Chào Thongds.
Câu hỏi của em có 2 ý:
1. Tại sao bố Mị chết , Mị không còn ràng buộc gì nữa tại sao Mị lại không đòi tự tử (ăn lá ngón) như lúc bố Mị còn sống
Câu hỏi này đã được thuytt93 trả lời trên kia (khá đầy đủ và anh không có bổ sung gì thêm, chỉ nhắn bạn chú ý viết tiếng Việt có dấu nhé)
2. Sao phần đêm tình mùa xuân thầy lại phân tích ngắn vậy?
Anh chia sẻ sự quan tâm của em về vấn đề này, một luận điểm rất quan trọng không thể thiếu trong nhiều dạng đề ra về tác phẩm Vợ chồng A Phủ (thậm chí, tách riêng câu này cũng có thể "thiết kế" thành một câu hỏi 2 điểm trong cấu trúc đề thi). Tuy nhiên, anh không nghĩ là thầy dạy ngắn, vả chăng chuyện dài hay ngắn không phải lúc nào cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định hiệu quả bài làm (chắc em cũng đồng ý như vậy).
Bên cạnh phần giảng trên lớp, thầy cũng đã cung cấp cho các bạn tài liệu ôn luyện và anh thầy phần này thầy phân tích khá chi tiết. Em có thể tham khảo trong Tài liệu: PHÂN TÍCH SỨC SỐNG TIỀM TÀNG CỦA NHÂN VẬT MỊ
Sau đây là phần trích trong tài liệu (đính kèm bài giảng) liên quan đến việc phân tích Đêm tình mùa xuân:
"Mùa xuân về trên vùng núi cao Tây Bắc có ý nghĩa như một hoàn cảnh điển hình làm gợi dậy ở con người và thiên nhiên sức sống tiềm tàng. Sự sống, cảnh vật và con người như được mùa xuân đánh thức cho bừng tỉnh. Và thời điểm để ngọn lửa ham sống trong lòng Mị bùng lên đã đến. Đấy là “một đêm tình mùa xuân”. Tiếng khèn, tiếng sáo của trai làng gọi bạn tình cứ tha thiết bồi hồi. Tai Mị cứ văng vẳng tiếng sáo. Với Mị, tiếng sáo là biểu tượng lôi cuốn nhất của khát vọng, tình yêu hạnh phúc. “Ngày trước Mị thổi sáo giỏi. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiều người mê”. Cái nồng nàn của đêm xuân lại được tăng lên bởi bữa rượu ngày tết, trong tiếng chiêng đánh ầm ĩ và người lên đồng, người hát, “Ngày tết, Mị uống rượu, Mị lén lấy hũ rượu cứ uống ực từng bát rồi say”. Cách uống rượu của Mị như báo hiệu một hành động nổi loạn của nhân vật. Và chính trong trạng thái dễ bị kích thích bởi men rượu, bởi những âm thanh náo động của bữa cơm cúng ma trong nhà Thống Lý Pá Tra và tiếng gọi lôi cuốn của tiếng sáo gọi bạn tình, Mị đã vượt ra khỏi con người thể xác, khỏi tâm trạng thờ ơ nguội lạnh bấy lâu nay của lòng mình, để hướng tới khát vọng đẹp đẽ.
1. Tâm lý 1:
Dấu hiệu đầu tiên là Mị sống lại với những kỉ niệm êm đẹp ngày trước, những ngày hạnh phúc, êm đềm vô tư của tuổi trẻ với những bữa rượu bên bếp lửa ấm cúng, với những tiếng sáo dìu dặt của trai làng bao đêm theo Mị hết núi này đến núi khác.
2. Tâm lý 2:
Tiến thêm một bước nữa, Mị trở lại niềm vui sống trong chốc lát. ở đây dường như Tô Hoài đã hoá thân vào nhân vật để trần thuật, suy nghĩ tạo nên thứ ngôn ngữ nửa (bán) trực tiếp rất hấp dẫn: “Mị thấy phơi phới trở lại.Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi”....
3. Tâm lý 3:
Lòng ham sống của Mị trỗi dậy mãnh liệt không thể dập tắt được rồi! Ý nghĩ tiếp theo của Mị là “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay!”. Phản ứng ấy chứng tỏ Mị đã ý thức được hoàn cảnh đau khổ tủi nhục triền miên của đời Mị hiện tại. Dường như Mị không muốn chấp nhận cuộc sống lầm than tủi nhục, vô nghĩa như kiếp sống của một con vật nữa. Trong khi đó, tiếng sáo gọi bạn tình, biểu tượng của sự sống, hạnh phúc tình yêu tự do bấy lâu nay Mị dường như đã quên rồi ngân lên thôi thúc. Tiếng sáo đó cũng là hiện thân tâm hồn Mị cứ theo sát từng bước diễn biến tâm trạng của cô. Nó chính là ngọn gió trực tiếp làm thổi bùng lên ngọn lửa ham sống trong lòng Mị
Hành động: Sức sống trỗi dậy của tâm hồn Mị như những đợt sống ào ạt, đợt sau mạnh mẽ hơn đợt trước. Từ những sục sôi trong tâm trí, Mị đã đi đến hành động.
Hành động 1: “Mị đến góc nhà lấy ống mỡ xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng”. Có thể xem đây là một hành động thức tỉnh. Phải chăng Mị đã thắp lại ngọn lửa của lòng ham sống soi tỏ vào hiện tại để tìm một lối thoát cho tương lai?
Hành động 2: Và hành động này thúc đẩy hành động khác tiếp theo như một phản ứng dây chuyền không thể nào ngắn lại được nữa. Hình như không đếm xỉa gì đến những xiềng xích tàn bạo của nhà Thống Lý Pá Tra, Mị đã tự mình hành động như một người tự do, đi theo tiếng gọi của lòng mình. “Mị quấn lại tóc với tay lấy cái váy hoa sửa soạn đi chơi ngày tết”. Giữa lúc lòng ham sống trỗi dậy một cách mạnh liệt nhất thì cũng là lúc Mị bị vùi dập một cách phũ phàng nhất. A Sử, chồng Mị bước vào thản nhiên trói đứng Mị vào cột nhà. Suốt đêm bị trói ấy, Mị đã sống trong sự giằng xé mạnh mẽ giữa niềm khát khao sống, khát khao hạnh phúc cháy bỏng và thực tại khắc nghiệt lạnh lùng. “Như không biết mình đang bị trói, Mị vẫn thả hồn lâng lâng theo tiếng tiếng sáo của tuổi trẻ và tình yêu”. Quên những đau đớn về thể xác, “Mị đã vùng bước đi”. Điều đó chứng tỏ sức sống tiềm tàng trong con người Mị dữ dội biết nhường nào."
Chúc em ôn tập tốt.
Thân ái