một loại bánh rất đặc biệt: bánh.... ngũ sắc:
công thức làm:
1. Màu để làm bánh:
Trước tiên mình xin trao đổi với các bạn cách lấy màu từ vài loại rau củ quen thuộc theo bếp cổ truyền VN và cách sử dụng các thực phẩm khác của nước ngoài.
- Màu xanh lá cây: dùng các loại lá ớt, rau má... Loại nào cũng được, mỗi thứ chừng một nắm nhỏ, rửa sạch, xay nhuyễn với chừng 50cc nước lọc, lược lại qua một túi vải bỏ xác lá, lấy nước.
- Màu nghệ: 100gr nghệ tươi, gọt vỏ, xay nhuyễn với 50ml nước, lược qua túi vải bỏ xác, lấy nước (lưu ý khi dùng nghệ làm màu vì nghệ có mùi rất mạnh)
- Màu tím: 200gr lá cẩm cắt khúc ngắn, nấu nhỏ lửa với 1 lít nước + 20ml rượu trắng, nấu cho đến khi rau nhừ nát, nước cạn còn khoảng 1/4 lít, lược qua túi vải bỏ xác, lấy nước.
- Màu đỏ tím: 150gr củ dền gọt vỏ, cắt nhỏ, nấu nhừ với khoảng 150ml nước, lược bỏ xác, lấy nước.
- Màu hồng đỏ: 200gr nạc trái gấc chín hoà với 20ml ruợu trắng để qua vài phút, hoà với nước sôi luợc qua túi vải bỏ xác lấy nước.
- Màu vàng mơ: Đậu xanh khô, loại đải vỏ rồi, giã nhuyễn từng ít một với cối chày, hoà với chút nước sôi, lược lấy màu (đậu xanh khô mới cho ra màu vàng)
- Màu cà rốt từ củ cà rốt xay nhuyễn với ít nước, lược bỏ xác, lấy nước.
- Nước cà phê đen pha rồi dùng để pha màu nâu (một số người Huế vẫn gọi màu nâu là màu nu).
- Vài giọt rượu bạc hà sẽ cho màu xanh ngọc; rượu cognac sẽ cho ra màu hổ phách.
- Hoà ít nước sôi với ít cơm dừa nạo vắt lấy nước cốt sẽ làm cho màu trắng của bánh có sắc bóng và thơm hơn...
2. Khuôn bánh:
Thông dụng nhất là khuôn tròn đường kính chừng 20 - 25cm, có thành cao chừng 7 đến 10cm. bằng nhựa dày hoặc kim loại. Hoặc tùy ý các bạn dùng các loại khuôn hộp hình nào cũng được, có kích cỡ vừa phải. Dầu ăn dùng để láng khuôn, có tác dụng làm cho bánh dễ lóc ra sau khi hấp. Chuẩn bị xửng hấp nhiều nước.
3. Hỗn hợp bột:
Với loại bánh ngũ sắc, các bạn có thể dùng phân lượng bột rất dễ tính như sau: Dùng một cái chén cỡ chén ăn cơm thông thường. Lường: nửa chén bột gạo + nửa chén bột sắn dây (hoặc bột năng). 1 chén nước + 1/5 chén đường. Đây là phân lượng chuẩn, muốn làm ít nhiều cứ nhân lên.
- Khuấy hoặc nấu tan đường với nước, để nguội, hoà với bột, lược qua một cái rây cho hỗn hợp bột thật mịn. tùy chất lượng bột, nếu hơi đặc, khi cho qua rây cứ dùng một cái muỗng để chà cho dễ.
- Sau khi có hỗn hợp bột, muốn làm mấy lớp màu cứ chia bột ra thành từng ấy phần, mỗi phần chứa vào một cái tô chén riêng. Cho vào mỗi chén bột một ít màu; muốn giữ màu trắng thì cho vào một ít nuớc cốt dừa.
- Dùng một cây cọ sạch, quét một lớp mỏng dầu ăn vào trong lòng khuôn. Đổ vào khuôn từng lớp bột dày chừng 5 đến 7 ly, cho vào xửng hấp chín, lớp bột này chín xong mới đổ lớp bột màu khác lên, cho vào xửng, đậy nắp, hấp chín rồi mới lấy ra, tiếp tục đổ vào lớp bột khác, rồi lại hấp chín... cứ thế cho đến khi đầy khuôn. Bánh làm xong để nguội hoàn toàn mới lóc bánh ra khỏi khuôn, khi ăn cắt miếng nhỏ. Nếu bánh làm xong mà hơi cứng có thể do chất lượng bột, nếu bột ngon bánh sẽ mềm hoặc cần phải thêm chút đỉnh nước.
* Màu lấy từ rau củ có độ đậm lạt tùy loại như gấc, dền, lá cẩm, rau má... khá đậm, còn như nghệ thì có mùi gắt, vài lọai khác thì không đậm màu nhất là khi hoà tan vào bột trắng pha với nước đường. Cần lưu ý để loại nào thì cần pha vào là có màu như ý nhưng loại nào thì cần phải dùng trực tiếp màu vừa làm ra từ rau củ, hoà tan với đường rồi mới pha với hỗn hợp bột, sau đó mới hấp từng lớp bột màu. Điều này cần ít nhiều kinh nghiệm để từ sự tẩn mẩn, kiên nhẫn, khéo léo... làm ra những thứ bánh trái dân tộc nói chung và điển hình riêng là tại đất Huế mà bánh ngũ sắc chỉ là một thí dụ nhỏ, đã tạo cho du khách nước ngoài những ấn tượng thú vị khi nhìn thấy cái gọi là "chất màu dân dã" rất tự nhiên trong món ăn VN.