Nêu những chuyển biến về kinh tế và xã hội Việt Nam dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp.
Nguyễn Nga @@Cảm ơn bạn đã tham gia thảo luận tại team Sử. Sau đây mình xin gửi đến bạn bài làm tham khảo của mình nhé!
* Những chuyển biển về kinh tế và xã hội Việt Nam dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp:
Năm 1897, sau khi bình định về quân sự ở Việt Nam, thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Cuộc khai thác thuộc địa đã làm chuyển biến về kinh tế và xã hội Việt Nam bấy giờ.
a. Những chuyển biến về kinh tế:
- Trong nông nghiệp: nét nổi bật là chính sách cướp đoạt ruộng đất. Thực dân Pháp đẩy mạnh việc cướp ruộng đất để lập đồn điền trồng lúa, chè, cà phê, cao su. Năm 1897, thực dân Pháp ép triều đình nhà Nguyễn kí điều ước “nhượng” quyền khai khẩn đất hoang cho chúng. Ruộng công làng xã, ruộng của nông dân lưu tán bị địa chủ người Pháp chiếm đoạt mạnh mẽ.
- Trong công nghiệp: Pháp đẩy mạnh khai thác mỏ, mà trước hết là mỏ than, để đưa về nước Pháp, phục vụ cho nền công nghiệp chính quốc hay bán ra thị trường các nước. Chúng tiến hành xây dựng một số nhà máy điện, nước, xi măng, dệt, xay xát gạo... để lợi dụng nguồn lao động dồi dào, rẻ mạt ở nước ta, phục vụ cho nhu cầu tại chỗ của chúng.
- Giao thông vận tải : Pháp chú ý xây dựng hệ thống giao thông đường sắt và đường bộ khá hiện đại ở Việt Nam nhằm phục vụ cho công cuộc khai thác, bóc lột kinh tế và đàn áp quân sự.
- Pháp độc quyền thu thuế xuất nhập khẩu. Các luồng hàng từ Anh, Nhật,
Trung Quốc.... vào Việt Nam rất khó khăn bởi hàng rào thuế quan.
- Với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa từng bước du nhập vào Việt Nam. Tuy vậy, thực dân Pháp vẫn duy trì phương thức bóc lột phong kiến trong mọi lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội.
Tác động:
Tích cực:
+ Xuất hiện nền công nghiệp thuộc địa mang yếu tố thực dân.
+ Thành thị theo hướng hiện đại ra đời, bước đầu xuất hiện nền kinh tế hàng hoá, tính chất tự cung tự cấp của nền kinh tế cũ bị phá vỡ.
+ Xây dựng được hệ thống giao thông vận tải.
- Tiêu cực:
+ Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cùng kiệt
+ Nông nghiệp lạc hậu, dậm chân tại chỗ
+ Công nghiệp phát triển nhỏ giọt, mất cân đối, thiếu hẳn công nghiệp nặng.
=> Nền kinh tế Việt Nam cơ bản vẫn là nền sản xuất nhỏ, lạc hậu và phụ thuộc vào nền kinh tế chính quốc.
b, Những chuyển biến về xã hội
- Giai cấp địa chủ phong kiến. Một bộ phận nhỏ trong giai cấp địa chủ phong kiến trở nên giàu có. Dựa vào thực dân Pháp, họ ra sức chiếm đoạt ruộng đất của công xã, của nông dân. Tuy vậy, một số địa chủ vừa và nhỏ bị đế quốc chèn ép, ít nhiều có tinh thần chống Pháp.
- Giai cấp nông dân. Nông dân Việt Nam vốn đã thống khổ bởi nạn thuế khoá, địa tô, phu phen, tạp dịch... lại thêm nạn cướp đất lập đồn điền, lập nhà máy của thực dân Pháp. Mất đất, một số người nông dân phải tìm đường ra các thành phố, đến các công trường, hầm mỏ và đồn điền, nhưng chỉ có một số ít kiếm được việc làm. Nông dân Việt Nam là một lực lượng cách mạng to lớn. Nhưng do thiếu sự lãnh đạo đúng đắn nên họ chưa phát huy đầy đủ sức mạnh của mình.
- Giai cấp công nhân. Một bộ phận nông dân bị phá sản vì đế quốc và địa chủ phong kiến cướp mất ruộng đất, phải bỏ làng xóm ra thành thị, đến nhà máy, đồn điền, hầm mỏ để xin việc làm và trở thành công nhận. Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, ở Việt Nam có khoảng 5 vạn công nhân chuyên nghiệp làm việc trong các cơ sở kinh tế của người Pháp và người Việt. So với dân số cả nước, số lượng công nhân tuy còn ít nhưng lại phân bố đều và rất tập trung trong các cơ sở kinh tế chủ yếu của thực dân Pháp.
- Tư sản: Ngay từ đầu thế kỉ XX, đã có một lớp người đứng ra hoạt động công thương nghiệp, kêu gọi mở cửa hiệu buồn bản hoặc lập xưởng sản xuất. Đó là những lớp người đầu tiên của tầng lớp tư sản dân tộc. Nhưng ngay từ đầu, họ đã bị thực dân Pháp khống chế, chèn ép nên số lượng nhỏ bé, thế lực yếu ớt.
- Tầng lớp tiểu tư sản bao gồm những người buôn bán nhỏ, chủ xưởng nhỏ, viên chức trong các công sở, trí thức, học sinh, sinh viên... cũng ngày một đông cùng với sự mở rộng khai thác của thực dân Pháp. Các sĩ phu Nho học cũng có nhiều chuyển biến về tư tưởng chính trị. Họ không chỉ đọc các kinh sách Nho giáo mà còn đọc những cuốn sách mới của các tác giả ở châu Âu và Trung Quốc, hô hào lập trường học, dạy học theo lối mới, mở các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, cuộc khai thác của Pháp đã làm nảy sinh những lực lượng xã hội mới. Sự biến động này đã tạo ra những điều kiện bên trong cho một cuộc vận động giải phóng dân tộc theo xu hướng mới.
Trên đây là phần trả lời của mình, bạn có thể tham khảo qua. Bên cạnh đó, bạn nên tham khảo thêm các câu trả lời khác (nếu có) và xem lại nội dung bài học trong SGK để có một bài hoàn chỉnh nhé! Nếu có bất kì thắc mắc nào, bạn có thể cmt ngay phía dưới, mình sẽ hỗ trợ nhiệt tình.