Đánh thức thiên tài
“Một hòn đá trông xù xì, xấu xí nhưng vẫn hữu dụng vì nó vững chắc, bền bỉ với thời gian”, câu nói của một “Người đương thời” trong chương trình truyền hình gợi ra rằng những thứ tưởng chừng vô giá trị là hòn đá cũng có một chất “ngọc” trong nó. Thiết nghĩ, không có vật gì là vô dụng cả. Thế thì tại sao ta lại bỏ đi một nhân viên có thể không làm được việc này dù sẽ luôn có một việc khác phù hợp với khả năng của họ?
1 nhân viên = 1 viên ngọc
Người ta tin rằng mỗi nhân viên đều có tố chất của một “ viên ngọc”. Điều cốt lõi là người lãnh đạo có tinh ý nhìn thấy được tố chất “ngọc” đó và kiên nhẫn “mài giũa” nó chưa? Mỗi con người đều là duy nhất, cho nên, nếu không giống Bill Gates không có nghĩa là người ta không thể thành đạt. Hiện nay, các tập đòan toàn cầu đang sử dụng một số phương pháp trắc nghiệm để xác định tính cách, điểm mạnh, chất “ngọc” của các nhân viên trong tổ chức. Trong đó, nổi bật là hai phương pháp:
MBTI (
www.personalitypage.com), là một bài test về tính cách con người và đưa ra ứng dụng về chọn lựa sự nghiệp cho họ. Việc ứng dụng MBTI không chỉ cho từng cá nhân mà đặc biệt hữu dụng cho những nhà lãnh đạo & quản lý nhân sự trong việc huấn luyện, giao trọng trách cho đúng người, uyển chuyển trong cơ cấu tổ chức, tự tin nhắm đến những chỉ tiêu chiến lược của doanh nghiệp
Belbin team role (
www.belbin.com) một phương pháp hàng đầu về việc xác định vai trò, điểm mạnh của mỗi cá nhân trong làm việc nhóm. 9 vai trò khác nhau cho ta biết những điểm mạnh, và những điểm ta cần sự hỗ trợ từ các thành viên khác trong nhóm. Đây là một bài test giúp cả bản thân nhà lãnh đạo nhìn lại cả bản thân mình, chọn lựa vai trò nhóm mà mình làm tốt nhất, lấp được khỏang trống giữa các nhân viên, đồng thời biết cách động viên họ phát huy hiệu quả nhất cho doanh nghiệp.
MBTI và Belbin là hai trong nhiều phương thức có thể giúp lãnh đạo và nhân viên nhận ra giá trị của mình trong công ty.
“Bạn là thiên tài”
Tưởng như câu nói này sáo rỗng hay đùa vui, nhưng những lời ngợi khen đúng chỗ luôn giúp mọi người phấn chấn và thêm động lực để hoàn thành công việc. Hãy cho nhân viên niềm tin rằng họ là “thiên tài” trong lĩnh vực mà họ đang đảm trách. Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng: “Thay tư duy, đổi cuộc đời”. Năng lực của mỗi bộ não con người giống nhau. Sự khác biệt lớn nhất của một thiên tài và một người bình thường là thiên tài luôn tin rằng “tôi sẽ làm được” và họ rèn luyện não mình mọi lúc giống như vận động viên rèn luyện cơ bắp. Một tư duy tích cực, một niềm tin thực sự sẽ giúp nhân viên trở thành những thiên tài. Điều quan trọng là trước khi họ được trao niềm tin, hãy giúp họ nhận ra điểm mạnh của riêng mình, họ sẽ càng cảm thấy được khuyến khích học hỏi những cái mới, trau dồi kĩ năng và kiến thức.
Để biến đá thành ngọc, người thường thành thiên tài
Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng - quyết định sự lớn mạnh của một doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư hằng trăm đô la cho một người học khóa ngắn hạn thậm chí “rước thầy” về đào tạo riêng, kỳ vọng rằng nhân viên đó sẽ ngày càng giỏi hơn, làm lợi hơn cho công ty. Đầu tư không nhỏ nhưng hiệu quả thực đến đâu?
Theo nghiên cứu, khảo sát, ông Skip Corsini, Giám đốc đào tạo Quốc gia cho Shorenstein Reality service ở San Francisco đã nói: “ 9 trong 10 nhân viên tham gia các khoá đào tạo cảm thấy thất vọng sau khoá học” Tại sao vậy? Thực tế, nhiều chương trình đào tạo mà công ty đầu tư cho nhân viên đi học là rèn luyện kĩ năng hoặc tăng thêm kiến thức chuyên môn. Và rất nhiều nhân viên cảm thấy không thoả mãn vì họ trước đó, họ chưa hiểu bản thân họ, điểm mạnh của họ là gi, điểm họ cần phát triển thêm. Và họ cũng không được tạo lòng tin rằng họ có thề trở nên giỏi trong kĩ năng đó. Chính điều đó làm giảm khả năng tiếp thu, cũng như tính ứng dụng của môn học trong công việc. Giống như bạn đưa cần câu cá và dạy câu cá cho một người không biết mình muốn câu cái gì, và cũng không có lòng tin mình sẽ câu được cá thì không dễ dàng.
Chính vì thế, một môi trường đào tạo nhân sự hiệu quả là nơi mà ở đó, tiềm năng của mỗi người được phát hiện, khẳng định & động viên để họ tin rằng họ sẽ trở thành người giỏi nhất. Có những chuyện người ta không nói được với giám đốc nhân sự thì các hệ thống đánh giá toàn diện sẽ giúp họ được nói về những lý do khiến họ chưa đóng góp được hiệu quả, và nhờ đó được tư vấn trên trường hợp cụ thể. Đó là môi trường đào tạo mà suy nghĩ tích cực được xem là tiêu chí quan trọng, phát huy sự khác biệt của mỗi người & thực sự được “chơi” với những kỹ năng mà họ cần có được.