Sử 12 Chiến dịch Biên giới Thu - Đông

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Nhiều bạn học sinh Trung học phổ thông hỏi về bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) được mở ra từ chiến dịch Biên giới thu - đông năm 1950. Xin trả lời chung theo ý kiến cá nhân để các bạn tham khảo. Quý thầy/cô có ý kiến gì thì giúp thêm cho các em.

Thắng lợi của chiến dịch Biên giới có ý nghĩa vô cùng to lớn về mặt chiến lược, là bước ngoặt quan trọng mở ra giai đoạn phát triển vượt bậc của cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện.

1- Về quân sự: Mở ra một cục diện hoàn toàn mới, quân đội và nhân dân Việt Nam giành, giữ và phát triển quyền chủ động về chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ. Cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn liên tục tiến công và phản công, thể hiện qua các chiến dịch lớn của bộ đội chủ lực ở mặt trận chính diện (...), và sự phát triển chiến tranh du kích ở vùng quân Pháp chiếm đóng (....)
Quân và dân Việt Nam tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; kết hợp đánh địch ở cả mặt trận chính diện và sau lưng chúng; kết hợp đánh tập trung và đánh phân tán, đánh tiêu diệt và đánh tiêu hao lực lượng quân sự của đối phương. Lực lượng vũ trang ba thứ quân của Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Thực dân Pháp ngày càng lâm vào thế bị động, đối phó lúng túng... Giới cầm quyền và tướng lĩnh Pháp thừa nhận thất bại của quân đội Pháp ở biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn trong Thu - Đông 1950 có ảnh hưởng quyết định đối với nửa cuối cuộc chiến tranh, tình thế cuộc chiến đã thay đổi theo hướng bất lợi cho quân Pháp. Chiến dịch Biên giới đã làm phá sản âm mưu “khóa chặt biên giới Việt-Trung” hòng cô lập cách mạng Việt Nam. Tuyến phòng thủ Liên khu biên giới Đông Bắc bị xóa bỏ, “Hành lang Đông-Tây” bị chọc thủng, chủ trương phòng thủ Đông Dương theo “Kế hoạch Rơve” của Pháp tiêu tan.
Sau thất bại ở biên giới, quân Pháp lâm vào tình thế khó khăn, mất quyền chủ động chiến lược trên chiến trường Bắc Bộ.
2- Về xây dựng hậu phương: Từ đây, hậu phương kháng chiến được đẩy mạnh xây dựng trên tất cả các mặt (chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội), với nhiều loại hình và quy mô khác nhau, từ căn cứ địa Việt Bắc, các vùng tự do (ở Khu IV, Khu V...) và cả những căn cứ du kích trong lòng địch. Hậu phương của chiến tranh nhân dân được củng cố và mở rộng, đan xen với tiền tuyến, đáp ứng yêu cầu chi viện ngày càng nhiều sức người, sức của cho kháng chiến. Quân dân Việt Nam có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển lực lượng về mọi mặt, đẩy kháng chiến tiến tới...
Vùng chiếm đóng của quân Pháp ngày càng bị thu hẹp...
3- Về mặt ngoại giao, cùng với những thành công về ngoại giao năm 1950, chiến dịch Biên giới khai thông tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, mở đường liên lạc quốc tế, tạo điều kiện để vận động quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ về vật chất, sự ủng hộ về tinh thần từ Liên Xô, Trung Quốc, các nước dân chủ nhân dân, các lực lượng hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân Pháp, góp phần tăng thêm sức mạnh bên trong của cuộc kháng chiến.
Phong trào phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương ngày càng lên cao, làm cho thực dân Pháp bị cô lập...
Đọc thêm:
BỐI CẢNH QUỐC TẾ CỦA CHIẾN DỊCH BIÊN GIỚI THU ĐÔNG 1950
Chiến dich Biên giới Thu - Đông 1950 đã cắm một cột mốc vàng giữa cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc Việt Nam, chuyển cuộc kháng chiến sang giai đoạn tiến công và phản công chiến lược. Chiến dịch diễn ra trong bối cảnh quốc tế có nhiều chuyển biến, nhất là sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của các nước lớn, làm cho cuộc chiến tranh ở Đông Dương trở thành một vấn đề quốc tế giữa hai phe.
1. Hệ thống xã hội chủ nghĩa được mở rộng và củng cố, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam
Trong 5 năm sau chiến tranh thế giới thứ II, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu vượt qua nhiều thử thách, hoàn thành khôi phục kinh tế và bắt tay vào thực hiện những kế hoạch kinh tế xã hội dài hạn. Liên Xô hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ tư với những thành tựu to lớn về kinh tế và quân sự, trở thành chỗ dựa vững chắc cho phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ trên thế giới.
Cuộc nội chiến ở Trung Quốc (1946-1949) kết thức. Cách mạng Trung Quốc thành công (10-1949). Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương nhận định: “Nước Trung Hoa dân chủ nhân dân thành lập, ta không bị bao vây nữa. Cửa ngõ nước ta đã mở thông ra thế giới. Ta có người bạn lớn và khoẻ đứng sát bên cạnh ta" . Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh gía: “Thắng lợi của cách mạng Trung Hoa mang lại cho cuộc kháng chiến của ta những thuận lợi to lớn. Vòng vây bên ngoài bị phá vỡ ở phía Bắc. Ben kia biên giới là lục địa Trung Hoa, nối liền một dải với Liên Xô và các nước anh em” .
Liên minh nhiều mặt giữa Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa hình thành. Trong những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều hiệp ước hữu nghị và hợp tác được ký kết giữa Liên Xô với từng nước ở Đông Âu cũng như giữa các nước Đông Âu với nhau, góp phần tăng cường sức mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa . Ngày 22 đến 23- 9-1947, tại Vacsava, Hội nghị đại biểu 9 Đảng Cộng sản (Liên Xô, Bungari, Hungari, Rumani, Ba Lan, Tiệp Khắc, Nam Tư, Ytalia, Pháp) quyết định thành lập Cơ quan Thông tin Cộng sản (COMIFORM) nhằm phối hợp về đường lối chung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Ngày 8-1-1949, Hội nghị giữa các chính phủ Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungari, Rumani và Bungari tại Mátxcơva tuyên bố thành lập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV - COMECON); về sau có thêm Anbani (2-1949), Cộng hoà Dân chủ Đức (9-1950). Mục đích của SEV là hợp tác kinh tế xã hội chủ nghĩa có kế hoạch, thúc đẩy sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật, phân công sản xuất, giảm dần mức chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước thành viên; trao đổi kinh nghiệm về kinh tế, giúp đỡ lẫn nhau về kỹ thuật, lương thực, thực phẩm, nguyên liệu, máy móc, thiết bị... SEV có vai trò to lớn trong việc liên kết kinh tế trong các nước xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy sự phát triển nhanh về kinh tế của Liên Xô và các nước thành viên. Đến năm 1950, tỷ trọng công nghiệp của các nước trong khối SEV chiếm khoảng 20% giá trị công nghiệp thế giới.
Quan hệ cách mạng Liên Xô - Trung Quốc được nhanh chóng thiết lập và củng cố. Ngày 30-6-1949, giữa lúc quân Giải phóng vượt Trường Giang, tiến vào Nam Kinh, trong bài diễn văn “Bàn về chuyên chính dân chủ nhân dân”, Mao Trạch Đông tuyên bố chính sách đối ngoại mới của Trung Quốc là “Nhất biên đảo” (ngả hẳn về một bên), khẳng định nước Trung Hoa mới do Đảng Cộng sản lãnh đạo sẽ liên hiệp với Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân, giai cấp vô sản và nhân dân các nước, lập thành một mặt trận thống nhất quốc tế. Mặc dù hai đảng có mâu thuẫn nhau từ những năm 20, xung quanh quan điểm về hợp tác Quốc - Cộng , việc cải thiện quan hệ với Liên Xô là điều cần thiết.
Ngày 2-10-1949, Liên Xô tuyên bố công nhận nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Tiếp theo đó, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Mông Cổ, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Trung Hoa mới.
Ngày 16-12-1949, đoàn đại biểu Trung Quốc do Mao Trạch Đông dẫn đầu thăm Liên Xô. Cuộc đàm phán giữa Staline và Mao Trạch Đông kéo dài suốt hai tháng (từ tháng 12-1949 đến tháng 2-1950). Ngày 14-2-1950, Hiệp định về việc Liên Xô chấp thuận cấp cho Trung Quốc một khoản tín dụng 300 triệu USD trong 5 năm với lãi suất 1%/năm kể từ ngày 1-1-1950; Hiệp định về đường sắt Trường Xuân, cảng Lữ Thuận và Đại Liên… Nhưng quan trọng nhất là Liên Xô và Trung Quốc ký Hiệp ước Hữu nghị, Đồng minh và Tương trợ có giá trị trong 30 năm. Theo đó, hai bên cam kết thi hành mọi biện pháp cần thiết nhằm không để Nhật hoặc một nước nào khác trực tiếp hay gián tiếp liên kết với Nhật, có hành động đe doạ hoà bình hoặc gây chiến tranh xâm lược một lần nữa . Theo Điều 1 của Hiệp ước này, trong trường hợp hai bên bị nước Nhật hoặc nước đồng minh của Nhật tấn công hay đe doạ xâm lược, hai bên sẽ giúp đỡ nhau ngay lập tức về quân sự và các mặt khác. Điều 2 quy định: hai bên cam kết không tham gia các liên minh hoặc các hành động chống đối nhau; trao đổi ý kiến và hợp tác với nhau trong các hoạt động quốc tế để bảo đảm hoà bình và an ninh trên thế giới .
Hiệp ước trên có ý nghĩa rất to lớn, đảm bảo an ninh của Liên Xô và Trung Quốc ở Viễn Đông và Châu Á; tăng cường vị thế của Liên Xô trong khu vực Đông Bắc Á.
Liên minh Xô - Trung có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho phe xã hội chủ nghĩa ở Châu Á nói riêng và thế giới nói chung.
Vì nghĩ vụ quốc tế và lợi ích dân tộc, với chính sách “Viện Triều chống Mỹ” và “Giúp Việt kháng Pháp”, nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa có ảnh hưởng tích cực đến phong trào cách mạng ở các nước trong khu vực.
Sự giúp đỡ vật chất và tinh thần của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa là nhân tố hết sức quan trọng, giúp nhân dân Việt Nam có điều kiện kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh có thể tranh thủ được từ bên ngoài, chuyển cuộc kháng chiến sang giai đoạn tiến công chiến lược. Tại Hội nghị cán bộ chiến dịch Lê Hồng Phong II (chiến dịch Biên giới), ngày 24 và 25-8-1950, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp phân tích những điều kiện tất thắng, trong đó có việc học tập kinh nghiệm chiến đấu của Trung Quốc: “Từ trước chúng ta chiến đấu với kinh nghiệm của bản thân mình. Lần này chúng ta có điều kiện tham khảo những kinh nghiệm quý báu của Giải phóng quân Trung Quốc. Kinh nghiệm đó là kinh nghiệm của chiến thắng, là kinh nghiệm của của một đội quân đã từng đánh tan sự can thiệp của Mỹ, là kinh nghiệm thắng lợi trong những chiến dịch quy mô rất lớn” .
Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa nối liền từ Tây sang Đông, không ngừng được củng cố và lớn mạnh. Sự đoàn kết, thống nhất trong phe xã hội chủ nghĩa tạo chỗ dựa cho phong trào đấu tranh cách mạng trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, tạo thế đối trọng với Mỹ và các nước phương Tây trong chiến tranh lạnh và trật tự Ianta.
Trong xu thế tiến công, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa dâng lên mạnh mẽ khắp nơi. Cuộc kháng chiến anh dũng của ba dân tộc Đông Dương, những cuộc đấu tranh quyết liệt của nhân dân các nước Đông Nam Á như Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Miến Điện, sự ra đời của nước Cộng hoà Ấn Độ (2-1950), cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Triều Tiên... thể hiện sự phát triển không gì cưỡng nổi của phong trào giải phóng dân tộc. Phong trào đấu tranh cho hòa bình, dân chủ và tiến bộ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động cũng phát triển ngay tại các nước tư bản chủ nghĩa.
Cách mạng Việt Nam có điều kiện mở rộng quan hệ với các Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc, Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân và các lực lượng hoà bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ vật chất và tinh thần từ bên ngoài, làm cho cuộc kháng chiến có thêm sức mạnh để chuyển sang giai đoạn tiến công chiến lược. Tuy nhiên, cũng từ đây, đường lối cách mạng của các nước bạn có điều kiện ảnh hưởng vào Việt Nam, nhất là những chủ trương tả khuynh, và cũng do vậy mà các nước Liên Xô và Trung Quốc có điều kiện chi phối cách thức giải quyết cuộc chiến tranh ở Đông Dương phù hợp với chiến lược và lợi ích dân tộc của bạn.
2. Chiến tranh lạnh và cục diện đối đầu trên thế giới hình thành và phát triển
Từ chỗ là đồng minh chống phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ II, Liên Xô và Mỹ trở thành đối thủ của nhau. Sự đối lập về mục tiêu chiến lược giữa hai cường quốc thể hiện: Liên Xô chủ trương duy trì hòa bình, an ninh thế giới, bảo vệ những thành quả của chủ nghĩa xã hội và đẩy mạnh phong trào cách mạng thế giới. Mỹ ra sức chống Liên Xô, và các nước xã hội chủ nghĩa, đẩy lùi phong trào cách mạng và thực hiện mưu đồ làm bá chủ thế giới.
Dựa vào sức mạnh kinh tế và quân sự, Mỹ triển khai chiến lược toàn cầu nhằm các mục tiêu: 1- Ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới xoá bỏ hệ thống xã hội chủ nghĩa, 2- Đàn áp phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân và cộng sản quốc tế, phong trào chống chiến tranh, vì hòa bình, dân chủ trên thế giới, 3- Khống chế, chi phối các nước tư bản đồng minh của Mỹ.
Mỹ phát động Chiến tranh lạnh, nhằm chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, làm cho Chiến tranh lạnh và cục diện đối đầu trên thế giới lên tới đỉnh cao vào đầu những năm 50 của thế kỷ XX.
Thông điệp của Tổng thống Truman tại Quốc hội Mỹ (3-1947) khẳng định: sự tồn tại của Liên Xô là nguy cơ đối với nước Mỹ, và đề nghị viện trợ khẩn cấp cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm củng cố các chính quyền thân phương tây, đẩy lùi phong trào yêu nước; biến Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ thành những căn cứ tiền phương chống Liên Xô và các nước Đông Âu; gạt bỏ ảnh hưởng của Anh có từ trước ở hai nước này.
Tháng 6-1947, Mỹ đề ra Kế hoạch Mácsan, sử dụng viện trợ giúp các nước Tây Âu khôi phục kinh tế, nhằm tập hợp các nước Tây Âu vào liên minh quân sự chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Việc thực hiện kế hoạch này tạo ra sự sự phân chia đối lập về kinh tế và chính trị giữa các nước Tây Âu tư bản chủ nghĩa và các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa.
Ngày 4-4-1949, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được thành lập với sự tham gia của hầu hết các cường quốc tư bản hàng đầu thế giới , là liên minh quân sự và chính trị lớn nhất, quan trọng nhất của phương Tây do Mỹ giữ vai trò lãnh đạo. Ngay sau khi Hiệp ước NATO được phê chuẩn, Mỹ ký nhiều hiệp định tay đôi với các nước thành viên về việc sử dụng vũ khí và thiết lập các căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ các nước đó.
Sự đối đầu không chỉ diễn ra ở Châu Âu, giữa hai khối Đông Âu và Tây Âu, với những liên minh kinh tế, chính trị và quân sự khác nhau, mà còn được bổ sung thêm bằng sự hình thành hai nhà nước Triều Tiên (1948) và hai nhà nước Đức (1949).
Cùng lúc với Chiến tranh lạnh đặt thế giới trong tình trạng căng thẳng, ở Châu Âu diễn ra cuộc phong toả Berlin. Trái với các hiệp định Ianta và Posdam (1945) về một giải pháp thống nhất nước Đức, tháng 2-1948, các nước Mỹ, Anh, Pháp đề ra một quy chế về tương lai cho việc hợp nhất ba khu vực chiếm đóng của họ. Để trả thù cho thoả thuận riêưng rẽ này, tháng 3-1948, Liên Xô quyết định phong toả, kiểm soát tất cả các mối liên hệ giữa Tây Berlin với Tây Đức. Các nước Châu Âu phải tổ chức cầu hàng không để tiếp tế cho Tây Berlin. Tới tháng 5-1949, cuộc phong toả mới chấm dứt sau khi các nước phương Tây bãi bỏ việc ngăn chặn buôn bán giữa Tây và Đông Berlin.
Ở khu vực Châu Á xuất hiện ba cuộc chiến tranh nóng: chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương, cuộc nội chiến ở Trung Quốc và chiến tranh Triều Tiên. Đỉnh cao nhất của sự đối đầu giữa hai phe là ở khu vực này là việc “quốc tế hoá” cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Sau khi quân đội Liên Xô và Mỹ rút đi, trên bán đảo Triều Tiên hình thành hai quốc gia với hai chế độ chính trị khác nhau (1948): Đại Hàn Dân quốc và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Lãnh đạo hai bên, dựa vào sự giúp đỡ của những cường quốc đang là đối thủ của nhau, đều muốn thống nhất đất nước theo kiểu riêng của mình.
Ngày 25-6-1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, lúc đầu là cuộc tiến công của quân đội Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vượt vĩ tuyễn 38, đánh xuống phía Nam. Tuy nhiên cuộc chiến tranh này không phải chỉ là sự đọ sức giữa những lực lượng ở hai miền, mà có sự tham chiến của những lực lượng quốc tế. Lợi dụng việc Liên Xô không dự họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để phản đối sự có mặt của chính quyền Đài Loan, với sự thúc ép của Mỹ, Hội đồng đã thông qua nghị quyết đưa lực lượng quân sự với danh nghĩa Liên hợp quốc vào Triều Tiên để cứu nguy cho Đại Hàn Dân quốc. Quân đội Mỹ và 13 nước đồng minh của Mỹ đã trực tiếp tham chiến trên chiến trường. Trong tình hình đó, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã đưa quân Chí nguyện vào Triều Tiên. Liên Xô cũng không thể không thực hiện cam kết trong Hiệp ước Hữu nghị, Đồng minh và Tương trợ đã ký với Trung Quốc. Như vậy, không đầy một năm sau khi được ký kết, với việc Trung Quốc tham chiến ở Triều Tiên, Hiệp ước này có cơ hội phát huy tác dụng. Triều Tiên trở thành nơi diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa hai phe trong “Trật tự Ianta”, mà bên nào cũng muốn giành thắng lợi.
3. Việt Nam trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng giữa hai hệ thống xã hội đối lập
Trong khoảng 5 năm đầu của chế độ Cộng hoà dân chủ, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam trong tình thế gần như bị bao vây cô lập. Mặc dù trong Tuyên ngôn Độc lập (2-9-1945), Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh kêu gọi các nước Đồng minh và các nước khác trên thế giới hãy công nhận nền độc lập của nước Việt Nam, nhưng người Mỹ đã quay đi, vì họ cho Việt Minh là con bài của Mátxcơva, không phù hợp với chiến lược chống cộng của họ. Còn người Nga đang theo đuổi chiến lược hoà hoãn với Mỹ và phương Tây, tạo điều kiện hòa bình để khôi phục kinh tế, tập trung củng cố Đông Âu, giữ nguyên trạng thế giới đã được phân chia giữa các cường quốc Đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ II, nên giữ thái độ im lặng. Cách mạng Trung Quốc chưa thành cộng.
Nhưng, đến năm 1950, bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, nhất là thái độ của các nước lớn đối với cuộc chiến tranh ở Đông Dương.
Đầu năm 1950, sau chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Bắc Kinh và Mátcơva, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Liên bang Xôviết, các nước dân chủ nhân dân đã lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sau 5 năm im lặng (1945-1950), giờ đây Liên Xô đã chính thức công nhận nước Việt Nam mới, mặc dù “có thể còn đang cân nhắc mức độ công khai” . Đó là một sự thay đổi về chiến lược trong chính sách đối ngoại của Nhà nước Xô Viết.
Trước mắt, Liên Xô chi viện cho Việt Nam một trung đoàn pháo cao xạ 37 ly, một số xe vận tải Môlôtôva và thuốc quân y. Trung Quốc sẽ trang bị vũ khí cho một số đại đoàn bộ binh và một đơn vị pháo binh, sẽ vận chuyển hàng viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam. Trung Quốc sẽ cử cố vấn quân sự sang giới thiệu những kinh nghiệm chiến đấu của Giải phóng quân, và đồng ý cho Việt Nam đưa Trường lục quân sang Vân Nam để đào tạo và bổ túc cán bộ.
Thắng lợi lớn về ngoại giao đầu năm 1950 đã chấm dứt những năm tháng chiến đấu đơn độc của nhân dân Việt Nam, mở ra một giai đoạn tiếp nhận sự ủng hộ quốc tế cả về vật chất và tinh thần. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá:
“Mấy năm kháng chiến đã đưa lại cho nước ta một cuộc thắng lợi to nhất trong lịch sử Việt Nam, tức là hai nước lớn trên thế giới là Liên Xô và Trung Quốc dean chủ, và các nước dân chủ mới đã thừa nhận nước nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một nước ngang hàng trong đại gia đình dân chủ thế giới. Nghĩa là ta đã đứng hẳn về về phe dân chủ và nhập vào khối 800 triệu nhân dân chống đế quốc.
Chắc rằng cuộc thắng lợi chính trị ấy sẽ là cái đà cho những thắng lợi quân sự sau này” .
Giữa năm 1949, khi cuộc nội chiến ở Trung Quốc bước vào giai đoạn chót, Mỹ tăng cường sự chú ý đến Đông Dương. Trong khi triển khai mạnh mẽ chiến lược toàn cầu, mà trọng tâm là Châu Âu, Mỹ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến khu vực Châu Á. Giới cầm quyền Mỹ cũng đã thay đổi chiến lược đối ngoại, từ chính sách không can thiệp trong những năm đầu sau chiến tranh thế giới thứ II, chuyển sang can thiệp bằng cách viện trợ kinh tế và quân sự cho Pháp ở Đông Dương . Sự can thiệp ngày càng tăng của Mỹ do những lý do khác nhau:
Một là, Pháp bị thất bại ngày càng nặng nề trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Một thách thức lớn đối với giới cầm quyền Pháp là phong trào phản đối chiến tranh ngày càng lên cao ngay tại nước Pháp với sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, đòi đưa quân đội viễn chinh về nước, đòi hoà bình ở Việt Nam, đòi điều đình với Chính phủ Hồ Chí Minh. Tình hình chính trị nội bộ nước Pháp không ổn định, phải thay đổi chính phủ nhiều lần. Giới cầm quyền Pháp nhận thấy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đang đứng bên bờ vực thẳm, không thể một mình tiến hành chiến tranh được nữa. Mặc dù biết nhận viện trợ của Mỹ sẽ là một liều thuốc đắng, vì nó sẽ làm mất dần chủ quyền của mình, và có thể bị Mỹ gạt như Nhật đã làm với Pháp trước đây, nhưng Pháp vẫn cần phải chấp nhận, vì tình hình “cuộc chiến tranh Việt Nam ngày càng tồi tệ” , Pháp sẽ không thể kéo dài chiến tranh nếu không có sự giúp sức của Mỹ.
Hai là, do sa lầy trong chiến tranh xâm lược ở Đông Dương, nước Pháp lâm vào tình trạng suy yếu về kinh tế, kéo theo sự bất ổn về chính trị. Điều đó làm giảm khả năng góp phần củng cố lực lượng NATO, khối liên minh quân sự quan trọng nhất do Mỹ lãnh đạo. Đây là điều Mỹ hết sức lo ngại.
Ba là, cuộc nội chiến ở Trung Quốc kết thúc, cách mạng Trung Quốc thắng lợi. Ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Quốc lan rộng ở khu vực Viễn Đông. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam thắng lợi có thể lôi cuốn các nước Đông Nam Á đi theo trào lưu cách mạng. Đó là những điều Mỹ không thể không quan tâm, vì nó làm cho tuyến phòng thủ, ngăn chặn từ xa của Mỹ kéo dài từ Nhật bản đến Ôxtrâylia bị suy yếu. Thất bại của Trung Hoa Quốc dân đảng làm dấy lên làn sóng chỉ trích gay gắt từ phía các nhân vật hữu khuynh trong và ngoài Quốc hội Mỹ, nhằm vào Chính phủ Truman.
Giới chức Mỹ đẩy mạnh chính sách ngăn chặn cộng sản ở Viễn Đông, trong đó, “Đông Dương và đặc biệt là Việt Nam là then chốt trong việc bảo vệ Đông Nam Á”. Nếu như trước đây, Mỹ theo đuổi chính sách “kiềm chế tích cực”, không can thiệp trực tiếp, nhưng “đứng trước khả năng Pháp có thể thất bại, đồng thời lúc đó, cộng sản đã thắng lợi ở Trung Quốc, nên vào đầu năm 1950 Mỹ quyết định hỗ trợ cho Pháp ở Đông Dương” , đưa cuộc chiến tranh Đông Dương vào quỹ đạo chiến lược "chiến tranh lạnh" cuả Mỹ; biến Đông Dương, Đài Loan, Triều Tiên… thành những cứ điểm chống cộng.
Ngày 7-2-1950, ngay sau khi Hạ viện Pháp phê chuẩn Hiệp định Élysée (29-1-1950) công nhận nền độc lập của “các quốc gia liên kết” Việt Nam, Lào và Campuchia, Chính phủ Mỹ công nhận cái gọi là “Quốc gia Việt Nam”. Ngày 8-5-1950, tại một cuộc họp ở Pari, Dean Acheson thông báo việc Chính Phủ Mỹ sẽ viện trợ kinh tế và quân sự cho “các quốc gia liên kết” ở Đông Dương và Pháp. Ngày 2-8-1950, Phái bộ cố vấn viện trợ quân sự Mỹ (MAAG) được thành lập ở Sài Gòn với nhiệm vụ chuyển giao viện trợ quân sự trực tiếp cho người Việt Nam, Lào và Campuchia.
Như vậy, đến năm 1950, trong khi Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, thì Mỹ, Anh và một số nước khác (Thái Lan và Philippin) lại công nhận chính quyền Bảo Đại do Pháp dựng ra và viện trợ vật chất cho cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp. Cuộc chiến tranh ở Đông Dương trở thành một vấn đề quốc tế giữa hai phe, mà theo cách diễn đạt của tướng Pháp Ivơ Gơra (Yves Gras) thì nó "lồng vào cuộc xung đột toàn cầu giữa phương Đông và phương Tây" . Còn theo Cựu sỹ quan tình báo Mỹ A. Patti (Archimedes L.A. Patti) thì "Nó đó được quốc tế hoá và trở thành một bộ phận của cuộc thập tự chinh chống cộng của Mỹ" .
Mỹ từng bước trở thành một kẻ thù của cách mạng Việt Nam. Cuộc kháng chiến của Việt Nam là một cuộc chiến tranh vừa mang tính chất giải phóng dân tộc, vừa mang tính chất bảo vệ Tổ quốc. Nó khác với cuộc chiến tranh Triều Tiên ở chỗ lực lượng chiến đấu trên chiến trường là quân và dân Việt Nam. Ngoài một số cố vấn Trung Quốc, không có quân đội nước ngoài. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế lúc đó, khi trật tự thế giới hai cực được thiết lập, thì nó không thể không chịu sự chi phối của cục diện Chiến tranh lạnh và sự tranh giành ảnh hưởng giữa hai phe.
Theo Tổng Bí thư Trường Chinh, “Ở Đông Dương, không phải chỉ có quyền lợi của nhân dân ta và thực dân Pháp xung đột nhau, mà thực ra của hai phe dân chủ và đế quốc trên thế giới xung đột nhau” . Francois Joyeaux nhận xét: “Bộ chỉ huy Pháp không chỉ đối phó với một cuộc nổi dậy có tính dân tộc, mà là chống đối một sự nghiệp, không phải không có lý do để có thể xem như một trong những biểu hiện của cuộc chạm trán Đông – Tây trong khung cảnh chiến tranh lạnh” .
Chiến dịch Biên giới thu đông 1950 của quân và dân Việt Nam diễn ra vào lúc thế giới bước vào thập niên 50 của thế kỷ XX, có cả hai mặt, thuận lợi và khó khăn do cục diện đối đầu và chiến tranh lạnh đã lên tới đỉnh cao. Thuận lợi lớn nhất là có sự ủng hộ về chính trị và giúp đỡ về vật chất từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Khó khăn lớn nhất là Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương. Bối cảnh đó vừa tạo ra thời cơ, đồng thời cũng đặt cuộc kháng chiến trước những thử thách mới. Tình hình đó đòi hỏi phải phát huy mọi nỗ lực chủ quan, tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, chuyển cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới. Đúng như Trung ương Đảng đã nhận định: “Tình hình thế giới gay go có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc kháng chiến của ta. Phải sẵn sàng đối phó với mọi tình thế khó khăn xảy đến, đồng thời cũng nắm lấy những thuận lợi mới do tình hình phát triển mang lại. Phải kiên quyết chống lại mọi khuynh hướng bị động cầu an trong cán bộ và nhân dân” .
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến chuyển, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tổng phản công của ta sẽ là một giai đoạn lâu dài. Rồi đây, có sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc về vật chất, vũ khí, trang bị, ta sẽ đỡ khó khăn hơn, nhưng giành được thắng lợi phải là do sự nỗ lực của chính bản thân ta quyết định” .

Bài viết của PGS Vũ Quang Hiển

49796451_923983741141001_2578636688788029440_n.jpg

49946672_924007367805305_281320817449500672_n.jpg
 
  • Like
Reactions: Timeless time
Top Bottom