Có phải là sự đột phá trong nhận thức lịch sử?
“Lịch sử diễn ra một lần còn nhận thức lịch sử là một quá trình”. Sự đánh giá các chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn ở thời đại này do vậy, là sự chín muồi của một quá trình nhận thức, để chuyển từ nhận thức của giới sử học tới nhận thức của xã hội. Nó không thể tách rời với quá trình đổi mới của đất nước, cũng có nghĩa là sự đổi mới trong tư duy lãnh đạo của Đảng cầm quyền, bắt đầu từ đổi mới tư duy kinh tế với một khẩu hiệu hành động: “Dám nhìn thằng vào sự thật, nói đúng sự thật”.
Giới sử học Việt Nam không giấu diếm những thuộc tính mang “tính thời đại” của mình với đặc trưng là đội ngũ các “sử gia công chức”. Chúng ta rất hay nói đến tính khách quan của lịch sử, hay nhắc đến câu chuyện “ngụ ngôn kinh điển” về ba anh em sử gia phương Bắc từng thay nhau nhận cái chết để không thay đổi sự thật. Đã là ngụ ngôn thì đó cũng chỉ là sự mong muốn, mang tính lý tưởng mà thôi.
Sử học là một khoa học, nhưng nó cũng không thể không mang màu sắc chính trị. Thời đại nào, ở đâu và ai cầm bút viết sử cũng vậy. Chỉ có điều chính trị biết phục tùng quy luật, căn cứ vào tính chân thực trong nhận thức quá khứ, đó sẽ là nền chính trị bền vững và trường tồn, cho dù đạt tới tiêu chí đó không dễ dàng. Và ngược lại, nếu bất chấp quy luật, duy ý chí thì chỉ có thể đạt đựoc những mục tiêu trước mắt nhưng sẽ không bền vững. Sử học bao giờ cũng là sự phản chiếu nền chính trị đương thời.