Ta hãy nghe ông Sử giải nghĩa khổ thơ thứ ba: "Khổ thứ ba vẫn tiếp tục mạch cảm xúc về sự hờ hững, mất hết liên lạc giữa các sự vật: "Bèo dạt về đâu hàng nối hàng/ Mênh mông không một chuyến đò ngang/ Không cầu gợi chút niềm thân mật/ Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng". Vẫn các sự vật đặt bên nhau: bèo hàng nối hàng, bờ xanh tiếp bãi vàng, hai bờ sông mênh mông không cầu, không đò ngang, tạo thành một thế giới không liên hệ..." "...Mọi vật thì vẫn có, nhưng không vật nào có ý tìm nhau, đến với nhau, cần đến nhau..." Đọc thoáng qua khổ thơ thứ ba, cảm giác đầu mang lại cho chúng ta chừng như ủng hộ kết luận về "một thế giới không liên hệ" của ông Trần Đình Sử. Nhưng đọc lại khổ thơ không chỉ bằng mắt mà bằng tâm hồn, bằng chiều sâu của tư tưởng, tình cảm, mới thấy ông Sử hiểu thơ Huy Cận như trên là chưa đúng. Các sự vật trong khổ thơ thứ ba tưởng "hờ hững" mà thực ra không chút hững hờ. Ngay cả những đám "bèo dạt" "hàng nối hàng" kia cũng hừng hực một nhiệt tình, một hăm hở đi tìm vô định: "Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng". Bản chất của bèo, nghề nghiệp của bèo là trôi dạt, là cuộc hành hương tìm cái không đâu vô bờ bến. Bèo chỉ buồn vì nỗi hững hờ không được trôi dạt, không được lang thang. Nó có cái vui được vừa đi vừa nở hoa, vừa đi vừa tụ lại rồi tan tác, hợp hợp tan tan là đam mê và lẽ sống của kiếp bèo. Nay, nhờ tình thơ Huy Cận, bèo lại được họp thành làng, thành xã, được tập thể hóa mà trôi, mà vun vút, hăm hở, "hàng nối hàng'' vui như hội, có đâu lại ''hững hờ", "mất hết liên lạc với nhau", "không tìm nhau, đến với nhau, cần đến nhau" như lời bình vô cảm của ông Trần Đình Sử? Ngay cả sự "không cầu", "không đò" qua sông tăng thêm chiều dài rộng, chiều sâu khôn cùng, giúp không gian tịch lặng càng thêm tịch lặng, chính là để tạo "máng cỏ'' cho hồn thơ giáng thế trong trắc ẩn nồng nàn tạo vật, tuyệt nhiên cảnh đượm tình này không chút "hững hờ". "Bờ xanh tiếp bãi vàng" về bề ngoài, có vẻ lặng lẽ, nhưng trong chiều sâu bờ thẳm kia là động vang của huy hoàng "xanh" tiếp rực rỡ "vàng", tạo cho âm hưởng bên trong cất tiếng nói trữ tình nồng ấm. Mọi sự vật trong khổ thơ đều được nối với nhau bằng "cầu" bằng "đò" không nhìn thấy là hồn thơ, tình thơ Huy Cận bảng lảng, nồng nàn khắp nơi. Chính Trịnh Công Sơn, qua ca khúc của mình, chừng như đã giúp ta bình khổ thơ thứ ba của Huy Cận một cách thật hay: "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau". Chính nỗi bơ vơ của dòng "Tràng Giang" không cầu, không đò kia đã núp vào cái bơ vơ của hồn Huy Cận mà hết nỗi bơ vơ ngay khi nhận ra "Bờ xanh tiếp bãi vàng" thân mật