Dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay vốn có truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo”. Tục ngữ ca dao Việt Nam có câu:
“Muốn sang thì bắt cầu kiều
Muốn con hay chữ, phải yêu lấy thầy!”
Hay:
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”
Không có một vị anh hùng, một lãnh đạo thiên tài, một giáo sư, bác sĩ, kỹ sư nào mà lại không nhận được sự dạy dỗ, dìu dắt của thầy giáo, cô giáo – những kỹ sư tâm hồn trên con đường mang tên trồng người. Yêu mến, biết ơn và kính trọng thầy cô giáo là đức tính tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam.
Nhìn lại suốt chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước, truyền thống tôn sư trọng đạo luôn là ngọn đuốc trí tuệ, soi sáng con đường học vấn của dân tộc. Người thầy được tôn vinh bởi người thầy không chỉ là người dạy chữ thánh hiền mà còn là người tượng trưng cho những gì chuẩn mực nhất, cao đẹp nhất. Trong lịch sử dân tộc ta đã có biết bao người thầy như Sư Vạn Hạnh, thầy giáo Chu Văn An, cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, các bậc thầy cao quý như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh.... Những người thầy như vậy và biết bao người thầy khác đã mang lại vinh quang cho đất nước và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Từ ngàn xưa đã thế, đến hôm nay, khi đất nước phát triển, sự nghiệp giáo dục hơn bao giờ hết luôn là ngành được cả xã hội quan tâm và tạo điều kiện, vai trò, vị trí của người thầy, người cô vị thế luôn luôn được khẳng định, theo GS Nguyễn Lân Dũng, không có phần thưởng nào có thể khơi gợi tinh thần ham học thực sự, không có chế tài nào có thể bắt ép người ta ham học yêu học. Mà chính những người thầy, bằng chính tấm gương sáng về lòng ham học, tinh thần tự học, đam mê nghiên cứu khoa học... là nguồn cảm hứng tuyệt vời và sâu sắc nhất, bền bỉ nhất trong học trò. Một người thầy giỏi sẽ biết cách chọn lọc những kiến thức nào thực sự cần thiết phù hợp với trình độ, năng lực tiếp thu của học trò, truyền cho các em lòng đam mê nghiên cứu khoa học và tinh thần học tập suốt đời. Trong thời đại ngày nay, khi đất nước đang bước vào hội nhập, hơn bao giờ hết, người thầy phải nỗ lực rất nhiều trong công tác giảng dạy, phải thường xuyên tìm tòi học hỏi những phương pháp dạy học mới nhằm đem đến hiệu quả giáo dục cao. Người thầy phải làm sao cho học sinh của mình biết thêm nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống vì “Dạy học là sáng tạo ra những con người sáng tạo”, dạy học không chỉ là truyền thụ cho học sinh những tri thức một cách thông minh nhất, mà còn phải bằng sự hiểu biết, bằng cả cuộc sống của mình sao cho các em trở thành những con người tài đức luôn song hành để làm người có ích cho xã hội, phải hướng cho các em vươn đến cái lý tưởng cao đẹp, hoàn thiện nhất của xã hội là “chân, thiện, mỹ”. Mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng cho sự miệt mài phấn đấu không ngừng cũng như khẳng định trách nhiệm và sứ mệnh vẻ vang của mình, không ngừng học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, trau dồi đạo đức chính trị. Nước nhà có được phồn vinh sánh vai với các cường quốc năm châu hay không phần lớn nhờ công lao đào tạo thế hệ trẻ của các thầy, cô giáo.
Bánh xe thời gian cứ quay lặng lẽ, cuộc sống có biết bao biến đổi nhưng không thể nào làm phai mờ vai trò, vị trí của người thầy, người cô trong giáo dục. Những người thầy, người cô ấy có thể nghèo về vật chất, nhưng không được nghèo về trí tệ, về tâm hồn, đặc biệt là không được nghèo về trái tim, hãy làm sao để luôn xứng đáng với câu nói mà ông cha ta muôn đời truyền đạt lại:
“Không thầy đố mầy làm nên”.
nguồn: st