CLB lịch sử VÌ SAO SỬ VIỆT?

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Không phải bây giờ, chúng ta mới lên tiếng về “vấn nạn quên sử trong người trẻ”. Thực tế vấn đề này đã được nói từ 3 năm, 5 năm, thậm chí là 10 năm trước. Kết quả, bao năm qua chúng ta làm gì và được gì? Phải chăng cốt lõi đã không thay đổi, mà luôn ở tình cảnh "rượu cũ bình mới."
1. Phải thay đổi quan điểm về môn lịch sử trong xã hội
Một dân tộc sẽ là con số 0 nếu mất đi lịch sử của mình. Lịch sử không chỉ dạy dữ kiện, đó còn là nơi nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Đọc về lịch sử, chúng ta gặp chính tổ tiên ta ngày trước, những con người đã anh hùng như thế nào, đã giữ lấy Tổ Quốc này ra sao, để qua đó ta làm những việc xứng đáng với tổ tiên. Lịch sử mang trong nó những vận mệnh lớn lao, những chất chứa cả mấy nghìn năm để dân tộc này vững bước đi tới tương lai. Chỉ đến khi người làm giáo dục thoát ra khỏi suy nghĩ “Môn lịch sử”, để bước hẳn lên “Giá trị lịch sử”, thì đấy là lúc học sinh mới tìm về được cái chân chính của hai chữ Lịch Sử.
Ngay tại thời điểm chúng ta đang sống, đã là lịch sử rồi, và lịch sử hôm nay sẽ định hình nên chính con cháu chúng ta ngày mai. Ước mơ chúng ta vẫn muốn con cháu ta tốt hơn, đẹp hơn cha ông của mình. Vậy thì bí quyết nơi nào để vạch đường dẫn lối cho con cháu đi đến mặt trời? Lịch sử ! Lịch sử là bài học của tiền nhân. Cả một kho tàng trí thức của dân tộc nằm ở lịch sử. Bao nhiêu lần dân ta mất nước? Bao nhiêu lần dân ta vùng lên? Bao nhiêu lần kinh tế hùng mạnh? Bao nhiêu lần đói nghèo, giặc nổi lên như ong? Cùng nhau giải đáp, đi tìm cốt lõi, lấy đúng bài học ấy, tránh xa những cái xấu, phát huy những cái tốt, và ta có những bài học cho chính hôm nay.
Lịch sử vận động theo hình xoáy trôn ốc, nên những gì của ngày qua, thường sẽ gặp lại ở hiện tại. Nhìn vào những giá trị đó, liệu chăng các điểm 9, điểm 10 thuộc lòng lại quan trọng hơn các bài học ông cha?
Người trẻ cũng cần phải nhớ rằng, các môn học chỉ là cây cầu dẫn đường các em vào cánh cửa đại học, cao đẳng. Nhưng ra đời, những môn học chỉ còn là chuyện ký ức. Chỉ có duy nhất một môn học vẫn ở lại bên các em, dặn dò cho các em những bài học và những chiêm nghiệm sống, đấy là Lịch Sử (kể cả dạy làm người, dạy làm giàu.)
Lịch sử là sứ giả của quá khứ đến với hiện tại và dặn dò về tương lai. Người hiểu về lịch sử là hiểu được quy luật vận động cuộc sống. Gián tiếp cho các em các kỹ năng mềm trong mọi hoạt động và mối quan hệ. Trong một xã hội lạm phát bằng cấp, thì kỹ năng mềm là thế đứng. Khi ra đời, chính sự hiểu biết về lịch sử trong các cuộc nói chuyện đối tác, nhưng lần luận đàm, sẽ giúp con người nhận được sự tôn trọng về người có văn hóa.
2. Phải khiến học sinh yêu quý môn lịch sử
Vào tháng 7/2015, khi được phóng viên hỏi câu chuyện liên quan đến môn lịch sử, GS.TS. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã trả lời rằng: “Bây giờ phải là câu hỏi: Lịch sử là một thứ rất hay, dạy cho chúng ta nhiều điều, đứa đầy sự ly kỳ hấp dẫn, lẽ ra chúng ta phải thích mới đúng, nhưng tại sao lại thành ra không thích?” Theo ông Giang, trả lời câu hỏi “Tại sao lại không thích?” sẽ ra căn cốt của vấn đề. Hãy đi sâu vào ý của GS.TS Vũ Minh Giang, rõ ràng không có một môn học nào trên ngôi trường phổ thông lại hay như môn lịch sử. Vì sao?
Vì trong đó có ân oán tình thù, có mưa rơi máu chảy, có âm mưu tranh đoạt, có chiến tranh vệ quốc. Tất cả cùng nhau hòa quyện lại thành một môn khoa học ly kỳ. Lịch sử không “giả” như Văn, không “xa” như Địa, không “khô” như Toán, không “khó” như Lý, không “khoai” như Hóa. Lịch sử như một bộ phim. Nhưng chúng ta đối xử thế nào để khiến cho học sinh Việt Nam lại không thích bộ phim ấy? Chúng ta đã ép các em phải “học thuộc” các dữ kiện biên niên. Kết quả: không phải chán, không phải thờ ơ, mà là “sợ”. Người làm giáo dục cần nhìn rõ một thực tế là học sinh Việt Nam đang nhìn lịch sử như một môn học “hãi hùng”. Một môn học không phải truyền thụ cho các em những câu chuyện hay về đất nước, lòng tự hào dân tộc, mà đang bắt các em phải học thuộc cả 4 trang A4 chỉ để đi tường thuật lại ngày đó giờ đó ta đã hạ được mấy cái máy bay địch, thì rõ ràng đó là điều không đúng.
Vậy ta cần làm những điều gì? Trả lời: Hãy đưa lịch sử vào trong cuộc sống.
Lịch sử có ở quanh ta, từ sân đình, đến một địa danh, một tên đường. Chúng ta đang thiếu sự liên kết của lịch sử với cuộc sống, và khiến cho học sinh thờ ơ đi.
Tại sao không phải Hai Bà Trưng, Bà Triệu hay Mai Thúc Loan, mà chính Ngô Quyền mới là người chấm dứt 1000 năm Bắc Thuộc? Đơn giản là vì những vị anh hùng khác không có được nền tảng chính trị như Ngô Quyền. Trước khi giành chiến thắng ở trận tiền, ông đã được dòng họ Khúc mà cụ thể là Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo…đặt nền móng tự chủ. Ở đây, người dạy lịch sử khôn khéo sẽ nói tiếp, bài học về dòng họ Khúc của môn lịch sử cũng có thể dùng cho Toán, Lý, Hóa. Các em làm bài không được, các em quên đi công thức, các em lên lớp 11 học kém cũng vì nền tảng kiến thức cơ bản của lớp 10 không có. Nôm na là “mất gốc”. Ngô Quyền thắng sông Bạch Đằng, chấm dứt 1000 năm Bắc Thuộc cũng chính nhờ cái nền tảng của họ Khúc. Vậy nếu dở Toán Lý thì phải học lại cái căn bản. Đó là bài học lịch sử gửi về cho Toán, Lý.
Câu chuyện về khởi nghĩa Lam Sơn cũng là một bài học quý. Lê Lợi khi dựng cờ khởi nghĩa ở Thanh Hóa thường lao lên phía trước để sớm đến Thăng Long. Kết quả, ngài thất bại liên tục. Nhưng nghe lời Nguyễn Chích lùi lại về Nghệ An, thế là lật ngược thế cờ, mở ra các chiến thắng cho đến ngày độc lập. Bài học được đưa ra “Lùi một bước biển rộng trời cao”. Sống trên đời cũng vậy, biết lùi đôi khi tốt hơn nhiều, lùi để tiến lại mạnh hơn. Nếu chúng ta dạy như thế, học sinh sao không yêu lịch sử? Hãy cho các em được sống cùng với lịch sử, tư duy cùng lịch sử, và các em sẽ biết yêu lịch sử chứ đừng gượng ép các em.
Bao nhiêu lần tôi đứng trước các câu hỏi phỏng vấn về chuyện người trẻ quên lịch sử Việt Nam, tôi đều phủ nhận và nói trách nhiệm không phải của các em. Trong lòng người trẻ là những hạt mầm của tình yêu lịch sử, nhưng đã không được vun vén đúng cách.
3. Phải thay đổi cách dạy Sử của giáo viên trong trường học
Hiện trạng dạy và học lịch sử của nền giáo dục nước nhà có một kịch bản rất quen thuộc đã thành nếp, đó là cảnh khá nhiều Giáo viên dạy Sử bước vào và nói “Các em, lật vở ra, kiểm tra bài cũ". Học sinh bên dưới tụng như vẹt và khấn cầu đừng đến lượt mình. Không nhiều giáo viên có thể rung đùi kể chuyện, dạy mà như không dạy. Có những giáo viên Sử khiến học sinh tròn mắt say mê, nhưng họ thuộc về thiểu số.
Các đề thi, các bài kiểm tra luôn là kể diễn biến, kết quả, ý nghĩa của một trận đánh. Tất cả học sinh phổ thông ở ta đều thiếu một điều cực quan trọng: Tư duy lịch sử. Điều đó rõ hơn nếu so sánh với các nước khác. Tôi từng đọc 1 chuyện liên quan đến đề thi lịch sử của Vương Quốc Anh : “Nếu bạn là Napoleon, bạn sẽ làm gì để không thua trận Waterloo?”. Còn chúng ta sẽ dạy gì? “Trận Waterloo, công tước xứ Wellington đã loại khỏi vòng chiến mấy nghìn quân Pháp?” Chúng ta yêu cầu học sinh thống kê thành tích của một vị tướng. Nhưng đổi lại nếu ta hỏi: “Theo em, 10 vị tướng tài năng nhất của nhân loại là những ai?” thì chắc chắn học sinh sẽ hưởng ứng nhiệt liệt. Giáo dục đã quên mất rằng trong lịch sử có đầy đủ phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu khoa học, và các loại hình tư duy: tổng hợp, phân tích, tranh luận và phản biện.
Được mấy ai cho các em những logic, chiêm nghiệm?
Quá thiếu câu chuyện trong giảng dạy cũng là một vấn đề lớn trong giáo dục hiện nay của môn lịch sử. Trong khi chính các câu chuyện mới là điều khiến học sinh yêu thích môn lịch sử.
Hãy kể các câu chuyện và tạo ra hứng thú cho học sinh, hơn là đi thống kê các báo cáo về quân số thiệt hại.
Xin kể hầu một câu chuyện lịch sử như sau: “Năm 1442, vua Lê Thái Tông băng hà trong vụ án Lệ Chi Viên. Nguyễn Trãi và gia tộc bị “tru di tam tộc”. Trước khi mất, Lê Thái Tông sinh ra 4 người con, đấy là Nghi Dân, Bang Cơ, Khắc Xương và Tư Thành. Khi 4 người con ấy của Lê Thái Tông đi vào cuộc tranh giành thiên hạ, 4 người đã tạo nên cuộc tranh giành ngôi vương thảm khốc nhất lịch sử phong kiến Việt Nam: Bang Cơ lên ngôi, Nghi Dân giết, Tư Thành lên ngôi, Khắc Xương tự sát. Đó là câu chuyện về “Tứ vương đoạt đích” của Việt Nam.” Đọc lên những dòng ấy, có phải chúng ta “gai cả người” lên? Nhưng có ai kể cho các em nghe các chuyện này? Dù cho chính các câu chuyện như thế mới là cái dẫn đường các em tới cái đam mê, chứ không phải là bắt các em lên kiểm tra bài cũ và kể ra ngày sinh tháng đẻ của Lê Thái Tông hay Lê Thánh Tông? Lịch sử là câu chuyện, không phải là con số thống kê. Chúng ta đang dạy sử theo cách bắt con em học thuộc sử như học công thức vật lý. Điều này không khác gì chuyện bạn đi học thuộc công thức tính động năng dài tới 4 hàng cả.
Cuối cùng, thiếu thực địa là một vấn đề lớn nữa của cách dạy lịch sử trong nền giáo dục hiện nay. Một đất nước có bề dày lịch sử cũng như rất nhiều chứng tích chiến tranh còn sót lại như nước ta, mà lại thiếu thực địa là quá vô lý. Những năm tháng phổ thông ở Quảng Bình, bên cạnh trường tôi là di tích Lũy Thầy, biểu trưng cho những năm tháng Trịnh – Nguyễn phân tranh. Tôi chứng kiến phế tích Tam Tòa trơ xương cùng tuế nguyệt. Những địa điểm cảm khái người thập phương, trên đó khắc rõ hai chữ lịch sử. Nhưng không ai chỉ cho chúng tôi để biết, để nhận thức đó là lịch sử. Rồi còn đó là những tiết học ngoại khóa đưa học sinh đến viện bảo tàng, cũng chẳng tồn tại. Những lăng mộ, đền đài, nơi đó có hồn của tiền nhân. Xin hỏi hậu nhân, bao kẻ cảm được?
4. Phải có sự vào cuộc rộng khắp của cả xã hội
Luận về vĩ mô, cơ quan quản lý đang quá tập trung cho nghiên cứu, khảo cổ, mà bỏ lỏng đi “bình dân Sử học”. Chúng ta quên mất rằng xã hội còn nhiều lo toan, không phải ai cũng là người nghiên cứu sử. Các em học sinh – sinh viên còn phải học những môn Toán Lý Hóa hay các môn chuyên ngành đại học. Các nhân viên văn phòng, những kỹ sư công trường, những công nhân quét rác vẫn còn đó các tất tả cơm áo gạo tiền, chứ không ai cầm lên các cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư dày 1059 trang để “tụng” cả. Điều đó cho thấy, đang có một khoảng trống nhất định giữa cơ quan hàn lâm nghiên cứu sử và một cơ quan khác có trách nhiệm làm cây cầu đưa lịch sử vào trong cuộc sống.
Trách nhiệm của người nghiên cứu là đi sâu khai phá các vấn đề lịch sử, dịch thuật, khảo cổ. Nhưng trách nhiệm đem sử vào trong cuộc sống thì ai làm? Đâu phải là trách nhiệm của phía hàn lâm. Rõ ràng, xã hội Việt Nam đang thiếu những đơn vị ở mảng này, và cũng là một trong những lý do chính cho việc học sinh và người trẻ thờ ơ với Sử Việt. Và rồi khi xuất hiện những người trẻ “phá đảo” đi các con đường mới, con đường lạ, thì dẫn đến tình trạng tranh cãi, chửi bới, sỉ nhục nhau trong nội bộ của một cộng đồng quan tâm đến Sử Việt. Nhưng những người có tiếng nói đã không ở đó. Nhiệm vụ vì thế cần có sự vào cuộc của khắp cả xã hội.
Để đi vào đời sống, cần đi từ những cái gần gũi nhất không chỉ làm sách, làm báo, mà còn game show, game card, đến âm nhạc, MV, điện ảnh. Hãy nhìn cái cách mà nước láng giềng Trung Quốc đã làm phim với Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hán Sở tranh hùng, Tùy Đường diễn nghĩa, Xuân Thu Chiến Quốc… Sự hấp dẫn của các bộ phim này khiến người trẻ không muốn yêu Sử cũng phải yêu. Lịch Sử Việt Nam ta có cả một kho tàng câu chuyện, bao nhiêu chuyện tình, bao nhiêu âm mưu đấu đá. Chúng ta có một nguồn nguyên liệu, chất liệu làm phim phải nói là ngồn ngộn để cho ra các bộ phim kinh điển. Thế mà lại bỏ qua, không khai thác hoặc sợ hãi lảng tránh đi cho an toàn.
Thôi thì kết luận vậy:
Vấn đề về Sử Việt không phải là trận đánh của riêng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Đây là một trận chiến rộng lớn, nhưng kết quả là một khung cảnh hoang tàn, với giáo mác, cờ gãy, là sự thất trận trên tất cả mặt trận của mọi ban ngành Văn hoá của cả đất nước tự hào 4000 năm lịch sử này.
//


Nguồn: dung phan
 
Top Bottom