Sử 12 Đề thi HSG Quốc gia môn Lịch sử năm 2019

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

50337212_986071371591649_5140867470088732672_n.jpg


Đáp án tham khảo:
Câu 1. (2,5 điểm)
Anh/ chị hãy khái quát quá trình hình thành, phát triển của giáo dục Nho học từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV và chỉ ra những đóng góp của tầng lớp trí thức Nho học đối với quốc gia Đại Việt đương thời.
- Khái quát
+ Được tiếp thu sáng tạo giáo dục Bắc thuộc, thông qua việc xây dựng và phát triển đất nước, đến thời Lý, giáo dục Nho học (của Đại Việt) hình thành.
+ Sự phát triển của giáo dục Nho học: kỳ thi từ chưa hoàn thiện dần đến hoàn thiện; địa vị từ quan trọng đến độc tôn; thành phần ảnh hưởng từ một số tầng lớp lan rộng khắp tất cả tầng lớp trong xã hội…
+ Quá trình hình thành và phát triển của giáo dục Nho học gắn liền với quá trình xây dựng, củng cố và hoàn bị chính quyền phong kiến trung ương tập quyền.
-Những đóng góp của trí thức Nho học đối với quốc gia Đại Việt:
+ Xây dựng và phát triển đất nước: Tầng lớp trí thức Nho học trở nên đông đảo và tích cực tham gia các công việc chính trị của đất nước, phấn đấu cho lý tưởng của Nho giáo, phát triển những quan điểm về các mặt chính trị, xã hội, đạo đức.
+ Bảo vệ/ giành lại độc lập, tự chủ cho dân tộc: Các trí thức Nho học đã có công trong việc góp sức vào công cuộc chống ngoại xâm của dân tộc trên các mặt quân sự, ngoại giao, tiêu biểu là Lê Văn Thịnh, Nguyễn Trãi…
Câu 2. (2,5 điểm)
Trên cơ sở tóm tắt xu thế hòa hoãn Đông - Tây từ thập niên 70 của thế kỷ XX đến Chiến tranh lạnh chấm dứt năm 1989, anh/chị hãy suy nghĩ như thế nào về xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới hiện nay.
- Tóm tắt:
Từ thập niên 70 của thế kỷ XX, xu thế hòa hoãn Đông - Tây xuất hiện, với nhiều cuộc gặp gỡ thương lượng (bí mật hoặc công khai) giữa Mỹ và Liên Xô, giữa Đông Đức và Tây Đức, giữa các nước xã hội chủ nghĩa và các nước tư bản chủ nghĩa… Đến năm 1989, thông qua cuộc gặp không chính thức tại Manta (Địa Trung Hải), Mỹ và Liên Xô tuyên bố chấm dứt Chiến tranh lạnh.
- Suy nghĩ như thế nào về xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới hiện nay:
Trên cơ sở tóm tắt xu thế hòa hoãn Đông - Tây từ thập niên 70 của thế kỷ XX đến Chiến tranh lạnh chấm dứt năm 1989, thí sinh trình bày suy nghĩ về xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới hiện nay, trên cơ sở có lý giải khoa học và hợp logic.
Chẳng hạn: 1- Xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới hiện nay vẫn là xu thế chủ đạo: i- Hòa bình, hợp tác và phát triển là nguyện vọng của nhân dân tiến bộ trên thế giới; ii- Kinh tế thay cho các cuộc chạy đua vũ trang, trở thành nội dung quan trọng trong quan hệ quốc tế; iii- Chiến tranh hiện nay có khả năng là chiến tranh hạt nhân, chiến tranh hủy diệt, không có kẻ thắng; iv- Những yêu cầu cấp thiết mang tính toàn cầu đã và đang tác động đến tất cả các quốc gia chung tay giải quyết… 2- xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới hiện nay không phải là xu thế chủ đạo: a- Lợi ích quốc gia dân tộc ngày càng thể hiện rõ trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là lợi ích nước lớn ngày càng chi phối và dẫn đến tình hình căng thẳng: căn thẳng Mỹ - Trung, cuộc cạnh tranh địa chính trị ở Biển Đông, căng thẳng NATO - Nga, vấn đề Triều Tiên chưa có hồi kết, hiện tượng Anh rút khỏi Liên minh châu Âu…; b- Sự chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu của các nước trên thế giới còn có nhiều hạn chế: vấn đề dân nhập cư và tỵ nạn, vấn đề chủ nghĩa khủng bố và ly khai chưa có lời giải… dẫn đến tình hình các châu lục còn có nhiều vụ căn thẳng, hòa bình thiếu sự bền vững.
Câu 3. (3,0 điểm)
Trong giờ học lịch sử về phong trào Cần vương, giáo viên đưa ra hai ý kiến để học sinh thảo luận như sau:
- Phong trào Cần vương diễn ra ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX xuất phát từ tinh thần yêu nước của nhân dân ta (1).
- Phong trào Cần vương diễn ra ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX xuất phát từ chiếu Cần vương (2).
Anh/ chị hãy trình bày quan điểm về hai ý kiến trên.
- Nhận định ý kiến: Ý kiến (1) và (2) đều chính xác.
- Giải thích:
+ Năm 1884, với Hiệp ước Pa-tơ-nốt, đất nước Việt Nam rơi vào tay thực dân Pháp. Dưới chế độ thuộc địa, nhân dân Việt Nam bị áp bức về chính trị, bóc lột về kinh tế và bị kiềm hãm về văn hóa. Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc Pháp xâm lược và tay sai trở nên gay gắt. Trong bối cảnh mất nước, độc lập, tự do là khát vọng cháy bỏng của mọi người Việt Nam yêu nước. Đây là “điều kiện đủ” cho sự bùng nổ của các cuộc đấu tranh, các phong trào yêu nước chống Pháp từ năm 1884 về sau (tức đến năm 1945).
+ Trước sự suy yếu về thế và lực của phe chủ chiến trong việc khôi phục chủ quyền đất nước, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi chạy lên sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị) và ngày 13-7-1885 nhân danh nhà vua xuống chiếu Cần vương kêu gọi văn thân - sĩ phu và nhân dân cả nước đứng lên giúp vua cứu nước. Nếu như trước sự kiện vua Hàm Nghi ban chiếu Cần vương, nhân dân Việt Nam mâu thuẫn và bế tắc giữa hai con đường “trung quân” và “ái quốc”. Chiếu Cần vương nổ ra đúng vào kẻ thù dân tộc - thực dân Pháp và tay sai - kẻ đang đô hộ Việt Nam. Do đó, chiếu Cần vương đã giải quyết vấn đề trên với việc gắn “trung quân” với “ái quốc”. Vì vậy, khi chiếu Cần vương ban ra đã quy tụ được một lực lượng yêu nước đông đảo và rộng rãi từ Bắc Kỳ đến Trung Kỳ.
+ Tóm lại, phong trào Cần vương diễn ra ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX xuất phát từ tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam và chiếu Cần vương. Trong đó, tinh thần yêu nước - “điều kiện đủ” - quy định nội dung (tính chất, đặc điểm) của phong trào; chiếu Cần vương -“điều kiện cần” - quy định hình thức (tên chính danh) của phong trào.
Câu 4. (3,0 điểm)
Anh/chị hãy làm rõ vai trò của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam và liên hệ với vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc phát huy khối đại đoàn kết dân tộc hiện nay.
- Vai trò của Mặt trận Việt Minh đối với Cách mạng tháng Tám năm 1945:
+ Nơi tập hợp lực lượng và đoàn kết dân tộc: Chương trình cứu quốc của Mặt trận Việt Minh đáp ứng nguyện vọng của mọi giới đồng bào, vì thế phong trào Việt Minh phát triển rất mạnh mẽ, tập hợp mọi người Việt Nam có lòng yêu nước, đồng thời cô lập kẻ thù là đế quốc xâm lược và tay sai, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào chúng, huy động toàn dân tộc, ra sức chuẩn bị về mọi mặt…
+ Củng cố và phát triển lực lượng cách mạng (lực lượng chính trị, vũ trang và căn cứu địa cách mạng): nơi tập hợp, giác ngộ và rèn luyện lực lượng chính trị cho Cách mạng tháng Tám; tạo cơ sở chính trị vững chắc để từng bước xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng; tích cực tham gia xây dựng căn cứ địa cách mạng.
+ Xác định và chớp đúng thời cơ giành chính quyền…
+ Bảo vệ thành quả Cách mạng tháng Tám: xây dựng chính quyền cách mạng; tập hợp lực lượng dân tộc chống thù trong, giặc ngoài…
- Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
+ Mặt trận Tổ quốc Việt nam có vai trò quan trọng nòng cốt trong việc củng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với đảng và nhà nước.
+ Là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân nơi hiệp thương phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên, góp phần giữ vững độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Câu 5. (3,0 điểm)
Tại sao nói thắng lợi cua quân và dân Việt Nam trong chiến dịch Biên giới thu- đông năm 1950 đã mở ra “bước phát triển mới” đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)?
- Mở ra một cục diện hoàn toàn mới:
+ Quân đội và nhân dân Việt Nam giành, giữ và phát triển quyền chủ động về chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ. Cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn liên tục tiến công và phản công.
+ Thực dân Pháp ngày càng lâm vào thế bị động, đối phó lúng túng...
- Hậu phương kháng chiến được phát triển:
+ Hậu phương kháng chiến được đẩy mạnh xây dựng trên tất cả các mặt (chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội), với nhiều loại hình và quy mô khác nhau, từ căn cứ địa Việt Bắc, các vùng tự do (ở Khu IV, Khu V...) và cả những căn cứ du kích trong lòng địch.
+ Vùng chiếm đóng của quân Pháp ngày càng bị thu hẹp...
- Về mặt ngoại giao:
+ Đã khai thông tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, mở đường liên lạc quốc tế, tạo điều kiện để vận động quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ về vật chất, sự ủng hộ về tinh thần từ Liên Xô, Trung Quốc, các nước dân chủ nhân dân, các lực lượng hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân Pháp, góp phần tăng thêm sức mạnh bên trong của cuộc kháng chiến.
+ Phong trào phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương ngày càng lên cao, làm cho thực dân Pháp bị cô lập...
Câu 6. (3,0 điểm)
Anh/ chị hãy nêu vai trò của miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) và trình bày suy nghĩ về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.
- Trong thời kỳ 1954-1975, miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với tiến trình phát triển của cách mạng việt nam nói chung và sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng.
+ Làm tròn nghĩa vụ hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền nam, chi việc sức người sức của cho miền nam.
+ Miền Bắc còn là nguồn cổ vũ động viên to lớn về chính trị tinh thần đối với cuộc chiến đấu gian khổ và ác liệt của đồng bào và chiến sĩ miền nam.
+ Miền Bắc không chỉ là hậu phương mà còn là chiến trường đánh Mỹ, quân dân miền bắc triển khai cuộc chiến tranh nhân dân đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ làm nên trận điện biên phủ trên không buộc Mỹ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân về nước và công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam.
+ Miền Bắc còn làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả chi viện cho chiến trường hai nước bạn Lào và Campuchia, củng cố khối liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc.
+ Là nhịp cầu nối liền hậu phương quốc tế với chiến trường miền Nam là nơi tiếp nhận bảo quản, cải tiến và vận chuyển tới chiến trường miền nam các loại vũ khí và phương tiện vật chất được chi viện từ các nước anh em.
+ Là nơi dừng dân của các cơ quan đầu não cơ quan chỉ đạo chiến lược đảm bảo thường xuyên thông suốt mạch máu giao thông vận tải.
- Mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc:
+ Xây dựng sẽ tạo sức mạnh để bảo vệ và bảo vệ sẽ tạo điều kiện để xây dựng.dựng nước đi đôi với giữ nước đó là quy luật của lịch sử dân tộc. Xây dựng gắn liền với bảo vệ đó là quy luật của đấu tranh cách mạng.
+ Đây là hai mặt của một quá trình không tách rời nhau gắn bó chặt chẽ với nhau, hổ trợ nhau, tạo điều kiện cho nhau.
+ Có xây dựng mới có bảo vệ, có bảo vệ mới xây dựng được. Trong đó, xây dựng là nền tảng là cơ sở để bảo vệ, xây dựng là phương thức hữu hiệu nhất để thực thi bảo vệ.
Câu 7. (3,0 điểm)
Trên cơ sở làm sáng tỏ nhận định: Từ thập niên 70 của thế kỷ XX đến năm 2000, chính sách “trở về” châu Á ngày càng đậm nét trong đường lối ngoại giao của Nhật Bản, anh/chị hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện nay.
- Từ thập niên 70 của thế kỷ XX đến năm 2000, chính sách “trở về” châu Á ngày càng đậm nét trong đường lối ngoại giao của Nhật Bản:
+ Từ nửa sau những năm 70 của thế kỷ XX, với tiềm lực kinh tế - tài chính ngày càng lớn mạnh, Nhật Bản bắt đầu đưa ra chính sách đối ngoại mới, thể hiện trong Học thuyết Phucưđa (1977) và Học thuyết Kaiphu (1991). Nội dung cơ bản của các học thuyết này là tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội với các nước Đông Nam Á và tổ chức ASEAN. Nhật Bản thiết lập quan hệ với Việt Nam năm 1973.
+ Từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, kinh tế Nhật Bản lâm vào tình trạng suy thoái, nhưng Nhật Bản vẫn là một trong ba trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất của thế giới. Về đối ngoại, với các Học thuyết Miyadaoa (1993) và Hasimôtô (1997), Nhật Bản vẫn coi trọng mối quan hệ với Mỹ và các nước Tây Âu, mở rộng hoạt động đối ngoại với các đối tác trên phạm vi toàn cầu và chú trọng phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á.
Bằng những thay đổi lớn trong đường lối đối ngoại của mình, đặc biệt là sự “trở về” châu Á của Nhật Bản đã cho thấy quốc gia này nỗ lực vươn lên thành một cường quốc chính trị để tương xứng với vị thế siêu cường kinh tế.
- Suy nghĩ về mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện nay:
+ Trình bày mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện nay: quan hệ đối tác chiến lược.
+ Suy nghĩ: Trên cơ sở mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản, thí sinh đưa ra những suy nghĩ về mối quan hệ này, với cách lý giải khoa học và hợp logic.
Chẳng hạn: 1- Mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Nhật Bản hiện nay là sự kết thừa, phát triển từ quan hệ ngoại giao trước đó của hai nước; 2- Mối quan hệ này thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của Việt Nam và Nhật Bản; 3- Đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của châu Á và thế giới; 4- Góp phần đảm bảo yếu tố hòa bình của khu vực và trên thế giới…
 
Last edited:
Top Bottom