Ý nghĩa quốc tế của chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không”???
Mê-lê-la, nhà thơ Hy Lạp đã ca ngợi Việt Nam bằng những vần thơ chân thực và đầy hình ảnh sau đây:
"Ôi! Việt Nam, đất nước của những căn nhà nhỏ .
Của những con người mà tầm vóc không cao.
Nhưng chiến công của họ
Thật vô cùng hiển hách lớn lao”
Qua lời thơ của Mê-lê-la, người ta có thể hình dung ở đây một điều nghịch lý: nước Việt Nam nhỏ bé, đất không rộng lắm, người không đông lắm, kinh tế nghèo nàn lạc hậu, lại phải đương đầu với những đội quân xâm lược nhà nghề đông hơn, trang bị kỹ thuật hiện đại hơn, của những nước đế quốc hùng mạnh hàng đầu thế giới.
Nhưng cái điều rõ ràng rất mâu thuẫn và tưởng chừng không thể nào khắc phục nổi ấy lại được nhân dân Việt Nam giải quyết thành công một cách kỳ diệu. Bằng những "chiến công hiển hách lớn lao", trong đó có chiến thắng "Điện Biên phủ trên không”, nhân dân ta đã giải đáp một cách trọn vẹn vấn đề nghịch lý nói trên, qua đó giúp cho các dân tộc bị áp bức ngẩng cao đầu, cho các nước nhỏ yếu đang tiến hành những cuộc chiến tranh tự vệ, chiến tranh giải phóng củng cố thêm niềm tin vào thắng lợi của mình, góp phần cống hiến rất quan trọng vào sự đi lên của quá trình cách mạng thế giới.
Thời kỳ mà bọn thực dân, đế quốc mặc sức vươn dài những chiếc vòi bạch tuộc ra khắp thế giới đã khác trước. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam đã giáng cho chủ nghĩa đế quốc một đòn nặng, khiến cho chúng mỗi khi hành động phải nhớ đến bài học Việt Nam.
Trong cuốn sách "Không còn những Việt Nam nữa" cựu Tổng thống Mỹ Ních-xơn đã viết: "Trong lịch sử nhân loại chưa hề có một quốc gia nào chiếm ưu thế hơn hẳn về vũ khí như Hoa Kỳ so với Bắc Việt Nam. Hoa Kỳ, một cường quốc hạt nhân, có 180 triệu dân, với GDP (zxc GDP (Gross Domestic Product): tổng sản phẩm quốc nội) hơn 500 tỉ đô la và một quân đội đông hơn 1 triệu người, chống lại một nước nhỏ bé 16 triệu dân, GDP không đến 2 tỉ đô la, với một đội quân chỉ có khoảng 25 vạn người... Đỉnh cao của cuộc leo thang chiến tranh ở Việt Nam là đợt chúng ta đưa B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng vào dịp lễ Nô-en năm 1972. Nhưng chúng ta đã thất bại và buộc phải ký Hiệp định Pa-ri... Thất bại ở Việt Nam là thảm họa lớn đối với nước Mỹ. Từ nay không còn ai muốn có những Việt Nam nữa"
Cái "đầu nóng" của Ních-xơn đã nguội, dù quá muộn màng. Tuy nhiên ở Mỹ và một số nước vẫn còn những cái "đầu nóng" khác - bản chất của chủ nghĩa đế quốc là như vậy - Nhưng dẫu sao bài học của tấn bi kịch ở Việt Nam đã làm cho chúng phải chùn tay.
Sau "Điện Biên phủ trên không", sau chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, biết bao tấm lòng của bè bạn khắp nơi trên thế giới đã hướng về Việt Nam với con mắt cảm phục, yêu mến và biết ơn. Hàng ngàn vạn lời hay ý đẹp, có thể nói là tận cùng ngôn ngữ thế gian, của cả loài người tiến bộ đã dành cho Việt Nam, qua làn sóng điện và qua những dòng thư. Tuyệt vời chiến công của Hà Nội! Tuyệt vời chiến công của bộ đội phòng không - không quân Việt Nam! Nhân dân Việt Nam mãi mãi tuyệt vời trong trái tim chúng tôi!
Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô (Phidel Castro) của nhân dân Cu-ba ngàn lần yêu quý đã phát biểu: "Thắng lợi của nhân dân Việt Nam là một trong những chiến công oanh liệt nhất, vĩ đại nhất của loài người!".
ông Kôn-dơ, cựu Thủ tướng Ô-xtơ-rây-lia khẳng định: "Nhân dân Việt Nam đã đấu tranh không chỉ cho riêng họ, mà còn cho cả thế giới. Thắng lợi của người Việt Nam là thắng lợi của lý tưởng cao đẹp nhất của thời đại ngày nay!".
Phóng viên Mỹ Rai-bâu nhận xét, trong tờ "Tin nhanh": "Xưa nay chưa từng có một dân tộc nào nhỏ như vậy lại có một trọng lượng lớn như vậy đối với lịch sử".
Có một người bạn Mỹ, khi nghe chúng ta tỏ lòng biết ơn về sự ủng hộ quý báu của nhân dân Mỹ đối với cuộc kháng chiến của Việt Nam, đã nói: "Các bạn đừng nói lời cám ơn. Chính chúng tôi mới phải cám ơn các bạn. Cuộc chiến đấu đầy hy sinh của các bạn không chỉ vì đất nước Việt Nam mà còn cho cả thế giới, vì lương tâm và danh dự của cả loài người, trong đó có nhân dân Mỹ chúng tôi (zxc Lời phát biểu của Pơ-rốt Ca-i-a, nhà văn Mỹ.)".
Ngay giữa những ngày đêm Hà Nội đang gồng mình đánh trả cuộc oanh kích tàn bạo của không quân chiến lược Mỹ, từ thủ đô nước Pháp, nhà văn Giắc Mađôn (Jacques Madaule), người theo đạo Thiên chúa, trên tạp chí Châu Âu số ra tháng 12 năm 1972 đã đưa ra lời khẳng định: "Việt Nam sẽ thắng! Không kẻ thù nào thủ tiêu được một dân tộc vĩ đại như dân tộc Việt Nam . . . Nếu dân tộc vĩ đại này mà đầu hàng thì cả nhân loại sẽ bị sụp đổ"