Sử 12 Vấn đề giải quyết mối quan hệ

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

49853194_923670297839012_1629741833141616640_n.jpg


Một số bạn yêu cầu trợ giúp: "Phân tích tính đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trong việc giải quyết hai nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ 1930-1945".
Xin thưa:
- Có lúc "đúng đắn, sáng tạo", nhưng cũng có lúc không. Vì thế không thể "vơ đũa cả nắm", coi tất cả đều "đúng đắn và sáng tạo được. (Cách đặt vấn đề mang tính áp đặt, chủ quan).
- Có bạn cho rằng, trong giai đoạn 1930-1931 "lúc đầu chưa đấu tranh cho quyền lợi dân tộc, mà tập trung đấu tranh đòi quyền dân chủ..., về sau mới giải quyết vấn đề dân tộc..." (sai kiến thức lịch sử).
- Có bạn lầm lẫn nhiệm vụ dân chủ ("cách mạng ruộng đất"), với nhiệm vụ đòi các "quyền dân chủ" trong giai đoạn 1936-1939 (đánh tráo khái niệm).
Những sai lầm trên đây là rất nguy hiểm, thể hiện nhận thức sai lệch thực tế lịch sử.
"Đúng đắn" là so với cái gì"? Và "sáng tạo" là so với cái gì?
Xin trình bày lại như sau:
Xã hội Việt Nam thời thuộc địa có hai mâu thuẫn cơ bản: 1- mâu thuẫn giữa dân tộc với đế quốc, 2- mâu thuẫn giữa nông dân với dân chủ phong kiến. Trong đó mâu thuẫn giữa dân tộc với đế quốc là mâu thuẫn chủ yếu.
Do những mâu thuẫn trên, cách mạng Việt Nam có hai nhiệm vụ chiến lược: 1- Chống đế quốc giành độc lập dân tộc (gọi tắt là nhiệm vụ dân tộc), và 2- Chống phong kiến giành ruộng đất cho nông dân (gọi tắt là nhiệm vụ dân chủ). Trong đó chống đế quốc là nhiệm vụ hàng đầu, vì nó giải quyết mâu thuẫn chủ yếu.
Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, Việt Nam từ một xã hội phong kiến thuần tuý biến thành một xã hội thuộc địa. Mặc dầu tính chất phong kiến còn được duy trì, song tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và giai cấp đều bị đặt trong quỹ đạo chuyển động của xã hội thuộc địa. Trong lòng xã hội Việt Nam hình thành nên những mâu thuẫn đan xen nhau, nhưng mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và tay sai phản động. Sự thống trị, áp bức và bóc lột càng tăng thì mâu thuẫn đó càng sâu sắc, sự phản kháng và đấu tranh vì sự tồn vong của dân tộc càng phát triển mạnh mẽ, gay gắt về tính chất, đa dạng về nội dung và hình thức. Trái lại, sự xung đột, đấu tranh về quyền lợi riêng của mỗi giai cấp trong nội bộ dân tộc được giảm thiểu và không quyết liệt như cuộc đấu tranh dân tộc. "Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây… Sự xung đột về quyền lợi của họ được giảm thiểu. Điều đó không thể chối cãi được".
Yêu cầu trước hết của dân tộc Việt Nam nói chung, giai cấp nông dân nói riêng là tiến hành cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và tay sai phản động, giành độc lập dân tộc. Xét về tính chất, cuộc đấu tranh ở thuộc địa là một cuộc đấu tranh dân tộc, chứ chưa phải là cuộc đấu tranh giai cấp như ở các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây.
1- Giai đoạn 1930-1931
(Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, thực tiễn phong trào cách mạng 1930-1931 và Luận cương chính trị tháng 10-1930)
Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Đảng thông qua xác định phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đó là một quá trình phát triển lâu dài, phải trải qua những giai đoạn chiến lược khác nhau, mà trước tiên là giành độc lập dân tộc. Nhiệm vụ chống đế quốc và tay sai được nhấn mạnh trên cả hai phương diện chính trị và kinh tế (1- Về chính trị: đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập, dựng ra Chính phủ công nông binh và tổ chức quân đội công nông. 2- Về kinh tế, tịch thu hết các sản nghiệp lớn (như công nghiệp, vận tải, ngân hàng, v.v.) của tư bản đế quốc chủ nghĩa Pháp để giao cho Chính phủ công nông binh; tịch thu hết ruộng đất của bọn đế quốc chủ nghĩa làm của công và chia cho dân cày nghèo...).
Không nhấn mạnh cuộc đấu tranh giai cấp và cách mạng ruộng đất là chủ trương đúng so với thực tiễn (phù hợp với yêu cầu giải quyết mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn giữa dân tộc với đế quốc), đồng thời là sự sáng tạo, không dập khuôn máy móc lý luận đấu tranh giai cấp và cách mạng ruộng đất vào Việt Nam).
Nhờ dương cao ngọn cở dân tộc, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, Đảng đã tập hợp lực lượng và sức mạnh toàn dân tộc, làm dấy lên phong trào cách mạng 1930-1931, tập trung chống đế quốc và tay sai, diễn ra trên quy mô cả nước, cả thành thị và nông thôn, lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia với những hình thức đấu tranh phong phú và quyết liệt.
[Tuy nhiên, cuối phong trào 1930-1931, ở Trung Kỳ xuất hiện sai lầm tả khuynh, nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, với khẩu hiệu “trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ”. Đây là hạn chế trong phong trào ở địa phương, đã được Ban Thường vụ Trung ương Đảng phê phán].
Tháng 10-1930, Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (Dự án để thảo luận trong Đảng) đặt hai nhiệm vụ dân tộc (chống đế quốc giành độc lập dân tộc) và dân chủ (chống phong kiến giành ruộng đất cho nông dân) ngang hàng nhau và tiến hành đồng thời với nhau: "…có đánh đổ đế quốc chủ nghĩa mới phá được cái giai cấp địa chủ và làm cách mạng thổ địa được thắng lợi; mà có phá tan chế độ phong kiến thì mới đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa". Luận cương khẳng định: "Vấn đề thổ địa là cái cốt của cách mạng tư sản dân quyền".
Luận cương không dương cao ngọn cờ dân tộc, lại quá nhấn mạnh cách mạng ruộng đất và đấu tranh giai cấp. Đó là điều không phù hợp với thực tế của xã hội thuộc địa, cũng là điểm khác biệt so với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Nguyên nhân của hạn chế này là do Trung ương Đảng chưa nhận thức đầy đủ về mâu thuẫn chủ yếu ở thuộc địa; mặt khác là do ảnh hưởng của tư tưởng tả khuynh, giáo điều nhấn mạnh một chiều đấu tranh giai cấp đang tồn tại trong Quốc tế Cộng sản và một số Đảng Cộng sản trên thế giới lúc bấy giờ (thiếu sáng tạo). Hạn chế này còn tiếp tục kéo dài trong nhiều năm sau.
2- Trong giai đoạn 1936-1939,
Đảng chủ trương tạm gác cả hai khẩu hiệu “độc lập dân tộc” và “cách mạng ruộng đất”, tập trung vào nhiệm vụ đòi các quyền tự do, dân chủ, cơm áo hòa bình. (Chú ý: chữ "các quyền dân chủ” trong giai đoạn này không phải là thực hiện nhiệm vụ “cách mạng ruộng đất”, mà chỉ đòi các quyền dân chủ đơn sơ như tự do hội họp, lập hội, báo chí, mittinh, biểu tình, bầu cử, ứng cử…).
Chủ trương trên phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của giai đoạn 1936-1939 (...), tập trung chống phản động thuộc địa (không chống đế quốc xâm lược nói chung), chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình.
Tuy nhiên phong trào dân chủ 1936-1939 là một giai đoạn chuẩn bị lực lượng, nhất là lực lượng chính trị để tiến lên làm cách mạng giải phóng dân tộc sau này.
3- Giai đoạn 1939-1945
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (11-1939): “Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết”. Hà Nội quyết định dưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hang đầu, tạm gác khoa học “cách mạng ruộng đất”.
Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5-1941) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì hết sức nhấn mạnh mâu thuẫn dân tộc với đế quốc đang phát triển gay gắt dưới hai tầng áp bức Nhật, Pháp. Hội nghị khẳng định: “Nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước là một nhiệm vụ trước tiên của Đảng ta và của cách mạng Đông Dương hợp với nguyện vọng chung của tất cả nhân dân Đông Dương”. “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, nếu không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Hội nghị chủ trương “thay đổi chiến lược” và giải thích rõ về nội dung sự thay đổi đó: “cuộc cách mạng ở Đông Dương hiện tại không phải là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là một cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp "dân tộc giải phóng".
“Trong giai đoạn hiện tại ai cũng biết rằng nếu không đánh đuổi được Pháp - Nhật thì vận mạng của dân tộc phải chịu kiếp trâu ngựa muôn đời mà vấn đề ruộng đất cũng không làm sao giải quyết được. Vậy thì trong lúc này muốn giải quyết nhiệm vụ giải phóng không thể đưa thêm một nhiệm vụ thứ hai chưa cần thiết với toàn thể nhân dân, giải quyết mà có hại cho nhiệm vụ thứ nhất”.
Trung ương Đảng quyết định tiếp tục tạm gác khẩu hiệu “cách mạng ruộng đất”, chỉ “tịch thu ruộng đất của Việt gian phản quốc”, tức là ruộng đất đang nằm trong tay kẻ thù của dân tộc, chứ không phải của địa chủ nói chung, nhằm đánh lại kẻ thù của dân tộc cả về chính trị và kinh tế. Vì thế, “Trong khi tuyên truyền, không được dùng những khẩu hiệu quá thời... Không nên nói đánh đổ Nam triều phong kiến và tịch thu ruộng đất của địa chủ mà nói diệt trừ bọn Việt gian phản quốc”.
[Đọc thêm: Nghị quyết Ban Thường vụ Trung ương Đảng (2-1943) khẳng định không thể hoàn thành luôn một lúc hai nhiệm vụ: “cách mạng dân tộc giải phóng và cách mạng thổ địa”. “Lúc này, nhiệm vụ dân tộc giải phóng cần kíp và quan trọng hơn. Nên Đảng phải thống nhất mọi lực lượng cách mạng đặng mau hoàn thành nhiệm vụ ấy trước... Do đó khẩu hiệu thổ địa cách mạng không thể đặt ra lúc này”].
Như vậy, đến giai đoạn 1939-1945, Trung ương Đảng và Nguyễn Ái Quốc đã khắc phục hạn chế của Luận cương chính trị tháng 10-1930, khẳng định lại chủ trương đúng đắn và sáng tạo trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.
Nhờ giải quyết đúng mối quan hệ giữ hai nhiệm vụ "độc lập dân tộc" và "cách mạng ruộng đất", cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939-1945 đã tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh công cuộc chuẩn bị lực lượng, đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa...
Trải qua một quá trình nhận thức thực tiễn, vượt qua được quan điểm giáo điều, Đảng đã khẳng định mâu thuẫn chủ yếu và nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của cách mạng thuộc địa, kiên quyết giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân. Đó là cơ sở để xác định chủ trương và hình thức tập hợp lực lượng cách mạng toàn dân tộc, đưa Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến thành công.

Bài viết của PGS Vũ Quang Hiển
 
Top Bottom