Nguyễn Trãi, sinh năm 1380, cha là Nguyễn ứng Long (tức Nguyễn Phi Khanh), mẹ là Trần Thị Thái, con gái quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán. Quê ở làng Chi Ngại, Chí Linh, Hải Dương.
Thật không may, khi Nguyễn Trãi lên 5 tuổi, mẹ mất. Sau đó không lâu, ông ngoại cũng mất. Ông về ở với cha tại quê nội ở làng Nhị Khê, Thường Tín, Hà Tây.
Năm 1400, sau khi lên ngôi Vua, Hồ Quý Ly mở khoa thi. Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh (tiến sĩ), khi đó Ông được 20 tuổi. Hồ Quý Ly cử ông giữ chức Ngự sử đài chánh chưởng.
Năm 1406, Nhà Minh sang xâm lược nước ta. Nhà Hồ đem quân ra chống cự, nhưng thất bại. Cha con Hồ Quý Ly và một số triều thần trong đó có Nguyễn Phi Khanh bị bắt và bị giải về Trung Quốc. Nguyễn Trãi khóc theo lên tận ải Nam Quan với ý định hầu hạ cha trong lúc bị cầm tù. Nghe lời cha khuyên, Nguyễn Trãi gạt nước mắt quay trở lại tìm đường “đền nợ nước, trả thù nhà”.
Thời cơ đến, Nguyễn Trãi vào Lam Sơn (Thanh Hóa) phò Lê Lợi. Ông đã dâng cho Lê Lợi bản chiến lược đánh đuổi quân Minh – “Bình Ngô sách”, trong đó không nói đến đánh thành mà chỉ chú ý vào việc thu phục lòng người, đã trở thành tư tưởng chỉ đạo suốt cả cuộc kháng chiến. Từ đây, Ông được Lê Lợi tin dùng, cử làm quân sư, giữ bên mình để cùng bàn mưu tính kế đánh giặc.
Năm 1427, theo kế sách của Nguyễn Trãi, nghĩa quân ta đã hạ được tướng Liễu Thăng, Vương Thông phải xin hòa, hàng vạn viện binh của nhà Minh bị đánh bại làm nên chiến thắng Chi Lăng. Lê Lợi, Nguyễn Trãi lấy đức hiếu sinh cấp lương thực cho 10 vạn quân Minh rút về nước. Đến năm 1428, nghĩa quân Lam Sơn đã giành thắng lợi hoàn toàn. Được Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) ủy thác, Nguyễn Trãi đã thảo “Bình Ngô đại cáo”, được xem là Bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của Tổ quốc ta. Đó là một thiên anh hùng ca bất hủ của dân tộc, nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, truyền thống quật cường, bất khuất của dân tộc ta.
Nguyễn Trãi được phong tước Quan phục hầu, chức Nhập nội hành khiển, Lại bộ thượng thư kiêm Quản công khu mật viện. Tuy nhiên, sau nhiều biến cố, Ông từ quan, xin về Côn Sơn, tại đây, Ông đã sáng tác nhiều thơ văn cho hậu thế.
Vào năm 1442, một sự kiện bi thảm nhất dưới triều Lê là cái chết đột ngột của vua Lê Thái Tông, gây ra vụ án Vườn Lệ Chi oan nghiệt cho cả gia đình Nguyễn Trãi, bản án tru di tam tộc đã khiến cho người đương thời vô cùng thương tiếc.
Mãi đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông hạ chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng quan tước .
Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, Đảng, nhà nước và nhân dân ta đã lập đền thờ cụ Nguyễn Trãi ở nhiều nơi, trong đó có 2 địa điểm chính, một làở trên ngọn núi Côn Sơn ở xã Cộng Hoà, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương và hai là ở làng Nhị Khê, Thường Tín, Hà Tây (nay thuộc Thành phố Hà Nội).
Nguyễn Trãi là một nhân vật vĩ đại trong lịch sử Việt Nam, Ông là một anh hùng dân tộc, một nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nước ta, là một danh nhân văn hóa thế giới. Tâm hồn và sự nghiệp của ông mãi mãi là vì sao sáng như Lê Thánh Tông truy tặng:
"Ưc Trai tâm thượng quang Khuê Tảo"
+2