Văn mẫu 12 [Bài văn] Phân tích 14 câu thơ đầu bài thơ "Tây Tiến"

Trần Tuyết Khả

Cựu Mod Văn | Cựu phó CN CLB Địa
Thành viên
13 Tháng hai 2018
2,356
6,278
616
20
Hà Nội
Trường THPT Hoài Đức A
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Đề: Phân tích 14 câu thơ đầu bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng.

Bài làm:
Nguyễn Đăng Điệp từng nhận xét về “Tây Tiến” của Quang Dũng "Nếu như Chính Hữu viết về những chàng vệ quốc bằng bút pháp hiện thực thì Quang Dũng đã tái hiện vẻ đẹp người lính bằng đôi cánh lãng mạn đem đến men say cho thi tứ, sự bay bổng của hình tượng… Nếu thiếu đi cái chất lãng mạn, "Tây Tiến" cơ hồ sẽ mất đi vẻ đẹp toàn bích của nó.". Quả thực như vậy, trên nền thiên nhiên hùng vĩ, hiện thực chiến tranh tàn khốc, hình tượng người lính vẫn hiện lên thật đẹp, thật bay bổng. Đặc biệt, trong 14 câu thơ đầu, nhà thơ tái hiện kỉ niệm của riêng mình, với nỗi nhớ riêng của lòng mình và cho đọc giả có cơ hội hành hương về những năm tháng khong thể nào quên của lich sử dân tộc, hình tượng người lính đã hiện lên thật đẹp giữa thiên nhiên núi rừng miền Tây qua cảm hứng lãng mạn và ngòi bút tài hoa của tác giả.
Nhan đề "Tây Tiến" được lấy tên từ một đơn vị quân đội cũ của Quang Dũng - trung đoàn Tây Tiến. Một thời gian sau khi rời đơn vị, đang ở Phù Lưu Chanh, nhớ đơn vị cũ, Quang Dũng viết bài thơ "Nhớ Tây Tiến". Sở dĩ ban đầu, bài thơ có tên "Nhớ Tây Tiến" vì đây là một trạng thái cảm xúc của tác giả khi nhắc đến đơn vị cũ từng gắn bó sâu đậm, từ "nhớ" làm dòng cảm xúc ấy trở nên cụ thể, nổi bật, trở thành xúc cảm chủ đạo trong bài thơ. Sau khi in lại, tác giả đổi tên thành "Tây Tiến": bỏ đi chữ "nhớ" nhưng giá trị bài thơ không hề giảm đi mà còn tăng thêm, tình cảm, cảm xúc không chỉ gói gọn là nỗi nhớ nữa mà nó trở nên rộng hơn, khái quát hơn. Nếu là "nhớ Tây Tiến" thì ta chỉ thấy được nỗi nhớ đối với kỉ niệm cũ, những người đồng đội cũ nhưng hai từ "Tây Tiến" khiến người đọc thấy rõ hơn nỗi nhớ da diết của nhà thơ với mảnh đất miền Tây đầy kỉ niệm, thấy được và hiểu rõ hơn vẻ đẹp hào hoa, hào hùng của chiến sĩ Tây Tiến, hiểu được ngôn ngữ của bút pháp hiện thực và cảm hứng lãng mạn, những yếu tố làm nên chất bi tráng rất đặc biệt cho bài thơ. Sau gần 10 năm tác giả mới đổi tên, điều ấy chứng tỏ ông vẫn còn nhớ, còn lưu luyến với những kỉ niệm cũ, cũng còn tình cảm, sự quan tâm tới "đứa con tinh thần" này
"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"
Mở đầu là tiếng gọi tha thiết, bồi hồi đầy tiếc nuối. Điệp từ "nhớ" nhắc lại 3 lần nhằm khắc sâu nỗi nhớ. Nỗi nhớ ấy là nỗi nhớ "chơi vơi": nỗi nhớ bề bộn, không hình không lượng, nhẹ tênh mà nặng vô cùng. Chữ "Chơi vơi" là từ láy vần với 2 thanh không, gợi độ cao phiêu du, bay bổng, là một từ láy thật phù hợp để miêu tả nỗi nhớ hướng về vùng núi cao miền Tây. Kỉ niệm ùa về xôn xao, thức dậy trong lòng, nỗi nhớ qua không gian, thời gian vọng về trong tâm tưởng. Như vậy, hai câu thơ đầu đã thể hiện cảm hứng chủ đạo của đoạn thơ, cũng là của cả bài thơ, đó là nỗi nhớ tha thiết của người cựu chiến binh Tây Tiến hướng về miền Tây, trung đoàn Tây Tiến và những năm tháng quá khứ không thể nào quên.
"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người."
Trước hết, ta thấy được trong đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên vô cùng đẹp, hùng vĩ. Thông qua những nét vẽ tài hoa vừa chân thực vừa thấm đẫm chất lãng mạn, Quang Dũng đã làm hiện lên bức tranh thiên nhiên miền Tây heo hút, hiểm trở nhưng cũng hùng vĩ thơ mộng và xiết bao kỳ thú. Những địa danh Tây Tiến đã qua "Sài Khao, Mường Lát,..." cùng với cái khắc nghiệt của thiên nhiên "sương lấp". thiên nhiên miền Tây trong kí ức Quang Dũng chính là màn sương rừng mờ ảo: sương phủ dày ở Sài Khao, sương bồng bềnh ở Mường Lát. Bút pháp hiện thực trong câu trên đã miêu tả chân thực sự khắc nghiệt của thiên nhiên miền Tây qua hình ảnh một đoàn quân dãi dầu mệt mỏi, thấp thoáng ẩn hiện trong sương. Tới câu thơ sau, hiện thực khắc nghiệt đã được thi vị hoá bởi cảm hứng lãng mạn: đêm sương thành đêm hơi bồng bềnh, những ngọn đuốc soi đường di chuyển dọc con đường hành quân được nhìn như những đoá hoa chập chờn, lung linh, huyền hoặc… Cũng có thể hiểu "hoa" ở đây là những chiến sĩ. Nhịp ngắt 4/3 khiến trọng tâm câu thơ rơi vào từ lấp – một động từ có sức gợi tả màn sương rừng miền Tây mênh mông, dày đặc che kín cả một đoàn quân, trùm phủ, khuất mở rừng núi khiến con đường hành quân của các chiến sĩ thêm vất vả gian nan.
"Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm"
Sự phối hợp dày đặc của 5 thanh trắc đã tạo ra âm hưởng gập ghềnh cho một câu thơ 7 chữ, khiến người đọc có thể hình dung ra phần nào cuộc hành quân gian truân, vất vả vô cùng của chiến sĩ Tây Tiến trong một địa hình mà sự hiểm trở hiện hữu ngay trong nhạc điệu của câu thơ. Từ "dốc" điệp lại ở đầu hai vế câu thể hiện sự hiểm trở, gập ghềnh, trùng điệp, chồng chất, nối tiếp như tới vô tận của những con dốc; cũng phần nào gợi ra sự nhọc nhằn của người lính trên đường hành quân: con dốc này chưa qua, con dốc khác đã tới. Từ láy gợi hình "khúc khuỷu", "thăm thẳm", "heo hút": không gian được mở rộng ở cả ba chiều: độ cao, độ rộng, độ sâu. Từ láy "khúc khuỷu" miêu tả sự gồ ghề, gập ghềnh của dốc núi ngay dưới chân chiến sĩ; còn từ láy "thăm thẳm" lại gợi độ cao hun hút, độ xa vời vợi khi đưa mắt nhìn tiếp con đường hành quân vẫn cheo leo, ngút ngàn như không cùng. Còm từ láy "heo hút" vừa gợi cao, vừa gợi xa, vừa gợi vắng, được đào lên đầu câu thơ nhấn mạnh sự hoang sơ, xa vắng, thăm thẳm như vô tận của dốc núi miền Tây
"Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Điệp ngữ ngàn thước là một ước lệ nghệ thuật có tính định lượng khắc hoạ vẻ đẹp hùng vĩ, chênh vênh kì thú của núi rừng miền Tây. Đối lập: ngàn thước lên cao và xuống, địa hình trở nên chập trùng, hiểm trở, hùng vĩ, dữ dội
"Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi"
Hình ảnh "mưa xa khơi" có thể coi là một ẩn dụ cho thấy cả thung lũng mờ mịt như loãng tan trong biển mưa, không gian bỗng như mênh mang, xa vời hơn... Giữa mưa rừng buốt lạnh, giữa núi rừng mênh mông, hình ảnh ngôi nhà gợi cảm giác ấm áp, bình yên làm trào dâng nỗi nhớ nhung, xao xuyến lòng người xa quê.
"Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người."
"Thác gầm thét" và "cọp trêu người" là hai hình ảnh nhân hoá làm tăng thêm sự dữ dội hoang sơ đầy bí hiểm của núi rừng miền Tây. "Thác gầm thét": chảy mạnh, tiếng chảy rất lớn, "cọp trêu người": thú dữ luôn rình rập, đe doạ tính mạng con người. Bút pháp đối lập của cảm hứng lãng mạn đã được Quang Dũng sử dụng trong phép đối thanh rất tinh tế ở hai câu thơ này. Nếu câu trên có các tiếng thác, thét mang thanh trắc ở âm vực cao thì câu dưới là các tiếng Hịch, cọp cũng mang thanh trắc nhưng thuộc âm vực thấp. "Chiều chiều" và "đêm đêm" là những trạng ngữ chỉ dòng thời gian lặp lại miên viễn, vĩnh hằng. Những sức mạnh thiên nhiên khủng khiếp đã ngự trị nơi núi rừng miền Tây không phải một chiều, một đêm mà là chiều chiều, đêm đêm - sự ngự trị muôn đời!
Bên cạnh thiên nhiên, ta cũng hình dung được cuộc hành quân của người chiến sĩ Tây Tiến. Họ hành quân trong sương, đêm, mưa, núi cao, thác sâu, dốc thẳm, thú dữ luôn rình rập. Địa hình heo hút, hiểm trở làm tăng thêm những gian truân vất vả cho người lính trên đường hành quân; nhưng bằng cách nói tếu táo, hóm hỉnh, đầy chất lính trong hình ảnh nhân hoá “súng ngửi trời”, Quang Dũng đã cho thấy tâm hồn trẻ trung của những người lính phong trần coi thường mọi gian lao, vất vả. Tác giả đã cho ta thấy vị thế cao, khiến các anh hiện ra trong dáng vẻ ngang tàng, kiêu dùng của những chàng trai chinh phục độ cao! Thông qua bức tranh thiên nhiên đặt trong sự trải nghiệm của chiến sĩ Tây Tiến trên đường hành quân, có thể thấy vẻ đẹp tâm hồn những người lính Tây Tiến; họ lạc quan, mạnh mẽ coi thường mọi gian truân vất vả, những thử thách của thiên nhiên chỉ càng làm rõ hơn ý chí, sức mạnh, tâm hồn trẻ trung và tự chất nghệ sĩ của họ. Họ đã hành quân qua những vùng đất hoang sơ, dữ dội vắng bóng con người, họ đã in dấu chân mình trên những vùng đất tưởng chỉ là vương quốc riêng của mây trời heo hút, của thiên nhiên bí ẩn thâm u, họ đã vượt qua những gian truân vất vả bằng khí phách kiên cường và lòng dũng cảm
"Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời"
Từ láy "dãi dầu" đã thể hiện tất cả những vất vả, nhọc nhằn của các anh khi hành quân. "Không bước nữa", "gục lên súng mũ", "bỏ quên đời": biện pháp nói giảm nói tránh nhằm làm vơi nhẹ đau thương, khiến cho cái chết trở nên nhẹ nhàng, thanh thản như bỏ quên một vật gì bình dị trong đời chứ không còn là cái chết khốc liệt, đau thương tột cùng. Hai câu thơ tựa như một bức kí hoạ đầy ấn tượng về người lính Tây Tiến. Tóm lại, đó là cuộc hành quân gian khổ mà oai hung
"Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi."
Con đường hành quân của chiến sĩ Tây Tiến không chỉ có gian truân vất vả mà còn có cả những kỉ niệm ngọt ngào, thắm thiết ân tình. Người lính Tây Tiến đến bản làng được người dân tiếp đón rất nồng hậu, chu đáo bằng những "cơm lên khói", "thơm nếp xôi". Mở đầu bằng cụm từ cảm thán "Nhớ ôi", câu thơ bộc lộ cảm xúc nhớ nhung dâng trào mãnh liệt. Hai câu thơ là những cụm từ ngữ đã được xoá đi những yếu tố kết nối, trở thành một tập hợp từ những ấn tượng của thị giác, khứu giác, xúc giác, thính giác ... Câu thơ "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi" gợi ra nhiều cách hiểu. Có thể hiểu các chiến sĩ Tây Tiến dừng chân ở Mai Châu giữa mùa lúa chín, đón nhận bát xôi ngào ngạt hương nếp đầu mùa từ bàn tay dịu dàng của các em – những cô gái Mai Châu. Cũng có thể hiểu câu thơ theo một nét nghĩa thật lãng mạn từ hai chữ "mùa em", Mai Châu còn gợi nhớ tới hình ảnh các sơn nữ sóng sánh ánh mắt, rạng rỡ nụ cười, nồng nàn hương sắc... Đó là hương vị tình thân, tình dân - quân ấm áp.
Nói tóm lại, “Tây Tiến” là bài thơ xuất sắc, xứng đáng là “tượng đài bất tử về người lính vô danh” (Vũ Thu Hương), là “sự thăng hoa của một tâm hồn lãng mạn” (Đinh Minh Hằng). 14 câu thơ với bút pháp tương phản đầy ấn tượng của cảm hứng lãng mạn kết hợp với chất nhạc và chất họa thấm đẫm trong từng câu thơ đã khắc họa sâu đậm hình ảnh người chiến binh Tây Tiến kiêu dũng, ngang tàn và lãng mạn; hình ảnh các anh làm rõ thêm cảm hứng chủ đạo của bài thơ, nỗi nhớ da diết của người cựu chiến binh hướng về miền Tây.

Người viết: @Trần Tuyết Khả
 
Top Bottom