxyt (NaOH) 0,02%. dùng ống nhỏ giọt pipet (có khắc vạch trên ống) để hút dung dịch natri hydroxyt 0,02%, nhỏ giọt vào bình hình nón. Vừa nhỏ, vừa lắc đều bình hình nón cho tới khi dung dịch trong bình chuyển sang màu đỏ nhạt, trong 1 - 2 phút cũng không bị mất màu đó thì dừng lại, ghi số lượng dung dịch natri hydroxyt đã dùng chuẩn độ.

2. Sau đó lấy 5g bột mì cần thử độ tươi, mới. Cho bột đó vào bình hình nón cùng với 40ml nước cất, 5 giọt phenolphtalêin, khuấy đều, và cũng dùng dung dịch natri hydroxyt 0,02% để chuẩn độ như với bột mì tươi, mới. Ghi lại số lượng dung dịch natrihydroxyt khi dung dịch bột trở nên có màu đỏ nhạt, không mất màu trong vòng 1 - 2 phút.

Nếu lượng dùng dung dịch natri hydroxyt khi chuẩn độ bột mì cần thử mà tương tự như lần chuẩn độ bột mì tươi, mới (lần chuẩn độ trên) thì tin chắc bột mì cần thử là tươi, mới; còn nếu dung dịch NaOH nhiều hơn 2,5 lần so với lần chuẩn độ bột mì tươi, mới thì bột mì đã tồn trữ quá lâu, không thể dùng ăn được nữa.

Thành phần chủ yếu của bột mì là tinh bột (C6H10O5)n. Tinh bột giữ lâu thì dần dần phân giải thành glucose; glucose trong điều kiện thích hợp, lại phân giải thành các loại axit hữu cơ. Phenolphtalêin không có màu trong dung dịch axit có màu đỏ trong dung dịch kiềm. Do hàm lượng axit hữu cơ cao trong bột mì biến chất nên không thể dùng nó để ăn.
 
B

bigmove

Làm một "đóa hoa báo mưa, nắng" như hướng dẫn dưới đây, bạn có thể dùng để trắc nghiệm sự thay đổi của thời tiết.

Dùng loại giấy nhún màu đỏ để làm một đoá hoa hồng, rồi phết nước muối đặc lên những cánh hoa (hoà muối ăn với nước, khuấy đều, cho thêm muối ăn cho tới khi muối ăn không tan được nữa là được nước muối đặc, dung dịch muối bão hoà), rồi cắm đoá hoa đó vào chậu hoa.

Nếu sắc màu của hoa bị nhạt đi thì thời tiết nhất định sẽ nắng, còn màu sắc hao trở nên thẫm hơn thì thời tiết sẽ râm hoặc mưa.

Đó là vì đoá hoa giấy thấm nước muối đặc thì dễ dàng hấp thu nước. Ngày râm khí áp thấp, độ ẩm không khí lớn, hoa giấy tiếp xúc với không khí có độ ẩm lớn thì có thể hấp thu nước trong không khí, nên hao giấy trở nên thẫm màu hơn lên một chút. Ngược lại, vào ngày nắng khí áp cao, độ ẩm không khí nhỏ, hoa giấy chẳng hấp thu được nước nên đương nhiên vẫn giữ màu vốn có, hoặc thấy nhạt đi một chút.
 
B

bigmove

Đường ăn có thể đốt cháy được không? Chúng ta hãy cùng nhau làm một thí nghiệm để thử xem sao!

Trên một nắp hộp bằng thiếc rải ở chính giữa một ít hạt đường (đường kính, đường cát, ...). Bạn đưa que diêm đang cháy vào đốt cháy những hạt đường đó thì dù bạn có xoay xở đốt bao nhiêu lần cũng chẳng đốt cháy được nó. Phải chăng là đường không thể cháy?

Bây giờ bạn hãy rắc một số tàn thuốc lá lên những hạt đường đó rồi thử đốt lại xem sao. Lúc này thì đường sẽ cháy, phát ra ngọn lửa màu xanh lam cho tời khi cháy hết.

Sau khi cháy xong, tàn thuốc lá đã rắc vào đường vẫn là tàn thuốc lá và không tăng, không giảm về số lượng, nhưng nó lại thúc đẩy cho đường cháy. Người ta gọi nó là chất xúc tác.
 
B

bigmove

Muốn biết trong rau nào có vitamin C hay không có thể kiểm tra nhanh bằng cách sau đây:

C ho vào bình thuỷ tinh một ít tinh bột, rồi một ít nước, khuấy trộn bằnh que nhỏ đều tinh bột và nước, nhỏ 2 - 3 giọt rượu lốt vào hỗn hợp nước - tinh bột màu trắng sữa thì hỗn hợp đó đổi thành màu tím xanh.

Lấy 2 - 3 tàu rau xanh, tước lá rau chỉ để lại cuống lá, rồi đem ép lấy dịch từ cuống lá, sau đó từ từ nhỏ vào hỗn hợp tinh bột - iốt màu tím xanh, vừa nhỏ vào, vừa lắc. Khi đó, bạn sẽ phát hiện: Dung dịch màu xanh tím lại biến màu, trở thành màu trắng sữa.

Do tinh bột gặp Iốt thì biến thành màu tím xanh - đó là đặc tính của tinh bột. Nhưng, vitamin C làm cho iốt bột biến thành dung dịch không màu.

Khi nhỏ dịch rau vào hỗn hợp tinh bột có chứa Iốt thì do có tác dụng của vitamin C trong dịch rau mà Iốt biến thành chất lỏng không màu. Cho nên hỗn hợp vốn có màu xanh biến thành hỗn hợp tinh bột màu trắng sữa.
 
L

lehoanganh007

RẮN TIẾP :

ran.jpg

Một hợp chất từ nọc độc rắn có khả năng "bỏ đói" khối ung thư bằng cách phá hủy các mạch máu nuôi nó. Nghiên cứu về loại độc tố này mới trong giai đoạn đầu, song nó hứa hẹn một tương lại sáng lạn - một sự biến đổi ngoạn mục từ nọc độc gây chết người sang thuốc chữa bệnh.

"Nọc độc rắn và dược liệu có cùng chung một mục đích, đó là biến đổi chức năng sinh học" - John Perez, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chất độc tự nhiên thuộc Đại học Texas A&M (Mỹ) cho biết - "Đây là lý do vì sao thế giới các loại nọc độc rắn luôn thu hút sự quan tâm của giới dược học". Hiện nay, trên thế giới đã xuất hiện một số dược liệu được phát triển từ nọc rắn. Ví dụ như chất ức chế ACE từ nọc của loài rắn độc Brazil, được dùng trong điều trị chứng huyết áp cao và các rối loạn tim mạch. Tuy nhiên, đây mới chỉ là buổi bình minh của thời đại thuốc cứu người từ nọc độc.

Tony Woods đến từ Đại học Nam Australia và cộng sự đã phát hiện ra một loại nọc rắn độc có khả năng phá hủy mạch máu nuôi khối ung thư.

Nọc độc rắn vốn cực kỳ phức tạp, bao gồm hàng trăm peptide (chuỗi axit amin), men và độc tố. Trong gần 3.000 loài rắn trên thế giới thì có khoảng 650 loài có nọc độc, phần lớn sinh sống ở Australia. Sự đa dạng của nọc rắn không chỉ thể hiện giữa các loài, mà thậm chí còn trong cùng một loài, ví như giữa rắn trưởng thành và rắn non, hay giữa những con sống ở các vùng địa lý khác nhau. Sự khác biệt này xuất phát từ áp lực tiến hóa, liên quan đến tổ tiên, việc bắt mồi và môi trường. Chính sự phong phú của nọc rắn đã tạo nên một nền tảng hấp dẫn đối với giới chuyên gia phát triển dược liệu.

"Khối ung thư thực chất là một tập hợp mô" - Woods phát biểu -"Vì thế, giống như các mô khác trong cơ thể, chúng ta có thể tác động đến sự phát triển của chúng bằng cách ngăn cản sự hình thành mạng lưới cung cấp máu hoặc gây gián đoán hoạt động này".

Nhóm của Woods đã tìm thấy một hợp chất đặc biệt từ một loại nọc rắn có khả năng phá vỡ liên kết giữa các tế bào thuộc lớp niêm mạc của mạch máu, gây rối loạn chức năng của mạch máu, khiến cho dòng máu tới nuôi khối u bị cản trở. Woods không tiết lộ về loại nọc rắn đang nghiên cứu, vì lý do hợp chất này chưa được đăng ký bản quyền.

Thế mạnh của những độc tố từ nọc rắn là có mục tiêu tấn công rất rõ ràng. Chúng không giống như liệu pháp hóa trị và một số loại thuốc, không thể phân biệt được tế bào ác tính và khỏe mạnh, và do đó thường gây nên các phản ứng phụ.

Woods cho biết một cuộc thử nghịêm loại nọc tiềm năng trên động vật có thể sẽ diễn ra ngay trong năm nay và sau đó sẽ là trên cơ thể người. "Tôi không thể cưỡng lại sức hấp dẫn kỳ diệu từ nọc rắn, cho dù thực sự tôi rất ghét loài động vật này - chúng có thể giết chết tôi trong tích tắc", Woods thổ lộ.
 
B

bigmove

Cho nước sạch vào tới nửa bình của một bình thuỷ tinh trong suốt, thêm vào một ít dầu ăn. Khi đó dầu nổi trên mặt nước, mặt phân cách giữa dầu và nước rất rõ ràng. Dùng tay lắc bình thuỷ tinh, để cưỡng bức dầu và nước tạo thành một pha; khi để yên một lúc thì dầu và nước lại phân thành hai lớp trên dưới rõ ràng.

Khi đó lại cho thêm vào trong bình một ít chất tẩy rửa (hoặc bột giặt quần áo), sau đó lắc bình thật kỹ rồi quan sát sẽ thấy dầu và nước không còn phân tầng thành hai lớp nữa mà hoà làm một với nhau.

Giải thích: Bởi chất tẩy rửa có một thuộc tính đặc biệt là có thể bao vây từng giọt dầu, đem phân tán đều trong nước; tác dụng như thế được gọi là "tác dụng nhũ hoá". Hỗn hợp nước và dầu được hình thành nhờ tác dụng nhũ hoá được gọi là "nhũ tương". Sữa, dầu gan cá thu màu trắng sữa mà mọi người vẫn uống đều ở dạng nhũ tương.

Bột giặt có thể khử đi vết dầu trên quần áo chất tẩy rửa có thể tẩy sạch ố dầu là do chúng có thể tách phân tử dầu trên quần áo để đưa vào trong nước.
 
L

lehoanganh007

Re: HÓA HỌC VUI ( Nghiên Cứu Về Hóa Học Trong C

153 said:
lehoanganh007 said:
Một câu hỏi khá hay đây

làm sao phân biệt kim cương nhân tạo và kim cương tự nhiên

sao o trả lời câu này đi anh ????
mài lên kính
kim cương thật thì làm xước kính , kim cương giả thì ko dc
kim cương giả có các loại sau ( theo những ji mình biết ):
- Thủy tinh pha chì còn gọi là pha lê , với thành phần chì oxit PbO đến gần 50% . Tính chất quang học của thủy tinh này và kim cương khá giống nhau : đều có tia sáng và ánh kim cương
- Nếu thêm vào phối liệu nóng chảy vào thủy tinh này một lượng nhỏ (0,0001%) vàng dưới dạng hợp chất bất kì thì thu dc ngọc giả rupi màu đỏ rực
- Cho thêm oxit Coban CoO --> ngọc Xaphia giả
- Cho một ít Crôm oxit ( Cr2O3) --> ngọc rupi
 
L

lehoanganh007

Plutonium: Người anh em song sinh của Uranium

Trong lịch sử phát triển bom nguyên tử, có thể xem bom Uranium và bom Plutonium là cặp anh em song sinh. Cùng với U235, các hạt nhân Pu239 cũng được sử dụng để chế tạo bom nguyên tử, quả bom thứ hai ném xuống Nagasaki (Nhật) vào ngày 9/8/1945.



Ảnh chụp vụ nổ ở Nagasaki vào ngày 9/8/1945 khiến cho 73.000 người chết
nagasaki.jpg


Cặp song sinh
Sự xuất hiện của cặp song sinh bom Uranium và bom Plutonium gần như cùng một thời khắc lịch sử, đã khiến thế giới kinh hoàng. Trước sau chỉ 3 ngày, ngay trong mùa hè định mệnh đối với nước Nhật của năm 1945 ấy.

Sáng ngày 6/8, quả bom Urani tàn phá thành phố Hirohima. Đến 11h2' ngày 9/8, quả bom Plutoni lại dội xuống thành phố Nagasaki. Quả bom chứa chất nổ Pu239, dài khoảng 3,25 mét, đường kính 1,52 cm, nặng 4,5 tấn, được đặt cho một cái tên khá hài hước là "Chàng Béo" (Fat Man). Tương tự như cái tên “Chú Nhóc Con” được đặt cho quả bom Urani vậy.

Sức tàn phá của quả bom Plutoni không kém 21.000 tấn thuốc nổ thông thường (còn gọi là thuốc nổ TNT-Trinitro Toluen). Nó đã phá huỷ hoàn toàn 6,7 km2 nhà cửa (1/3 số nhà của Nagasaki) và sát hại 2/3 số dân thành phố (7,3 vạn người chết và 7,5 vạn người bị thương).

Plutonium – phát minh chao đảo thế giới

Nước Mỹ không chỉ là nơi ra đời quả bom nguyên tử Plutoni. Đó cũng chính là xứ sở phát hiện sự tồn tại của nguyên tố mới Plutonium.
Glenn-Seaborg.jpg


Glenn Seaborg (1912–1999)

Glenn Seaborg (1912–1999), nhà khoa học hạt nhân đương đại huyền thoại của nước Mỹ, là tác giả của 10 phát minh nguyên tố mới, trong đó có Plutonium.

Tân tiến sĩ hoá học Seaborg, mới 28 tuổi, được chọn mặt gửi vàng, giao tập hợp một nhóm khoa học gia trẻ, bắt tay vào một thí nghiệm đặc sắc và khó khăn: tìm nguyên tố mới, nặng hơn Urani, gọi là nguyên tố siêu nặng hay siêu Urani.

Trên chùm gia tốc hiện đại nhất thời đó, họ bắn vào bia Uranium một chùm hạt deutrium (d), rồi theo dõi những hiện tượng mới mẻ xảy ra. Trước đó, nguyên tố siêu Uran đầu tiên với Z=93, tên gọi là Neptunium (Np), đã được tìm thấy (năm 1940) bởi một nhóm nghiên cứu khác. Điều này thắp sáng niềm tin cho kíp nghiên cứu mới.

Đêm ấy, chủ nhật 23/2/1941, ánh đèn trên tầng 3 của Toà nhà Gilman trong khung viên ĐH California (ở Berkley), sáng rất khuya. Thí nghiệm kéo dài đã 10 tuần liền, sự chờ đợi tưởng như vô vọng. Tiếp tục bắn chùm hạt deutrium (d) thêm 4 giờ nữa!

Bỗng “thế giới như chao đảo”: một hạt anpha đã rơi vào bộ đếm, một đồng vị phóng xạ của nguyên tố 94 đang chờ đợi đã được tổng hợp và được nhận dạng. Đó là hạt nhân của một nguyên tố mới ứng với số điện tích Z = 94: Nguyên tố Plutoni (lấy tên của ngôi sao Pluto – sao Diêm Vương Tinh), tên hoá học là Plutonium và ký hiệu Pu.

Như tính toán trước, đồng vị đầu tiên của nguyên tố Pu được tìm thấy chính là Pu238. Nó được sinh ra bởi quá trình:

U238(d,2n)Np238 ---> Pu238 + b

Ở đây, quá trình xảy ra như sau: hạt nhân U238 bắt lấy hạt d và trở thành hạt nhân Np238, rồi ngay sau đó Np238 lại phát ra hạt b (bêta) để trở thành hạt nhân mới Pu238.

Sự xuất hiện nguyên tố mới, Plutonium, xảy ra như vậy đó. G. Seaborg đầy cảm xúc khi viết kể lại thời khắc “trở dạ” của nguyên tố Plutonium (Pu): Thời khắc bắt gặp hạt nhân Pu đầu tiên, tất cả bỗng lặng đi, rồi vỡ oà, ôm nhau chúc mừng trong niềm vui khôn tả. Họ vội về nhà vùi trong cơn khát ngủ đã bao ngày đêm.

Đó là đêm kỳ diệu trong cuộc đời khoa học của G. Seaborg. Vì với ông, nguyên tố Plutonium là phát minh quan trọng đầu tiên của đời mình. Cũng với phát minh đó ông đã sớm được sánh vai với nhà vật lý Edwin McMillan nhận Giải Nobel danh giá về Hoá học năm 1951.

Từ hạt nhân Pu235 đến quả bom nguyên tử

Điều khá bất ngờ là phát minh Pu lại có ý nghĩa quá hệ trọng đối với nhân loại.

Thực vậy, chỉ khoảng một tháng sau phát minh nguyên tố Plutonium, Seaborg phát hiện ra một tính chất đặc biệt quan trọng của một trong những hạt nhân đồng vị của Plutonium, đồng vị Pu239. Tương tự với hạt nhân U235 đã biết, hạt nhân mới Pu239 cũng bị phân chia bởi hạt nơtron, để sinh thêm 2 nơtron mới và phát ra một năng lượng hạt nhân rất lớn.

fatman-1.jpg

Quả bom nguyên tử mang biệt danh "Fatman" được ném xuống Nagasaki vào ngày 9/8/1945


Rõ ràng, với phát hiện này, Plutoni bên cạnh Urani, sẽ trở thành nguồn nhiên liệu hạt nhân dồi dào cho nhân loại. Nhưng, đáng tiếc, trong bi kịch của lịch sử thế giới thời đó, trước khi phục vụ đời sống nhân loại như một nguồn nhiên liệu quý gía, Pu239 đã sớm trở thành chất nổ cho bom nguyên tử (bom A).

Với các phát minh vang dội, Seaborg đã được gọi tham gia trực tiếp vào dự án bí mật vừa mới thành lập, dự án Manhattan. Ông được điều đến phụ trách Phòng thí nghiệm kim loại học của Đại học Chicago, tham gia cùng Enrico Fermi chế tạo bom nguyên tử. Ở đây họ xây dựng công nghệ tách chiết Pu239 với khối lượng lớn từ quá trình phân hạch của Uranium trong lò phản ứng đầu tiên của nước Mỹ và cũng là đầu tiên của thế giới.

Trong trường hợp này, Pu239 sinh ra trong quá trình:

U238(n,γ)U239 —b® Np239 —b® Pu239

Quá trình xảy ra như sau: hạt nhân U238 bắt một nơ trôn chậm và trở thành hạt nhân U239. Gần như tức thời, hạt nhân mới này phát ra liên tiếp 2 hạt b (bêta) để hoá thân thành một hạt nhân hoàn toàn mới, một đồng vị khác của nguyên tố Plutoni: Pu239.

Sau 3 năm làm việc căng thẳng, mỗi ngày 12 giờ, tập thể của Seaborg đã thu được một lượng Pu đủ chế tạo 3 quả bom nguyên tử. Quả bom Plutonium thả xuống thành phố Nagasaki (Nhật bản) là một trong những quả bom Plutonium như thế.

Do trong tự nhiên hầu như không tồn tại nguyên tố Plutonium, ngược lại có rất nhiều đồng vị U238, nên phương pháp điều chế Pu239 theo nguyên lý nói trên là tối ưu nhất.

Và cũng vì vậy, với mục tiêu chế tạo Plutonium ở quy mô công nghiệp, hiện nay, lò phản ứng với chất làm chậm nước nặng là công cụ lý tưởng nhất so với mọi loại lò phản ứng hạt nhân khác. Trong loại lò này chỉ dùng Uranium tự nhiên (không cần làm giàu) để làm nhiên liệu. Nước nặng (D2O) đóng vai trò làm chậm các nơtron nhanh sinh ra trong quá trình hoạt động của lò phản ứng, tạo thuận lợi cho sự biến đổi hạt nhân U238 thành hạt nhân Pu239.
 
L

lehoanganh007

Trận mưa sao băng lớn nhất năm 2007

Các nhà thiên văn học cho biết, trong đêm nay và đêm mai, trận mưa sao băng kỳ vĩ nhất năm sẽ đạt đến đỉnh điểm. Các nước thuộc khu vực Đông Á, Thái Bình Dương và Bắc Mỹ có thể quan sát rất rõ hiện tượng này.

Các nhà thiên văn học David Levy và Stephen Edberg viết về trận mưa sao băng này như sau: Nếu chưa chứng kiến mưa sao băng Geminid thì có thể coi như chưa từng nhìn thấy mưa sao băng.

Nguồn gốc
Bui_vu_tru.jpg

Hình ảnh dải bụi sao chổi trong vũ trụ

Trận mưa sao băng được đặt tên là Geminid vì nó xảy ra gần với ngôi sao lớn Castor (con hải ly) thuộc chòm sao Geminid (Song Tử).

Mưa sao băng Geminids bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỉ 19 và cho đến nay nó luôn được coi là trận mưa sao băng lớn nhất của năm. Trong một thời gian dài nguồn gốc của mưa sao băng Geminids khá bí ẩn, các nhà thiên văn cố gắng kiếm tìm sao chổi đã gây ra trận mưa sao băng này. Nhưng sự việc chỉ được sáng tỏ vào năm 1983, khi NASA phát hiện ra vật thể 3200 Phaethon có lẽ chính là nguồn gốc gây ra mưa sao băng Geminids hằng năm từ 7 đến 17-12.

Sao băng xuất hiện khi các mảnh vật chất nhỏ bị Trái Đất hấp dẫn và bốc cháy tạo thành vệt dài khi xuyên qua bầu khí quyển. Các trận mưa sao băng thông thường đều có nguồn gốc từ một sao chổi.

Các sao chổi trên hành trình của nó tiến lại gần Mặt Trời, nhiệt độ tăng làm vật chất của sao chổi bốc hơi và dưới áp suất của gió Mặt Trời, tạo nên các đuôi bụi, băng và khí. Các vật chất nhỏ gồm bụi và băng phát tán từ sao chổi vương vãi chung quanh quĩ đạo của nó.

Khi Trái Đất trong quĩ đạo quay quanh Mặt Trời của mình đi vào vùng bụi này sẽ xuất hiện các trận mưa sao băng. Các trận mưa sao băng lớn của năm như Perseids diễn ra vào tháng 8 có nguồn gốc từ các đám bụi của sao chổi Swift - Tuttle, mưa sao băng Leonids diễn ra vào tháng 11 có nguồn gốc từ sao chổi Tempel - Tuttle.

Với vật thể 3200 Phaethon - nguyên nhân tạo ra sao băng Geminids, hiện nay nó không giống một ngôi sao chổi mà như là một tiểu hành tinh với cấu tạo bằng vật chất rắn hơn là băng và nước. Nhưng các nhà thiên văn tin rằng 3200 Phaeteon vốn là nhân của một sao chổi đã bị gió mặt trời thổi bay hết lớp vỏ ngoài.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy, mưa sao băng Geminid nổi tiếng vì vừa có những sao băng rơi chậm, sáng chói, rực rỡ và các quả cầu lửa vừa có những sao băng nhỏ, có ánh sáng yếu và các vật thể có ánh sáng trung bình.

Tốc độ trung bình của các sao băng Geminid là khoảng 35km/giây. Chúng sáng chói và có màu trắng, tuy nhiên, khác với mưa sao băng Perseids, chúng để lại những vệt, sọc dài trông thấy được trên đường rơi.


Geminid.jpg


Mưa sao băng Geminid dày đặc hơn gấp bốn lần so với các trận mưa sao băng thông thường. Lúc cao điểm, có thể đếm được đến 120 sao băng rơi trong một giờ. Mưa sao băng Geminid năm nào cũng đẹp, nhưng theo nhà thiên văn học người Anh, ông Alastair McBeath thì trận mưa sao băng năm nay là cực lớn.

Năm ngoái, mưa sao băng Geminid bị mặt trăng che khuất nhưng năm nay, tuần trăng mới bắt đầu vào ngày 9-12 nên trong các đêm 13, 14-12, trăng lưỡi liềm và lặn sớm nên bầu trời sẽ tối đen, khiến cho điều kiện quan sát mưa sao băng càng trở nên hoàn hảo.

Ông McBeath dự tính, mưa sao băng Geminid sẽ đạt đến đỉnh điểm vào hồi 14 giờ 45 giờ GMT, ngày 14-12. Điều đó có nghĩa là các nước từ vùng trung tâm Đông Á cắt ngang Thái Bình Dương cho tới Alaska sẽ là những điểm quan sát tốt nhất.

Làm gì để quan sát mưa sao băng

Mưa sao băng Geminid bắt đầu ở chân trời phía đông - đông bắc vào đầu tối.

Hình ảnh trận mưa sẽ trở nên rõ ràng hơn kể từ sau 22 giờ (giờ địa phương) bởi vì ánh sáng tỏa ra từ các sao băng trở nên rực rỡ ở phía đông bầu trời vào thời điểm này. Tuy nhiên, những hình ảnh tốt nhất chỉ có thể quan sát được vào lúc 2 giờ sáng - thời điểm Phaethon đi ngang qua Trái Đất - khi mà các cơn mưa sao băng xuất hiện ngay trên đầu người quan sát.
 
L

lehoanganh007

phanhuuduy90 said:
con hỏi:
nước tương không có 3-MCBD là gì hả mẹ?
Nước tương có thể gây ra ung thư


Một số lượng hóa chất đáng kể trong nước tương có thể gây ung thư.

Trung ương FSA (Food Standard Agency) đã ra thông cáo cho những người tiêu thụ nước tương như sau : có khoảng một trăm loại nước tương mà trong đó có hai mươi hai loại có cơ nguy gây ra ung thư.

Tuy nhiên hãng trung ương FSA cũng nhấn mạnh là phần lớn những loại nước tương được thử nghiệm không có những chất gây nguy hại cho cơ thể, và phần đông các hãng nước tương đều an toàn, không nguy hại.

Năm trước, sau một cuộc khảo sát, thì có vài loại nước tương chứa hóa chất 3-MCPD với một trọng lượng khá cao, chiếu theo luật của Châu Âu (EU). Khoảng 2/3 loại nước tương có thêm hóa chất thứ 2 gọi là

l,3- CPD. Theo những chuyên gia thì hóa chất nầy tuyệt nhiên không nên có trong thực phẩm. Hai hóa chất kể trên đều có nguy cơ gây ra ung thư.

Những tiệm chuyên môn.

Các loại nước tương có hai hóa chất nầy được nhập cảng từ Thái Lan, Trung Quốc, Hương Cảng và Ðài Loan, thường được bày bán trong các tiệm thực phẩm Á Ðông. Cũng có vài loại nước tương giả mạo. Mặc dù có khoảng l/3 loại nước tương là có nguy cơ gây hại cho người tiêu thụ.

Nhưng thị trường Anh Quốc (UK) chỉ chiếm một số rất nhỏ. Trung ương FSA ra lệnh thu hồi những thực phẩm có hai hóa chất 3-MCPD và

l,3-CPD. Hai hóa chất nầy có thể gây ra ung thư cho người tiêu thụ chúng hằng ngày và trong một thời gian lâu dài. Người lâu lâu dùng một lần thì không hề chi. Giám đốc FSA nói, "Chúng tôi muốn những người tiêu thụ các thực phẩm nầy phải được biết về sự nguy hại của chúng, và đây là cách để bảo vệ sức khỏe của những người tiêu thụ.

Tất cả những thực phẩm có 2 hóa chất kể trên cần phải được thu hồi và nếu đã mua rồi thì liệng đi, không nên dùng nữa. Tôi muốn nhắc lại là chỉ có một số nước tương bị liệt kê là 'nguy hiểm', và chúng tôi lên tiếng để cảnh giác những người tiêu thụ nhiều nước tương."

Cộng đồng Á Châu.

Thường thì nước tương được tiêu thụ bởi những cộng đồng Á Châu.

Nước tương có thể được bào chế mà không cần hai hóa chất kể trên, và chúng tôi chờ đợi các hãng nước tương phải tuân hành theo luật qui định của Âu Châu (EU). Trung ương FSA đang phát hành những tờ báo cáo về sự nguy hại của hai hóa chất nầy trong những cộng đồng Á Châu.

Những cảnh sát trong vùng cũng được kêu gọi để xem xét và thu hồi những sản phẩm nào còn đang bày trên kệ.

Hai hóa chất 3-MCP và 1,3-CDP thuộc về nhóm hóa chất gọi là Chloropropanols. Việc bào chế nước tương không cần có hai hóa chất nầy. Hai hóa chất nầy có mặt khi mà chất Acid Hydrolysed Vegetable được bỏ thêm vào để làm gia tăng mức độ việc hoàn thành sản phẩm nước tương.

Những hiệu nước tương cần nên tránh.

Golden Moutain, Jammy Chai, Pearl River Bridge, Lee Kum Kee, Wanjashan, King Imperial, Golden Mark, Sinsin, Golden Swan, Tung Chun, Kim Lan.
 
L

lehoanganh007

LOÀI RẮN

Câu chuyện dài
untitled.jpg

Loài rắn phát triển cách đây khoảng 40 triệu năm về trước – một thời gian dài sau sự tuyệt chủng của loài khủng long. Đó là khoảng thời gian mà nhóm thú trở nên chiếm ưu thế và diễn ra ngay sau sự xuất hiện của các loài gặm nhấm. Rất nhiều loài rắn đã tiến hoá theo hướng chuyên ăn các loài gặm nhấm với những giác quan phù hợp cho việc phát hiện động vật máu nóng. Nhờ không có chân, chúng có thể chui vào các khe hở, các đường nứt và những cái hốc chật hẹp.

Cùng với việc các chi bị thoái hóa, loài rắn chỉ còn lại cái thân dài và cái miệng – hai công cụ để bắt và giết con mồi, vì thế tất cả sự chọn lọc tiến hoá của chúng chỉ tập trung vào hai phần này. Kết quả là: cơ thể và miệng rắn trở nên phát triển và rất phức tạp.

thân nhiệt tăng chậm

Bằng cách kết hợp điều này với sự trao đổi chất chậm hơn 10 lần so với các loài thú có cùng kích cỡ, rắn có thể tận dụng nguồn dưỡng chất từ thức ăn của chúng trong thời gian chờ đợi thời điểm thích hợp để di chuyển và tấn công con mồi.

Trái ngược với những điều mà mọi người vẫn tin tưởng, các loài bò sát ngày nay không tiến hóa từ khủng long. Tất cả các loài bò sát đều có tổ tiên chung vào khoảng 280 triệu năm về trước và sau đó bắt đầu phân hoá thành các nhóm khác nhau. Nhóm rùa cạn và rùa nước ngọt giữ nguyên cho đến tận bây giờ. Khủng long trước đây và những đại diện ngày nay của chúng, thuộc bộ cá sấu, lợi dụng hàm răng sắc và đôi khi là kích thước đồ sộ, để tồn tại. Loài rùa cạn ở New Zealand nằm trong một nhóm độc lập và hầu như không hề thay đổi. Sau này thằn lằn là nhóm bò sát thành công nhất, trong khi một số loài khác vẫn còn giữ được các đặc điểm của tổ tiên, thì mộ số khác đã tiến hoá đến mức không còn nhận ra nữa. Hậu duệ mới nhất của thằn lằn chính là loài rắn.

Di chuyển và luồn lách

Cơ thể loài rắn được cấu tạo bởi hàng trăm đốt sống và hàng trăm cặp xương sườn. Xương sườn được nối với nhau bởi các cơ kéo dài dọc cơ thể từ đầu tới đuôi. Bao phủ bên ngoài là lớp da, gắn với xương sườn bởi hàng trăm cơ nhỏ hơn được kéo dài ra. Cơ nối giữa xương sườn và các cơ bao quanh chúng có thể kết lại cục bộ hoặc toàn bộ, và điều này cũng diễn ra tương tự đối với các cơ nối giữa da và xương sườn.

Vì rắn có khả năng co và giãn một cách chọn lọc hàng ngàn cơ riêng biệt, nên rắn có khả năng di chuyển rất đa dạng, từ uốn lượn cơ thể ngoằn ngoèo theo chiều rộng đến phóng về phía trước theo đường thẳng. Khả năng điều khiển các cơ như vậy cũng cho phép rắn sử dụng cơ thể như là một cái nêm trong khi leo dọc thân cây hoặc trườn xuống bề mặt đá dốc đứng. Nó làm được điều này bằng cách co rút vài phần cơ thể để bám vảy vào các các lỗ và khe nứt nhỏ, trong khi đó toàn bộ phần còn lại của cơ thể tiếp tục dò tìm các điểm mấu tiếp theo. Thực ra mà nói, rắn chính là một cái xích xe sống.

Siết mồi

Tính đồng bộ của cơ cũng giúp rắn phát triển một trong những hình thức bắt mồi sớm nhất, đó là siết chặt con mồi – thể hiện rõ nhất trong nhóm bò sát cổ xưa gồm các loài trăn và đặc biệt là trăn Nam Mĩ. Rắn tấn công con mồi và sau đó nhanh chóng quấn chặt lấy cơ thể con mồi. Vòng quấn càng lúc càng chặt hơn bởi sự co các cơ riêng biệt nối giữa các xương sườn làm cho con mồi không thể thoát được.

Khi cơ quan cảm giác ở trong vảy của rắn phát hiện con mồi vẫn còn thở, rắn sẽ siết chặt thêm các cơ, làm phổi con mồi bị tê liệt. Trước đây, suốt một thời gian dài, người ta vẫn cho rằng sự ngạt thở là nguyên nhân dẫn đến cái chết của con mồi do bị rắn quấn, nhưng các nghiên cứu gần đây phát hiện ra rằng cái chết của con mồi xảy ra nhanh hơn nhiều (chỉ khoảng 4 phút), trước cả khi chúng bị ngạt. Hóa ra các cơ quan cảm giác của rắn cũng tìm ra mạch máu của con mồi, và sự co rút của cơ rắn đủ mạnh để ngăn cản máu lưu thông. Vì tim con mồi không nhận và bơm máu được nữa, nhịp tim bị rối loạn, và chỉ khi nó hoàn toàn ngừng đập, con rắn mới buông ra.
Nuốt mồi
Ran1_140207.jpg

Một khi con rắn đã bắt được và giết chết con mồi, nó phải đối mặt với việc nuốt con mồi mà không có các chi hỗ trợ. Hàm trên của rắn - thay vì được gắn với hộp sọ thì nó chỉ được nối bằng những dây chằng co giãn – được chia thành 2 phần song song cho phép 2 nửa có thể chuyển động độc lập với nhau và với hộp sọ. Hàm dưới cũng được chia 2 và nối với hộp sọ bằng các dây chằng.

Xuống hàm dưới

Sự co giãn này cho phép 4 phần riêng biệt của xương hàm có thể chuyển động các phía, cho phép con rắn mở rộng đầu của nó quanh người con mồi. Để nuốt, con rắn mở mồm, vươn cái đầu về phía trước và xoay từ bên này sang bên khác để ngoạm con mồi. Bằng cách đưa một bên đầu về phía trước, nó đẩy răng hàm trên ở phía bên kia ngoạm vào con mồi. Sau đó nó ngoắc đầu, tiến nhẹ phía kia dọc theo thân con mồi và tiếp tục cắm răng vào con mồi. Hàm dưới cũng hoạt động tương tự. Bằng cách đó, dần dần, con rắn sử dụng những chuyển động luân phiên này để trùm được toàn bộ đầu của nó xung quanh con mồi. Các dây chằng quai hàm và da quanh cổ có tính đàn hồi cao cho phép rắn có thể nuốt chửng.cả những con mồi lớn mà không hề bị tổn thương.

Cắn mồi

Các loài rắn độc (rắn hổ mang, rắn đuôi chuông, rắn san hô, rắn cạp nong) tiến hóa nọc độc thành công cụ săn mồi. Một cú tiêm nọc độc trong giây lát không chỉ giết chết mà còn bắt đầu tiêu hoá con mồi trước khi con rắn thực sự đưa con mồi vào miệng.

Thành phần nọc độc rắn rất phức tạp. Nọc độc của bất cứ loài rắn nào cũng có thể chứa đến 300 hợp chất khác nhau, tấn công nhiều mục tiêu trên cơ thể con mồi . Ví dụ, loài rắn fer-de-lance một loài rắn lục vùng Trung và Nam Mỹ, trong nọc độc của chúng chứa đựng các chất neurotoxin - chất hóa học tấn công tế bào sống. Một số chất tác động đến thành tế bào, là nguyên nhân làm vỡ thành tế bào, số khác đi đến tế bào máu và mạch máu, gây nên hiện tượng chảy máu ồ ạt.

Các cách đánh hơi con mồi

Khi một con rắn độc Fer-de-lance tấn công loài gặm nhấm, nó buông con mồi ngay tức khắc và ngồi chờ đợi. Thực tế, con rắn cần con mồi sống để lợi dụng tim con mồi bơm chất độc đi khắp cơ thể chúng, phá vỡ chúng từ bên trong. Một số hợp chất khác trong nọc độc rắn lục đóng vai trò như một loại thuốc lợi tiểu, làm cho nước tiểu con mồi tự tiết ra khi chạy, để lại vệt mùi thơm mà con rắn có thể lần theo. Rắn còn để lại một chút nước bọt và nọc của nó trên lông của con mồi. Nó có mùi đặc trưng của con rắn, và sau khi chất độc giết chết con mồi, con rắn dễ dàng theo hai dấu hiệu này để tìm đến.

Cùng họ hàng thân thuộc với loài rắn Fer-de-lance, loài rắn mũi thương thân vàng chủ yếu ăn các loại chim chóc, những loài không dễ dàng gì theo dấu sau khi cắn. Bởi vậy, nọc độc của loài rắn mũi thương thân vàng chứa một lượng lớn neurotoxin - một chất hóa học tác động đến dây thần kinh và hậu quả làm tê liệt thần kinh và hệ hô hấp của chim ngay lập tức. Chất độc này có tác động rất nhanh và làm cho lũ chim không thể bay xa được.

Sự đa dạng của nọc độc

Ngay cả những con rắn cùng loài cũng có thể có thành phần nọc độc khác nhau, do các con rắn có sự thay đổi môi trường sống theo thời gian đã làm cho thành phần chất độc của chúng thay đổi để phù hợp với các loại con mồi. Gần đây, các nhà khoa học phân chia rắn chuông Mojave thành hai quần thể khác biệt với các dạng nọc độc khác nhau. Một quần thể có thức ăn chủ yếu là thằn lằn bởi vậy nó cần neurotoxin có tác động nhanh để nhanh chóng làm chết con mồi (các loài thằn lằn cũng giống như các loài bò sát khác thường có sự trao đổi chất chậm hơn 10 lần so với các loài thú cùng kích thước, và vì thế không bị nhiễm độc nhanh như các động vật có vú). Quần thể còn lại ăn chủ yếu các loài gặm nhấm, không cần neurotoxin có tác dụng nhanh, và vì vậy nọc độc chủ yếu chứa cytotoxin.

Cơ quan cảm giác

Nhiều loài rắn có cơ quan cảm giác rất hoàn thiện, như là cơ quan cảm giác nhận biết các xung khi con mồi thở hoặc tim ngừng đập. Nhiều loài rắn đất cũng sử dụng cơ quan cảm giác để phát hiện ra con mồi hoặc cảnh báo các mối nguy hiểm gần đó, dò ra sự rung của mặt đất từ chỗ cách chúng vài mét. Tai của rắn bị tiêu giảm đi. Rất ít loài rắn đất ngóc đầu lên cao, bởi vậy chúng không cần thiết để phát hiện ra âm thanh trên không. Xương hàm dài, mỏng và thường tiếp xúc mặt đất, đó là công cụ lý tưởng để phát hiện và truyền xung động của mặt đất thẳng đến tai trong.

Lưỡi đôi

Rắn nhận biết kẻ lạ đang tới dựa vào cái lưỡi của chúng, nó thè ra, thụt vào rất nhanh, lấy mẫu các phần tử không khí và đưa chúng vào một vị trí ở vòm miệng. Đó được gọi là cơ quan Jacobson, nó rất nhạy cảm với các phần tử không khí và có khả năng gửi các xung động tín hiệu tới não để nhận biết. Đầu lưỡi rắn được tách ra làm đôi, mỗi phần có nhiệm vụ thu tín hiệu mỗi hướng vì thế chúng có biết được tín hiệu đến từ phía nào. Khi mục tiêu đến gần, lưỡi rắn hoạt động nhanh hơn, các tín hiệu mùi được truyền đến bộ phận Jacobson càng nhiều hơn, tạo nên hình ảnh về con mồi đang đến.

Trong các hốc cảm ứng

Để tăng cường hình ảnh trong trí óc, trăn Nam Mỹ và rắn lục có các hốc cảm ứng nhiệt có thể xác định vật lạ từ xa là con mồi hay mối nguy hiểm. Trăn Nam Mỹ và các loài trăn khác có hàng loạt hốc cảm ứng dọc theo mép và chúng có thể cảm nhận những thay đổi nhiệt độ thấp hơn 0.003oC. Khi mục tiêu di chuyển, nhiệt của mục tiêu phóng ra đi qua các hốc, và con rắn có thể biết được mục tiêu di chuyển tới đâu.

Các loài rắn lục, bao gồm cả rắn Fer-de-lance và rắn chuông Mojave, chỉ có hai hốc, mỗi hốc ở dưới mỗi mắt. Các hốc này nhạy cảm hơn nhiều so với các hốc ở trăn Nam Mỹ và các loài trăn khác, chúng giống như camera cắm lỗ - phát nhiệt thông qua cái hốc nhỏ mở ra màng rộng dạng lưới. Phạm vi hoạt động của cơ quan cảm giác này được cho là có thể mở rộng tới 1 m, và mạnh dần lên khi con mồi đi đến. Các cơ quan này được rắn sử dụng ngay trước khi tấn công con mồi, hướng đầu nó đến tiêu điểm trên cơ thể con mồi – đó là phần ngực.

Vinh quang thầm lặng

Loài rắn đã thích nghi đầy đủ với các lợi thế của nhóm thú. Nhưng chúng mang các thuộc tính của loài bò sát cách đây hơn 300 triệu năm. Một số người nghĩ rằng ngày nay nhóm thú thống trị thế giới động vật có xương sống, nhưng bò sát và đặc biệt là rắn mới là chủ nhân thầm lặng trong thế giới sinh vật đang tồn tại.
 
Top Bottom