Văn 11 Em cần dàn ý bài này ạ!!

Mộ Dung Thu Vũ

Cựu Mod Sử
Thành viên
25 Tháng hai 2022
1,024
6
762
166
18
Lào Cai
Lào Cai
Vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong bài thơ "Thu điếu"
VixBlackNguyễn Khuyến (1835-1909) là một nhà thơ xuất sắc trong nền văn học Trung Đại Việt Nam.Ông viết rất nhiều thơ về mùa thu nhưng đặc sắc nhất có lẽ phải kể đến “Thu điếu” được Xuân Diệu nhận xét “là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam.

Nếu mùa xuân là mùa hội tụ của những bàn tay nghệ sĩ tài hoa thì mùa thu lại đi vào lòng người một cách tự nhiên,gần gũi.Từ xưa đến nay mùa thu luôn là nguồn thi hứng dạt dào cho biết bao văn nhân nghệ sĩ say mê và sáng tạo.Đến với mùa thu ta có “Cảm thu”, “Tiễn thu” của Tản Đà,có cái buồn man mác,hiu quạnh trong “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu…Nhắc đến mùa thu ta không thể không nhắc tới chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến.Chùm thơ đặc sắc này đem đến cho người đọc cảm xúc nhẹ nhàng với khung cảnh thiên nhiên mùa thu bình dị nơi Đồng bằng Bắc Bộ.Không phải tự nhiên mà Nguyễn Khuyến được người đời mệnh danh là “Nhà thơ của làng cảnh Việt Nam”,cuộc đời ông gắn bó với thôn quê,làm bạn với ao bèo,ruộng muống,với những thứ bình dị nhất.Cảnh vật trong thơ Nguyễn Khuyến sống động mà nhẹ nhàng, hài hòa mà sắc nét.Cùng là mùa thu nhưng cảnh vật trong “Thu điếu” của ông cảnh vật thôn quên mang 1 màu sắc đặc biệt.

Mở đầu bài thơ Nguyễn Khuyến đã đưa ta đến khung cảnh mùa thu trên 1 góc nhìn đặc biệt:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”
Nguyễn Khuyến đã đưa người đọc đến với bức tranh mùa thu bằng những sự vật hết sức gần gũi,quen thuộc “ao thu,thuyền câu”.Nước thu xanh trong vắt mang theo hơi lạnh khẽ khàng,miên man da thịt,nó không chớm lạnh như đầu mùa,cũng không phải rét mướt như sắp chuyển đông mà mùa thu ở đây mang không khí hơi se se lạnh mà chỉ mùa thu ở Đồng bằng Bắc Bộ mới có.Từ “nước trong veo” đặc tả dòng nước trong vắt và gợi tả sự đông kết tĩnh lặng của không gian.Trên làn nước trong veo ấy,tác giả hướng tầm nhìn đến “chiếc thuyền câu bé tẻo teo”.Phải chăng vì ao nhỏ,ao nhiều nên chiếc thuyền cũng theo đó mà bé nhỏ đi? Đặt góc nhìn từ con thuyền nhỏ, Nguyễn Khuyến hướng lên nhìn bầu trời,nhìn lên cao rồi lại quay về với con thuyền nhỏ trên mặt nước,góc nhìn của tác giả từ gần đến xa rồi từ xa lại trở về gần cho ta cảm giác vừa bao quát mênh mông,vừa nhỏ bé,nhẹ nhàng.Hình ảnh con thuyền nhỏ bé chông chênh trên chiếc ao gợi cảm giác an nhàn,tĩnh tại.Con thuyền nhỏ bé,lẻ loi,đơn chiếc,cô quạnh như một nét chấm phá trên bức tranh thủy mặc,bình dị, hài hòa.

Nếu như hai câu thơ đầu Nguyễn Khuyến đã phác họa nên bức tranh thu bới những nét đặc trưng riêng biệt của khí trời và cảnh vật bình dị thì những câu thơ tiếp theo ta lại thấy được cảnh thu với sắc xanh tươi mát của đất trời.Tác giả từ con thuyền trên mặt ao đã hướng nhãn quan để nhìn bao quát cả không gian, cảnh vật:
“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”
Dưới mặt hồ yên tĩnh là làn nước trong xanh biếc phản chiếu hình ảnh của bầu trời xanh thẳm vời vợi trên cao.Những làn sóng nhẹ nhàng lăn tăn trên mặt nước thật yên bình, tươi đẹp.Cảnh vật phải thật tĩnh lặng thì tác giả mới nhận ra làn sóng biếc chỉ “hơi gợn tí”.Ngòi bút của tác giả vừa sắc nét vừa tinh tế đã miêu tả một cách khéo léo sự thay đổi của cảnh vật,sự tương quan giữa tĩnh và động. Tác giả tiếp tục hướng tầm nhìn ra xa hơn là thấp thoáng con ngõ nhỏ với những rặng trúc tươi xanh,dịu dàng.Ngõ trúc quanh co mềm mại uốn lượn nhưng lại “vắng teo”gợi sự tĩnh lặng và yên bình.Không gian tươi đẹp nhưng vắng bóng người,không khách viếng thăm càng làm cho không gian thêm tĩnh lặng.Cảnh thu đẹp nhưng man mác buồn. Giữa bức tranh đầy màu xanh hài hòa ấy là hình ảnh của chiếc “lá vàng” rơi. “Sóng biếc” xanh xanh với “lá vàng” là hai màu sắc đối lập nhưng chúng không làm mờ nhạt đi sắc thái của bản thân mà dường như càng tôn thêm vẻ đẹp đặc biệt của bức tranh thu trong “Thu điếu”. Nhắc tới mùa thu là người ta nhắc tới những thảm lá vàng rơi rụng,tung bay trong gió như Xuân Diệu đã từng viết :
“Đây mùa thu tới-mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng”
Hay là màu vàng ngơ ngác trong thơ của Lưu Trọng Lư:
“Con nai vàng ngơ ngác
Đạp lên lá vàng khô.”
Nhưng Nguyễn Khuyến đã tạo cho mình một sự phá cách màu vàng của chiếc lá trong thơ ông chỉ như điểm xuyết,một nét chấm phá màu sắc cho bức tranh thu thêm phần sống động.Chính sự sáng tạo đó đã làm nên nét riêng biệt cho thơ thu của Nguyễn Khuyến.
Với bút pháp cổ điển kết hợp với ước lệ,nghệ thuật lấy động tả tĩnh,cùng với những hình ảnh chân thực,gần gũi sống động,màu sắc kết hợp hài hòa,tinh tế Nguyễn Khuyến đã vẽ lên 1 bức tranh thu hài hòa về đường nét,sống động về màu sắc.Bức tranh mùa thu của Nguyễn Khuyến mang nét đẹp hài hoà,bình dị nhưng phảng phất đâu đó nỗi buồn man mác,cảnh thu thân thuộc nhưng đầy tĩnh lặng.

Kết thúc bài thơ như một nét bút cuối cùng của bức tranh tự họa:
“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”
Dường như cả bài thơ đây là lần đầu tiên con người xuất hiện.Trong không gian mùa thu mang hơi lạnh nhẹ nhàng,làn nước biếc lăn tăn,hình ảnh 1 ngư ông an nhàn tự tại,xuất hiện với tư thế “tựa gối ôm cần” bất động như chạm khắc vào thiên nhiên.Con người dường như đang rất lơ đãng,không hề tĩnh tại,có lẽ thi nhân đang đắm chìm vào cảnh sắc thiên nhiên để vợi bớt đi nỗi buồn trong lòng. “Cá đâu đớp động” vừa như 1 lời khẳng định vừa như một câu nghi vấn.Trong khi mọi thứ dường như bất động thì âm thanh “đâu” đó xa vắng không những không xua tan nét tĩnh lặng mà càng làm tăng sự yên ắng,tĩnh mịch của cảnh vật,đồng thời gợi sự trăn trở của thi nhân trước vận mệnh của đất nước,trước nỗi thống khổ của nhân dân.

“Thu điếu” của Nguyễn Khuyến đã thật sự thành công trong việc kết hợp các biện pháp nghệ thuật và ngôn ngữ thơ một cách hài hòa.Nguyễn Khuyến đã thể hiện tài năng sử dụng ngôn ngữ của mình thông qua những hình ảnh chọn lọc,màu sắc,âm thanh,đường nét hài hòa,sống động,thanh thoát.Đặc biệt tác giả còn khẳng định tài năng xuất chúng của mình thông qua nghệ thuật tả ít gợi nhiều và lấy động tả tĩnh,kết hợp giữa bút pháp cổ điển và hiện đại.Tất cả nghệ thuật ấy đã nhất loạt vẽ lên bức tranh thiên nhiên mùa thu tươi đẹp mang nét đặc trưng của Đồng bằng Bắc Bộ - quê hương tác giả.Ẩn chứa trong từng câu chữ là tấm lòng thiết tha với đất nước và tâm trạng thế thời của 1 nhà Nho nặng lòng với dân tộc.

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Khuyến được mệnh danh là “nhà thơ của làng cảnh Việt Nam”,có lẽ bởi bức thiên nhiên mùa thu của vùng Đồng bằng Bắc Bộ trong “Thu điếu” mang nét nhuần nhị mà yên bình,nhẹ nhàng mà ẩn chứa đầy tâm trạng. “Thu điếu” với những nét độc đáo khác biệt đã góp phần tạo nên một góc trời đặc biệt trong chùm thơ về mùa thu cũng như mảng thơ về quê hương trong nền văn học Việt Nam
Phân tích "Thu điếu" nguồn: https://diendan.hocmai.vn/threads/phan-tich-van-11.681227/post-3443112
Dàn ý:
Mở bài:
Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Nguyễn Khuyến là nhà nho tài năng, có cốt cách thanh cao, một trong những đại diện xuất sắc cuối cùng của văn học trung đại Việt Nam
- Câu cá mùa thu là bài thơ đặc sắc trong chùm thơ thu, đằng sau bức tranh cảnh thu là vẻ đẹp tâm hồn thi nhân
Thân bài:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Là vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo

1. Bức tranh thu
- Cảnh thu được đón nhận từ gần đến xa, rồi từ xa trở lại gần: từ chiếc thuyền câu -> mặt ao -> bầu trời; rồi từ bầu trời -> ngõ trúc -> ao thu -> thuyền câu
- Màu sắc
+ Bài thơ nói về mùa thu - mùa mát mẻ nhất trong năm, vì thế mọi cảnh vật hiện lên thật trong trẻo, yên bình.
+ Màu sắc đặc trưng: màu trong veo của nước, màu xanh ngắt của bầu trời, màu vàng của lá...
+ Trước tiên, hình ảnh mùa thu hiện ra bằng cảm nhận của thị giác "nước trong veo". -> ao thu tĩnh lặng, thanh khiết
+ Trong ao nhỏ có gió và sóng rất nhỏ, rất nhẹ. Độ trong của nước được miêu tả là "sóng biếc"
+ Nhắc đến thu là nhắc tới màu vàng, màu vàng ở đây là của chiếc lá "khẽ đưa vèo" bởi cơn gió thổi qua.
+ Dưới đất được miêu tả tỉ mỉ, bây giờ tác giả lại ngẩng lên, miêu tả bầu trời "trời xanh ngắt", đó là màu xanh đậm trong trẻo, cao rộng
=> Tất cả màu sắc được sử dụng trong bài đều là gam màu sáng, nhẹ nhàng, trong trẻo, gợi sự thanh mát của mùa thu
- Tiếng động
+ Mở đầu bài thơ là không gian tĩnh lặng, lạnh lẽo, không một tiếng động
+ Nhưng sau đó, khi có gió thổi qua, ta liền thấy tiếng động nhỏ "hơi gợn tí". Đó chỉ là sự chuyển động nhẹ, chuyển động mà như không
+ Chiếc lá vàng khẽ rơi nhưng không phải rơi một cách bình thường, tác giả đã khiến nó có hồn hơn khi để chiếc lá "khẽ đưa vèo". Tốc độ bay của lá gợi lên chút âm thanh nhưng cũng chỉ là âm thanh nhỏ, nhanh, vèo cái rồi biến mất
+ Hình ảnh ngõ trúc xuất hiện nhưng không hề làm không gian thêm tiếng động mà chỉ càng thêm yên tĩnh bởi ngõ xóm vắng người
+ Còn ngồi đây là tác giả, đang ngồi dáng ngồi bất bộng, không để ý đến việc cá cắn câu hay không. Không gian yên tĩnh tuyệt đối bởi chỉ có vài tiếng động nhỏ nhẹ vang lên nhưng rồi lại hết ngay, trở lại trạng thái lặng im
=> Tiếng động nhỏ, nhẹ, từ không gian nhỏ hẹp đến cả những tiếng động cũng trở nên hẹp lại, thu lại, muốn trả lại không gian sự yên tĩnh vốn có
- Bức tranh thu ẩn chứa sâu sắc tâm trạng con người
+ Đằng sau bức tranh thu với những cảm nhận tinh tế, người đọc thấy được tình yêu thiên nhiên đất nước, sự gắn bó thiết tha với những sự vật bình dị ở quê hương nhà thơ.
+ Cách gieo vần "eo" ở cuối các câu thơ là một đặc sắc, nó như diễn tả một không gian vắng lặng, dần thu hẹp lại, phù hợp với tâm trạng đầy uẩn khúc của nhà thơ
- Nói đến chuyện "câu cá mùa thu", nhưng thực ra tâm hồn nhà thơ đang tĩnh lặng để đón nhận cảnh thu, để suy tư về thời thế...
- Không gian tĩnh lặng của mùa thu ẩn chứa nỗi buồn cô quạnh, những uẩn khúc thầm kín trong tâm hồn nhà thơ
=> Cảnh thu trong bài thơ hiện lên thật đẹp nhưng phảng phất buồn, vừa phản ánh tình yêu thiên nhiên đất nước, vừa cho thấy tâm sự về thời thế của nhà thơ.
2. Tâm trạng của tác giả
- Trước hết đó là tình yêu thiên nhiên của tác giả: thiên nhiên được cảm nhận bằng nhiều giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác... )
- Ta còn thấy ở đó tình yêu quê hương, đất nước. Đó là thiên nhiên của quê hương mình, tổ quốc mình: Là người gắn bó sâu sắc và thiết tha với quê hương, Nguyễn Khuyến đã cảm nhận vẻ đẹp riêng của cảnh sắc quê hương, đồng thời thể hiện vẻ đẹp ấy bằng nét bút vừa chân thực, vừa tinh tế
- Tâm trạng thời thế của một tâm hồn thanh cao:
+ Người đi câu hờ hững với việc câu cá bởi đang nặng lòng trước thế sự.
+ Tâm trạng ấy còn lan toả ra cả cảnh vật chung quanh, bộc lộ qua bức tranh thiên nhiên tĩnh lặng, vắng người, vắng tiếng. Tìm đến thú vui câu cá để nhàn thân nhưng tâm không nhàn, không câu cá mà “câu thanh, câu vắng” bởi nặng lòng trước thời thế và vận mệnh đất nước.
3. Đánh giá
- Nội dung: Tấm lòng yêu nước thầm kín nhưng không kém phần sâu sắc của tác giả
- Nghệ thuật: Bức tranh thu được miêu tả chính xác nhờ nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, bút pháp miêu tả và năng lực cảm nhận cảnh vật của nhà thơ
+ Ngôn ngữ thơ rất phong phú, từ ngữ gợi hình, gợi cảm
+ Thơ ông mang màu sắc trào phúng. Không giống với Hồ Xuân Hương, ông châm biếm, đả kích xã hội thực dân nửa phong kiến, tầng lớp thống trị khiến cho cuộc sống người dân thêm khổ cực
+ Hình ảnh trong thơ ông rất đơn sơ nhưng lại có sức gợi cao
Kết bài
Bài thơ Câu cá mùa thu là một bài viết về cảnh mùa thu ở vùng nông thôn rất sâu sắc và đẹp đẽ. Nhưng qua tác phẩm tác giả thể hiện nỗi buồn sâu sắc của mình.
 
  • Love
Reactions: VixBlack
Top Bottom