Chăm pa tồn tại liên tục qua các thời kỳ từ năm 192 đến 1832 qua các tên gọi: Lâm Ấp, Hoàn Vương, CHiêm Thành và cuối cùng là Panduranga - Chăm pa trên phần đất nay là miền trung Việt Nam, Chăm pa hưng thịnh nhất vào thế kỷ 19 và 10, sau dần suy yếu.
Lịch sử Chăm Pa, bao gồm các quốc gia Lâm Ấp Quốc, Hoàn Vương Quốc, Chiêm Thành Quốc (Campanagara) và Thuận Thành Trấn (Nagar Cam), độc lập được từ 192 và kết thúc vào 1832. Trước thế kỷ thứ 2, vùng đất của vương quốc Chăm Pa cổ đã được nhắc đến với tên Hồ Tôn Tinh (trong truyền thuyết), rồi tên huyện Tượng Lâm (thuộc quận Nhật Nam thời nhà Hán) khi nằm dưới sự thống trị của Trung Quốc. Lãnh thổ này được ghi nhận là từ miền Trung trở vào miền Nam Việt Nam, thay đổi tùy thời kỳ. Từ 1694 đến 1832, chúa Chăm Pa (Trấn vương Thuận Thành) nằm dưới sự đô hộ của các chúa Nguyễn, vua nhà Tây Sơn và vua nhà Nguyễn cho đến lúc bị sáp nhập hoàn toàn.
1 Trước khi độc lập
Xưa kia bên ngoài lãnh thổ Âu Lạc có một vương quốc mang tên Diệu Nghiêm. Vị vua của vương quốc này là Tràng Minh, hiệu Quỷ Vương (Dasanana) có mười đầu. Phía bắc vương quốc này có một vương quốc khác tên Hồ Tôn Tinh do vua Dasaratha cai trị. Hoàng tử Chung Tư (Rama), người kế vị vua Dasaratha, có một người vợ là công chúa Bạch Tinh (Sita). Công chúa Bạch Tinh có một sắc đẹp tuyệt trần không giống người phàm. Quỷ Vương, mê hồn trước sắc đẹp của Bạch Tinh, mang binh sang đánh nước Hồ Tôn Tinh và cướp công chúa về nước. Hoàng tử Chung Tư, quá căm giận, dẫn đầu một đoàn hầu binh xẻ núi băng biển tiến vào vương quốc Diệu Nghiêm, giết chết Quỷ Vương, đưa công chúa Bạch Tinh về.
Theo nhận xét của Huber trong La Légende du Ramayana en Annam, Etudes indochinoises thì Hồ Tôn Tinh có thể là vương quốc Chăm Pa cổ. Những quốc gia chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Độ thời đó đều có sự tích giống nhau, tại Indonesia trong các đền thờ Bà la môn lớn đều khắc chuyện thần thoại này trên tường đá. Chuyện Quỷ Vương có mười đầu có lẽ chỉ là cách miêu tả thô thiển ngai vàng của các vị vua trong thần thoại Ấn Độ và Phù Nam thường có hình rắn hổ mang (naja) mười đầu.
Tượng Lâm
Về vùng đất Tượng Lâm, các sử liệu Trung Hoa xưa xác nhận đó là phần đất ở vùng cực nam quận Nhật Nam, trực thuộc quyền cai trị của Giao Châu thời Bắc thuộc, ngày nay là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (có tài liệu cho là đến tận cửa Đại Lãnh, Phú Yên). Những nhà khảo cổ học phương Tây cho rằng Tượng Lâm có thể là phần đất chạy dọc theo bờ biển, từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân, nằm trong lãnh thổ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Một số học giả Chăm học cho rằng lãnh thổ Tượng Lâm bao gồm: Indrapura (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế ngày nay), Amavarati (Quảng Nam) và Vijaya (Bình Định), sau này gọi chung là bắc Chiêm Thành.
2 Lâm Ấp Quốc
Năm 192, một viên quan bản địa tên Khu Liên ở huyện Tượng Lâm (khu vực thuộc Huế ngày nay) nổi dậy lật đổ sự đô hộ của nhà Hán, xây dựng Lâm Ấp Quốc (hay Lin-yi-guo), là một tiền thân của Vương quốc Chăm Pa. Thủ đô của Lâm Ấp nằm ở vùng Trà Kiệu bây giờ. Người Chăm Pa, hay người Chăm cổ (người Chàm cổ) là những người bản địa gốc tại khu vực duyên hải Việt Nam. Ngôn ngữ của họ, tiếng Chăm cổ (tiếng Chàm cổ) thuộc chi ngôn ngữ Chăm - Nhóm ngôn ngữ Tây Indonesia của Hệ ngôn ngữ Nam Đảo. Sau khi thành lập, Lâm Ấp Quốc tìm cách mở rộng biên giới bằng vũ lực, phía Bắc lấn chiếm đất của các nhóm Bách Việt (người Việt cổ), phía Nam giáp với các vương quốc theo Ấn Độ giáo.
Vương triều I (Lâm Ấp Quốc)
Vương triều II
Vương triều III
Vương triều IV (thời kỳ quá độ giữa Lâm Ấp Quốc và Vương quốc Chăm Pa)
3 Hoàn Vương Quốc
Từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 9, Chăm Pa trở thành một quốc gia hùng mạnh, lãnh thổ kéo dài từ Hoành Sơn ở phía Bắc đến sông Đồng Nai ở phía Nam, được sử sách Trung Quốc ghi nhận với tên gọi Hoàn Vương Quốc.
Cuối thế kỷ thứ 9, Chăm Pa dời thủ đô từ Panduranga ở miền Nam đến Indrapura ở miền Bắc.
Từ đây cho đến thế kỷ 15 về tổ chức xã hội, hệ thống chính quyền, lễ nghi Chăm Pa ảnh hưởng văn minh Phạn ngữ, Ấn Độ giáo. Trong thời kỳ này các vua Chăm Pa cũng cho xây dựng nhiều đền đài Ấn Độ Giáo ở Mỹ Sơn.
4 Chiêm Thành Quốc
Sau 877 Trung Quốc (nhà Đường) bắt đầu gọi vương quốc Chăm Pa là Chiêm Thành Quốc. Lúc đó, vương quốc này bao gồm 5 tiểu vương quốc là: Indrapura (vùng Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế ngày nay), Amaravati (vùng Quảng Nam ngày nay), Vijaya (vùng Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay), Kauthara (vùng Phú Yên, Khánh Hòa ngày nay) và Panduranga (vùng Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay).
Các vương triều Chiêm Thành
Triều đại Bhrigu
Triều đại Vijaya (Triều đại miền Nam)
Chiến tranh
Năm 950, Chân Lạp (Campuchia) tấn công Chăm Pa nhưng bị thất bại.
Năm 982, Đại Việt (nhà Lý) tấn công tàn phá thủ đô Indrapura, vua Chăm Pa tử trận.
Năm 1000, Chăm Pa dời thủ đô về Vijaya (sử Việt gọi là Phật Thề hoặc Đồ Bàn, thuộc tỉnh Bình Định ngày nay).
Năm 1044, Thủ đô Phật Thề (Vijaya) bị quân nhà Lý thất thủ.
Lãnh thổ Chiêm Thành vào khoảng thế kỷ 11
Vài năm sau sau đó vua Chăm Pa là Rudravarman III xuất quân ra miền bắc đánh Thăng Long. Để đáp lại vua Lý Thánh Tông, đem một đoàn quân hùng mạnh sang xâm chiếm Vijaya, bắt sống vua Chăm Pa đem về Thăng Long.
Năm 1069, Chăm Pa phải chịu nhường cho nhà Lý một lãnh thổ rộng lớn ở miền bắc của vương quốc này (vùng này được gọi là Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính, chạy dài từ Hoành Sơn đến đèo Lao Bảo ở phía bắc của Huế ngày nay) để được tha.
Trong suốt 30 năm cuối cùng của thế kỷ 11, ngoài chiến tranh với nhà Lý, vua Chăm Pa còn phải đối phó với cuộc chiến đòi ly khai của Panduranga.
Năm 1074 và 1080, vua Chăm Pa đi chinh phạt Chân Lạp nhưng không thành công.
Năm 1145, quân Chân Lạp sang chiếm thành Vijaya và đặt quyền cai trị ở miền bắc Chăm Pa.
Trước tình hình này vua của tiểu vương quốc Panduranga nổi dậy chống cuộc xâm lăng của Chân Lạp, giải phóng thủ đô Vijaya và tự tôn là vua Chăm Pa vào năm 1149. Khi vị vua này mất, vị vua kế tiếp đem một đoàn chiến thuyền theo sông Mê Kông đến đốt phá đền Angkor Wat và giết chết vua Chân Lạp.
Năm 1190, vua Jayavarman VII của Chân Lạp chỉ huy đoàn quân tấn công thủ đô Vijaya, bắt vua Chăm Pa và phong người em rể của mình lên làm vua. Không chấp nhận ông vua bù nhìn, vua của tiểu vương quốc Panduranga đã đem quân ra Bắc giết chết vua Chăm Pa gốc Chân Lạp và tự xưng vua Chăm Pa.
Năm 1203, để trả thù cho người em rể bị giết, Jayavarman VII xâm chiếm Chăm Pa và biến vương quốc này thành thuộc địa cho tới năm 1220.
Năm 1283, quân Nguyên Mông xâm lăng Chăm Pa. Tự luợng sức, vua Chăm Pa rút quân lên Tây Nguyên không giao chiến. (Ở huyện Ea Súp, cách Buôn Ma Thuột 100 km, có tháp Yang Prong thờ thần Siva dưới dạng Mukhalinga được xây dựng vào thời kỳ này). Sau hai năm chờ đợi, cuối cùng vì thiếu lương thực quân Nguyên Mông tự rút lui.
Năm 1306, vua Chăm Pa Jaya Simhavarman III (Hán-Việt: Chế Mân) dâng châu Ulik (châu O lý, sau này chia thành hai châu Ô và Lý thuộc khu vực Quảng Trị và Huế ngày nay) cho nhà Trần để được kết hôn với Huyền Trân công chúa.
Sau khi Chế Mân chết, từ năm 1311 đến năm 1353, vua Chăm Pa kế tiếp liên tục gây chiến với nhà Trần đòi trả hai châu Ô và Lý nhưng không thành công.
Thời Chế Bồng Nga
Năm 1360, Chế Bồng Nga (được sử sách Đại Việt cho là một nhà chính trị, một nhà quân sự đại tài) lên ngôi.
Năm 1361, Chế Bồng Nga đánh phá hải cảng Di Lý (?) của nhà Trần (theo Khâm định Việt sử thông giám Cương mục thì Chế Bồng Nga đánh phủ Lâm Bình).
Năm 1368, Chế Bồng Nga đánh thắng đoàn quân Đại Việt ở Chiêm Động (?).
Năm 1370, Chế Bồng Nga tiến quân chiếm thành Thăng Long lần thứ nhất. (Theo Khâm định Việt sử thông giám Cương mục là năm 1371.)
Năm 1377, Chế Bồng Nga đánh thắng đoàn quân nhà Trần sang tấn công thủ đô Vijaya và giết chết vua nhà Trần là Trần Duệ Tông, sau đó đem quân cướp phá thành Thăng Long lần thứ hai.
Năm 1380, Chế Bồng Nga đánh Nghệ An, Diên Châu và Thanh Hóa.
Năm 1382, Chế Bồng Nga lại đánh phá Thanh Hóa.
Năm 1383, Chế Bồng Nga đem quân chiếm đóng đồng bằng sông Hồng một lần nữa. (Theo Khâm định Việt sử thông giám Cương mục thì Chế Bồng Nga đánh phủ Quảng Oai.)
Năm 1389, Chế Bồng Nga lại xuất quân đánh nhà Trần và bị quân nhà Trần do tướng Trần Khát Chân chỉ huy giết chết trong một trận thuỷ chiến ở Hải Triều.
Hậu Chiêm Thành
Năm 1397, vua Po Parichan mất, thủ đô Angwei bị quân nhà Hồ thất thủ. Dân tỵ nạn Chăm Pa đổ vào vùng Parang (Panduranga, vùng Phan Rang ngày nay). Nước Chiêm Thành (Chăm Pa) và nước Tân Đồng Long (Panduranga) bắt đầu hợp nhất.
Năm 1407, vua Vĩnh Lạc Đế nhà Minh bắt đầu can thiệp vào cuộc chiến giữa nhà Hậu Trần và nhà Hồ, nhà Hồ và vua Chăm Pa.
Năm 1414, vua Vĩnh Lạc Đế chinh phục hoàn toàn cả 3 nhà vua Hậu Trần, Hồ và Chăm Pa.
Năm 1428, quân đội nhà Minh rút về. Nhà Lê (Thăng Long) và chúa Vijaya Chăm Pa (Đồ Bàn) được phục hồi.
Năm 1433, chúa Panduranga Chăm Pa (Phan Rang) được phục hồi.
Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đem một đoàn thủy, lục quân hùng mạnh sang đánh Vijaya Chăm Pa. Sau khi chiếm được, Lê Thánh Tông ra lệnh phá hủy thành Đồ Bàn (Vijaya), giết hơn bốn chục ngàn quân Chăm Pa và bắt đưa về Thăng Long hơn ba chục ngàn tù binh.
Tiếp đó vua Lê Thánh Tông phong vương cho Bố Trì Trì (chúa Panduranga Chăm Pa) ở Phan Lũng (Phan Rang) và giao quyền cai trị phần lãnh thổ Chăm Pa còn lại là tiểu vương quốc Kauthara (Khánh Hòa và Phú Yên) và Panduranga (Ninh Thuận và Bình Thuận). Từ dấy chúa Chăm Pa Panduranga trở thành chư hầu của quốc gia Đại Việt.
5 Thuận Thành Trấn
Trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh các chúa Nguyễn lại tiếp tục công cuộc Nam tiến.
Năm 1578, Chăm Pa tiến quân ra khu vực Phú Yên thu hồi lại được một thành lũy đã rơi vào tay nhà Nguyễn trước đó.
Năm 1611, vua Chăm Pa là Po Nit tiến quân đánh Quảng Nam. Đáp lại chúa Nguyễn xuất quân chinh phạt Chăm Pa chiếm luôn khu vực Phú Yên và dời biên giới đến Cap Varella (Đèo Cả) ở phía bắc Nha Trang và đổi tên vùng đất này thành Trấn Biên Dinh (dinh Trấn Biên).
Năm 1653, vua Chăm Pa là Po Nraop tiến quân thu phục lại khu vực Phú Yên. Trước tình hình này, chúa Nguyễn đem quân tấn công Chăm Pa bắt vua Po Nraop tại Phan Rang đem về Huế, chiếm luôn vùng Nha Trang và dời biên giới của mình đến khu vực Cam Ranh. Thế là tiểu vương quốc Kauthara rơi vào tay nhà Nguyễn và được đổi tên thành 2 dinh Thái Khang và Diên Khánh.
Năm 1658, chúa Nguyễn chiếm khu vực Sài Gòn-Biên Hoà thuộc lãnh thổ Thủy Chân Lạp (đất Campuchia lúc bấy giờ gồm Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp). Về phương diện quân sự Chăm Pa bị rơi vào thế gọng kìm.
Năm 1692, vua Po Saot tiến quân thu hồi lại vùng thánh địa Kauthara (Khánh Hòa). Đáp lại chúa Nguyễn đem quân chiếm luôn Chăm Pa thành lập Thuận Thành Trấn (trấn Thuận Thành), rồi đổi thành Bình Thuận Phủ (phủ Bình Thuận) và giao cho em của Po Saot cai quản. Như vậy, đến năm 1693, Vương quốc Chăm Pa đã một lần biến mất trên bản đồ Đông Dương.
Triều đại Po Saktiraidaputih của Chăm Pa, chư hầu dưới thời Chúa Nguyễn
Năm 1694, chúa Nguyễn giao trả lại quyền độc lập cho Chăm Pa (cho phép phục hồi Thuận Thành Trấn) dưới sự bảo trợ chính trị và quân sự của mình và giao cho Po Saktiraydaputih (Kế bà Tử), em của vua Po Saot làm trấn vương.
Từ năm 1771 Vương quốc Chăm Pa đã trở thành một bãi chiến trường giữa quân nhà Tây Sơn và lực lượng của Nguyễn Ánh.
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy quốc hiệu là Việt Nam, cho phép chúa Chăm Pa (Trấn vương Thuận Thành) có quân đội riêng và chế độ thuế má riêng. Vua Gia Long giao cho Po Saong Nhung Ceng (một tướng tài người Chăm có công chống Tây Sơn) quyền cai trị tiểu vương quốc này.
Năm 1832, vua Minh Mạng thực hiện cải thổ quy lưu để xóa bổ cơ chế tự trị của người Chăm Pa, chia đất đai này thành hai huyện An Phước và Hòa Đa trực thuộc Ninh Thuận Phủ (phủ Ninh Thuận - tỉnh Bình Thuận) lúc bấy giờ. Vương quốc Chăm Pa hoàn toàn sát nhập vào quốc gia Việt Nam.
Nguồn: Internet