Sử 9 VUA BẢO ĐẠI THOÁI VỊ - MỘT THÀNH CÔNG CỦA CHÍNH SÁCH ĐOÀN KẾT DÂN TỘC VIỆT NAM

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

VUA BẢO ĐẠI THOÁI VỊ - MỘT THÀNH CÔNG CỦA CHÍNH SÁCH ĐOÀN KẾT DÂN TỘC VIỆT NAM
PGS. TS. Vũ Quang Hiển

Không coi triều đình phong kiến nhà Nguyễn là kẻ thù, Đảng Cộng sản Đông Dương và Việt Minh chủ trương “không nên nói đánh đổ Nam triều phong kiến”, mà chỉ nêu khẩu hiệu “diệt trừ bọn Việt gian phản quốc” . Việc xoá bỏ những tàn tích của chế độ quân chủ được thực hiện bằng một con đường riêng biệt: vận động Bảo Đại thoái vị. Trải qua những day dứt do tác động của những nhân tố khác nhau, vị hoàng đế cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam đã đi tới quyết định thoái vị, tạo điều kiện cho sự ra đời chế độ dân chủ cộng hoà. Đó là nét độc đáo của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam theo tư tưởng nhân văn, chiến lược đại đoàn kết dân tộc, nghệ thuật khởi nghĩa dân tộc của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh do Hồ Chí Minh đứng đầu.
1. Từ hy vọng dựa vào Nhật để “giành độc lập”…
Trong sự biến chuyển của thời cuộc khi Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào hồi kết, một số trí thức trong Chính phủ Bảo Đại - Trần Trọng Kim như Hồ Tá Khanh, Nguyễn Hữu Thi, Trần Đình Nam, Phạm Khắc Hoè... ít nhiều chịu ảnh hưởng của phong trào Việt Minh thông qua nhà cách mạng Tôn Quang Phiệt, chủ trương vận động vua Bảo Đại tự nguyện thoái vị.
Tuy nhiên, việc rời ngai vàng đối với Bảo Đại không phải là điều dễ dàng. Mặc dù từ lâu ông không có thực quyền, mà chỉ là một con bài chính trị trong tay thực dân Pháp, tiếp theo là quân phiệt Nhật Bản, nhưng trong sự biến chuyển của đất nước, ông chưa muốn tiễn đưa chế độ quân chủ. Mặt khác, ông cũng phải chịu những tác động khác nhau của nhiều người trong triều đình Huế và nội các Trần Trọng Kim với những suy tính và động cơ khác nhau.
Một số người như Phạm Khắc Hoè, Trần Đình Nam, Hồ Tá Khanh cho rằng nền “độc lập” mà người Nhật ban tặng chỉ là “độc lập trên giấy tờ, xếp trong hồ sơ, dán trên tường hoặc đăng trên báo chí”, rằng việc “sơn thiếp lại cái ngai vàng đã mục nát và dựa vào phát xít Nhật để dùng những biện pháp cải lương mà đem lại độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân thì thật là ngây thơ, khờ dại”. Trong khi những người này luôn cảnh giác với những người thân Pháp hoặc thân Nhật, hoặc vừa thân Nhật vừa thân Pháp, muốn “lái Bảo Đại đi theo con đường chính nghĩa” , thì Trần Trọng Kim lại theo đuổi con đường phụng sự quân phiệt Nhật Bản là kẻ đang xâm lược nước Việt Nam với hy vọng có được “nền độc lập” với chế độ quân chủ. Nội các Trần Trọng Kim ra Tuyên cáo, kêu gọi “quốc dân phải gắng sức làm việc, chịu nhiều hy sinh hơn nữa và phải thành thực hợp tác với nước Đại Nhật Bản trong sự kiến thiết nền Đại Đông Á, vì cuộc thịnh vượng chung của Đại Đông Á có thành thì sự độc lập của nước ta mới không phải là giấc mộng thoáng qua” .
Sau khi phát xít Đức đầu hàng Đồng minh, Trần Trọng Kim ra tuyên bố, tiếp tục kêu gọi nhân dân ủng hộ đế quốc Nhật Bản. Ông viết: "Việc nước Đức đã đầu hàng không hại gì đến sự liên lạc mật thiết giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam… Sự bại trận ấy không thể giảm bớt lòng chúng ta kiên quyết giúp Nhật Bản theo đuổi cuộc chiến đấu cho đến khi toàn thắng để kiến thiết vùng Đại Đông Á… Chúng ta chỉ phải giữ vững cuộc trị an trong nước và chịu những hy sinh cần thiết để cho quân đội Nhật Bản được chúng ta tận tâm giúp đỡ về mặt tinh thần và vật chất. Nền độc lập của chúng ta có như thế mới vững bền” . Nhưng quân đội Nhật Bản ngày càng bị đẩy lùi trên mọi hướng ở châu Á - Thái Bình Dương trước sự phản công quyết liệt của quân Đồng minh Anh - Mỹ. Quân Anh vào Miến Điện, quân Mỹ chiếm lại Philippines. Giờ tận số của quân phiệt Nhật Bản đang đến gần.
Ngày 5-8-1945, do có nhiều bộ trưởng xin từ chức , nội các Trần Trọng Kim đứng trước nguy cơ tan rã. Để dễ bề hành động, Trần Trọng Kim cùng Nguyễn Duy Quang bàn với Bảo Đại điều Phạm Khắc Hoè đi làm Tổng đốc tỉnh Thanh Hoá, nhưng Phạm Khắc Hoè đã một mực từ chối.
Ngày 6-8-1945, Bảo Đại chấp nhận đơn từ chức của toàn thể nội các Trần Trọng Kim và giao cho Trần Trọng Kim thành lập nội các mới, nhưng tất cả những người được mời, trong đó có những trí thức đang có mặt tại Huế như Tôn Quang Phiệt và Bùi Công Trừng đều không hưởng ứng, ngày 12-8-1945, Trần Trọng Kim đề nghị Bảo Đại phê chuẩn đạo dụ, đổi nội các từ chức thành nội các lâm thời. Mặc dù Nhật đang đại bại ở mặt trận châu Á - Thái Bình Dương và phong trào cách mạng của quần chúng trong nước ngày càng lên mạnh, Bảo Đại vẫn trông chờ vào sự che chở của người Nhật, hy vọng quân đội Nhật sẽ không “khoanh tay ngồi nhìn để cho dân chúng muốn làm chi thì làm” .
Ngày 13-8-1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Ngày 14-8-1945, Nhật cho phép Bảo Đại cử một viên khâm sai để nắm quyền cai trị Nam Kỳ. Nguyên Văn Sâm được trao công việc này. Sau khi đến Sài Gòn nhậm chức (19-8-1945), hành động đầu tiên của Nguyễn Văn Sâm là điều đình với Nhật nhằm xin một số lượng lớn vũ khí để xây dựng lực lượng vũ trang. Yêu cầu đó được người Nhật tại Sài Gòn chấp thuận . Nhưng trước đó, ngày 15-8-1945, Chính phủ Nhật ký giấy đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân Việt Nam bùng nổ. Hy vọng của Bảo Đại “giành độc lập” nhờ vào người Nhật ngày càng tàn lụi.
2- … Đến ý tưởng duy trì chế độ quân chủ với nội các Việt Minh
Trong khi Trần Trọng Kim cùng Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Duy Quang, Phạm Quỳnh muốn “cứu vãn tình thế”, ngăn cản làn sóng của Việt Minh và duy trì chế độ quân chủ, thì Phạm Khắc Hoè và Trần Đình Nam nhận thấy cần phải ngăn chặn việc “lợi dụng Bảo Đại để lừa bịp nhân dân, gây khó khăn cho bước tiến của dân tộc”, nên tích cực xúc tiến vận động Bảo Đại thoái vị. Chiều ngày 15-8-1945, trong cuộc gặp Phạm Khắc Hoè, Trần Đình Nam nêu ý kiến: nên đề nghị với Bảo Đại triệu tập ngay một cuộc họp nội các. Trong cuộc họp này Trần Đình Nam sẽ đặt vấn đề toàn thể nội các và Bảo Đại rút lui, nhường hẳn quyền lại cho Việt Minh.
Tại cuộc họp sáng ngày 16-8-1945 do Bảo Đại chủ trì, Trần Đình Nam nói rõ sự cần thiết phải thắt chặt đoàn kết toàn dân chung quanh tổ chức mạnh nhất, hăng hái nhất là Việt Minh, làm cho nước ngoài không thể giở thủ đoạn “chia để trị”. Ông đề nghị toàn bộ nội các và Bảo Đại rút lui để nhường hẳn quyền bính cho Việt Minh. Trần Trọng Kim kiên quyết phản đối, “lên án Trần Đình Nam dám đòi nhà Vua bỏ ngôi báu”. Luật sư Vũ Văn Hiền phân tích: “Trong tình hình trước mắt, vấn đề quan trọng nhất là phải có một chính phủ “hợp pháp” bảo đảm được trật tự và có thẩm quyền ăn nói để khi Đồng minh vào, họ không thể mượn cớ giữ gìn trật tự mà giúp cho thực dân Pháp quay trở lại. Muốn đạt được mục đích ấy, thì tuy phải giao quyền bính cho Việt Minh, nhưng về mặt hình thức, vẫn phải giữ chế độ quân chủ với nội các Việt Minh thì mới “hợp pháp””.
Với sự thuyết phục của các luật sư Vũ Văn Hiền, Trịnh Đình Thảo và Phan Anh, toàn thể nội các đồng ý giao cho Phạm Khắc Hoè thảo Đạo dụ số 105 ngày 17-8-1945, gồm hai điểm chính: một là, Bảo Đại sẵn sàng giao chính quyền cho Việt Minh và mời các lãnh tụ Việt Minh về Huế thành lập nội các; hai là, vấn đề chính thể sẽ do nhân dân quyết định sau, Bảo Đại cam đoan sẽ làm theo ý chí của nhân dân. Đạo dụ này tạo điều kiện cho Bảo Đại vẫn giữ được ngai vàng mà không phải làm gì cả, nên ông “tỏ ra hào hứng khi hạ bút phê chuẩn” . Đến lúc này, niềm tin của Bảo Đại đối với quân phiệt Nhật Bản đã tiêu tan, nhưng vẫn hy vọng giữ được ngôi vị Hoàng Đế với một nội các của Việt Minh.
Trên cơ sở bàn bạc và thống nhất với Trần Đình Nam, Phạm Khắc Hoè dự thảo một tờ Chiếu kêu gọi động viên toàn dân, trong đó có đoạn viết: “Muốn củng cố nền độc lập của nước nhà và bảo vệ quyền lợi của dân tộc, Trẫm sẵn sàng hy sinh về tất cả các phương diện. Trẫm để hạnh phúc của dân Việt Nam lên trên ngai vàng của Trầm. Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ. Trẫm chắc rằng toàn thể quốc dân cùng một lòng hy sinh như Trẫm…” . Mặc dù Trần Văn Chương và Trần Trọng Kim phản đối với lý do “tả quá, mạnh quá, buộc Hoàng đế một cách chặt quá”, nhưng với sự phân tích của Phan Anh và Hồ Tá Khanh, Bảo Đại đã chấp nhận. Buổi chiều hôm ấy, ông ký bản Chiếu, nhưng vẫn băn khoăn, không biết lãnh tụ của Việt Minh là ai và có đồng ý giữ chính thể quân chủ hay không? Tối hôm đó, Phạm Khắc Hoè tìm gặp Tôn Quang Phiệt kể chuyện vận động Bảo Đại thoái vị và sự phân hoá trong nội các Trần Trọng Kim, đồng thời đề nghị cho biết người đứng đầu Việt Minh là ai? Tôn Quang Phiệt không trả lời, mà chỉ nhấn mạnh một điểm: Nên khuyên Bảo Đại tự nguyện thoái vị, không nên nêu vấn đề Vua và nội các ra nữa.
Ngày 19-8-1945, nhận được tin quần chúng cách mạng giành chính quyền ở Hà Nội, nhưng “với quyết tâm sắt đá nhằm duy trì vị trí lung lay của mình”, Bảo Đại “ra lời kêu gọi dân chúng ủng hộ”. Đối với thế giới, ông nói rằng nhân dân Đông Dương “có khả năng tự quản và đã tập trung toàn bộ sức lực để củng cố nền tảng độc lập của họ”. Với nhân dân Việt Nam, ông yêu cầu hợp tác và nói: “Tôi đã sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho mục đích bảo vệ nền độc lập của Vương quốc và các quyền lợi của nhân dân tôi”. Ngày 20-8-1945, Bảo Đại gửi điện cho Tổng thống Mỹ Truman, Vua Anh George VI, Thống chế Tưởng Giới Thạch và Đại tướng Pháp De Gaulle để tranh thủ sự công nhận đối với vị trí của ông . Nhưng tất cả đều im lặng. Ý tưởng của Bảo Đại về “bảo vệ nền độc lập giành được từ trong tay Nhật” và niềm tin “lãnh tụ Việt Minh sẽ vào Huế thành lập nội các” theo chế độ quân chủ nhanh chóng bị phong trào quần chúng vượt qua. Những động thái trên cho thấy Bảo Đại đã dao động mạnh và chứng tỏ ông có thể thoái vị hoàn toàn khi cần thiết.
3- Và quyết định thoái vị hoàn toàn
Trong khi Bảo Đại vẫn đang trăn trở về việc giữ chế độ quân chủ với một nội các mới của Việt Minh, bão táp của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám dồn dập nổi lên và giành thắng lợi ở nhiều nơi, kể cả thành thị và nông thôn.
Buổi sáng ngày 20-8-1945, tại Việt Nam học xá Hà Nội, các sinh viên đại học dưới sự dẫn dắt của Phan Anh và Tạ Quang Bửu tổ chức một cuộc míttinh quần chúng với danh nghĩa Tổng hội sinh viên. “Họ đưa ra một quyết nghị mạnh mẽ kêu gọi Bảo Đại thoái vị và thành lập một Chính phủ kiểu Cộng hoà dưới sự bảo trợ của Mặt trận Việt Minh, yêu cầu Mặt trận Việt Minh mở các cuộc thảo luận với tất cả các đảng phái chính trị để lập ngay một Chính phủ lâm thời, và cuối cùng là kêu gọi nhân dân và các đảng phái chính trị hãy ủng hộ Chính phủ lâm thời để thực hiện sự độc lập của dân tộc” . Chiều hôm đó, bốn trí thức là Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Hữu Tường đánh một bức điện vào Huế, yêu cầu Bảo Đại thoái vị. Bức điện viết: “Một Chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời đã được thành lập. Chủ tịch là Cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu đức Vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất nền độc lập nước nhà” .
Sức ép đòi Bảo Đại thoái vị ngày càng gia tăng từ nhiều phía. Trong những ngày 19 và 20-8-1945, Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Hồ Chí Minh được dán tại nhiều địa điểm công cộng ở Huế. Không khí cách mạng trong quần chúng cố đô ngày một lên cao. Phạm Khắc Hoè tích cực vận động Bảo Đại nên tự thoái vị, “nhường tất cả quyền bính cho Việt Minh”, giải thích cho Bảo Đại biết về nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc là người đứng đầu Việt Minh, chỉ cho Bảo Đại thấy khi thoái vị “vẫn được an toàn vô sự nhờ có sự che chở của cách mạng”. Bảo Đại nói: “Nếu quả người cầm đầu Việt Minh là “thánh Nguyễn Ái Quốc” thì tôi sẵn sàng thoái vị ngay” . Có được tín hiệu này, Phạm Khắc Hoè tập trung hoàn thành dự thảo chiếu thoái vị cho Bảo Đại ngay trong đêm 20-8-1945.
Sáng ngày 23-8-1945, giữa lúc khí thế cách mạng của quần chúng tại Huế đang ngùn ngụt bốc cao, Thành bộ Việt Minh tỉnh Nguyễn Tri Phương (Thừa Thiên) gửi thư cho Bảo Đại, yêu cầu ông trả lại chính quyền cho nhân dân và hứa sẽ bảo đảm tính mạng, tài sản cho hoàng gia với những điều kiện như sau:
1) Nhà Vua phải giao lại cho chính quyền cách mạng đội lính khố vàng, với tất cả trang bị, vũ khí, đạn dược.
2) Nhà Vua phải báo cho Nhật biết là triều đình đã trao tất cả quyền bính cho chính quyền cách mạng rồi.
3) Nhà Vua phải điện ra lệnh cho tất cả các tỉnh trưởng phải giao chính quyền cho cách mạng tức là cho Việt Minh.
Bức tối hậu thư hạn cho Bảo Đại phải trả lời trước 13 giờ 30 phút ngày 23-8-1945 và cử ông Phạm Khắc Hoè làm liên lạc giữa Bảo Đại và chính quyền cách mạng.
Nhận được bức thư trên, 12 giờ 15 phút trưa ngày 23-8-1945, Bảo Đại chủ trì cuộc họp nội các lâm thời đã rệu rã gồm các ông: Trần Trọng Kim, Trần Văn Chương, Trần Đình Nam, Trịnh Đình Thảo, Vũ Văn Hiền và Nguyễn Hữu Thi, thống nhất chấp nhận những điều kiện của Việt Minh và bàn về dự thảo Chiếu thoái vị. Biết không thể thay đổi được tình thế, Trần Trọng Kim quyết định buông tay với kết luận bằng một giọng “vừa mỉa mai, vừa run sợ”: “Thôi bây giờ mọi việc đều do ông Hoè làm và chịu trách nhiệm, không cần phải có nội các nữa” .
Sáng ngày 24-8-1945, theo lời khuyên của Ngự tiền Văn phòng Đổng lý Phạm Khắc Hoè, nhất là khi biết Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc, Bảo Đại nói: “Ca vaut bien le coup alors” (“Như thế thì thật đáng thoái vị”). Được sự đồng ý của Bảo Đại, Phạm Khắc Hoè gửi ngay cho Uỷ ban Nhân dân cách mạng Bắc Bộ bức điện, toàn văn như sau:
“Khâm phụng Hoàng đế sắc văn phòng tôi trả lời bức điện số 6 DT của quý Uỷ ban rằng: Ngài vui lòng thoái vị ngay và đã sắp đặt sẵn sàng, nhưng vì có trách nhiệm đối với lịch sử và toàn thể quốc dân và muốn Chính phủ mới chính thức ra mắt quốc dân một cách long trọng, ngài mong ông Chủ tịch Chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời gấp về Thuận Hoá để ngài giao chính quyền và ngài muốn ông cho biết ngày làm lễ ấy. Đồng thời Hoàng đế lại sắc văn phòng tôi sao chuyển bức điện văn này cho nhà đương chức Nhật Bản và Ủy ban nhân dân cách mạng tại Thuận Hoá biết” .
4. Lễ thoái vị của Bảo Đại
Sau khi tiếp được bức điện về việc Bảo Đại đồng ý thoái vị, chiều ngày 25-8-1945, Chính phủ lâm thời điện vào Huế: “Hoan nghênh tinh thần dân chủ và đoàn kết, thống nhất của Hoàng đế. Yêu cầu Hoàng Đế hạ dụ chính thức thoái vị để yên lòng dân. Đại biểu Chính phủ lâm thời sắp tới Thuận Hoá” .
Ngày 25-8-1945, phái đoàn Uỷ ban dân tộc giải phóng gồm Trần Huy Liệu (Trưởng đoàn), Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận lên đường vào Huế tiếp nhận việc thoái vị của Bảo Đại. Cùng ngày, tại Hội nghị tư vấn ở điện Kiến Trung, Bảo Đại cho thảo luận về bản Tuyên cáo thoái vị mà Phạm Khắc Hoè đã dự thảo từ trước. Bản Tuyên cáo viết, lúc này “đoàn kết là sống, chia rẽ là chết, tất cả các giai cấp, các đảng phái cho đến cả người Hoàng phái cũng vậy, đều nên hợp nhất mà ủng hộ triệt để Chính phủ Dân chủ Cộng hoà giữ vững nền độc lập của nước nhà”. Đối với cá nhân ông, “sau hai mươi năm ngai vàng bệ ngọc đã biết bao ngậm đắng nuốt cay, từ nay… lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập” .
Trưa ngày 28-8-1945, phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời vào đến Huế. Sáng ngày 29-8-1945, thay mặt cho Bảo Đại, Phạm Khắc Hoè đến đón chào phái đoàn trong cuộc mittinh của nhân dân Huế ở sân vận động. 14 giờ chiều hôm đó, Phạm Khắc Hoè tới trụ sở Ủy ban nhân dân cách mạng trình bày với Phái đoàn đại diện Chính phủ nguyện vọng của Bảo Đại gồm ba điểm:
“1- Đề nghị Chính phủ cách mạng đối xử cho có sự thể với các lăng tẩm, đền miếu của các vua chúa nhà Nguyễn.
2- Đề nghị Chính phủ cách mạng coi những người trong hoàng tộc như những công dân khác, không có phân biệt đối xử.
3- Đối với các quan lại cũ, xin Chính phủ cách mạng cho phép mỗi người tuỳ theo tinh thần và khả năng của mình mà được đóng góp vào công cuộc giành độc lập, thống nhất và xây dựng đất nước”.
Phái đoàn Chính phủ chấp nhận những đề nghị trên và đề ra ba điểm:
“1- Sau khi làm lễ thoái vị, Bảo Đại phải ra khỏi Đại Nội và được hưởng tất cả các quyền tự do dân chủ như mọi công dân khác.
2- Trừ những của cải thật (sự) là của riêng Bảo Đại, Nam Phương và Từ Cung (mẹ Bảo Đại) thì được đưa ra và tự do sử dụng, còn tất cả tài sản của Vua và của triều đình đều thuộc quyền sở hữu của Nhà nước cách mạng.
3- Các lăng tẩm, đền miếu của các vua nhà Nguyễn đều do Nhà nước cách mạng gìn giữ, việc lui tới thờ cúng ở đó được bảo đảm” .
16 giờ 30 phút ngày 29-8-1945, phái đoàn Chính phủ gặp Bảo Đại ở điện Kiến Trung. Bảo Đại bày tỏ sự vui lòng được trao chính quyền lại cho Chính phủ cách mạng do Hồ Chí Minh lãnh đạo, vui lòng nhận ba điểm do phái đoàn đề ra và cảm ơn Chính phủ về chủ trương đối với tôn miểu, lăng tẩm của nhà Nguyễn. Trần Huy Liệu hoan nghênh thái độ của Bảo Đại trong việc thoái vị và nhấn mạnh chính sách của Chính phủ là đoàn kết toàn dân để giữ vững độc lập và xây dựng đất nước. Thời gian tổ chức lễ thoái vị của Bảo Đại được ấn định.
16 giờ chiều ngày 30-8-1945, lễ thoái vị của Bảo Đại, ông vua cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam được tổ chức trọng thể trước lầu Ngọ Môn kinh thành Huế. Hàng vạn nhân dân Thừa Thiên - Huế đến dự. Để có ấn tượng sâu sắc trong lễ thoái vị, thể theo đề nghị của Bảo Đại, phái đoàn đại diện Chính phủ cho phép treo lại cờ quẻ ly lên cột cờ Ngọ Môn.
Mở đầu buổi lễ, Trần Huy Liệu phát biểu về nhiệm vụ của việc Phái đoàn đại diện Chính phủ lâm thời vào nhận sự thoái vị của Bảo Đại; thông báo lễ Độc lập sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 2-9-1945 và Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh sẽ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Ông cũng công bố trước đồng bào Thừa Thiên - Huế danh sách Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Trong lễ phục chỉnh tề - khăn vàng, áo vàng, quần trắng, dày dừa thêu rồng, Bảo Đại xúc động đọc bản Tuyên cáo thoái vị trước đông đảo quần chúng. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời Bảo Đại được nói chuyện trước công chúng, cũng là giờ phút cuối cùng của triều Nguyễn. Cờ quẻ ly, một sản phẩm của chế độ Nhật thuộc ngắn ngủi, được hạ xuống và cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam mới được kéo lên giữa những tràng vỗ tay và tiếng hoan hô như sấm, đan xen bởi những phát súng nổ vang trời chào Quốc kỳ mới của Tổ quốc hồi sinh . Các ông Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận thay mặt Chính phủ lâm thời chấp nhận sự thoái vị của Bảo Đại và tiếp nhận Quốc ấn bằng vàng và thanh gươm trong vỏ nạm ngọc do Bảo Đại chuyển giao cho Chính phủ.
Trần Huy Liệu đọc diễn văn, nêu rõ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của quá trình đấu tranh anh dũng, kiên cường của nhân dân Việt Nam; tuyên bố xoá bỏ chính thể quân chủ ở Huế cũng như trên toàn lãnh thổ Việt Nam; nhấn mạnh chính sách của chính thể dân chủ cộng hoà là đoàn kết mọi tầng lớp quốc dân để giữ nước và dựng nước. Hàng vạn quần chúng đồng thanh hô vang một góc trời: “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Việt Nam dân chủ cộng hoà muôn năm!”. Ông Nguyễn Lương Bằng thay mặt đoàn đại biểu Chính phủ tặng Vĩnh Thuỵ huy hiệu Cờ đỏ sao vàng. Đồng bào dự mittinh hoan nghênh người công dân Vĩnh Thuỵ. Vĩnh Thuỵ tươi cười giơ tay vẫy chào đồng bào .
Hồ Chí Minh nhận xét: “Cách mạng ở đâu thành công cũng phải đổ máu nhiều. Có nước phải chặt đầu vua. Có nước đồng bào chia đảng phái, chém. giết nhau liên tiếp trong bao nhiêu năm. Nước ta, vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết để mưu cầu hạnh phúc chung là nước được hoàn toàn độc lập và chống được giặc xâm lăng, đuổi bọn thực dân tham ác ra ngoài bờ cõi” .
Đánh giá sự kiện Bảo Đại thoái vị, tác phẩm Bản án chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam có viết: “Ngày 30 tháng Tám, Hoàng đế Bảo Đại trịnh trọng tuyên bố từ bỏ tất cả các quyền lợi của ông ta. Sự từ bỏ như vậy là đã “hợp pháp hoá”, theo một số truyền thống ngày nay đã được thừa nhận trên thế giới. Chính quyền cách mạng đã được thừa nhận, hợp pháp hoá một cách vẻ vang nhất bởi sự tham gia cuồng nhiệt của toàn thể nhân dân Việt Nam” . Đó chính là phương thức chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ hàng ngàn năm trên đất nước Việt Nam để chuyển sang một chính thể mới, chính thể cộng hoà dân chủ.

2_thoai_vi.JPG

Cảnh Bảo Đại thoái vị, trao ấn kiếm được tái hiện tại bảo tàng Lịch sử - Cách mạng Thừa Thiên - Huế.

1_Bao_Dai_thoai_vi.JPG
 
  • Like
Reactions: nhi1234
Top Bottom