CLB lịch sử VỀ VỊ TRÍ CỦA MÔN LỊCH SỬ TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Đây là bài phát biểu ấn tượng nhất, sâu sắc nhất của GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc gây nên sự chú ý và tâm đắc của các đại biểu tại Đại hội VII sáng hôm nay 30/11/2015.
VỀ VỊ TRÍ CỦA MÔN LỊCH SỬ
TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc
(Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)
Sau khi nhận được tâm thư của đại diện hàng trăm giáo viên dạy Lịch sử ở các trường phổ thông trên phạm vi toàn quốc (do thầy giáo Trần Trung Hiếu, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An tập hợp và soạn thảo), cùng với những kiến nghị sục sôi của các hội Sử học địa phương và chuyên ngành, đặc biệt sau Hội thảo Tích hợp giáo dục Lịch sử, giáo dục Quốc phòng - An ninh và giáo dục Đạo đức - Công dân trong môn học Công dân với Tổ quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội ngày 3 tháng 11 năm 2015, nhận thấy vấn đề đã trở nên vô cùng nghiêm trọng, Thường vụ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam quyết định tổ chức Hội thảo khoa học Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông để chính thức góp ý cho chủ trương mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Văn phòng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã gửi đến tất cả những người đăng ký viết báo cáo hay tham gia phát biểu các văn bản:Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (Dự thảo); Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hộivề đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quyết nghị số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủphê duyệt đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thôngvà bài viết Cơ sở xác định cấu trúc và nội dung môn học Công dân với Tổ quốc trong chương trình giáo dục phổ thông mới của Ban Xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Trước khi đi vào trình bày nội dung các tham luận và thảo luận, Hội thảo đã mời đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và đại diện Ban Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể phát biểu giải thích rõ thêm quan điểm của Bộ về giáo dục tích hợp và vai trò, vị trí của môn Lịch sử trong giáo dục tích hợp.
Hội thảo đã nghe trình bày 11 tham luận:
- Dạy môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông để nâng cao nhân cách lòng yêu nước, góp phần to lớn phòng chống có hiệu quả chiến lược “diễn biến hòa bình” và âm mưu xâm phạm chủ quyền đất nước của các thế lực thù địch của Thượng tướng, PGS.TS Võ Tiến Trung (Ủy viên BCHTW Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng).
- Trả lại vị thế môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông Việt Nam của GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam).
- Vị trí của môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông: Hiện trạng và giải pháp của GS Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội).
- Lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vẫn chưa được đưa vào sách giáo khoa lịch sử phổ thông của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam).
- Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân ta phải biết sử ta”, môn Lịch sử ở trung học phổ thông phải là môn bắt buộc, độc lập của PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội).
- Bàn về “số phận” môn Lịch sử trong dự thảo chương trình phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục Đào tạo của GS.TS Trần Thị Vinh (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội).
- Lịch sử là môn học cốt lõi của các môn học trong đổi mới sách giáo khoa trung học phổ thông của Thiếu tướng, TS.NGND Nguyễn Thiện Minh (Vụ trưởng vụ Giáo dục Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo).
- Bàn về dự thảo chương trình giáo dục tổng thể và vị trí môn lịch sử của PGS.TS Vũ Quang Hiển (Đại học Quốc gia Hà Nội).
- Góp thêm một ý kiến về đề án giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi được công bố chính thức của PGS.TS Hà Thị Thu Thủy (Đại học Sư phạm Thái Nguyên).
-Môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Những bất cập và kiến nghị của tập thể Khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
-Dù làm nghề gì cũng phải học, phải biết lịch sử của GS.TS Đỗ Thanh Bình (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội).
Ngoài ra còn 9 tham luận không có điều kiện trình bày tại hội trường, nhưng cũng đã được tập hợp và in trong Kỷ yếu của Hội thảo. Đó là các tham luận của GS.TS Nguyễn Thị Côi (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), TS Tưởng Phi Ngọ (Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh), TS Trần Vân Anh (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội), TS Nguyễn Văn Dũng (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2), PGS.TS Ngô Minh Oanh (Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh), TS Hồ Hữu Nhựt (Hội Sử học thành phố Hồ Chí Minh), PGS.TS Kiều Thế Hưng (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), TS Nguyễn Văn Sơn (Hội Sử học Hà Nội) và một bài khác của Thượng tướng, PGS.TS Võ Tiến Trung (Học viện Quốc phòng).
Có khoảng 50 vị đại biểu đăng ký phát biểu, nhưng do không đủ thời gian nên chỉ mời được các vị TS Nguyễn Vinh Hiển (Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), GS.TS Đinh Quang Báo (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội), GS Bùi Đình Thanh (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), TS Tưởng Phi Ngọ, TS Nguyễn Thanh Tiến, PGS.TS Ngô Minh Oanh (Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh), PGS.TS Đinh Quang Hải (Viện trưởng Viện Sử học), ông Tạ Ngọc Trí (Ban Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể), thầy giáo Trần Trung Hiếu (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) và cô giáo Nguyễn Thị Minh Hải (Trường THPT chuyên tỉnh Vĩnh Phúc).
Trên cơ sở các báo cáo tham luận, các ý kiến phát biểu và thảo luận, GS.VS.NGND Phan Huy Lê tổng kết Hội thảo, tập trung vào 5 điểm:
- Những năm gần đây, giáo dục môn Lịch sử trong trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông sa sút nhiều, gây nỗi lo âu trong xã hội, tuy nhiên phần lớn số học sinhquay lưng lại cách dạy và học môn Lịch sử, chứ không phải quay lưng lại với môn Lịch sử. Muốn khôi phục chất lượng giáo dục môn Lịch sử, cần đổi mới căn bản và toàn diện cả hệ thống giáo dục môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông.
- Tích hợp là một xu hướng khoa học của nền giáo dục hiện đại trên thế giới. Nói chung nên tích hợp cao ở các lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp trên. Cấp Tiểu học, tích hợp môn lịch sử trong các môn Cuộc sống quanh ta và Tìm hiểu xã hội là có cơ sở khoa học và Hội nghị ủng hộ phương án tích hợp này của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Theo Chương trình mới của Bộ Giáo dục và đào tạo, môn Lịch sử lại tiếp tục tích hợp trong môn Khoa học xã hội ở cấp Trung học cơ sở và Công dân với Tổ quốcở cấp Trung học phổ thông là không thỏa đáng. Riêng môn Công dân với Tổ quốc tích hợp từ ba phân môn: Đạo đức- Công dân, Quốc phòng- An ninh vàLịch sử là hết sức tùy tiện và hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
- Từ hai môn tích hợp Khoa học xã hội và Công dân với Tổ quốc, môn Lịch sử đã bị xé nhỏ, tích hợp tùy tiện vào hai môn kia và trên thực tế môn Lịch sử đã bị xóa sổ với vị thế và yêu cầu của một môn học trong tính hệ thống và toàn diện của nó. Hội nghị đã phân tích và cảnh báo những hậu quả khó lường khi xóa bỏ môn Lịch sử, đặc biệt lịch sử dân tộc, trong nền giáo dục phổ thông. Lịch sử là môn nền tảng của khoa học xã hội và nhân văn, là cơ sở quan trọng bậc nhất để trang bị một hệ thống kiến thức về cội nguồn dân tộc, về các thành quả xây dựng và bảo vệ đất nước, về các giá trị tiêu biểu của lịch sử và văn hóa dân tộc và nhân loại; để bồi dưỡng các giá trị của truyền thống dân tộc, nhất là chủ nghĩa yêu nước, ý chí độc lập tự cường, tinh thần nhân ái…; từ đó xây dựng phẩm chất và bản lĩnh con người Việt Nam. Chương trình giáo dục của hầu hết các nước trên thế giới đều coi môn lịch sử, nhất là Quốc sử, là một trong những môn học cơ bản, cốt lõi của một nền giáo dục tiến bộ. Xóa bỏ một môn học như vậy là tạo nên những lổ hổng, những khoảng trống rất nguy hiểm trong nền giáo dục phổ thông, ảnh hướng rất lớn đến nhiệm vụ đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân, những nguồn nhân lực xây dựng và bảo vệ đất nước trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hội thảo kiến nghị cần xác định môn Lịch sử là một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp Trung học cơ sở đến cấp Trung học phổ thông.
-Mặc dù đã nhiều lần kiến nghị, nhưng đến nay sách giáo khoa Lịch sử, Địa lý vẫn hoàn toàn chưa đề cập đến lịch sử xác lập, thực thi và đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.Hội nghị khẩn thiết kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có trách nhiệm phải bổ sung ngay nội dung về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong sách giáo khoa Lịch sử phổ thông.
Đây là Hội thảo khoa học được chuẩn bị công phu, tranh thủ sự đóng góp trí tuệ và sự thống nhất tuyệt đối của các nhà Sử học và chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn liên quan. Tiếc rằng một số vị quan chức đứng đầu của ngành giáo dục đã có phản ứng rất tiêu cực tất cả các báo cáo và kết luận của Hội thảo.
Trước khi Hội thảo được tổ chức, ngay từ chiều ngày 3 tháng 11 năm 2015, tổng kết Hội thảo triển khai môn học Công dân với Tổ quốc ông Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định một cách dứt khoát rằng “con thuyền đã dời bến, nên những đóng góp trong Hội thảo hôm nay chỉ để tham khảo” và cuối buổi Hội thảo GS Phan Huy Lê đã nghiêm khắc nhắc nhở ông Thứ trưởng rằng như vậy là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từ chối tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học.
Phát biểu cuối cùng tại Hội thảo khoa học ngày 15 tháng 11 của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắc đi nhắc lại rằng Bộ đã bị oan, bị hiểu nhầm, chứ trong chương trình giáo dục tích hợp Bộ đã rất đề cao môn Sử?.
Ngày 16 tháng 11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo vẫn tiếp tục phớt lờ kiến nghị của cộng đồng khoa học và phản biện gay gắt của xã hội.
Sáng ngày 17 tháng 10, Thứ trưởngBộ Giáo dục và Đào tạo, trong buổi giao ban lãnh đạo các cơ quan báo chí tại Ban Tuyên giáo Trung ương, tuy thừa nhận trong bản dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã trình bày chưa rõ ràng, nhưng lại lấy đó làm lý do để đổ lỗi cho các nhà khoa học hiểu lầm Bộ Giáo dục Đào tạo và gây ra “xôn xao dư luận”?
Đúng là trong bản dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có nhiều chỗ trình bày chưa rõ ràng, nhưng cái chưa rõ ràng lại nằm ở chỗ khác, còn việc chia môn Lịch sử ra từng mẩu nhỏ đểtích hợp một cách tùy tiện thì dù có được giải thích như thế nào thì cũng không dấu nổi một thực tế là đã loại bỏmôn Lịch sử với tư cách là một môn khoa học.Các vị đã đánh lận giữa kiến thức lịch sử với khoa học lịch sử, mà giáo dục lịch sử trong nhà trường dù là cấp học nào thì cũng phải cung cấp cho học sinh nhận thức khoa học về lịch sử dân tộc, lịch sử nhân loại, chứ không phải là nhồi nhét kiến thức. Sử học gắn chặt với chính trị, nhưng năng lực phục vụ chính trị của Sử học lại nằm ở tính khách quan, khoa học của nó. Sự yếu kém của sách giáo khoa lịch sử phổ thông đang lưu hành chính là do quá chú trọng đến kiến thức lịch sử, đặc biệt là kiến thức lịch sử phục vụ tuyên truyền chính trị, mà ít quan tâm đến Lịch sử với tư cách là một môn khoa học trong tính hệ thống và toàn diện. Đây là vấn đề lý ra cần phải được rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc thì các vịlại cố tình lẩn tránh và đổ lỗi cho giới Sử học.
Bất chấp sự phản đối của toàn xã hội, những ngày 27, 28, 29 tháng 11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời triển khai chương trình tập huấn môn học tích hợp Công dân với Tổ quốctại Thanh Hóa cho 106 giáo viên và môn học tích hợp Khoa học xã hội tại Thừa Thiên Huế cho 150 giáo viên Lịch sử, Địa lý.
Cũng vào thời điểm này, ông Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội khẳng định“kể cả môn Lịch sử có còn hay không, đó cũng không phải là mục tiêu của một nền giáo dục”.Phải chỉ ra một cách rõ ràng rằng không có một nền giáo dục nào trên thế giới lấy môn Lịch sử làm mục tiêu cả, nhưng cũng không có nền giáo dục tiên tiến nào trên thế giới lại không lấy môn Lịch sử làm phương tiện cơ bản và hữu hiệu để đạt tới mục tiêu giáo dụccủa họ. Trong lịch sử của nền giáo dục cách mạng 70 năm qua, cũng có những thời kỳ môn Lịch sử được đặt đúng vị trí và đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu đào tạo con người Việt Nam, nhưng nhưtrong thời điểm hiện nay,môn Lịch sử đang bịđẩy đến đường cùng, ngõ cụt, thì nó lấy đâu ra sức lực để phục vụ mục tiêu của nền giáo dục. Vấn đề vô cùng bức thiết hiện nay chính là phải đặt lại, đặt đúng vị trí vốn có của môn Lịch sử với tư cách là một môn khoa học cơ bản và trụ cột để thực hiện mục tiêu trong chương trình giáo dục phổ thông mới, chứ không phải là băm nát nó ra và chế biến thành“món xào hảo hạng” hay “tích hợp một cách mù quáng” nhưngôn từ của hai vị lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Ủy banVăn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội.
May mà Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã vô cùng sáng suốt khi có đến 448/456 vị bỏ phiếu tán thành việc giữ môn Lịch sử là môn học độc lập trong chương trình sách giáo khoa mới (chiếm 98,25% số người có mặt), trong khi chỉ có 6/456 vị không tán thành (chiếm 1,31%) và 2/456 vị không biểu quyết (chiếm 0,44%). Đây là thắng lợi tuyệt vời của lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm, không chỉđối với vận mệnh của môn Lịch sử, mà còn cả tương lai phát triển của nền giáo dục đấtnước.Thắng lợi này là thắng lợi của tinh thần đoàn kết, tận tâm, tận lực vì nghĩa cả của cộng đồng các nhà nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử, từ các bậc nguyên lão, các chuyên gia đầu ngành, các GS, PGS, TS, NGND, NGUT, cho đến các thầy cô giáo vừa mới vào nghề; có sự sẻ chia của chuyên gia các ngành khoa học liên quan; được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của toàn xã hội và của các nhà Việt Nam học ở nhiều nước trên thế giới.Thắng lợi này đã khẳng định một cách mạnh mẽ niềm tin và sự ủy thác cao cả của Đảng và Nhà nước, của Nhân dân và Chế độ đối với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, trở thành dấu mốc lịch sử quan trọng của chặng đường xây dựng và phát triển Hội, dưới sự tổ chức và dẫn dắt của GS.VSTT.NGND Phan Huy Lê.
Hân hoan mừng thắng trận, nhưng chúng ta không quên thắng lợito lớn hôm naymới chỉ là bước khởi đầu và sự quyết định thành bại vẫn đangở phía trước. Trên cơ sở vị thế đã được khẳng định (tức là môn Lịch sử phải là môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp trung học cơ sở đến cấp trung học phổ thông, ngang hàng với các môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc khác), chúng ta phải tìm mọi cách khôi phục chất lượng giáo dục môn Lịch sử, đổi mới một cách căn bản và toàn diện hệ thống môn học. Chúng ta phải dồn tâm, dốc sức xây dựng lại chương trình, biên soạn lại sách giáo khoa theo hướng tổng hợp, đa ngành và liên ngành; nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, thay đổi cách dạy, cách học và cách thi... để phát huy cao nhất hiệu quả giáo dục của môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới Việt Nam. Tôi tin là cả 98,25% số đại biểu Quốc hội đã tán thành và 1,75% số đại biểu còn lại, nếu có mặt ở đây, vào giờ phút này, chứng kiến khí thế và quyết tâm của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thì sẽ hoàn toàn vững tin ở quyết định lịch sử của Quốc hội ngày 27 tháng 11 năm 2015 về việc tiếp tục giữ môn Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới là tuyệt đối chính xác.
Chúng tôi xin trân trọng cám ơn.

Nguồn: Trần Trung Hiếu
 
Top Bottom