...Đức thuộc thôn Bình Trúc, dinh Trấn Biên. Thời Pháp thuộc, địa danh Bình Trúc được đổi thành Bình Trước, thuộc quận Châu Thành, tỉnh Biên Hoà. Trường Viễn Đông Bác cổ đã xếp mộ Trịnh Hoài Đức là di tích vào năm 1938. Nhiều ngôi mộ của họ tộc Trịnh Hoài Đức nằm rải rác trên khu đất khoảng 3 héc ta, xen lẫn với nhà dân, các con đường mòn nhỏ. Các ngôi mộ đều xây theo lối hình voi phục, mặt bằng dạng khối hình chữ nhật; các bia đá khắc chữ Hán hướng về phía tây nam, tường phủ rêu xanh. Trong toàn khu mộ họ Trịnh, mộ Trịnh Hoài Đức nổi bật lên bởi quy mô của kiến trúc, có lẽ đây là chủ ý của những người dựng mộ trong phép tắc của người xưa về dòng họ. Trước khi được trùng tu, tôn tạo năm 1998 (nhân dịp kỷ niệm vùng đất Biên Hoà - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển), mộ Trịnh Hoài Đức nằm khuất trong khu đông dân cư. Trước năm 1975, đáo lệ hằng năm vào lễ Thanh minh, con cháu Trịnh Hoài Đức từ các địa phương khác đến cúng viếng với nghi lễ rất trang trọng. Về sau, có lẽ do một số con cháu trong thân tộc họ Trịnh đã lớn tuổi hay lưu lạc mà các lễ viếng không còn duy trì như trước. Hiện nay, mộ Trịnh Hoài Đức tọa lạc trên chu vi đất rộng với cảnh quan được tôn tạo mới, khang trang hơn trước rất nhiều. Những ngôi nhà dân trong phạm vi của di tích được giải toả, di tích được bảo vệ bởi hàng rào, tường bao chuđáo. Kiến trúc mộ ban đầu được bảo tồn. Nguyên thủy, mộ xây bằng đá ong tô hợp chất, xung quanh có vòng thành kiên cố. Phía sau mộ có bức tường nhô cao, nối vòng thành dạng hình bầu dục lượn sóng. Trên bức tường có khắc các dòng chữ Hán tựa như bài thơ ca ngợi tài đức của Trịnh Hoài Đức nhưng lâu ngày bị mờ, không còn đọc được, hai bên trang trí hình hai đầu rồng cách điệu. Hiện nay, trên bức tường rộng này được trang trí hình long ẩn vân. Phía trước cửa vào mộ có tấm bình phong lớn, ghi khắc tiểu sử và sự nghiệp của Trịnh Hoài Đức. Trên những cột vuông nối các góc bờ vòng thành trước mộ có khắc những câu đối chữ Hán, nội dung chủ yếu nói về sự học, một cách chủ ý đề cập đến sự uyên bác trên bình diện nghiên cứu của Trịnh Hoài Đức. Trong vòng thành là thành tố chính của kiến trúc, gồm hai phần mộ: một của Trịnh Hoài Đức và một của chánh thất phu nhân, người họ Lê. Cấu kết mộ giống nhau, hình voi phục, xung quanh có gờ hình móng ngựa. Phía trước mỗi phần mộ đều có bia đá, khắc chữ Hán; chung quanh trang trí bởi các đường hồi văn, biểu tượng âm dương, phía dưới đắp nổi dạng chân quỳ. Nội dung các bia ở hai phần mộ Trịnh Hoài Đức nêu vắn tắt các danh, chức, phẩm hàm mà Trịnh Hoài Đức được ban tặng, cùng người vợ của ông; đồng thời có ghi cụ thể thời gian là tháng 11 năm Ất Dậu, con cái là Trịnh Thiên Lễ Nhiên, Trịnh Thiên Nhiên Bảo, Trịnh Thiên Bảo cùng lập bia. Trịnh Hoài Đức sinh năm 1765 (Ất Dậu). Ông còn có tên là An, tự Chỉ Sơn, hiệu là Cấn Trai. Tổ tiên ông là người Phúc Kiến, Trung Hoa, nối đời làm quan. Đến đời ông nội Trịnh Hoài Đức, nhà Mãn Thanh nổi lên thay nhà Minh, vì bất hợp tác với tân triều, gia đình ông sang cư ngụ ở Việt Nam. Thân sinh Trịnh Hoài Đức là Trịnh Khánh. Ông nổi tiếng ham học, giỏi về thư pháp và có tiếng là cao cờ. Trịnh Khánh kết duyên với cô gái Việt. Trịnh Hoài Đức mồ côi cha từ khi 10 tuổi. Để tránh loạn lạc, mẹ ông từ Qui Nhơn dời nhà đến vùng Phiên Trấn lập nghiệp. Tại đây, Trịnh Hoài Đức được mẹ cho đến thụ giáo thầy Võ Tường Toản, một nhà nho thuần hậu, đạo cao đức trọng nổi tiếng thời bấy giờ. Trịnh Hoài Đức chăm học, kết bạn với Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tĩnh. Cả ba người sau này trở thành những vì sao lấp lánh trời Nam, được mệnh danh là Gia Định Tam gia. Năm 1788, Nguyễn Ánh mở khoa thi ở Gia Định, cả ba ông ra ứng thí và đỗ đạt. Trịnh Hoài Đức được bổ nhiệm và lần lượt giữ chức Hàn Lâm viện Chế cáo, Điền Tuấn sứ huyện Tân Bình. Năm 1793, ông được sung chức Thị giảng Đông cung (Hoàng tử Cảnh) và dần được thăng lên Tham tri Hộ bộ, coi việc quân lương. Vào năm 1802, Trịnh Hoài Đức được thăng Thượng thư Hộ bộ cùng Ngô Nhơn Tĩnh, Huỳnh Ngọc Uẩn đi sứ Trung Hoa. Năm 1805, Trịnh Hoài Đức nhậm chức Hiệp lưu trấn Gia Định rồi Hiệp tổng trấn vào năm 1808. Tháng 12 năm 1813, Trịnh Hoài Đức từ cương vị Thượng thư Lễ bộ được thăng làm Thượng thư Lại bộ. Năm 1816, Trịnh Hoài Đức lại được giữ chức Hiệp tổng trấn Gia Định. Khi Nguyễn Ánh mất, Minh Mạng lên thay vào năm 1820, Trịnh Hoài Đức được vua triệu về kinh phong làm Phó Tổng tài ở Quốc sử quán, rồi thăng Hiệp biện Đại học sĩ, trật Tòng nhất phẩm, lãnh Thượng thư Lại bộ, kiêm lãnh Thượng thư Binh bộ. Trịnh Hoài Đức với kiến thức sâu rộng, đức độ khiến kẻ sĩ ngưỡng mộ được cử làm chủ khảo nhiều kỳ thi do triều đình mở. Trịnh Hoài Đức sau 40 năm làm quan được xem như bậc khai quốc công thần, tước lộc đứng đầu triều đình nhưng quen cảnh sống thanh bạch, kiệm ước, gần cuối đời cũng không có ngôi nhà riêng. Đến năm 1823, Trịnh Hoài Đức vì tuổi già, lâm bệnh, dâng biểu xin nghỉ việc. Vua Minh Mạng lệnh cho trích kho 2000 quan tiền và gỗ, gạch, ngói làm nhà, đồng thời ban sâm quế cho Trịnh Hoài Đức để nghỉ ngơi, điều trị bệnh. Mùa thu năm 1824, Trịnh Hoài Đức được vua Minh Mạng sung chức Tổng tài biên sửa Nguyễn Triều Ngọc Điệp và Tôn Phả, rồi kiêm lãnh công việc nhà Thương bạc. Con đường thăng tiến của Trịnh Hoài Đức một mặt thể hiện sự sủng ái của vua, tín nhiệm của triều đình đồng thời nói lên tài năng và nhân cách của ông trong thời bấy giờ. Mùa xuân năm 1825, sau một thời gian lâm bệnh, Trịnh Hoài Đức mất, thọ 61 tuổi. Vua Minh Mạng thương tiếc, sai nghỉ triều ba ngày, truy tặng ông chức Thiếu bảo, Cần Chánh điện Đại học sĩ, ban tên thụy là Văn Khác; phái hoàng thân Miên Hoằng thân hành tế lễ và đưa linh cữu Trịnh Hoài Đức về Nam theo nguyện vọng của ông. Linh cữu của Trịnh Hoài Đức về đến Phiên Trấn, Tổng trấn Lê Văn Duyệt thân hành phúng viếng rồi hộ linh cữu ôngvề chôn cất nơi quê mẹ là làng Bình Trước, Biên Hoà. Năm 1852, bài vị Trịnh Hoài Đức được đưa vào thờ ở Trung hưng công thần miếu và đưa vào thờ ở đền Hiền lương năm 1858. Trên bước đường công danh, Trịnh Hoài Đức đã lên gần tuyệt đỉnh. Ông là một con người tài đức vẹn toàn, được vua tin yêu, quần thần ngưỡng vọng. Dù ở chức quan cao cực phẩm nhưng Trịnh Hoài Đức vẫn sống giản dị, thanh cao, chỉ biết quên mình lo việc ích nước, lợi dân. Về phương diện văn hoá, Trịnh Hoài Đức là nhà thơ, nhà viết sử lỗi lạc hàng đầu của thời Nguyễn Trung hưng. Trịnh Hoài Đức để lại cho hậu thế một kho tàng trước tác đồ sộ gồm thơ văn và các công trình nghiên cứu như: Gia định thành thông chí, Cấn Trai thi tập... Công trình khảo cứu Gia Định thành thông chí là bộ địa lý học – lịch sử giá trị trong kho tàng thư tịch cổ của nước ta. Bộ sách này ghi lại đầy đủ nhất, toàn diện nhất diện mạo xứ Đồng Nai – Gia Định trong thời kỳ khai phá, lập nghiệp của cư dân Việt. Lăng mộ Trịnh Hoài Đức đã được Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử theo Quyết định số 1539/QĐ, ngày 27 - 12 -1990. Những thế hệ con dân xứ Biên Hoà - Đồng Nai luôn biết ơn và tự hào về Trịnh Hoài Đức, một tài năng lớn, một nhân cách lớn đã góp phần đặt nền móng cho một vùng hào khí Đồng Nai – văn hóa Đồng Nai.
Đình Tân Lân Đình Tân Lân, xưa kia thuộc thôn Tân Lân, huyện Phước Chánh, dinh Trấn Biên, nay là phường Hoà Bình, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Đình toạ lạc giữa vùng dân cư trên đường Nguyễn Văn Trị, mặt tiền hướng ra dòng sông Đồng Nai lộng gió, cách trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh 500m về hướng tây bắc. Từ khi xây dựng, nhân dân đã lấy tên gọi của thôn là Tân Lân (Xóm Mới) để đặt cho đình. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tên địa phương nhiều lần thay đổi nhưng tên đình vẫn tồn tại cùng tháng năm. Tương truyền, nguyên thủy đình Tân Lân là ngôi miếu nhỏ ở thành Kèn do dân làng dựng lên từ thời Minh Mạng (1820 -1840) để tỏ lòng ngưỡng vọng Trấn Biên Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên, người có công lớn trong việc khai phá đất đai và mở mang thương mại vùng Đồng Nai - Gia Định. Sau hai lần dời chuyển (vào năm 1861 và 1906), ngôi đình ở vị trí hiện nay. Toạ lạc trên khuôn viên đất rộng khoảng 3.000m2, đình Tân Lân bề thế, uy nghiêm với lối kiến trúc mang đậm dấu ấn của văn hoá Trung Hoa. Khách đến tham quan sẽ nhận thấy sự trang nghiêm, đầy hưng thịnh của ngôi đình.
Mặt đình hướng về phía tây nam, được kiến trúc theo kiểu chữ tam (三) gồm ba gian: tiền đình, chánh điện và hậu cung nối tiếp nhau. Hai bên tả hữu là miếu thờ Bà và thờ Ông. Mái đình lợp ngói âm dương. Nền cao 60cm bằng đá xanh, lót gạch bông (20cm X 20cm). Bên trong đình, mỗi gian được bài trí điện thờ, hoành phi, câu đối, bao lam bằng gỗ do các nghệ nhân dân gian chạm trổ tinh vi, sắc sảo mang tính nghệ thuật cao. Các đề tài đều tượng trưng cho hạnh phúc, phồn vinh, tước lộc, công hầu... theo thông tục của người phương Đông. Phần tiền đình có diện tích 75,5m2, bộ khung vì bằng gỗ, trên các xà ngang chạm khắc đề tài dơi, đào, hoa, lá... biểu tượng cho sự phước thọ, trường tồn. Trên nóc trang trí đề tài “Lưỡng long tranh châu nhật”, “Lý ngư hoá long”... biểu tượng cho sự thịnh vượng, như ý. Mặt tiền mái đình là cả một công trình nghệ thuật đặc sắc tô điểm cho nền trời xanh thoáng đãng. Hằng trăm tượng người, vật bằng gốm sứ men xanh thể hiện các đề tài cổ điển phương Đông một cách sinh động, tài hoa. Khó có ai ngờ rằng, gần một trăm năm qua, những “Bát tiên quá hải”, “Quan Công phò nhị tẩu”, những chuyện tích thời chiến quốc, nhật nguyệt, lân phụng... sống động trên mái ngói, thi gan với nắng mưa mà vẫn nguyên vẹn sắc màu và đường nét. Phần chánh điện chiếm diện tích 487,5m2. Tôn nghiêm nhất là gian giữa với những hàng cột gỗ lim to dị thường, với tượng thần uy nghiêm ngự trên ngai sơn son thếp vàng, với những cặp chim trĩ, loan, phượng... bằng đồng đứng chầu trong tư thế duyên dáng và trang nghiêm. Trước bàn thờ thần là bàn La liệt, tiếp đến là bàn hội đồng nội. Song song với bàn La liệt và bàn hội đồng nội là hai bộ bát bửu bằng đồng. Hai gian bên thờ tả và hữu ban. Dọc tường tả hữu có các bệ thờ Thái Giám, Hậu Hiền, Bạch Mã và Tiền Hiền. Toàn bộ khung vì được làm bằng gỗ tốt, có cột chống ở giữa kiểu bình nước, được lắp ghép với kỹ thuật mộng chốt và gắn dầu rái đảm bảo độ bền vững cao. Hậu cung có diện tích 120m2 được chia thành ba gian, chính giữa thờ Tiên sư, hai bên thờ Tiền thứ Việt Nam và Tiền thứ Trung Hoa, được đặt trên bệ thờ bằng xi măng lót gạch men xanh. Ngoài ra, sau đình còn có khu nhà bếp nối liền với hậu cung, kiến trúc đơn giản, là nơi nấu ăn của đình. Những ai quan tâm đến mỹ thuật không thể không khâm phục bàn tay tài hoa của các nghệ nhân sáng tạo ngôi đình qua các tác phẩm điêu khắc đá, chạm khắc gỗ, phù điêu ghép sành, cẩn xà cừ, tượng sành kiểu Hoa Nam... trong đó ẩn chứa những triết lý nhân sinh sâu sắc. Toàn bộ những mảng trang trí trên là sự kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn với yếu tố kiến trúc nghệ thuật đặc trưng vùng Hoa Nam (Trung Quốc). Đây cũng là sản phẩm gần như cuối cùng của lớp nghệ nhân tài hoa bản địa.
Nguồn: google