Gia đình tôi từ Hà Nội về sinh sống ở làng quê, lúc đó tôi mới tròn ba tuổi. Tôi được mẹ thương nhiều hơn các anh chị. Mẹ nói, chẳng phải là không công bằng với các con nhưng vì tôi là con út, sinh ra và lớn lên trong lúc kinh tế gia đình bị sa sút. Có lần tôi thèm ăn quà sáng, trong khi cả nhà chỉ sống bằng những bữa cơm đạm bạc, mẹ không ngần ngại lấy quả trứng gà đang ấp trong ổ luộc lên cho tôi ăn.
Vừa bóc trứng cho tôi, mẹ vừa lau nước mắt vì thương tôi vẫn thèm gói quà sáng như thói quen ở Hà Nội. Tôi vào học lớp vỡ lòng, cả lớp đều tập viết bằng cây bút có quản bằng gỗ, cái ngòi bằng sắt tây mạ kẽm, giống như cái mỏ con chim sẻ, chúng tôi thường gọi là “ngòi bút mỏ sẻ”. Bữa ấy, tôi đánh rơi cây bút xuống đất, ngòi bút bị hỏng không thể viết được nữa. Tôi lén lấy cây bút của bạn học, mang về thay ngòi sang bút của mình.
Đứa bạn học sang nhà mách chuyện với mẹ, mẹ dịu dàng nói: “Cô xin lỗi, cháu cứ về đi, rồi cô sẽ có cách trả lại ngòi bút cho cháu”. Bạn tôi về rồi, lần đầu tiên tôi thấy ánh mắt mẹ nhìn tôi nghiêm khắc, đáng sợ! Mẹ bắt tôi nằm úp mặt xuống giường, nhưng vẫn lấy chiếc gối mỏng lót dưới mặt tôi. Rồi mẹ cầm con dao bài, thong thả chặt cành tre, kỹ lưỡng róc sạch các nhánh nhỏ, tạo thành cái roi dài chừng một thước, to bằng cái đũa ăn cơm.
Trời ơi! Cái thời gian nằm chờ mẹ phán quyết thật dài mà khủng khiếp làm sao. Chẳng thà bị đánh ngay một trận dữ dằn, chắc tôi còn dễ chịu hơn. Cầm cái roi, mẹ hỏi: “Vì sao con lấy bút của bạn?”. Không trả lời vào câu hỏi của mẹ, tôi chỉ van xin tha tội.
Mẹ nói: “Mẹ không thể tha thứ khi con chưa biết sửa lỗi”. Tôi đành thú nhận: “Vì bút của con bị hỏng”. Sau khi mẹ phân tích và tôi đã nhận lỗi. Mẹ “tuyên phạt” tôi năm roi đánh vào mông.
Mẹ đánh thử một roi xuống chiếu, rồi cho tôi hai điều được lựa chọn: “Một là, con mang cây bút sang trả bạn, phải xin lỗi gia đình bạn, thì năm roi này mẹ cho khất. Nếu còn tái phạm tội ăn cắp, mẹ sẽ xử hai tội cùng một lúc. Hai là, con phải chịu năm roi này”.
Nói rồi, mẹ đập roi “thị uy” xuống chiếu cực mạnh. Tất nhiên tôi “chọn phương án một” của mẹ. Mấy chục năm sau, tôi gặp vợ của một người bạn đánh con vì tội lấy trộm đĩa nhạc của nhà hàng xóm. Tôi lấy kinh nghiệm của mẹ năm xưa để “hiến kế” cho chị, thế mà “đắc sách”.
Một bữa, tôi khoe với mẹ vì vừa bắt được con cá lóc (quê tôi gọi là cá chuối) nằm trên bờ tre làng, kiến bu đầy thân, mà nó hãy còn sống. Mẹ kêu: “Tội nghiệp nó! Con dẫn mẹ ra bờ tre ven sông rồi mẹ nói con nghe”.
Tôi theo mẹ đến nơi con cá nằm, mẹ chỉ tay xuống sông, bầy cá lóc con đang xúm xít vây quanh một con cá lớn. Mẹ nói: “Mùa đông ở quê mình, dưới nước hiếm thức ăn, con cá mẹ liều mạng nhảy lên bờ cho kiến bu vào thân, rồi nó nhảy xuống nước cho bầy con ăn kiến đấy. Tội nghiệp lũ cá con đang nháo nhác quanh cha nó, con thả con cá mẹ xuống với bầy con nó đi. Gặp điều ác mà không làm là con đã thực hiện được việc tốt rồi đấy”.
Có lần, mẹ chăm sóc tôi vượt qua cơn bệnh dài ngày. Sau bữa ăn cùng gia đình, tôi chuẩn bị đi học. Quãng đường từ nhà đến lớp tôi phải qua một cây cầu khỉ. Mẹ gói mấy củ sắn luộc trong khăn tay, bỏ vào cặp sách, rồi dặn tôi: “Trên đường về, con ăn mấy củ sắn cho đỡ đói. Tới cầu, con ngồi nghỉ một chút cho đỡ mệt rồi hãy đi qua”. Ánh mắt mẹ giờ phút ấy gieo vào lòng tôi một cảm xúc mà mãi mãi tôi không thể quên.
Khi tôi trưởng thành, cuộc sống của gia đình tôi vẫn nghèo. Mẹ phải sống thiếu thốn. Tới lúc mẹ nằm liệt, tôi mới về chăm sóc. Những đêm cuối cùng của đời mẹ, tôi thức trắng bên giường bệnh, bó tay bất lực trước những cơn đau hành hạ mẹ.
Mẹ nói nhỏ: “Con bỏ công việc về đây với mẹ, thời gian mẹ bệnh kéo dài, con lấy gì mà nuôi các cháu ăn học?”. Không biết nói gì hơn, tôi khuyên mẹ: “Mẹ khổ vì con đã quá nhiều, giờ đây lại khổ vì bệnh tật, mà con không giúp đỡ được mẹ. Mẹ đừng lo cho con, con đủ sức vượt mọi khó khăn nuôi các cháu nên người”.
Lời cuối cùng mẹ dạy tôi: “Con đã sống hết mình vì cha mẹ. Tìm bạn ở đời, nếu con thấy ai bạc với cha mẹ hoặc từ bỏ con cái, dù họ có tốt với con bao nhiêu đi nữa, con cũng đừng tin người bạn ấy”. Mẹ lần trong túi còn mấy đồng bạc, đặt vào tay con gái tôi rồi nói: “Bà cho cháu mua chiếc nón đội đầu mà đi học”.