$\color{Red}{\fbox{GCS}\bigstar\text{Mỗi ngày 1 câu chuyện cảm động}\bigstar}$

P

pesaubuon98

Người thầy và những tờ tiền cũ​

img.php

900.000đồng, nó cứ mân mê những đồng 10.000 đã cũ mà thèm một góc không có ai để khóc.

Cuối cùng nó cũng đậu đại học. Người đầu tiên nó muốn thông báo tin quan trọng ấy không phải là ba hay mẹ nó mà là người thầy kính yêu của nó…

Nhà nó nghèo, lại đông anh em, quê nó cũng nghèo nên từ lâu chẳng có mấy ai dám nghĩ đến chuyện cho con vào đại học. Ba mẹ nó cũng vậy, phần vì quá nghèo, phần là vì nghĩ đến điều kiện của con mình “làm sao mà chọi với người ta”!… Thầy là người duy nhất ủng hộ nó, cho nó niềm tin rằng “mình có thể”.

Vui mừng chẳng được bao lâu, bao nhiêu lo lắng tràn về vây lấy nó… Năm năm trời, hàng trăm thứ tiền như bầy ong vo ve trong đầu nó.

Rồi thầy đến mang cho nó một lô sách, vở mà nó đoán là những bài học “nhân-lễ-nghĩa” của thầy, dúi vào tay nó một gói nhỏ mà thầy bảo là “bí kíp” rồi dặn chỉ lúc nào khó khăn nhất mới được mở ra. Nó đã không “cảnh giác” thừa. Gói “bí kíp” mà lúc nhận từ tay thầy nó đã ngờ ngợ là một xấp những tờ tiền 10.000đ bọc trong hai lớp nilon cũ kỹ, những tờ tiền được vuốt phẳng phiu phần nhiều đã nhàu nát mà nó tin rằng thầy đã để dành từ lâu lắm! 900.000đồng, nó cứ mân mê những đồng 10.000 đã cũ mà thèm một góc không có ai để khóc.

Đã hai năm kể từ cái ngày thầy lặn lội lên Sài Gòn thăm nó, dúi vào tay nó những đồng 10.000 nhọc nhằn rồi lại vội vã trở về. Sau đó thầy chuyển công tác. Hai năm, thỉnh thoảng nó vẫn nhận được những đồng 10.000 của thầy (lạ thay, lại vào những lúc tưởng chừng như nó bế tắc nhất!)… Hai năm, nó vẫn chưa một lần về thăm thầy.

Trưa, mới đi học về, mẹ điện lên báo: “Thầy H. mất rồi!”. Nó chỉ lắp bắp hỏi được ba chữ: “Sao thầy mất?”, rồi sụp xuống khi mẹ cũng nghèn nghẹn ở đầu dây bên kia: “Thầy bệnh lâu rồi mà không ai biết. Ngày đưa thầy vào viện, bác sĩ chụp hình mới biết thầy đã hư hết lục phủ ngũ tạng rồi, chưa ai kịp đi thăm thì thầy đã…”.

Nó bỏ hết mọi sự leo lên xe đò. Trong cái nóng ban trưa hầm hập với cơn say xe mệt mỏi, nó thấy thầy hiền hậu đến bên nó, dúi vào đôi tay nóng hổi của nó những tờ 10.000 đồng lấp lánh… Đến bây giờ nó mới để ý thấy thầy đã xanh xao lắm, bàn tay tài hoa khéo léo ngày xưa đã gân guốc lên nhiều lắm… Nó chợt tỉnh, nước mắt lại lăn dài trên má, trái tim nó gào lên nức nở: “Thầy ơi… sao không đợi con về…!?”.

Vì nó cứ đinh ninh: nếu đổi những đồng 10.000 kia thành thuốc, thầy sẽ sống cho đến khi nó kịp trở về…



trích internet.
 
P

pesaubuon98

Những chiếc vỏ lon của ba​


Năm tôi lên 10 tuổi, bố mua về cho một con búp bê. Đó là món quà đầu tiên trong đời tôi nhận được khi kết thúc lớp 4 với kết quả học sinh giỏi.

Bố làm nghề lái xe ôm, quanh năm đội nắng đội mưa tìm khách để kiếm thêm thu nhập cho gia đình ngoài cái nghề thu mua đồng nát của mẹ. Tuy chạy xe ôm, nhưng ở đâu thấy những lon bia hay lon nước ngọt nằm lăn lóc là bố dừng xe nhặt, mặc cho khách ngồi sau xe tỏ ra khó chịu hay cảm thông cho bố. Nhiều hôm có những vị khách khi thấy hành đồng của bố đã khen bố là người chồng tử tế, là người bố biết chăm lo gia đình, để khi thanh toán tiền xe họ trịnh trọng “thưởng” thêm cho bố ít tiền và bảo: “Tôi khâm phục những người như anh”.

Mẹ tôi với vành nón lá tả tơi trên vai đôi quang gánh đi từng con hẻm để mua nhôm đồng, nhựa… và những thứ người ta chuẩn bị vứt đi để mong bán lại kiếm chút lời.

Gia đình tôi sống trong con hẻm chật chội nằm ở ngoại thành. Bố mẹ chắt chiu mãi vẫn không xây nổi căn nhà đàng hoàng để che mưa che nắng, chỉ có căn lều che tạm trong cái xóm “ngụ cư”. Từ cái ngày bố mẹ bán đi căn nhà tranh xiêu vẹo, không chống chọi nổi với những cơn bão ở dưới quê để sống tạm bợ nơi khu ổ chuột này, khuôn mặt bố ngày càng gầy thêm, đôi tay mẹ ngày một đen sạm vì nắng.

Thành phố lúc này là không gian thích thú đối với anh em chúng tôi, nhưng với bố mẹ là một sự vật lộn để kiếm từng đồng thu nhập nhỏ nhoi, thầm lặng và lao lực. Tuổi thơ lơ đãng tôi chưa hề để tâm tới.

Cuộc sống thiếu thốn là thế, nhưng gia đình 5 thành viên của chúng tôi luôn rộn rã tiếng cười đùa vì sự chăm sóc chu đáo, hết mức của ba mẹ.

nhung-chiec-vo-lon-bia-cua-bo.jpg


Năm tôi học lớp 12, trong một lần cùng bạn bè đi học về, tình cờ thấy bố đang chở khách trên đường bất ngờ dừng xe lại trước một đống vỏ bia chừng 20 lon, để vị khách ấy ngồi trên xe, bố lấy bao nilon nhặt chúng vào trước những con mắt ngạc nhiên của đám bạn. Tôi đỏ mặt, ù tai khi trong đám bạn có đứa lên tiếng bảo: “Có phải bố của con P. ấy không?”… Tôi chạy một mạch về nhà, bỏ lại đám bạn, bỏ lại một chút tự ti, mặc cảm rất ngây thơ rồi ôm mặt khóc nức nở.

Tôi bỏ cơm tối, nằm lì trên giường. Mẹ đến dò xét mãi tôi mới chịu nói ra là vì sao mình khóc. Khi tôi nói ra những điều đó, mẹ ôm tôi bật khóc. Mẹ kể cho tôi nghe bố tặng tôi con búp bê hồi học lớp 4 là kết quả từ việc nhặt lon bia, rồi tiền mua cái áo nhân lúc sinh nhật, vòng đeo tay, sách vở… tất cả đều là tiền bố ki cóp từ đó mà có. Vì tất cả tiền chạy xe ôm bố đều đưa cho mẹ để trang trải cuộc sống, duy chỉ có thu nhập ít ỏi từ những lon bia là bố giữ lại đợi đến lúc cần thiết sẽ mua quà bánh cho tôi.

“Tất cả những thứ con có đều là từ lon bia đấy con ạ”. Mẹ tôi bảo như thế. Nghe xong những câu nói trong nước mắt của mẹ, tôi khóc như chưa bao giờ được khóc rồi mong bố đi chuyến xe ôm cuối cùng để về nhà sớm, tôi sẽ chạy ào ra ôm bố và bảo: “Bố ơi con thương bố nhiều, con có lỗi với bố”.



theo webcamdong
 
P

pesaubuon98

Hạnh phúc của một mảnh đời​


Dù nhà em nghèo, nhưng có ba, có mẹ, có anh hai, có 1 gia đình hạnh phúc thì em là người giàu có nhất thế giới rồi.

***

– Mẹ ơi! – Đôi mắt em mở to một cách ngây thơ.

– Ừ, mẹ biết rồi. – Người mẹ ngước lên nhìn em. – Đợi mẹ làm xong mẹ sẽ nấu cơm con ăn nhé.

– Dạ vâng ạ! – Em ngây thơ cười rồi chạy ra đầu hè nhặt rau.

Tiếng “Dạ” ngây thơ của em như một nhát dao cắt vào lòng người mẹ. Mẹ quay đi lau giọt nước mắt đang chảy dài trên má. Mẹ thương em còn nhỏ tuổi nhưng đã phải bươn chải, lo cho cuộc sống của gia đình.


Sáng sớm em phải theo anh hai đi nhặt lon bia, anh đi trước, còn em lò dò theo sau. Nhặt được vỏ nào, anh đưa cho em cầm hết, còn mình thì bỏ đó. Đi trên đường mà gặp bạn bè, anh nó quay ngoắt không nhận em trai mình. Vậy nên chả có đứa bạn nào của thằng anh biết mặt em trai, cũng như nhà của thằng anh ở đâu. Đã nhiều lần em hỏi anh trai: “Sao anh lại không nhận em khi anh gặp bạn bè vậy anh hai?”. Anh nó lạnh nhạt: “Tao căm ghét cái cảnh sống nghèo nàn như thế này. Mày không biết ngại à? Còn tao ngại lắm, ngại khi phải nhận mày làm em trai.” . Em ko hiểu gì hết, em hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao anh hai lại ngại khi nhận con là em?”. Lại một câu hỏi ngây ngô nữa của em làm tim mẹ đau thắt lại. Mẹ không trả lời, chỉ mỉm cười buồn bã bảo em: “Sau này con sẽ hiểu!”

Tết đến rồi, trong xóm nhà nào nhà nấy nhộn nhịp không khí tết, nhà em vắng hoe. Mẹ em bận làm lụng để có tiền lo cho gia đình lấy đâu ra thời gian để mà lo chuẩn bị tết cơ chứ? Nhưng em không hề buồn, ngược lại em còn vui khi giúp đỡ được mẹ. Đêm đến, mẹ ôm em vào lòng, em thì thầm hỏi mẹ trong tiếng ngáp dài: “Mẹ ơi, con thấy nhà các bạn khác đều to và đẹp, sao nhà mình lại nhỏ vậy mẹ? Còn nữa, các bạn khác đều có ba, sao con không có vậy ạ?” . Mẹ nén tiếng nấc vào lòng, nghẹn ngào nói với em: “Rồi cha con sẽ về với các con, nhà mình sẽ to như nhà các bạn.” “Vậy bao giờ cha về vậy ạ?”. “Cũng sắp rồi con”.

Mẹ nói vậy thôi, chứ thực sự chính mẹ còn không biết khi nào cha sẽ về, thậm chí cha sẽ không bao giờ về nữa. Nghĩ đến đây, mẹ dừng lại, mẹ sợ nước mắt tuôn rơi và lại bắt gặp câu nói của em: “Mẹ đừng khóc, bé thương mẹ, anh hai thương mẹ lắm.” Rồi dùng bàn tay bé nhỏ lau đi giọt nước mắt của mẹ.

Gần tết rồi, mẹ bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, rồi ra chợ mua hoa quả về cúng. Tết năm nào của em cũng đơn giản, sơ sài. Không biết người ngoài nghĩ sao, nhưng với em thì tết năm nào cũng ấm cúng bên mẹ. Năm nay cũng không ngoại lệ. Đồ đẹp không có, đồ ăn ngon cũng không, nhưng em vẫn cảm thấy hạnh phúc với những món ăn đơn giản. Đêm 29, anh Hai nói với mẹ: “Tết năm nay mẹ mua quần áo mới cho con nhé.” Mẹ thở dài: “Tiền đâu mà mua hả con? Em con sắp vào lớp 1 nữa, mẹ phải cố gắng dành dụm tiền cho nó chứ!”. Anh nó dỗi mẹ: “Mẹ thương nó hơn con chứ gì? Mẹ chỉ lo cho nó chứ nào có thương con? Mẹ thấy chúng bạn con đứa nào cũng có quần áo đẹp để mặc ko, còn con năm nào cũng áo trắng học sinh, mẹ phải biết chứ?”. Thằng anh vùng vằng đi ra khỏi cửa, quay lại nhìn mẹ, cái nhìn đầy trách móc: “Con ghét mẹ, căm cái cảnh nghèo nàn. Giá như con sinh ra ở 1 gia đình khá giả có phải tốt hơn không?”. Mẹ im lặng không nói, nước mắt cứ lặng lẽ lăn dài trên má.

Tối đó, em ôm lấy mẹ và nói nhỏ nhẹ: “Con không đi học đâu, con ở nhà giúp mẹ cũng được. Đi học tốn tiền lắm, mẹ để tiền đó mua đồ cho anh đi.” Mẹ chạm vào đôi má bé nhỏ, nhìn sâu vào đôi mắt long lanh trong sáng của em. “Mẹ lại khóc rồi, mẹ đừng khóc.” Em cười và lau nước mắt cho mẹ.

Thằng anh đứng ngoài cửa, nghe hết những lời em nói, nước mắt nó ứa ra. Trước giờ, nó chỉ biết đua đòi với các bạn, lúc nào cũng đòi mua cái này cái kia mà quên mẹ không có tiền. Nó còn không bằng em, không biết nghĩ, không biết thương mẹ. Nó muốn xin lỗi mẹ quá, nhưng không biết làm thế nào, nó chỉ im lặng quay vào giường ngủ. Sớm sau, nó dậy tưới rau, quét nhà, quét sân, dọn nhà, phụ mẹ đón Tết. Nó cũng không đòi mẹ mua quần áo mới nữa, cũng chẳng trách móc mẹ.

Sáng mồng 1, cả nhà dậy sớm đón Tết, dù nhà nó không trang trí nhà, cũng không có kẹo bánh gì ngon, nhưng ấm áp vô cùng. 3 mẹ con em quay bên chiếc bàn nhỏ. “Tý, Quang đâu rồi? Mẹ nó đâu rồi?” Tiếng người đàn ông vang vọng từ ngoài cổng. Anh em nó chạy ra xem ai, em la to lên, thằng anh hòa âm: “BA. A BA VỀ RỒI!!!” “Ừ, ba về rồi.” Ba ôm anh em nó vào lòng. Mẹ nó đứng ở cửa, rưng rưng nước mắt. “Ơ mẹ lại khóc nữa à? Ba về rồi mà, mẹ cười lên đi!!!” Mẹ nó lau nước mắt. ” Mẹ không khóc nữa đâu!” Mẹ cười. “Mẹ hứa đi, không được khóc nữa nhé.”

Ba về rồi. Tết năm nay của em sẽ ấm áp hơn mọi năm rất nhiều. Dù nhà em nghèo, nhưng có ba, có mẹ, có anh hai, có 1 gia đình hạnh phúc thì em là người giàu có nhất thế giới rồi.

Webcamdong.com sưu tầm
 
P

pesaubuon98

Tình bạn – không phải là chuyện đáng hay không đáng ?​


Sự kinh hoàng tràn ngập trong lòng một người lính thời Đệ Nhất Thế Chiến khi anh nhìn thấy người bạn tri kỷ của mình ngã xuống chiến trận.

Bị mắc kẹt trong một chiến hào và đạn pháo bay liên tục trên đầu nhưng người lính đó đã xin chỉ huy cho phép anh đi ra ngoài “vùng bình địa” giữa những chiến hào để đem người đồng đội bị trúng đạn trở vô.
Vị chỉ huy nói:

- Anh có thể đi nhưng tôi nghĩ công việc đó sẽ không đáng gì đâu. Có lẽ bạn anh đã chết và anh có thể đánh mất đi sự sống của bản thân mình.

Không màng đến lời của vị chỉ huy, người lính vẫn bỏ đi. Thật kỳ diệu, anh ta đã xoay sở để đến được bên người bạn của mình, nhấc anh ta lên vai và đem anh ấy trở về chiến hào của họ. Khi cả hai cùng té nhào xuống dưới hào, vị chỉ huy kiểm tra người lính bị trúng đạn rồi nhìn người bạn của anh một cách thông cảm.

- Tôi đã nói với anh rồi, công việc đó không đáng đâu. – Vị chỉ huy nói – Bạn anh đã chết, còn anh bị thương rất nặng.

Người lính trả lời:

- Mặc dầu vậy công việc đó vẫn rất đáng làm, thưa sếp.

- Anh nói đáng làm có nghĩa là sao? Bạn anh đã chết rồi cơ mà?

- Thưa sếp, công việc đó đáng làm là vì khi tôi đến bên anh ấy, anh ta vẫn còn sống và tôi rất mãn nguyện khi anh ấy nói với tôi rằng “Jim, tôi biết rằng chắc chắn anh sẽ đến với tôi!”

Trong cuộc sống, một việc có đáng làm hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào cách chúng ta nhìn nó. Hãy can đảm và làm những gì mà trái tim ta mách bảo để rồi mai sau trong cuộc sống bạn sẽ không phải ân hận vì mình đã không làm điều đó. Hy vọng rằng mỗi một người trong chúng ta sẽ ở trong vòng tay chân thật của những người bạn như vậy.

Nguồn: trích internet.
 
P

pesaubuon98

Đừng làm việc quá sức, đồng tiền chỉ là phương tiện!​



Một người đàn ông đi làm về muộn, mệt mỏi và bực bội, thấy đứa con trai 5 tuổi của ông ta đang đứng đợi ở cửa.
Cậu con trai: “Bố ơi, cho con hỏi bố một câu được không?”
Ông bố: “Được, câu hỏi là gì nào?”
Cậu con trai: “Bố ơi, một giờ làm việc bố kiếm được bao nhiêu tiền vậy?”


Ông bố: “Đó không phải là việc của con. Tại sao con lại hỏi bố một việc như vậy.”
Cậu con trai: “Con chỉ muốn biết thôi. Bố nói cho con biết bố kiếm được bao nhiêu tiền một giờ đi bố?”
Ông bố: “Nếu con thật sự muốn biết thì bố kiếm được 20 đô la mỗi giờ làm việc.”
Cậu con trai trả lời, đầu cúi xuống: “Ồ!” Rồi nhìn lên, cậu bé nói: “Bố ơi! Con có thể mượn bố 10 đô la được không?
Ông bố tức giận nói: “Nếu lý do duy nhất con hỏi bố chuyện lương bổng là để con có thể mượn chút tiền mua một thứ đồ chơi vớ vẩn hay vài thứ linh tinh khác thì con hãy đi ngay về phòng con và đi ngủ. Hãy suy nghĩ tại sao con lại ích kỷ đến như vậy. Hằng ngày bố làm việc cực nhọc để nhận được sự cư xử trẻ con như thế này à.”
Cậu con trai lặng im đi về phòng ngủ của mình và đóng cửa lại. Người bố ngồi xuống và càng trở nên giận dữ hơn với câu hỏi của đứa con. Làm sao nó lại dám hỏi mình câu hỏi như vậy chỉ vì muốn một ít tiền.
Sau đó khoảng một tiếng đồng hồ thì người cha nguôi giận và bắt đầu nghĩ rằng; Có lẽ có cái gì đó nó thật sự cần 10 đô la để mua và thằng bé không thật sự hay hỏi tiền mình.
Ông bố đi đến cửa phòng của cậu con trai và mở cửa. Ông hỏi: “Ngủ chưa con?” Cậu con trả lời: “Chưa bố ạ, con còn thức.”
Người cha nói, “Bố đang suy nghĩ, có lẽ bố đã quá gay gắt với con lúc nãy. Một ngày dài mệt mỏi cùng bao bực tức bố đã trút lên con. Đây là 10 đô la con hỏi xin nè.” Cậu bé ngồi dậy mỉm cười và hét lên: “Ôi, cảm ơn bố.” Kế đó, cậu bé thò tay xuống dưới gối và kéo ra một số tờ giấy bạc bị vò nhăn nhúm.
Ông bố, thấy đứa con đã có tiền rồi, bắt đầu nổi giận trở lại. Đứa con từ từ đếm tiền của cậu rồi nhìn cha cậu.
Ông bố càu nhàu: “Tại sao con muốn có thêm tiền trong khi con đã có tiền rồi?”
Đứa con trả lời: “Bởi vì con không có đủ, nhưng bây giờ con đã có đủ. “Bố, giờ con có đủ 20 đô la, con có thể mua một giờ làm việc của bố được không? Ngày mai bố đi làm về nhà sớm nhé. Con muốn được ăn cơm tối với bố.”



Như vậy, bài học đạo đức của câu chuyện này là gì? Đừng làm việc quá sức … và bạn biết từ FAMILY là gì không?

 
Top Bottom