Kháng chiến chống Mông-Nguyên
Năm 1226, dưới sự sắp đặt của Trần Thủ Độ, nữ hoàng nhà Lý là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, tức là vua Trần Thái Tông. Nhà Trần chính thức thay nhà Lý.
Sau khi chính thức nắm quyền cai trị, nhà Trần ra sức củng cố nội chính và chấm dứt nạn cát cứ từ cuối thời Lý. Tới năm 1229, sau khi Nguyễn Nộn ốm chết, các lực lượng chống đối cơ bản bị dẹp.
Trong khi đó ở phương bắc, Trung Quốc từ lâu đã bị chia cắt. Nhà Tống phải rút xuống phía nam trước sự xâm lấn của nước Kim của người Nữ Chân. Phía tây bị nước Tây Hạ chia cắt. Tới đầu thế kỷ 13, người Mông Cổ ở phía bắc nước Kim thống nhất dưới quyền Thành Cát Tư Hãn, trở nên lớn mạnh. Mông Cổ đánh xuống phía nam, tiêu diệt Tây Hạ (1227) và Kim (1234). Mặc dù đã mở rộng bờ cõi bao la sang phía tây, diệt nhiều nước Tây Á và đánh sang châu Âu, người Mông Cổ tiếp tục tiến xuống phía nam để tiêu diệt Nam Tống.
Năm 1254, quân Mông Cổ đánh chiếm nước Đại Lý (Vân Nam ngày nay), muốn đánh chiếm Đại Việt để tạo thế "gọng kìm" bao vây Nam Tống. Các đoàn ngoại giao của Mông Cổ được phái sang Đại Việt đề nghị mở đường cho quân đội Mông Cổ đi qua để lên đất Tống. Nhưng các vua Trần không những từ chối lại còn cho bắt giam các nhà ngoại giao Mông Cổ. Chiến tranh nổ ra vào năm 1258 khi Uriyangqatai cùng con trai là Aju đem 3 vạn quân Mông Cổ và 1,5 vạn quân Đại Lý tấn công Việt Nam. Quân Mông Cổ mau chóng giành được thắng lợi, chiếm được kinh đô Thăng Long, nhưng rồi cũng mau chóng bị quân Đại Việt đánh bật. Cuộc chiến năm 1258 chỉ diễn ra trong vòng khoảng nửa tháng, cuối tháng 1 năm 1258.
Hai mươi năm sau, không cần đi đường qua Đại Việt, Mông Cổ vẫn đánh bại được nước Tống. Đế quốc Nguyên được thành lập trên lãnh thổ Mông Cổ và Trung Quốc ngày nay. Đế quốc này tìm cách mở rộng lãnh thổ của mình ra phía Đông tới Nhật Bản, và xuống phía Nam. Để thực hiện ý đồ tiến xuống phía Nam, nhà Nguyên đã tiến hành chiến tranh với Chiêm Thành và Myanma trước. Nhưng quân và dân Chiêm Thành đã kháng chiến thắng lợi, khiến cho quân Nguyên không thực hiện được ý đồ lấy Chiêm Thành làm bàn đạp. Ở Myanma năm 1277, quân Mông Cổ cũng chịu những thiệt hại quân sự và phải rút lui. Đại Việt trở thành nơi phải bị khuất phục để quân Mông Cổ có thể tiếp tục chiến lược hướng Nam. Dưới chiêu bài đề nghị nhà Trần mở đường cho đại quân Nguyên đi qua chinh phạt Chiêm Thành, quân Nguyên tìm cách tấn công Đại Việt.