Taekwondo có 2 trường phái và có 2 tổ chức là ITF và WTF.
A. Quyền pháp ITF :
Bài quyền được gọi là Hyoung hay Tul là một chuỗi tập hợp những đòn thế căn bản được qui định sẵn để tập công thủ mà không cần đối thủ.
Tổ sư Choi Hong Hi (có biệt hiệu là Chang Hon) đã đặt ra hệ thống quyền pháp Chang Hon gồm 20 bài quyền, về sau có những trường phái khác như Soryong hay Sorim có 24 hay 28 bài quyền.
Các bài quyền được đặt tên và qui định động tác cùng ý nghĩa theo lịch sử danh nhân hay kì tích địa phương của Hàn Quốc.
Đặc điểm quyền pháp của ITF :
- Vị trí khởi quyền cũng là vị trí kết thúc.
- Các thế võ được phân biệt rõ ràng, mạch lạc.
- Mỗi thế đánh phải hữu hiệu, phát huy lực đúng cách.
- Các bắp thịt co giãn thích nghi tùy theo từng động tác đòn thế.
- Bài quyền được giảng dạy từ thấp đến cao.
- Đầu, mặt, tay chân, cách vận động, hơi thở phải đồng bộ.
- Các động tác phải nhuần nhuyễn, không gượng ép, gò bó.
Những điều cần ghi nhớ :
- Các động tác tấn công hay phòng ngự đều phải diễn tập thật đúng kỹ thuật.
- Dứt động tác phải thở thật mạnh (dứt động tác mới được thở)
- Ghi nhớ ý nghĩa tên và số động tác của bài quyền.
- Sau khi dứt động tác cuối cùng phải hô lớn tên bài quyền thật mạnh, rõ ràng.
- Không được biểu diễn, phô trương quyền pháp ITF một cách bừa bãi.
- Bài quyền ITF được gọi bằng tên vì mỗi bài có ý nghĩa riêng, ko được gọi theo số thứ tự.
B. Quyền pháp WTF :
Quyền pháp WTF được gọi là Tân Thái Cực Đạo (New Taekwondo) gồm 25 bài quyền, bài quyền được gọi là Poomse.
Các bài quyền WTF được đặt trên nền tảng nguyên lí âm dương nhị khí, ngũ hành, bát quái của triết học Đông phương. Theo đó, Thái cực (Taegeuk) là nguồn gốc của sự sống. Thái cực sinh ra nhị khí là khí âm, khí dương. Âm dương kết hợp với nhau sinh ra tứ tượng tức 4 mùa (Xuân, Hạ, Thu, Đông). Tứ tượng kết hợp với ngũ hành, năm thể chất chính trong vũ trụ (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) sinh bát quái (Palgwe). Bát quái gồm 8 hướng hay 8 hiện tượng phát sinh trong trời đất. Gồm :
- Khảm (Gam) chính Bắc, dương thủy, tượng trưng cho nước.
- Ly (Ri) chính Nam, dương hỏa, tượng trưng cho lửa.
- Chấn (Jin) chính Đông, âm mộc, tượng trưng cho sấm.
- Đoài (Tae) chính Tây, âm kim, tượng trưng cho ao đầm.
- Cấn (Gan) Đông Bắc, dương mộc, tượng trưng cho núi.
- Tốn (Seon) Đông Nam, âm hỏa, tượng trưng cho gió.
- Càn (Keon) Tây Bắc, dương thổ, tượng trưng cho trời.
- Khôn (Gon) Tây Nam, âm thổ, tượng trưng cho đất.
Hệ thống quyền pháp có 8 bài được đặt tên là Thái cực (Taegeuk) và 8 bài kế tiếp được đặt tên là Bát quái (Palgwe) là theo ý nghĩa trên. 9 bài tiếp theo có tên sau :
- Cao Ly quyền (Koryo)
- Kim Cang quyền (Keumgang)
- Thái Bạch Thiên quyền (Taebaek)
- Điền thổ quyền (Pyeongwon)
- Thập tự quyền (Sipjin)
- Địa quyền (Jitae)
- Thiên quyền (Cheonkwon)
- Thủy quyền (Hansoo)
- Vạn tự quyền (Ilyeo)
Việt Nam thuộc hệ thống WTF nên theo quyền pháp WTF. Các bài quyền phân bố cho từng cấp, từng đẳng như sau :
Sơ cấp :
- Cấp 8, đai trắng, bài số 1 - Càn (Keon)
- Cấp 7, đai vàng, bài số 2 - Đoài (Tae)
- Cấp 6, đai xanh, bài số 3 - Ly (Ri)
- Cấp 5, đai xanh, bài số 4 - Chấn (Jin)
- Cấp 4, đai đỏ, bài số 5 - Tốn (Seon)
- Cấp 3, đai đỏ, bài số 6 - Khảm (Gam)
- Cấp 2, đai đỏ, bài số 7 - Cấn (Gan)
- Cấp 1, đai đỏ, bài số 8 - Khôn (Gon)
Cao cấp :
- Nhất đẳng, bài số 9 - Cao Ly quyền (Koryo)
- Nhị đẳng, bài số 10 - Kim Cang quyền (Keumgang)
- Tam đẳng, bài số 11, 12 - Thái Bạch Thiên quyền (Taebak) và Điền thổ quyền (Pyeongwon)
- Tứ đẳng, bài số 13, 14 - Thập tự quyền (Sipjin) và Địa quyền (Jitae)
- Ngũ đẳng, bài số 15 - Thiên quyền (Cheonkwon)
- Lục đẳng, bài số 16 - Thủy quyền (Hansoo)
- Thất đẳng, bài số 17 - Vạn tự quyền (Ilyeo)
8 bài bát quái còn lại chỉ để huấn luyện bổ sung cho môn sinh sơ cấp nhưng hiện nay ít được phổ biến và luyện tập, trong các kì thi lên cấp, lên đẳng, chỉ thi 17 bài này.
Việc thuộc và nhớ nằm lòng 10 bài quyền đối với mình thật khủng khiếp, phải thuộc kĩ, kẻo thầy kiểm tra bất chợt, mình phải biết nó là động tác thứ mấy, trong bài quyền nào để trả lời, nếu không sẽ bị phạt nặng, đai đen mà không nhớ quyền thì tội lớn lắm...hix...