4.Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô:
-Tháng 8/1991, chính biến nhằm lật đổ M.Goócbachốp nổ ra nhưng thất bại. Đảng cộng sản Liên Xô bị đình chỉ hoạt động. Chính phủ Liên bang tê liệt.
-Ngày 21/12/1991, M.Goócbachốp từ chức tổng thống,lá cờ đỏ búa liềm trên nóc điện Kremli bị hạ xuống, đánh dấu sự chấm dứt chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sau 74 năm tồn tại.
Nguyên nhân tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu.
-Đường lối lãnh đạo mang tính chủ quan, duy ý chí, cùng với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp làm cho sản xuất trì trệ, đời sống nhân dân không được cải thiện. Thêm vào đó, sự thiếu dân chủ và công bằng đã làm tăng thêm sự bất mãn trong quần chúng.
-Không bắt kịp bước phát triển của khoa học-kỹ thuật tiên tiến, dẫn tới tình trạng trì trệ, khủng hoảng về kinh tế và xã hội.
-Khi tiến hành cải tổ lại phạm phải sai lầm trên nhiều mặt, làm cho khủng hoảng thêm trầm trọng.
-Sự chống phá của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước.
Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là một tổn thất chưa từng có trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, dẫn đến hệ thống mang tính thế giới của các nước xã hội chủ nghĩa không tồn tại nữa. Nhưng đây chỉ là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội chưa khoa học, chưa nhân văn và là một bước lùi tạm thời của chủ nghĩa xã hội, như V.I.Lê-nin đã nói: "Nếu người ta nhận xét thực chất của vấn đề, thì có bao giờ người ta thấy rằng trong lịch sử có một phương thức sản xuất mới nào lại đứng vững ngay được, mà lại không liên tiếp trải qua nhiều thất bại, nhiều sai lầm không".
*Từ những đổ vỡ ấy, nhiều bài học kinh nghiệm đau xót được rút ra cho các nước xã hội chủ nghĩa ngày nay đang tiến hành công cuộc cải cách-đổi mới, nhằm xây dựng một chế độ xã hội chủ nghĩa đúng với bản chất của nó, phù hợp với hoàn cảnh và truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc. Nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa trong đó có nhân dân ta, cần vững tin vào tương lai của chủ nghĩa xã hội, tin vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và cố gắng hết mình vì sự nghiệp đổi mới trên con đường xã hội chủ nghĩa.