Sử 12 Hình thức phát triển của cách mạng VIệt Nam 1946

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Một số bạn hỏi: "Tại sao Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (5/1941) lại xác định hình thái của cách mạng Việt Nam là đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên Tổng khởi nghĩa? Hình thái đó đã được thể hiện như thế nào trong tiến trình cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam".
Trước hết, cần xem lại chữ “xác định” (được dùng trong sách giáo khoa), là không chính xác. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ dự kiến rằng, trong những hoàn cảnh thuận lợi nhất định, Đảng “có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần…”, chứ không hề “xác định” phải như vậy. Tuy nhiên, vấn đề này không quá quan trọng.
Thứ hai, cần xem lại chữ "hình thái" ("đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa") (cũng là từ dùng của sách giáo khoa). Từ “hình thái” là từ dùng của người viết sách, không phải là của Hội nghị 8.
“Khởi nghĩa từng phần” và “tổng khởi nghĩa” là những “hình thức” chứ không phải là “hình thái”. Bản Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” chỉ rõ: “Sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa khi có đủ điều kiện” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 367).
Tuy nhiên do sách giáo khoa sai nên thầy/trò chúng ta cũng “đành lòng vậy” (!). Thật đáng tiếc (?)
Bây giờ tôi xin trả lời câu hỏi của các bạn:
Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng (5-1941) dự kiến trong những hoàn cảnh nhất định thì “với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”.
Đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa là hình thức phát triển của Cách mạng tháng Tám (1945). Đó là một điển hình sáng tạo của Đảng và Hồ Chí Minh về nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa vũ trang.
1- Vì sao Đảng dự kiến có thể đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa?
- Thứ nhất, do sự vận dụng sáng tạo lý luận Mác – Lênin về khởi nghĩa vũ trang, nhất là quy luật lượng – chất. Để tạo ra bước phát triển nhảy vọt về chất, cần đẩy nhanh sự tích lũy về lượng. Khởi nghĩa từng phần chính là thực hiện điều đó.
- Thứ hai, do quy luật của đấu tranh cách mạng, phải trải qua nhiều bước khác nhau, đi từ giành thắng lợi từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Khởi nghĩa từng phần là một bước chuẩn bị để mở đường tiến lên tổng khởi nghĩa.
- Thứ ba, thực tiễn các cuộc khởi nghĩa ở một số địa phương, nhất là khởi nghĩa Bắc Sơn (9-1940) cho thấy trong những hoàn cảnh cụ thể, khởi nghĩa ở nơi có điều kiện thuận lợi thì có thể giành thắng lợi và duy trì được lực lượng.
- Thứ tư, nông thôn Việt Nam, nhất là nông thôn rừng núi có những điều kiện thuận lợi để có thể khởi nghĩa từng phần (nông dân đông đảo được tổ chức và giác ngộ, địa hình thuận lợi, kẻ thù có nhiều sơ hở). Theo Hồ Chí Minh, ở các nước Âu, Mỹ cuộc khởi nghĩa thường hay bắt đầu từ những cuộc bãi công chính trị rồi mới tiếp đến các cuộc vũ trang bạo động. Ở Đông Dương, khởi nghĩa có thể bùng ra ở một vài nơi rồi lan dần khắp nước. Khởi nghĩa bùng ra ở nơi nhiều rừng núi tiện cho lối đánh du kích. Đó chính là sự khác biệt của Việt Nam so với các nước phương Tây.
1- Quá trình phát triển từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa
1.1. Khởi nghĩa từng phần
Khi Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Từ Sơn (Bắc Ninh) phân tích tình hình và đề ra chủ trương chiến lược mới. Ngày 12-3-1945 Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra bản Chỉ thị Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, Nội dung cơ bản như sau:
- Nhận định cuộc đảo chính của Nhật lật đổ Pháp để độc chiếm Đông Dương đã tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa chưa thực sự chín muồi, vì: 1- Nhật đảo chính Pháp khá dễ dàng, nên lực lượng của Nhật còn nguyên vẹn, còn đủ sức đàn áp cách mạng; 2- Tầng lớp trung gian mới chỉ hoang mang chứ chưa ngả hẳn về phía cách mạng; 3- Đảng và quần chúng cách mạng, trừ các căn cứ chính, còn nhìn chung trong cả nước chưa sẵn sàng hành động.
(Tóm lại, do điều kiện tổng khởi nghĩa chưa đầy đủ, thời cơ cách mạng chưa xuất hiện, nên Đảng chưa chủ trương phát động tổng khởi nghĩa).
- Tuy vậy, hiện đang có những cơ hội tốt làm cho những điều kiện tổng khởi nghĩa nhanh chóng chín muồi: chính trị khủng hoảng do cuộc đảo chính gây ra, nạn đói ghê gớm và chiến tranh đến giai đoạn quyết liệt.
- Chủ trương phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Mọi hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh phải thay đổi cho thích hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa, nhằm động viên mau chóng quần chúng lên trận địa cách mạng, tập dượt quần chúng tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Muốn vậy, phải thực hiện những hình thức tuyên truyền và đấu tranh cao hơn và mạnh bạo hơn như tuyên truyền xung phong có vũ trang, biểu tình tuần hành thị uy, bãi công chính trị, tổ chức quần chúng đánh phá các kho thóc để giải quyết nạn đói, đẩy mạnh xây dựng các đội tự vệ cứu quốc, tổ chức bộ đội, du kích, thành lập căn cứ địa cách mạng, phát động du kích chiến tranh ở những nơi có điều kiện.
Phương châm đấu tranh lúc này là phát động chiến tranh du kích, giải phóng từng vùng, mở rộng căn cứ địa, đó là phương pháp duy nhất của dân tộc để đóng vai trò chủ động trong việc đánh đuổi quân Nhật và sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi có đủ điều kiện.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cao trào kháng Nhật cứu nước đã diễn ra mạnh mẽ với nhiều hình thức: chiến tranh du kích cục bộ ở vùng thượng du và trung du Bắc kỳ; phá kho thóc của Nhật để giải quyết nạn đói ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; vũ trang tuyên truyền, diệt ác trừ gian ở các đô thị, nhất là những thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Sài Gòn; Khởi nghĩa Ba tơ. Báo chí cách mạng đều ra công khai và gây ảnh hưởng chính trị vang dội...
Thực chất của cao trào kháng Nhật cứu nước là một thời kỳ khởi nghĩa từng phần và chiến tranh du kích cục bộ, giành chính quyền bộ phận ở nhiều vùng nông thôn. Nó làm cho trận địa cách mạng được mở rộng, lực lượng cách mạng được tăng cường, tạo ra đầy đủ những điều kiện chủ quan của cách mạng. Đây cũng là một cuộc tập dượt vĩ đại, làm cho toàn Đảng, toàn dân Việt Nam sẵn sàng, chủ động tiến lên chớp thời cơ tổng khởi nghĩa. Cao trào này chính là một quá trình đẩy nhanh sự tích luỹ về lượng để dẫn tới bước nhảy vọt về chất khi thời cơ đến.
2.2. Tổng khởi nghĩa
Hội nghị lần thứ tám của Ban chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ muốn gây cuộc khởi nghĩa bằng võ trang phải nhằm vào các điều kiện chủ quan:
“1) Mặt trận cứu quốc đã thống nhất được toàn quốc.
2) Nhân dân không thể sống được nữa dưới ách thống trị của Pháp – Nhật, mà đã sẵn sàng hy sinh bước vào con đường khởi nghĩa.
3) Phe thống trị Đông Dương đã bước vào cuộc khủng hoảng phổ thông đến cực điểm vừa về kinh tế, chính trị lẫn quân sự
4) Những điều kiện khách quan thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa Đông Dương như quân Tàu đại thắng quân Nhật, Cách mạng Pháp hay Cách mạng Nhật nổi dậy, phe dân chủ đại thắng ở Thái Bình Dương, Liên Xô đại thắng, cách mạng các thuộc địa Pháp, Nhật sôi nổi và nhất là quân Tàu hay quân Anh – Mỹ tràn vào Đông Dương”.
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Chính phủ Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện, hàng ngũ chỉ huy của Nhật ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm; quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần; những người thân Nhật hoảng sợ. “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương như đã chín muồi”. “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”.
Tuy nhiên thời cơ này không tồn tại vĩnh viễn. Nó sẽ biến mất khi quân Đồng minh vào Đông Dương để tước vũ khí quân Nhật. Với bản chất thực dân đế quốc, họ có thể dựng ra một chính quyền tay sai trái với ý chí và nguyện vọng của dân tộc ta. Đế quốc Pháp đang lăm le khôi phục lại địa vị cũ ở Đông Dương. Bọn phản động trong nước cũng đang tìm cách thay thầy đổi chủ. Thời cơ cách mạng chỉ tồn tại trong khoảng thời gian từ khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh đến trước khi quân Đồng minh vào Việt Nam. Đó là lúc so sánh lực lượng có lợi nhất đối với cách mạng.
(Tóm lại: Đến tháng 8-1945, những điều kiện tổng khởi nghĩa đã đầy đủ, thời cơ cách mạng xuất hiện).
Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (14 và 15-8-1945) quyết định phát động toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương.
Kiên quyết chớp thời cơ, Hội nghị chỉ rõ: “Tình thế vô cùng khẩn cấp. Tất cả mọi việc đều phải nhằm vào ba nguyên tắc:
a) Tập trung – tập trung lực lượng vào những việc chính.
b) Thống nhất – thống nhất về mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy
c) Kịp thời – kịp thời hành động không bỏ lỡ cơ hội”.
Ngày 16-8-1945 Hồ Chí Minh kêu gọi: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ".
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam tiến đến bước nhảy vọt vĩ đại: nhanh chóng chuyển từ khởi nghĩa từng phần lên tổng khởi nghĩa.
Nhờ có sự chuẩn bị lực lượng chu đáo, lại nổ ra đúng thời cơ, cách mạng tháng Tám đã giành được thắng lợi “nhanh, gọn, ít đổ máu”.
 
Top Bottom