Sử 25/8/1945, cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn, Thủ Dầu Một...

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

- Tại Sài Gòn: Sáng sớm hôm sau (25-8), hơn một triệu quần chúng Sài Gòn – Chợ Lớn và các tỉnh lân cận ào ạt kéo vào nội thành với khí thế sục sôi cách mạng. Đoàn người hô vang như sấm dậy khẩu hiệu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập!”, “Tất cả chính quyền về tay Việt Minh!”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm!”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, “Độc lập hay là chết!”. Cờ đỏ sao vàng tràn ngập đường phố, phấp phới bay trên các công sở.
7471.1406049813.jpg

13 giờ ngày 25-8, trong cuộc mít tinh trước dinh Đốc lý Sài Gòn (trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay), Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ, Trần Văn Giàu long trọng tuyên bố: “Đồng bào toàn dân. Hôm nay là ngày vẻ vang nhất trong lịch sử của Nam Bộ Việt Nam. Giữa thanh thiên bạch nhật, chúng tôi, Ủy ban Hành chánh lâm thời, nhân danh toàn thể quốc dân Nam Bộ, tuyên bố trước mặt toàn cầu và trước mặt toàn thể quốc dân rằng: Chế độ Cộng hòa Dân chủ thành lập tại Nam Bộ Việt Nam. Chúng tôi tuyên bố không thừa nhận chế độ Nam triều và cương quyết chống chế độ thực dân. Không một ngoại bang nào có thể viện lý do gì để bác bỏ được điều quyết định long trọng của đồng bào ta hoài bão lâu nay: Nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. Thay mặt cho Mặt trận Việt Minh miền Nam, chúng tôi lãnh trách nhiệm nắm giữ chính quyền Nam Bộ, để đến ngày triệu tập xong Quốc hội, sẽ giao lại cho đại biểu toàn quốc”.
Tiếp theo, đại diện Xứ ủy Nam Kỳ Nguyễn Văn Nguyễn kêu gọi: "Hết thảy anh em thợ thuyền, nông dân, thanh niên, binh lính và các giới đồng bào nỗ lực làm việc, kiến thiết nền dân chủ quốc gia, đem toàn lực ủng hộ Ủy ban hành chính lâm thời thực hiện một nước Việt Nam độc lập, dân chủ và làm cho người Việt Nam tự do, sung sướng...".
Các bài phát biểu được hoan nghênh nhiệt liệt trong tiếng hô khẩu hiệu vang dội: Việt Nam độc lập muôn năm, Mặt trận Việt Minh muôn năm.
Cuộc mít-tinh kết thúc. Cả Sài Gòn vẫn tiếp tục rộn ràng nhịp chân bước, miệng hát vang, dù khản cổ vẫn hô to khẩu hiệu kéo dài đến tối.

- Tại Thủ Dầu Một: Sáng ngày 25-8-1945, cả tỉnh lỵ Thủ Dầu Một tràn ngập khí thế cách mạng của hơn 5 vạn quần chúng nhân dân (2 vạn của thị xã và 3 vạn của các huyện) kéo về Nhà việc Phú Cường dự mít-tinh, giành chính quyền. Đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy đọc diễn văn nêu rõ: “Từ nay xóa bỏ chính quyền phát xít của Nhật dựng lên, lập ra chính quyền của giai cấp công nông”...
20120827-01.gif

Nhà việc Phú Cường (nay là trụ sở UBND phường Phú Cường) nơi diễn ra cuộc mít-tinh, giành chính quyền.
Sau 84 năm sống trong nô lệ, ngày 25-8-1945, nhân dân tỉnh Thủ Dầu Một đã đánh đổ ách đô hộ của chính quyền thực dân Pháp và xâm lược Nhật. Dấu tích của sự kiện lịch sử ấy đã được ghi lại bằng Bia lưu niệm sự kiện lịch sử “giành chính quyền thắng lợi” ngày 25-8-1945 đặt tại trụ sở làm việc phường Phú Cường (TP.TDM) hiện nay.
20120827-02.gif

Bia lưu niệm sự kiện lịch sử “giành chính quyền thắng lợi” ngày 25-8-1945.
Đã 67 năm trôi qua nhưng bác Nguyễn Hậu Tài, cán bộ lão thành cách mạng ở phường Phú Cường vẫn nhớ như in sự kiện ngày 25-8, ngày nổi dậy giành chính quyền của hơn 5 vạn dân tại Phú Cường -Thủ Dầu Một. Bác Nguyễn Hậu Tài nhớ lại: Đêm 23-8-1945, hội nghị Tỉnh ủy Thủ Dầu Một mở rộng tại chợ Bưng Cầu thuộc làng Tương Bình Hiệp do đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì. Hội nghị đã quán triệt nghị quyết của Xứ ủy về tổng khởi nghĩa ở Nam Kỳ và nhất trí một số vấn đề quan trọng như lập Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Bí thư làm trưởng ban, kêu gọi cán bộ, đảng viên, các đoàn thể cứu quốc, đơn vị tự vệ, đồng bào đoàn kết, nhất trí giành chính quyền nhanh, gọn, thắng lợi hoàn toàn trong ngày 25-8-1945.

- Tại Phú Thọ: Sáng ngày 25-8-1945, theo đúng kế hoạch đã vạch ra, các thành viên UBND cách mạng lâm thời tỉnh đã dẫn đầu từng đơn vị LLVT đến tiếp quản các công sở. Công việc chiếm đóng các công sở, xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai Nhật diễn ra mau lẹ, thuận lợi. Sau đó, trong một cuộc mít tinh lớn tổ chức tại sân vận động thị xã hàng vạn nhân dân các dân tộc trong tỉnh tham dự. Ủy ban khởi nghĩa tỉnh đã long trọng công bố danh sách UBND cách mạng lâm thời tỉnh Phú Thọ do ông Phan Huy Chữ làm Chủ tịch, ông Trần Văn Cần làm Phó Chủ tịch

- Tại Bà Rịa Vũng Tàu: Sáng 25-8, hơn một vạn quần chúng từ khắp các ngả đường rầm rập đổ về thị xã, giương cao cờ đỏ sao vàng, tập trung mít tinh xung quanh Tháp nước (Nhà Tròn) ở trung tâm TX. Bà Rịa (nay là thành phố Bà Rịa). Trong lễ mít tinh, đại diện Ủy ban Khởi nghĩa đọc lời tuyên bố độc lập. Sau khi cuộc mít tinh kết thúc, đoàn người dưới sự hướng dẫn của tổ chức Thanh niên Tiền phong đã kéo về các địa phương giành chính quyền ở cơ sở.
Tại Vũng Tàu, khởi nghĩa nổ ra muộn hơn. Ngày 25-8, Ủy ban Khởi nghĩa được thành lập, lực lượng nòng cốt là Thanh niên Tiền phong lúc này đã đổi tên thành đội Cảm tử quân Bến Đá.

- Tại An Giang:
Sau khi đánh giá tình hình, so sánh tương quan lực lượng, để đảm bảo cho việc giành chính quyền thắng lợi, Nguyễn Văn Nhung - Bí thư Tỉnh ủy Long Xuyên quyết định đến gặp thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong (TNTP do Xứ ủy Nam kỳ vận động thành lập), đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo của tỉnh Long Xuyên, vận động họ ủng hộ Việt Minh cướp chính quyền. Được thủ lĩnh các lực lương này tuyên bố ủng hộ, đồng chí Nguyễn Văn Nhung đến gặp Tỉnh trưởng Long Xuyên yêu cầu ông ta giao lại chính quyền cho Việt Minh và Tỉnh trưởng Long Xuyên đồng ý giao chính quyền vào sáng ngày 25/8/1945.
Rạng ngày 25/8, đồng bào rầm rộ từ Chợ Mới, Lấp Vò vượt sông Hậu sang và từ Thốt Nốt, Châu Thành kéo về tỉnh lỵ, đường sá chật người với băng cờ, khẩu hiệu rợp các phố. Đúng 12 giờ trưa ngày 25/8/1945, đông đảo lực lượng TNTP, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Công nhân cứu quốc, các giáo phái và lực lượng quần chúng đội ngũ chỉnh tề, tập trung trước nhà việc Mỹ Phước dự lễ mít-tinh công bố chính quyền về tay Việt Minh… Sau đó cuộc mít-tinh biến thành cuộc biểu tình tuần hành khắp các trục đường chính từ tỉnh lỵ đến các địa phương xung quanh.
Ở tỉnh lỵ Châu Đốc, đêm 25/8, lực lượng tại chỗ kết hợp với lực lượng Tân Châu, Hồng Ngự kéo sang vây chặt dinh Tỉnh trưởng, đồn cảnh sát, kho bạc, kho súng, bót lính kín, nhà dây thép, nhà đèn... và bắt một số tên ác ôn, đồng thời trương băng cờ, dán truyền đơn, khẩu hiệu khắp đường phố. Ðúng ba giờ sáng 26/8, lực lượng khởi nghĩa đồng loạt chiếm các công sở quan trọng, thu được hơn 100 súng lính Pháp bỏ lại tại thành PC (Post de Central) lúc bị quân Nhật đảo chánh.

- Tại Trà Vinh: tối 24-8-1945, lực lượng Thanh niên tiền phong và quần chúng quận Châu Thành, Càng Long, Cầu Ngang, Trà Cú kéo vào tỉnh lị, dưới sự chỉ huy của Ban khởi nghĩa, bao vây hầu hết các cơ quan của chế độ tay sai Nhật. Sáng 25-8-1945, toàn bộ cơ quan thuộc về tay quần chúng cách mạng. Chính quyền nhân dân cách mạng tỉnh ra mắt, quần chúng nồng nhiệt chào mừng.

- Tại Vĩnh Long: 7 giờ sáng ngày 25-8-1945, một cuộc biểu tình lớn của hàng vạn quần chúng và Thanh niên tiền phong mang cờ đỏ sao vàng, hô vang các khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Minh muôn năm” diễu hành qua trụ sở quận Châu Thành làm cuộc mít tinh. Ủy ban khởi nghĩa công bố danh sách chính quyền cách mạng, được quần chúng rất hoan nghênh.

- Tại Cần Thơ: sau khi khởi nghĩa giành chính quyền ở Cầu Kè giành thắng lợi làm chính quyền Cần Thơ của viên tỉnh trưởng Lưu Văn Tạo hoang mang, chiều ngày 25-8-1945, Ủy ban Dân tộc Giải phóng tỉnh họp bàn kế hoạch giành chính quyền

- Tại Bến Tre:
Theo chỉ đạo của Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh, ngày 24 và 25 tháng 8 năm 1945, các đồng chí lãnh đạo ở các quận tập hợp lực lượng quần chúng, Thanh niên Tiền Phong, Cứu quốc quân, số nòng cốt của cách mạng bí mật theo đường bộ, đường sông về tiếp cận vùng ven tỉnh lỵ, phối hợp với lực lượng của tỉnh nổi dậy giành chính quyền.
Trưa ngày 25 tháng 8 năm 1945, tên Cò Lắm chỉ huy Bảo an binh đi gom súng của bọn Cai tổng và các đồn lẻ ở Mỏ Cày. Uỷ ban khởi nghĩa nhận định: Đây là cơ hội thuận lợi để nhanh chóng tước vũ khí của bọn Bảo an binh, chỗ dựa duy nhất và cuối cùng của chính quyền thân Nhật. Vì vậy, Uỷ ban khởi nghĩa quyết định: Cấp tốc huy động quần chúng, Thanh niên Tiền phong, Cứu quốc quân đúng 16 giờ chiều ngày 25 tháng 8 năm 1945 tấn công trại Bảo an binh, Toà Bố, Kho bạc, nhà Bưu điện, nhà máy điện, trại giam và bao vây dinh Tỉnh trưởng, ra lệnh cho binh lính và nhân viên của địch đầu hàng. Trước khí thế của quần chúng khởi nghĩa, bọn Bảo an tê liệt, không dám chống cự, giao nộp vũ khí. Tỉnh trưởng Phan Văn Chỉ phải chấp nhận đầu hàng, chính quyền thân Nhật tại Bến Tre bị sụp đổ. Chính quyền về tay Nhân dân, lúc 17 giờ chiều ngày 25 tháng 8, sớm hơn dự định.

- Tại Tây Ninh: Sáng sớm ngày 25/8/1945, từ Thanh Điền, Xóm Vịnh, Quán Cơm, lực lượng quần chúng giương cờ đỏ sao vàng, mọi người đều có băng trắng chữ Việt Minh màu đỏ hoặc băng đỏ đeo ở cánh tay, các đồng chí đảng viên mang súng ngắn dẫn đầu đội ngũ rầm rập tiến vào sân vận động Tây Ninh.
2420-dang-bo-tinh-tay-ninh-ra-doi-lanh-dao-nhan-3.jpg

Sân vận động Tây Ninh – nơi diễn ra mít tinh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8 năm 1945 (hiện nay vị trí này là trụ sở làm việc của Viễn thông Tây Ninh).
Cùng lúc lực lượng Thanh niên Tiền phong có trang bị súng và tầm vông từ đình Hiệp Ninh lên đường tiến vào sân vận động. Quần chúng tín đồ Cao Đài mang theo cờ đạo (vàng, xanh, đỏ) đội ngũ chỉnh tề, từ Tòa Thánh cũng đến sân vận động Tây Ninh dự mít tinh. Thế là một cuộc mít tinh lớn chưa từng thấy ở Tây Ninh đã diễn ra. Quần chúng dự mít tinh hết sức phấn khởi, hô vang khẩu hiệu ủng hộ Mặt trận Việt Minh.
Ban Lãnh đạo hành động giành chính quyền cùng với đoàn cán bộ từ Sài Gòn lên tiến vào Dinh Tỉnh trưởng. Ta chỉ bắt giữ 3 tên: Lê Văn Thạnh (tỉnh trưởng Tây Ninh), Jean Baptiste Hà Văn Sua (tên y sĩ có Pháp tịch) và đốc phủ Đường (tên tay sai quan trọng của Pháp). Số còn lại ta cho về, tạm thời được giao cho tiếp tục công việc, trừ một vài nơi trọng yếu như nhà máy đèn, nhà máy nước… ta đưa người vào trực tiếp nắm giữ.
Việc chuyển giao chính quyền tỉnh được giải quyết xong ngay trong đêm 25/8/1945.
2420-dang-bo-tinh-tay-ninh-ra-doi-lanh-dao-nhan-5.jpg

Dinh Tỉnh trưởng thời kỳ Pháp (vị trí hiện nay là trụ sở UBND tỉnh Tây Ninh)
Các công sở của huyện Châu Thành đóng ở thị xã cũng được tiếp quản ngay sau khi bộ máy chính quyền cấp tỉnh của Pháp không còn. Trảng Bàng cũng giành được chính quyền ngay trong đêm 25/8/1945, khi quân ta buộc được tên Quận trưởng Trảng Bàng là Huỳnh Tường Tấn đầu hàng ngay trong đêm đó

- Tại Sa Đéc: Sáng sớm ngày 25/8/1945, hàng ngàn người dân kéo đến vây quanh dinh Tỉnh trưởng và trên đoạn đường từ căn nhà số 115 tới cầu Sắt Quay. Được quần chúng hỗ trợ tạo áp lực với địch, đồng chí Sáu Ngài tiến thẳng vào dinh Tỉnh trưởng, bất chấp lính tráng địch canh phòng, thị uy, đe dọa. Ở tư thế của người đang làm chủ tình hình, đồng chí Sáu Ngài vừa thuyết phục, vừa răn đe, buộc Tỉnh trưởng Bửu, Phó Tỉnh trưởng Kiệt phải đồng ý và đi sang Trụ sở của Ủy ban Khởi nghĩa (tại số nhà 115) để bàn giao chính quyền. 14 giờ ngày 25/8/1945, toàn bộ chính quyền tỉnh Sa Đéc về tay nhân dân.

- Tại Kontum: "Sau khi giành chính quyền ở Pleiku, tôi cùng đoàn thanh niên Việt Minh Gia Lai lên phối hợp giành chính quyền ở Kon Tum. Xe mới chưa đến đầu thị xã, ngay từ cầu Đăk Blà đã được đồng bào các dân tộc Kon Tum tập hợp đông đảo, một số có vũ trang, hàng ngũ chỉnh tề, sẵn sàng hoan nghênh chào đón đoàn cán bộ Việt Minh. Cuộc cánh mạng diễn ra thật mau lẹ, gọn gàng" (theo hồi ức của ông Đỗ Huyên – người trong đoàn Việt Minh Gia Lai lên Kon Tum phối hợp giành chính quyền năm 1945, hiện đang cư trú tại số nhà 51 - Phạm Nhữ Tăng - phường Hòa khê - quận Thanh khê – tp Đà Nẵng). Ở tỉnh lỵ Kontum, sáng 25-8-1945, Tỉnh trưởng Kontum là Hà Ngại chỉ còn mỗi việc là tuyên bố từ chức, bàn giao toàn bộ ấn tín, hồ sơ cho cách mạng. Công việc bàn giao diễn ra nhanh gọn trong buổi sáng. Toàn bộ cơ quan hành chính, quân sự, công sở, kho bạc…đã về tay nhân dân. Việc giành chính quyền ở tỉnh lị nhanh gọn, không nổ súng, mà triệt để. Mọi việc hoàn thành lúc 10h 00.
bcdt.jpg

Nhân dân đang xem bảng thông báo của chính quyền mới tại thị xã Kon Tum
Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Kon Tum (UBNDCMLT) được thành lập và được công bố trước toàn thể nhân dân của tỉnh trong cuộc mít tinh giành chính quyền (ngày 25-8-1945). Thành phần gồm 05 người, y sỹ Hoàng Lẫm được bầu làm Chủ tịch. Đến khoảng đầu tháng 9-1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh được tổ chức củng cố lại và mở rộng thành phần tham gia gồm 11 người, trong đó có 02 ủy viên người DTTS, ông Hà Lượng làm Chủ tịch. Ở cấp huyện, được sự hướng dẫn của UBNDCM lâm thời tỉnh, UBNDCM cũng được thành lập và do nhân dân trực tiếp bầu lên. Thành phần hầu hết là người DTTS. UBNDCM thị xã Kon Tum gồm 05 người; Hạt Đăk Glei 03 người; Hạt Đăk Sút 03 người; Hạt Đăk Tô 07 người. Riêng Hạt Kon Plông, UBNDCM được thành lập trước khi có sự chỉ đạo của UBNDCM lâm thời tỉnh

- Tại Lạng Sơn: Tại thị xã Lạng Sơn, bọn Đại Việt (tay sai của Nhật), định thành lập chính quyền nhưng không thành. Việt Minh yêu cầu quân Nhật nộp vũ khí và phải cử đại diện vào chiến khu (Ba Xã) bàn giao để quân giải phóng tiếp quản tỉnh lỵ. Trước khí thế áp đảo của lực lượng cách mạng, ngày 25/8/1945, ta cử hai đại đội giải phóng quân và đông đảo nhân dân xuất phát từ Ba Xã, Bằng Mạc, Điềm He vào giải phóng thị xã Lạng Sơn, đồng thời cho quân Nhật rút về Đồng Mỏ. Nhân dân Cao Lộc, Đồng Đăng vui mừng, rầm rập mang cờ, hoa, khẩu hiệu ra đón quân khởi nghĩa. Trong cuộc mít tinh chào mừng thắng lợi của cách mạng, tên tỉnh trưởng Lạng Sơn bù nhìn là Linh Quang Vọng phải trao lại chính quyền cho Việt Minh trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân ở Kỳ Lừa, thị xã Lạng Sơn. Sau đó, quân khởi nghĩa chiếm các công sở, các vị trí quan trọng ở thị xã và thu phục toàn bộ lưc lượng bảo an binh.

- Tại Sơn La: ngày 25/8, tỉnh lỵ Sơn La khởi nghĩa giành chính quyền. Chính quyền của tên Tỉnh trưởng Sơn La là Cầm Ngọc Phương tan rã (y đầu hàng hồi 19/8/1945), Uỷ ban cách mạng lâm thời ra mắt đồng bào, ông Cầm Văn Dung làm Chủ tịch, đồng chí Chu Văn Thịnh làm Phó chủ tịch và các uỷ viên.

- Tại Cà Mau: Ngày 25.8.1945, Tỉnh ủy lâm thời (nhóm “Độc lập”) ở Cà Mau, do đồng chí Trần Văn Đại và Thái Ngọc Sanh lãnh đạo, tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại sân vận động Cà Mau để chào mừng Mặt trận Việt Minh ra mắt và cũng là cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng cách mạng. Cuộc mít tinh chuyển thành cuộc biểu tình vũ trang thị uy, kéo về dinh Đốc phủ Kế (Nguyễn Văn Kế), Quận trưởng Cà Mau, buộc giao chính quyền cho nhân dân, nhưng hắn xin ta cho hoán lại một vài hôm. Quyết không để trì hoãn việc giành chính quyền, Tỉnh ủy huy động lực lượng quần chúng tiếp tục gây áp lực mạnh. Trước thái độ cương quyết và cứng rắn của ta, Đốc phủ Kế phải bàn giao chính quyền cho Ủy ban dân tộc giải phóng Cà Mau. Đúng vào thời điểm đó, đồng chí Tào Văn Tỵ, Ủy viên quân sự Ủy ban dân tộc giải phóng tỉnh khu vực Bạc Liêu đưa lực lượng đến chi viện cho quận Cà Mau.

- Tại Bạc Liêu: sau khi Tỉnh trưởng Bạc Liêu là Trương Công Thiện đầu hàng vào ngày 23.8.1945, sáng ngày 25.8.1945, ta đã huy động hơn 20.000 quần chúng thị xã Bạc Liêu, Vĩnh Mỹ, thị trấn Giá Rai, thị trấn Hòa Bình, Long Thạnh, Vĩnh Trạch, Châu Hưng, Châu Thới… đến sân vận động Bạc Liêu dự mít tinh chào mừng cách mạng thành công, chào mừng Mặt trận Việt Minh, chào mừng Ủy ban hành chính cách mạng lâm thời tỉnh. Cả sân vận động đỏ rực cờ Việt Minh và băng rôn, khẩu hiệu. Đồng chí Châu Hà Thanh (Bí thư chi bộ Vĩnh Mỹ) phất cao cờ Đảng, hô to: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, quần chúng hưởng ứng vang khắp cả sân. Đại diện Ủy ban hành chính cách mạng lâm thời tỉnh đọc lời chào mừng cách mạng thành công và tuyên bố “Chính quyền về tay nhân dân”, giới thiệu Chương trình hành động 10 điểm của Mặt trận Việt Minh.
Cuộc mít tinh trở thành cuộc tuần hành qua nhiều đường phố trong thị xã Bạc Liêu, đi đầu là đồng chí Châu Hà Thanh cầm cờ Đảng và một đồng chí khác cầm cờ đỏ sao vàng.




Tham khảo:
1. baobinhduong.vn
2. nhandan.com.vn
3. thuvienbinhduong.org.vn
4. phutho.gov.vn
5. baobariavungtau.com.vn
6. tuyengiaoangiang.vn
7. photayninh.com
8. baodongthap.com.vn
9. stttt.kontum.gov.vn
10. baolangson.vn
 
Last edited:
Top Bottom