Sử Vua Hiệp Hoà - đáng thương hay đáng chết

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Sau khi vua Tự Đức qua đời, triều Nguyễn đã trải qua thời kỳ đen tối nhất trong thời kỳ tồn tại của mình. Khi Dực Tông băng, hoàng tử Ưng Chân lên ngôi chưa được ba ngày đã bị phế truất. Tôn Thất Thuyết, Thượng thư bộ Binh và là người đứng đầu phái chủ chiến, chủ trương đưa Lãng Quốc công Hồng Dật, con út vua Thiệu Trị lên ngôi vua. Sau khi được sự ưng chuẩn của Từ Dụ Thái Hậu, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết liền cử một phái đoàn đình thần ra Kim Long rước Lãng Quốc công vào Đại Nội để chuẩn bị lễ đăng quang.
Lúc này, ngôi vua đã trở nên nguy hiểm cho bất cứ ai ngồi vào nó, một ngai vàng mà Pháp đang chĩa đại bác phía trước còn phái chủ chiến trong triều đang cầm kiếm để sau lưng. Đi kiểu gì cũng chết, và Lãng quốc công muốn trốn tránh trách nhiệm, từ chối lên ngôi: “Tôi là con út của tiên đế, tư chất tầm thường, không dám nhận ngôi vua”. Phái đoàn năn nỉ mấy ông cũng không nghe. Trong tình huống này, họ phải dùng vũ lực để đưa Lãng Quốc Công vào Cấm thành, hai hôm sau lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Hiệp Hoà. Tại lễ tấn tôn, khi đám bá quan đang quỳ lạy tân vương thì có một con chim quạ đậu trên ngọn cây trước điện Thái Hòa kêu 4 tiếng lớn. Đến khi tuyên chiếu lại có một đoàn dê đi qua cầu Kim Thủy ở trước Ngọ Môn. Đình thần đều cho đây là điềm không tốt đối với tân vương.
Vậy là Thuyết đã thành công trong việc phế lập, loại bỏ Tự quân ở Dục Đức Đường, tiếp tục kháng Pháp. Nhưng không lâu sau đó, Thuyết đã nhận ra rằng, ông đã mắc sai lầm.
Cùng lúc Hiệp Hoà đăng cơ, Tổng ủy viên quân đội Pháp tại Đông Dương là Harmand lợi dụng nội bộ nước ta rối ren quyết định mở rộng chiến tranh ra nhiều vùng trên cả nước bao gồm cả Thuận An (Huế).
Ngày 22/8/1883, Harmand gửi cho triều Nguyễn một tối hậu thư nói rằng triều đình Huế đã vi phạm nghiêm trọng Hòa ước Nhâm Tuất mà triều Nguyễn đã ký với Pháp vào năm 1862: “Các ông chỉ có hai điều để quyết định: hòa hay chiến. Nếu các ông lựa chọn chiến tranh thì chiến tranh sẽ đưa các ông đến chỗ sụp đổ. Các ông muốn hòa bình thì chúng tôi sẵn sàng nhượng bộ các ông, nhưng các ông phải nhận cuộc bảo hộ của chúng tôi... Và sự kiện đó sẽ đem lại cái may mắn bậc nhất để triều đình các ông có thể tồn tại được”.
Pháp biết rất rõ sự phân hóa giữa hai phái: chủ hòa và chủ chiến trong nội bộ triều Nguyễn lúc bấy giờ. Họ muốn lôi kéo vua Hiệp Hòa và bà Từ Dũ cùng một số hoàng thân theo phái chủ hòa chống lại hai ông Tường và Thuyết là những người theo phái chủ chiến. Khâm sứ Trung kỳ lúc đó là De Champeaux nhận định: “Vua Hiệp Hòa mới nối ngôi là nhân vật phụ, điểm xoáy hiện nay là bà Từ Dũ Hoàng thái hậu cùng một số thân công trong hoàng tộc là ông Gia Hưng quận vương Hồng Hưu và ông Tuy Lý vương Miên Trinh”.
Tình hình Bắc Kỳ vô cùng căng thẳng, các lực lượng Đại Nam và quân Cờ Đen chống trả quyết liệt. Sau trận phục kích Cầu Giấy lần 2, quân Đại Nam có cơ hội lớn tái chiếm Hà Nội. Hoàng Tá Viêm định phối hợp với Trương Quang Đản ở Bắc Ninh chiếm lại thành Hà Nội. Nhưng nước sông Hồng lên quá to, phải tạm lui. Đây lại là thời gian quý báu của Pháp, 2000 viện binh cùng 7 pháo hạm đến Hải Phòng. Quân Pháp chia làm hai hướng, một hướng tiếp tục đánh nhau ở Bắc Kỳ, một hướng do Courbet cùng Harmand đánh thẳng vào Huế, ép Triều đình phải chấp nhận sự “bảo hộ”.
Ngày 20/8/1883, Pháp bắt đầu bắn phá các đồn phòng thủ ở Thuận An. Cuối cùng, thành Trấn Hải bị vỡ, quan trấn thành Lê Sĩ, Lê Chuẩn tử trận, Lâm Hoành, Trần Thúc Nhân tự sát. Sau 4 ngay cầm cự, quân Nguyễn thiệt hại quá lớn. Trong lúc quân đội đang chiến đấu quyết liệt, vì muốn bảo vệ ngai vàng và dòng họ, nên vua Hiệp Hòa muốn chấp nhận sự bảo hộ của người Pháp, cử Nguyễn Trọng Hợp thương thuyết với Pháp.
Đến ngày 25/8/1883, tại kinh đô Huế, đại diện của Pháp là François Jules Harmand và đại điện của triều Nguyễn là Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hợp ký một bản Hiệp ước mà sau này sẽ được gọi là “Hiệp ước Quý Mùi” hay “Hiệp ước Harmand”. Nội dung chính của nó thừa nhận việc nước Nam chấp nhận sự bảo hộ của Pháp; Nam Kỳ là xứ thuộc địa từ năm 1874 nay được mở rộng gồm cả tỉnh Bình Thuận; cắt ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, và Hà Tĩnh nhập vào Bắc Kỳ; Khâm sứ Pháp ở Huế có quyền ra vào tự do yết kiến vua.
Có thể Hiệp Hoà ghét Tường, Thuyết chuyên quyền, vậy nên vừa lên đã có cử chỉ thân Pháp và cất nhắc những người hay công kích Tường, Thuyết như Tuy lý vương Miên Trinh. Hai ông còn làm thinh, không nói gì.
Nhưng thái độ hàng Pháp của Hiệp Hoà, Tôn Thất Thuyết rất tức giận nói với Nguyễn Văn Tường rằng: “Chính Lãng quốc công Hồng Dật mà ta đã đặt cả niềm tin và hy vọng để suy tôn ngôi trị vì thiên hạ với niên hiệu Hiệp Hòa. Lời dụ hãy còn đó. Thế nhưng như trở bàn tay, ký hòa ước là đã hàng giặc mất rồi. Đất mất, tướng cầm quân buộc phải triệu hồi về kinh. Như thế thì ông vua đó là người như thế nào?”. Do phản đối Hiệp ước, Thuyết bị chuyển khỏi Bộ Binh. Triều đình có chỉ truyền cho quân ta phải rút quân khỏi Bắc Kỳ về Huế, nhưng chẳng một ai phụng chỉ.
Tôn Thất Thuyết tuy vậy vẫn nhịn, chấp nhận việc bị Hiệp Hoà thuyên chuyển từ Bộ Binh sang Bộ Lại. Thật sự về mặt danh nghĩa không còn nắm quân đội, nhưng ông vẫn còn quyền hành rất lớn, thậm chí còn có một đội quân riêng của mình, Phấn nghĩa đội. Đội quân này mặc áo xanh, đội mũ rộng vành, mang mã tấu, thường theo lệnh Tôn Thất Thuyết sát hại những người trái ý vị Phụ chính đại thần này.
Ông còn bí mật phòng thủ đồn Tân Sở và sửa sang đường thượng đạo ra Bắc hầu tìm cách chống cự lâu dài. Súng ống, đạn dược, lương nong và cả một phần ba kho bạc triều đình cũng được ngầm chuyển lên Tân Sở, vì vậy, có thể xem Hòa ước Quý Mùi là cách mua thời gian đợi ngày phản công của phái chủ chiến.
Thế là quan hệ giữa quan đại thần chủ chiến và vua Hiệp Hoà càng lúc trở nên căng thẳng hơn. Nếu chỉ dựa vào dăm ba câu nhận xét học tốt mà vua Tự Đức dành cho Hồng Dật mà đánh giá ông này làm giỏi thì thật là sai lầm. Chỉ có thực tiễn mới kiểm nghiệm và nó đã chứng minh đúng y như rằng những gì Hồng Dật từng “khiêm tốn”: “tư chất tầm thường”.
Giọt nước làm tràn ly là vào tháng 11/1883, Hiệp Hoà bỗng nhận tờ mật sớ của Nguyễn Phúc Hồng Phì, con trai Tùng Thiện Vương và Nguyễn Phúc Hồng Sâm, con trai Tuy Lý Vương. Hai người họ xin giết hai quyền thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Đọc xong, Hiệp Hoà vui mừng phê: “Giao cho Trần khanh (Trần Tiến Thành) phụng duyệt”. Bỏ sớ vào tráp giao cho thái giám Trần Đạt đem đến nhà Trần Tiến Thành. Hai hoàng thân Nguyễn Phúc Hồng Phì và Nguyễn Phúc Hồng Sâm lãnh sứ mệnh đi điều đình với khâm sứ De Champeaux và đồng ý ngày giờ để thủy quân Pháp tấn công vào trụ sở bộ Binh nhằm bắt Tôn Thất Thuyết.
Trần Quốc, em trai của thái giám Trần Đạt biết tin nên đã mật báo cho Nguyễn Văn Tường chặn bắt được người đang đem bức mật thư có bút phê của nhà vua phê chuẩn việc giết hại Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Tức tốc, Nguyễn Văn Tường chặn Trần Đạt ở cửa Nhật Thành. Tường giật cái tráp đựng sớ và bảo ông là Phụ chính, xem cũng được. Và xem xong thì tím cả người, bắt giam Trần Đạt và đem tờ chiếu cho Tôn Thất Thuyết xem.
Tôn Thất Thuyết xem, nổi điên: “kéo quân đi giết chúng ngay!”. Tường bảo Thuyết bình tĩnh và triệu tập các quan họp ở bộ đường Bộ Binh. Nguyễn Văn Tường vạch tội Hiệp Hoà, Trần Tiến Thành, Hồng Phì, Hồng Sâm âm mưu dựa vào Pháp giết hai đại thần phụ chính. Tôn Thất Thuyết nói: “Tội trạng đã quá rõ ràng, không thể tha thứ. Đề nghị các quan ký vào tờ sớ này để dâng lên Đức Từ Dụ Hoàng thái hậu xin phế vua Hiệp Hoà lập người khác”.
Đích thân Tường, Thuyết vào cung Diên Thọ để dâng lên Từ Dụ tờ sớ ấy, đồng thời sai Ông Ích Khiêm, Trương Đăng Đệ dẫn 50 quân vào điện Càn Thành bắt buộc vua Hiệp Hoà phải tự xử mình theo lệ “Tam ban triều điển” dành cho đế vương, khanh tướng phạm tội tử hình.
Thấy một đoàn người võ khí đầy mình xông vào cung điện giữa lúc đêm tối, vua Hiệp Hòa kêu lên một tiếng kinh hoàng rồi cuốn mình lại trong tấm chăn. Quân lính xông vào ôm lấy vua đang bọc mình trong chăn, vác sang Dục Đức Đường. Tại đó, người ta để sẵn ba thứ trên bàn: một thanh gươm, một sợi dây và một chén thuốc độc.
Ông Ích Khiêm và Trương Đăng Duệ quỳ xuống trước mặt vua Hiệp Hòa, vừa khóc vừa nói: “Vâng lệnh của Hoàng thái hậu và triều đình, xin Đức ông chọn lấy một trong ba vật này và tự xử đi cho”.
Vua Hiệp Hòa than: “Chẳng hay ta có tội tình gì mà triều đình nỡ giết ta?”
Thấy vua Hiệp Hòa cứ trù trừ không chịu tự xử, Ông Ích Khiêm liền ra lệnh: “Đức ông không muốn tự xử, thì chúng mày cứ làm tròn phận sự”.
Lập tức bọn lính đè cổ Hiệp Hòa xuống, cạy miệng vua đổ thuốc độc vào miệng và lỗ tai của vua. Tôn Thất Thuyết muốn nhanh chóng giết vua Hiệp Hòa vì sợ người Pháp biết chuyện sẽ ra tay can thiệp. Hôm ấy là ngày 29/11/1883, Nguyễn Phúc Hồng Dật, Hiệp Hoà Phế Đế hưởng dương 36 tuổi, làm Hoàng đế 4 tháng.
Sáng hôm sau, hoàng thân Hồng Sâm cũng bị xử chém chết, vì tội đồng lõa với Hiệp Hòa để bán nước. Ông Trần Tiễn Thành, bấy lâu không đồng chính kiến với ông Thuyết, và cũng vì không chịu ký tên vào tờ phế truất vua Hiệp Hòa, cũng bị ông Thuyết cho lính Thân nghĩa đến tận nhà đâm chết. Tuy Lý vương dẫn vợ con chạy ra cửa Thuận An nhưng rồi cũng bị bắt đày vào Quảng Ngãi.
Cuộc khủng hoảng chính trị này đã làm cho phe thân Pháp, phe chủ hòa mất tinh thần. Làn không khí khủng bố bao trùm khắp kinh thành.
Sau đó, các đại thần phụ chính đưa Dưỡng Thiện tức Nguyễn Phúc Ưng Đăng, con trai cưng của Dực Tông tiên đế, lên ngôi vua. Cuộc đảo chính của phái chủ chiến coi như hoàn thành, nhưng kết cục của họ, chúng ta đã biết vào ngày Thất thủ kinh đô (1885).
—————————————————
Lời bàn: Hiệp Hoà được đưa lên với mong muốn cả nước hiệp lực chống Pháp, nhưng ông bỏ qua lợi ích quốc gia mà chỉ lo cho cái dòng tộc của mình (theo tôi thấy thì ông ta lo cho mình hơn). Về Tôn Thất Thuyết, ông là người quyết liệt chiến đấu, không màng tính mạng bị đe dọa. Nếu không có ông, Pháp cơ bản chỉ cần Hiệp ước 1883 mà chẳng cần phải có Giáp Tuất. Ý tôi muốn nói, Thuyết vẫn ra mặt chống đối, tạo động lực rất lớn cho dân và quân Bắc Kỳ tiếp tục chiến đấu. Hiệp Hoà lại tỏ ra hèn nhát, khi gần chết còn kêu mình oan, thật không đáng mặt quân tử. Vậy ông ta đáng thương hay đáng chết.
Ngày nay dư đảng cựu triều tha hồ chửi Thuyết, ca tụng Hồng Dật và cố tình lờ đi sự thật.
—————————————————
Nguồn tham khảo:
Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn, tác giả: Phạm Khắc Hoè
Việt Nam Sử Lược, tác giả Trần Trọng Kim

inbound6265141158484828932.jpg

Nguồn: Đông Tây Sử Luận, sưu tầm trên fanpage tìm hiểu lịch sử, nhân vật và sự kiện
 
Top Bottom