[VĐẢ] Lịch sử điện ảnh Hoa Ngữ

I

iloveyou247_tintin

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Điện ảnh Trung Quốc:
Quá trình hình thành và phát triển

Điện ảnh Trung Quốc tính cho đến trước năm 1949 là nền văn hóa và công nghiệp điện ảnh nói tiếng Hoa của Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Đài Loan. Kể từ năm 1949, điện ảnh Trung Quốc được hiểu là nền điện ảnh của Đại lục do Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền, nó tồn tại song song cùng hai nền điện ảnh nói tiếng Hoa khác là điện ảnh Hồng Kông và điện ảnh Đài Loan. Sau một thời gian dài phát triển chậm chạp vì những biến cố chính trị, hiện nay cũng giống như nền kinh tế Trung Quốc, điện ảnh Trung Quốc cũng đang bùng nổ mạnh mẽ và trở thành một cường quốc điện ảnh thực sự ở khu vực châu Á.

Khác với điện ảnh Hồng Kông vốn sử dụng tiếng Quảng Đông là bản ngữ chính, các bộ phim của Trung Quốc và Đài Loan đều là những bộ phim sử dụng tiếng Quan Thoại.

1. 1896-1945: Giai đoạn khởi đầu

300px-Hoangtrung06.jpg

Định Quân Sơn, bộ "phim" đầu tiên của điện ảnh tiếng Hoa​

Kỹ thuật điện ảnh đến với Trung Quốc khá sớm, những thước phim đầu tiên được quay ở Trung Quốc là tại Thượng Hải ngày 11 tháng 8 năm 1896. Bộ "phim" đầu tiên, Định Quân Sơn (定军山), một vở kinh kịch quay lại bằng kỹ thuật điện ảnh, được thực hiện tháng 11 năm 1905. Trong giai đoạn đầu này, phần lớn các công ty làm phim nằm trong tay những người phương Tây, mãi đến năm 1916 nền điện ảnh nội địa của Trung Quốc mới thực sự hình thành với các hãng phim tập trung ở Thượng Hải, trung tâm công nghiệp và là thành phố lớn nhất của vùng Viễn Đông châu Á.

Trong số các hãng phim mới ra đời này đáng chú ý có Công ty điện ảnh Minh Tinh (明星) và Tianyi Film Company, tiền thân của hãng phim Thiệu Thị (邵氏) nổi tiếng sau này. Minh Tinh chính là hãng phim đã sản xuất Lao công chi ái tình (劳工之爱情, 1922), bộ phim điện ảnh cổ nhất của điện ảnh tiếng Hoa còn lưu giữ đến ngày nay.

Phải chờ đến thập niên 1930 nền điện ảnh nói tiếng Hoa mới thực sự khởi sắc với trào lưu nghệ thuật cấp tiến của những người cánh tả, tiêu biểu là các bộ phim Xuân tằm (春蠶, 1933, dựa theo tiểu thuyết của Mao Thuẫn), Đại lộ (大路, 1935, một tác phẩm của đạo diễn Tôn Du) hay Thần nữ (神女, 1934, do Ngô Vĩnh Cương đạo diễn). Các bộ phim theo trào lưu cấp tiến này đã mang lại màu sắc mới cho điện ảnh Trung Quốc khi khắc họa rõ nét sự xung đột tầng lớp trong giai đoạn chuyển đổi chính trị từ phong kiến sang cộng hòa, đồng thời đề cập trực tiếp đến cuộc sống đời thường, như một gia đình nuôi tằm trong Xuân tằm hay nghề mại dâm trong Thần nữ.

Với những thành công của các bộ phim mang đề tài xã hội này, thập niên 1930 có thể coi là giai đoạn hoàng kim đầu tiên của điện ảnh tiếng Hoa. Đây cũng là giai đoạn chứng kiến sự ra đời lớp diễn viên điện ảnh nói tiếng Hoa nổi tiếng đầu tiên với các ngôi sao điện ảnh như Nguyễn Linh Ngọc, Chu Tuyền hay Triệu Đan.

Năm 1937, Chiến tranh Trung-Nhật bùng nổ, trung tâm điện ảnh Thượng Hải rơi vào tay quân đội Nhật và giai đoạn hoàng kim đầu tiên của điện ảnh tiếng Hoa chấm dứt. Hầu như tất cả các hãng phim lớn (trừ hãng Tân Hoa) đóng cửa cơ sở tại Thượng Hải và rất nhiều nhà làm phim phải chạy khỏi thành phố này để đến lánh nạn ở Hồng Kông hoặc Trùng Khánh.

Tuy vậy một số nhà điện ảnh vẫn ở lại các khu tô giới của người nước ngoài ở Thượng Hải để tiếp tục thực hiện các tác phẩm mới. Đáng chú ý đạo diễn Bốc Vạn Thương đã cho ra đời bộ phim Mộc Lan tòng quân (木兰从军, 1939) lấy từ điển tích Mộc Lan tòng quân chống ngoại xâm để kêu gọi lòng yêu nước ngay giữa Thượng Hải bị chiếm đóng.

Ngày 7 tháng 12 năm 1941, sau khi Thế chiến thứ hai chính thức bùng nổ giữa phe Trục và phe Đồng minh, các khu tô giới bị quân Nhật tịch thu nốt và việc làm phim của các nhà điện ảnh cấp tiến ở Thượng Hải phải ngừng lại. Điện ảnh ở Đại lục thời gian này gần như chỉ có hãng Mãn Châu Quốc (株式會社滿洲映畫協會) là hoạt động với những bộ phim gây nhiều tranh cãi vì chịu ảnh hưởng của chính quyền Nhật hoàng.


2. Cuối thập niên 1940: Giai đoan hoàng kim thứ hai

Sau khi quân Nhật đầu hàng năm 1945, ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc, đặc biệt là ở Thượng Hải nhanh chóng phục hồi. Nhiều hãng phim mới được thành lập, còn Tân Hoa, hãng phim đã ở lại Thượng Hải trong giai đoạn chiếm đóng, trở thành công ty có quyền lực bậc nhất của cả nền điện ảnh tiếng Hoa. Năm 1946, đạo diễn nổi tiếng Thái Sở Sinh trở về từ Hồng Kông đã tái lập hãng phim Liên Hoa, sau đổi tên thành Côn Luân, một trong các hãng phim quan trọng nhất của điện ảnh Trung Quốc với nhiều bộ phim đáng nhớ như Nhất giang xuân thủy hướng đông lưu (一江春水向東流, 1947) hay Ô nha dữ ma tước (烏鴉与麻雀, 1949).

Những bộ phim này đều tiếp tục với xu hướng thiên tả và thể hiện sự không đồng tình với chính sách đàn áp của Quốc Dân Đảng Trung Quốc do Tưởng Giới Thạch đứng đầu.

Cùng lúc này, một số hãng phim khác như hãng Văn Hóa lại tách khỏi trào lưu cấp tiến để phát triển các bộ phim chính kịch riêng. Tác phẩm đáng nhớ nhất theo hướng đi này có lẽ là Tiểu thành chi xuân (小城之春, 1948), bộ phim sau này đứng đầu trong danh sách Phim tiếng Hoa hay nhất nhân kỉ niệm 100 năm ngày ra đời điện ảnh Trung Quốc.


3. Thập niên 1950 và 1960: Sự hình thành của điện ảnh Xã hội chủ nghĩa

Sau chiến thắng của quân đội Cộng sản trước quân Quốc Dân Đảng năm 1949, điện ảnh tiếng Hoa chứng kiến bước ngoặt quan trọng khi nó bị tách thành 3 nền điện ảnh gần như riêng biệt, điện ảnh xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc đại lục, điện ảnh Đài Loan và điện ảnh Hồng Kông. Từ năm 1951, toàn bộ các bộ phim sản xuất trước 1949, các phim Hồng Kông và phim Hollywood bị cấm tại đại lục, thay vào đó là các bộ phim tuyên truyền hoặc có đề tài tập trung vào 3 giai cấp nông dân, công nhân và quân đội. Công ty phim đầu tiên của nhà nước Trung Quốc mới, hãng Trường Xuân (长春) được thành lập năm 1950.

Điểm đáng chú ý trong giai đoạn này là sự gia tăng đáng kể của số lượng người dân đến với điện ảnh, lượng khán giả từ 47 triệu người năm 1949 tăng đến 415 triệu người năm 1959. Trong vòng 17 năm kể từ ngày thành lập nhà nước mới đến khi Cách mạng văn hóa bùng nổ, đã có tổng cộng 603 bộ phim và 8342 cuộn phim tài liệu và thời sự được thực hiện, trong đó đa phần là các phim tuyên truyền. Nếu như trước năm 1949, phần lớn các nhà điện ảnh Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm và kĩ thuật từ điện ảnh Mỹ thì sau khi thành lập nhà nước Xã hội chủ nghĩa, các nhà điện ảnh Trung Quốc mới được gửi sang Moskva để đào tạo với sự giúp đỡ của điện ảnh Liên Xô.

Năm 1956, Học viện Điện ảnh Bắc Kinh được thành lập. Điện ảnh Trung Quốc cũng bắt đầu tìm được bản sắc riêng với các bộ phim về đề tài lịch sử hoặc dựa theo các tiểu thuyết, điển tích cũ, tiêu biểu là bộ phim hoạt hình nổi tiếng Đại náo thiên cung (大鬧天宮, 1961). Bộ phim cực ăn khách này được thực hiện bởi Vạn Lại Minh, cha đẻ của nền phim hoạt hình Trung Quốc. Một nhân vật tiêu biểu khác của điện ảnh Trung Quốc thời gian này là Tạ Tấn, đạo diễn của bộ phim Hồng sắc nương tử quân (红色娘子军, 1961).


4. Thập niên 1960 đến 1980: Cách mạng văn hóa và giai đoạn kế tiếp

Năm 1966, Cách mạng văn hóa bùng nổ đã đưa cả nền văn hóa Trung Quốc, trong đó có điện ảnh, rơi vào chỗ khủng hoảng nặng nề. Gần như toàn bộ các tác phẩm điện ảnh bị cấm lưu hành, chỉ có rất ít các bộ phim mới được sản xuất (trong đó có phiên bản vũ kịch của Hồng sắc nương tử quân năm 1971). Nền điện ảnh của Trung Quốc đại lục gần như chững lại trong giai đoạn 1967-1972, việc làm phim chỉ bắt đầu được khởi động trở lại sau khi Bè lũ bốn tên bị xét xử và chỉ thực sự hoạt động bình thường từ năm 1976.

Trong thập niên 1980, công nghiệp điện ảnh Trung Quốc gặp khó khăn trước sự cạnh tranh từ các loại hình giải trí khác trong khi những bộ phim có tính giải trí cao (như phim kinh dị hoặc phim võ thuật) lại rất khó vượt qua được sự kiểm duyệt của chính quyền. Vì vậy để thu hút công chúng, các nhà điện ảnh Trung Quốc tập trung khai thác đề tài xã hội mà tiêu biểu là các bi kịch trong giai đoạn Cách mạng văn hóa trước đó cũng như di chứng của cuộc biến động này. Bộ phim đáng chú ý nhất theo thể loại này là bộ phim của đạo diễn Tạ Tấn, Phù Dung trấn (芙蓉镇, 1986), bộ phim đã đưa Khương Văn và Lưu Hiểu Khánh trở thành các ngôi sao điện ảnh mới của Trung Quốc.


5. Thập niên 1980 và 1990: Sự nổi lên của các đạo diễn Thế hệ thứ 5

Từ nửa cuối thập niên 1980, điện ảnh Trung Quốc bắt đầu thực sự khởi sắc với các đạo diễn Thế hệ thứ 5, những người mới tốt nghiệp Học viện Điện ảnh Bắc Kinh thời gian trước đó (phần lớn là năm 1982). Có thể kể tới các đạo diễn Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu, Trương Quân Chiêu và Điền Tráng Tráng. Họ là thế hệ nhà làm phim đầu tiên tốt nghiệp sau Cách mạng văn hóa và đã sớm khẳng định được mình bằng phong cách làm phim và đề tài mang tính đột phá.

Hai bộ phim mở đầu cho thành công của thế hệ đạo diễn này là Nhất cá hòa bát cá (一个和八个, 1983, do Trần Đạo Minh thủ vai chính) của Trương Quân Chiêu và Hoàng thổ (黄土地, 1984, bộ phim xếp thứ 4 trong danh sác phim tiếng Hoa hay nhất 100 năm qua[7]) của Trần Khải Ca. Nhà quay phim cho cả hai bộ phim này là Trương Nghệ Mưu, người sau đó cũng có những thành công của riêng mình với Cao lương đỏ (红高粱, 1987), Cúc Đậu (菊豆, 1989) và Đèn lồng đỏ treo cao (大红灯笼高高挂, 1991).

Không chỉ thành công trong nước, các đạo diễn này còn giành rất nhiều giải thưởng lớn tại các liên hoan phim uy tín, Cao lương đỏ của Trương Nghệ Mưu giành giải Gấu bạc tại Liên hoan phim Berlin, Thu Cúc đi kiện (秋菊打官司, 1992) cũng của Trương Nghệ Mưu giành giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venezia và đặc biệt Bá Vương biệt cơ (霸王別姬, 1993) của Trần Khải Ca đã giành giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes.

Cùng với các đạo diễn thế hệ thứ 5, một thế hệ ngôi sao điện ảnh mới của Trung Quốc cũng thực sự khẳng định được vị trí của mình. Tiêu biểu trong số này là Củng Lợi, nữ diễn viên đóng vai chính trong hầu hết các bộ phim của Trương Nghệ Mưu hay Khương Văn, người sau này cũng trở thành một đạo diễn xuất sắc của điện ảnh Trung Quốc.


6. Thập niên 1990 đến nay: Thế hệ thứ 6 và nền công nghiệp điện ảnh

Giữa thập niên 1990, thế hệ đạo diễn tiếp theo của Trung Quốc, Thế hệ thứ 6, bắt đầu thể hiện khả năng với các bộ phim mang đề tài hiện thực và cách nhìn mới mẻ về một xã hội Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng. Tác phẩm tiêu biểu của thế hệ thứ 6 có thể kể tới Xe đạp Bắc Kinh (十七岁的单车, 2001) của Vương Tiểu Suất, Đông cung Tây cung (東宮西宮, 1996) của Trương Nguyên, Tô Châu hà (苏州河, 2000) của Lâu Diệp.

Cùng với việc Hồng Kông trở về với Trung Quốc năm 1997 và sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đại lục, ba nền điện ảnh tiếng Hoa bắt đầu có những tác phẩm hợp tác, đặc biệt là về đề tài phim lịch sử và phim kiếm hiệp vốn là sở trường của điện ảnh Trung Quốc ngay từ thời kì đầu.

Năm 1999, tác phẩm hợp tác Ngọa hổ tàng long (臥虎藏龍) với đạo diễn Lý An người Đài Loan, được quay ở Trung Quốc, có dàn diễn viên nổi tiếng đến từ cả ba khu vực như Châu Nhuận Phát (Hồng Kông), Chương Tử Di (Trung Quốc) và Trương Chấn (Đài Loan), đã thành công vang dội trên thị trường quốc tế và giúp điện ảnh ba khu vực này tìm được hướng đi mới, đó là các bộ phim kiếm hiệp pha trộn lịch sử có tính thương mại cao và tận dụng thế mạnh của mỗi nền điện ảnh.

Năm 2002 bộ phim Anh hùng (英雄) của Trương Nghệ Mưu theo hướng đi mới này đã thành công và đánh dấu sự hình thành của ngành công nghiệp điện ảnh mới ở Trung Quốc. Lấy bối cảnh lịch sử đời Tần Thủy Hoàng với rất nhiều cảnh quay đẹp ở Trung Quốc và dàn diễn viên toàn sao như Lý Liên Kiệt, Chương Tử Di, Trương Mạn Ngọc, Lương Triều Vỹ, Anh hùng đã phá kỉ lục doanh thu ở Trung Quốc, đồng thời đạt được doanh thu rất cao ở châu Á và thậm chí là thị trường phim Mỹ.
 
I

iloveyou247_tintin

Điện ảnh Đài Loan

Điện ảnh Đài Loan là nền nghệ thuật và công nghiệp điện ảnh của Đài Loan, đây là một trong 3 nền điện ảnh nói tiếng Hoa (cùng với điện ảnh Trung Quốc và điện ảnh Hồng Kông).

1, Giai đoạn đầu: 1901-1970


Từ năm 1901 đến năm 1937, do là thuộc địa của Nhật Bản vì vậy nền điện ảnh của hòn đảo Đài Loan chịu ảnh hưởng lớn từ chính quốc. Một ví dụ là sự xuất hiện của những người dẫn chuyện, hay các benzi (tiếng Nhật: 弁士 - benshi), để đọc thoại và lời dẫn trong khi các bộ phim câm được trình chiếu. Các benzi này có ảnh hưởng lớn tới các bộ phim vì họ có thể thêm thắt những ý không có trong kịch bản vào phim, làm biến đổi ý tưởng cơ bản của tác phẩm. Chính vì vậy bản thân các benzi cũng có thể trở thành những ngôi sao điện ảnh, ở Đài Loan giai đoạn phim câm có thể kể tới các benzi nổi tiếng như Wang Yung-feng, Lu Su-Shang hay Zhan Tian-Ma.

Sau khi Chiến tranh Trung-Nhật nổ ra năm 1937, việc sản xuất phim ở Đài Loan bị chính quyền chiếm đóng siết chặt, tiếng Quan Thoại bị cấm hoàn toàn trong điện ảnh, chỉ có tiếng Nhật được phép sử dụng trong phim, kể cả tên địa danh, tên người hoặc các đặc điểm văn hóa có dính tới Trung Quốc. Sau khi Thế chiến thứ hai bùng nổ thì ngành công nghiệp điện ảnh gần như ngưng trệ vì chỉ bắt đầu được khôi phục trở lại khi chính quyền Quốc Dân Đảng Trung Quốc tiếp quản Đài Loan từ tay quân đội Nhật đầu hàng.

Năm 1949, điện ảnh Đài Loan mới thực sự bắt đầu phát triển sau khi quân Cách Mạng chiến thắng tại Trung Quốc đại lục dẫn đến việc Tưởng Giới Thạch và quân đội Quốc Dân Đảng phải chạy sang Đài Loan, kéo theo rất nhiều nhà điện ảnh ủng hộ chế độ này. Thập niên 1960 chứng kiến sự bùng nổ của kinh tế Đài Loan, kéo theo đó là quá trình đi lên của công nghiệp điện ảnh nước này, nhưng các bộ phim thường chỉ tập trung vào các bộ phim kiếm hiệp hoặc phim có đề tài lãng mạn như các tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết của Quỳnh Dao, nữ văn sĩ được yêu thích ở hòn đảo này.

2, Làn sóng mới thứ nhất: 1982 đến 1990

houhsiaohsienxw2.jpg

Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền​



Vào đầu thập niên 1980, sự phổ biến của truyền hình và cạnh tranh quyết liệt của các bộ phim Hồng Kông đã buộc điện ảnh Đài Loan phải tìm cho mình hướng đi mới. năm 1982, bộ phim In Our Time do bốn đạo diễn Dương Đức Xương, Tao De-chen, Ke I-jheng và Jhang Yi ra đời đã đánh dấu sự hình thành của thế hệ Làn sóng mới trong điện ảnh nước này. Thế hệ đạo diễn mới này bắt đầu tập trung khai thác những đề tài mang tính xã hội cao hơn chứ không chỉ còn dừng lại ở các bộ phim kiếm hiệp hoặc tình cảm như các thế hệ đàn anh. Các bộ phim này có phong cách thường được so sánh với các bộ phim thuộc trào lưu Tân hiện thực Ý. Tiêu biểu cho các bộ phim thuộc thế hệ mới này là Bi tình thành thị (悲情城市, 1989) của Hầu Hiếu Hiền, bộ phim này đã giành giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venezia, đây là bộ phim nói tiếng Hoa đầu tiên đạt được thành tích này. Đây cũng là bộ phim Đài Loan xếp hạng cao nhất trong danh sách 100 phim hay nhất của điện ảnh Hoa ngữ được lập ra nhân kỉ niệm 100 năm ngày ra đời điện ảnh tiếng Hoa.

3, Làn sóng mới thứ hai: Từ 1990 đến nay

crouchingtigerhiddendrafe2.jpg

Phim "Ngọa Hổ Tàng Long"


Thành công của thế hệ đạo diễn Làn sóng mới thứ nhất đã mở đường cho các đạo diễn thuộc thế hệ Làn sóng mới thứ hai tiếp cận những đề tài nhẹ nhàng và gần gũi hơn nữa với khán giả nhưng vẫn thể hiện được các mặt của cuộc sống trong xã hội Đài Loan. Bộ phim Vive L'Amour (1994) của Thái Minh Lượng đã lần thứ hai mang về cho Đài Loan giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venezia.

Đạo diễn nổi bật nhất của thế hệ Làn sóng mới thứ hai này có lẽ là Lý An, không chỉ dừng lại với các thành công trong nước, phim của Lý An còn được biết tới ở tầm quốc tế, tiêu biểu là sản phẩm hợp tác Trung Quốc - Hồng Kông - Đài Loan Ngọa Hổ Tàng Long (臥虎藏龍, 2000), bộ phim nói tiếng Hoa đầu tiên đoạt Giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất. Lý An sau đó cũng là người Hoa đầu tiên giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Giải Oscar với bộ phim Hollywood Brokeback Mountain. Ông cho đến nay cũng là đạo diễn người Hoa duy nhất có 2 phim giành giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venezia, đó là các phim Brokeback Mountain (2005) và Sắc, giới (2007).
 
I

iloveyou247_tintin

Điện ảnh Hồng Kông


Điện ảnh Hồng Kông là nền văn hóa và công nghiệp điện ảnh của Hồng Kông, một trong 3 nền điện ảnh nói tiếng Hoa bên cạnh điện ảnh Trung Quốc và điện ảnh Đài Loan. Là thuộc địa của Anh trong một thời gian dài, điện ảnh Hồng Kông vừa được thừa hưởng truyền thống văn hóa lâu đời của Trung Quốc, vừa được tiếp cận với nền điện ảnh phát triển của châu Âu. Vì lý do này, điện ảnh Hồng Kông cũng phát triển từ khá sớm và trong vài chục năm trở lại đây đã là một trong các nền điện ảnh lớn nhất châu Á. Có thời gian lượng phim sản xuất mỗi năm của điện ảnh Hồng Kông chỉ thua kém điện ảnh Hollywood của Mỹ và Bollywood của Ấn Độ. Tuy chịu ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế giữa thập niên 1990 và sự thay đổi thể chế chính trị khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc năm 1997, điện ảnh Hồng Kông hiện nay vẫn có một vai trò quan trọng trong nền điện ảnh thế giới nói chung.


1. Đặc điểm chính

Khác với nhiều nền điện ảnh khác, công nghiệp điện ảnh Hồng Kông không được chính phủ hỗ trợ trực tiếp về tài chính hoặc chính sách (hạn chế phim nước ngoài). Vì lý do này nền điện ảnh Hồng Kông mang tính thương mại hóa rất cao, các bộ phim được làm ra thường với tiêu chí đầu tiên là phải thu hút được công chúng, việc này giải thích cho các thể loại phim thế mạnh của điện ảnh nước này là phim võ thuật (trong đó có phim cổ trang), phim hành động hoặc phim hài. Các bộ phim làm tiếp (sequel), làm lại (remake) cũng thường xuất hiện khi các tác phẩm gốc ăn khách. Tuy nhiên dòng phim nghệ thuật kén khán giả của Hồng Kông vẫn có một số đại diện xuất sắc, tiêu biểu phải kể tới các bộ phim của đạo diễn Vương Gia Vệ, vốn rất khó thu hồi vốn (vì không hợp gu của đại bộ phận khán giả), nhưng lại thường xuyên đoạt giải thưởng tại các liên hoan phim.

Có sự du nhập của nhiều yếu tố văn hóa phương Tây, điện ảnh Hồng Kông có nhiều điểm tương tự với điện ảnh Hollywoood về mặt tổ chức sản xuất và cấu tạo kịch bản, cảnh quay. Tuy vậy các thế mạnh của văn hóa Trung Quốc cũng thường được áp dụng vào phim ảnh như nghệ thuật Hí khúc, võ thuật hoặc các triết lý Nho giáo.


2. Các ngôi sao điện ảnh

DrunkenMaster_DVDcover.jpg

Thành Long trong "Drunken Master"​

Tính thương mại hóa cao của nền điện ảnh Hồng Kông được thể hiện qua việc cách tạo dựng các ngôi sao điện ảnh là trung tâm của các bộ phim và cả nền công nghiệp điện ảnh. Ở thời kì đầu, các bộ phim thường tìm cách thu hút khán giả bằng việc mời các diễn viên Hí khúc (戏曲) được công chúng yêu thích tham gia diễn xuất. Sau đó, trong khoảng 30 năm trở lại đây, các ngôi sao điện ảnh thường tạo dựng vị trí của mình từ các bộ phim truyền hình, một lĩnh vực giải trí cũng rất phát triển ở Hồng Kông. Phần lớn các ngôi sao điện ảnh nổi tiếng nhất của Hồng Kông hiện nay đều đã từng là các ngôi sao truyền hình trong các bộ phim truyền hình dài tập của hai hãng truyền hình lớn là TVB và ATV. Một điểm khác biệt của ngành giải trí Hồng Kông nói chung là rất nhiều ngôi sao điện ảnh lại cũng là những ngôi sao ca nhạc Cantopop, điển hình là 4 nam diễn viên nổi tiếng Lưu Đức Hoa, Lê Minh, Trương Học Hữu và Quách Phú Thành cũng là "Tứ đại thiên vương" của Cantopop. Các ngôi sao điện ảnh này là thành tố quan trọng nhất tạo nên thành công của một bộ phim, hầu như các tác phẩm ăn khách và nổi tiếng của Hồng Kông đều phải có cặp nam nữ diễn viên chính là các ngôi sao điện ảnh nổi tiếng, có nhiều cặp diễn viên thường được "đóng đinh" diễn cặp với nhau như Lưu Đức Hoa-Trịnh Tú Văn, Lương Triều Vỹ-Trương Mạn Ngọc, các cặp diễn viên này thường đảm bảo doanh thu cho các bộ phim và giúp các diễn viên mới có cơ hội để trở thành các ngôi sao mới.

Trong thời gian bùng nổ của điện ảnh Hồng Kông những năm 1980, chỉ trong một năm số phim các diễn viên nổi tiếng và các đạo diễn tên tuổi tham gia thực hiện có thể lên tới hai con số.


3. Ngân sách làm phim

Nếu so với các bộ phim của Hollywood thì ngân sách làm phim của điện ảnh Hồng Kông nhỏ hơn rất nhiều, trong đó phần lớn số tiền được dùng để trả cho các ngôi sao, những người quyết định sự thành bại của bộ phim, các ngôi sao lớn có thể được trả tới khoảng 5 triệu USD cho một phim họ tham gia. Đôi khi Hồng Kông cũng có những bộ phim bom tấn, nhưng có rất ít tác phẩm được đầu tư lớn như vậy trừ khi nó có sự tham gia của các ngôi sao nổi tiếng ở tầm quốc tế như Thành Long hoặc Châu Tinh Trì. Tuy ngân sách thường không lớn nhưng do chi phí sản xuất thấp, các bộ phim Hồng Kông vẫn thường có những đại cảnh đặc sắc, đặc biệt là trong các bộ phim hành động hoặc phim lịch sử vốn là sở trường của nền điện ảnh này.



4. Ngôn ngữ và âm thanh

Cho đến thập niên 1980, phần lớn các bộ phim Hồng Kông sử dụng tiếng Quảng Đông, ngôn ngữ chính ở hòn đảo này.

Trong nhiều thập niên, các bộ phim thường được quay mà không thu tiếng động trực tiếp (quay "câm" - shot silent), phần thoại và tiếng động sẽ được thêm vào ở phần hậu kỳ. Thậm chí khi các ngôi sao chính của phim vì quá bận bịu mà không thể tự lồng tiếng cho mình được, phần thoại của họ sẽ được các diễn viên ít tên tuổi hơn đảm nhiệm. Từ cuối thập niên 1990, việc thu âm đồng bộ đã được chú trọng hơn, một phần vì số lượng phim thực hiện mỗi năm đã giảm đi nhiều và phần khác là vì thị hiếu của khán giả đã nâng cao, họ đòi hỏi những bộ phim có chất lượng tốt hơn và nếu không làm được điều này, các bộ phim Hồng Kông sẽ gặp phải đối thủ cạnh tranh rất mạnh đến từ Đại lục vốn hầu hết được thu âm trực tiếp.
 
I

iloveyou247_tintin

Điện ảnh Trung Quốc: Hollywood của châu Á

Điện ảnh Trung Quốc:
Hollywood của châu Á

Giống như nền kinh tế Trung Quốc, điện ảnh nước này đang bùng nổ mạnh mẽ. Những bộ phim của các đạo diễn tên tuổi như: Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Phùng Tiểu Cương… đã tạo ra “sức nóng” không thua kém gì phim của Hollywood.

Từ bộ phim đầu tiên “Định Quân Sơn”, điện ảnh Trung Quốc đã có hơn 100 năm phát triển. Các đạo diễn Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu, Trương Quân Chiêu... là thế hệ làm phim đầu tiên tốt nghiệp Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, sau Cách mạng văn hóa và đã sớm khẳng định tên tuổi bằng phong cách làm phim và đề tài mang tính đột phá. Đây chính là thế hệ đạo diễn đã đưa nền điện ảnh Trung Quốc vượt khỏi biên giới đất nước để đến một chân trời xa xôi. Các đạo diễn này giành nhiều giải thưởng lớn tại các LHP uy tín, như phim “Cao lương đỏ” của Trương Nghệ Mưu giành giải Gấu bạc tại LHP Berlin; “Thu Cúc đi kiện” giành giải Sư Tử Vàng tại LHP Venice; “Bá Vương Biệt Cơ” của Trần Khải Ca đã giành giải Cành cọ Vàng LHP Cannes...

Thế hệ đạo diễn tiếp theo của các tên tuổi trên thì thể hiện khả năng với các bộ phim mang đề tài hiện thực và cách nhìn mới về một xã hội Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng. Tác phẩm tiêu biểu của thế hệ này có thể kể đến là “Xe đạp Bắc Kinh” của Vương Tiểu Suất, “Đông cung Tây cung” của Trương Nguyên, “Tô Châu Hà” của Lâu Diệp...

Hollywood đã có những bước thăm dò và hợp tác với điện ảnh Trung Quốc qua các hãng phim như Walt Disney và MGM. Đây là một sự hợp tác đôi bên đều có lợi. Phim quay tại Trung Quốc sẽ giảm chi phí so với quay tại Mỹ và giúp Hollywood mở rộng thị trường sang châu Á. Ngược lại, Trung Quốc tận dụng được sức mạnh của Hollywood để phát triển điện ảnh của mình, hướng đến tự lực sản xuất những bộ phim hoành tráng cung cấp cho thị trường Mỹ.

Để theo kịp đà phát triển điện ảnh quốc tế, Trung Quốc đã mở rộng theo hướng toàn cầu hóa. Hầu như chương trình giải trí nào trên truyền hình, từ Trung ương đến địa phương, đều có người phương Tây tham gia. Cùng với chiến dịch đưa kỹ nghệ giải trí Trung Quốc phát triển mạnh hơn cho kịp với đà phát triển kinh tế, một số diễn viên phương Tây nhận thấy đây là cơ hội cho họ, khi tại chính quốc không còn chỗ “chen chân”.

Nắm bắt được thị hiếu này, các nhà làm phim nhựa và phim truyền hình Trung Quốc đã vào cuộc. Tại các thành phố trên khắp đất nước Trung Quốc, các nhà tuyển dụng săn lùng ở những khu học xá và điểm gặp gỡ của những người nước ngoài để tìm kiếm những gương mặt mới cho show truyền hình của họ. “Nhiều người Trung Quốc muốn biết người phương Tây nghĩ gì về đất mình. Phim ảnh là một cánh cửa mở ra cho họ” - đó là nhận xét của Li Erwei, nhân viên tìm kiếm gương mặt mới. Đi tiên phong trong cách nghĩ này có Mark Rowswell, diễn viên Canada nói được tiếng Quan thoại thành thạo và diễn hài khá có duyên vào những năm cuối 1980. Sau anh còn có diễn viên Pháp Julien Gaudefroy - người đang dẫn nhiều chương trình truyền hình tiếng Hoa.

Nữ diễn viên Trương Mẫn, nói: “Hiện nay, các diễn viên Hồng Công đều nhận ra rằng, chỉ khi nổi tiếng tại đại lục thì đó mới là nổi tiếng thật sự”. Vì vậy, ngày càng có nhiều diễn viên Hồng Công sang Trung Quốc đóng phim. Vài năm trở lại đây, đài truyền hình TVB - “một nửa giang sơn” của phim truyền hình Hồng Công đã và đang nhắm vào khai thác thị trường giải trí có đến 1,3 tỉ dân. Ngoài việc hợp tác làm phim, tổ chức chương trình ca nhạc, game show, TVB còn tích cực đưa diễn viên của mình tiếp cận với khán giả đại lục.

Các nghệ sĩ điện ảnh Hồng Công từng tiến hành cuộc Tây du sang Hollywood vào những năm cuối thập niên 90, như Thành Long, Châu Nhuận Phát, Dương Tử Quỳnh, Từ Khắc, Ngô Vũ Sâm... Nay, họ tiến hành cuộc “Tây du” thứ hai, nhưng là đến một miền “Tây” gần hơn, đó là Trung Quốc. Diễn viên võ thuật Thành Long đang nuôi dự định thành lập một hãng phim Mỹ ngay trên đất Trung Quốc, mang tên Chan Ratner Company. Những bộ phim sau khi sản xuất xong sẽ được đưa về Mỹ để phát hành. Thành Long nói: “Mong muốn của tôi ở công ty này là cơ hội để Trung Quốc và Mỹ - hai kinh đô điện ảnh lớn nhất thế giới, có thể bắt tay với nhau. Cụ thể là, tôi có thể sản xuất những bộ phim Mỹ ở Trung Quốc và Brett Ratner, đạo diễn của bộ phim “Rush Hour” (Giờ cao điểm) sẽ là người cố vấn của tôi”.

Trung Quốc với tiềm lực kinh tế và con người, họ hoàn toàn có thể đưa nền điện ảnh của đất nước sánh ngang với Hollywood. Sự có mặt ngày càng đa dạng các tác phẩm điện ảnh của các đạo diễn Trung Quốc tại các rạp chiếu phim trên thế giới đã nói lên điều đó.
 
I

iloveyou247_tintin

Phim võ thuật Trung Quốc:
mang Châu Á đến với thế giới


Kể từ khi Ngô Vũ Sâm đem phong cách “võ thuật vũ đạo” với những pha slow-motion (chiếu chậm) trong các cuộc tỉ thí tay chân đến Hollywood với phim Mục tiêu khó diệt, sau đó là Viên Hoà Bình huấn luyện cho Keanu Reeves, Carrie Anne-Moss, Laurence Fishburn và Hugo Weaving thi triển võ công trong Ma trận cho đến nay, Hollywood đã vượt qua mặt châu Á trong những phim võ thuật vốn là sở trường của châu Á… Hàng loạt phim Hollywood dạng như Charlie’s Angels ra đời và các ngôi sao mắt xanh tóc vàng bay lượn, tung cước như bướm chẳng thua kém gì các đại hiệp giang hồ trong tiểu thuyết Kim Dung, dù họ mặc áo vét, đeo kính đen…

Nhiều nước châu Á quay sang làm phim kinh dị, khai thác yếu tố huyền bí phương Đông để tìm cách lọt vào thị trường Hollywood, nhưng không ít đạo diễn và diễn viên châu Á vẫn muốn khẳng định: võ thuật châu Á có vị trí độc tôn mà người phương Tây cho dù có học được công nghệ “dây treo” đi nữa cũng không thể nào sánh nổi!



Trương Nghệ Mưu là một trong những đạo diễn “thứ dữ” của điện ảnh Trung Quốc nói riêng và của toàn thế giới nói chung. Kể từ khi chuyển hướng làm phim phục vụ số đông, Trương Nghệ Mưu đã khai thác triệt để võ thuật Trung Hoa vào hai bộ phim vĩ đại của mình: Anh hùng và Thập diện mai phục. Sự tinh tế trong lựa chọn các thể loại võ công, các chiêu thức, bài binh bố trận trong cả hai bộ phim không hề bị trùng lắp nhưng vẫn tiêu biểu cho nền võ công của Trung Hoa.

Nếu võ thuật trong Anh hùng là “ý kiếm” đầy chất thơ – sẽ khó có thể quên từng trường đoạn đấu kiếm của các nhân vật: Trường Không đấu với Vô Danh trong gian đấu cờ giữa tiếng nước mưa và tiếng đàn tranh hoà quyện, Tàn Kiếm đấu với Vô Danh giữa hồ nước xanh, núi tím, rừng lá đỏ mà mỗi tiếng bước chân chạm nước, tiếng kiếm đâm mặt nước là một sự tinh tế về âm thanh, Tần Vương đấu với Tàn Kiếm giữa cung điện rộng lớn phủ đầy lụa xanh, tạo một cảm giác trống rỗng, cô đơn và ở đó có hai tâm hồn cô đơn vì thấy mình lạc lõng khi không ai hiểu được lòng mình bỗng chạm nhau qua tiếng tiếng nghe sắc lạnh; thì trong Thập diện mai phục, võ công là màn tiêu khiển giả giả thật thật: của nàng Tiểu muội múa Tiên nữ dẫn đường với Lưu bổ đầu, của chàng Tuỳ Phong đấu với lính triều đình, của cuộc đối mặt Phi đao môn và quan quân triều đình, của Lưu bổ đầu, Kim bổ đầu và Tiểu Muội giữa trời tuyết đổ, không biết ngọn đao phóng về ai… Sẽ không bao giờ Hollywood có thể làm được những gì mà họ Trương đã làm, bởi ngay chính nhiều nhà phê bình phim Mỹ cũng chưa thể hiểu hết tinh thần của võ công mà Trương Nghệ Mưu đã thể hiện…

Để không thua kém Trương Nghệ Mưu ở khoản này, đạo diễn Trần Khải Ca (kỳ phùng địch thủ của Trương Nghệ Mưu) đã bắt tay vào làm bộ phim Vô Cực với một dàn diễn viên "quần hùng" khắp Á Châu, như Trương Bá Chi, Tạ Đình Phong, Jang Dong Gun, Lưu Điệp, Trần Hồng, Hiroyuki Sanada... Bộ phim này khi chiếu 12 phút trailer tại LHP Cannes 2005 đã gây chú ý với dư luận thế giới và được Miramax mua bản quyền phát hành tại Mỹ. Bộ phim kể về một chuyện tình lâm ly giữa một người nô lệ, công chúa và một tướng quân trong cuộc chiến ở Trung Quốc thời xưa. Phim thực hiện với 1400 cảnh kỹ xảo, được thiết kế hoành tráng và công phu.

Đạo diễn Từ Khắc, vốn nổi tiếng với thể loại phim võ thuật như Hoàng Phi Hồng, Phương Thế Ngọc, trong một thời gian dài không gặt hái thành công lắm dù ứng dụng kỹ xảo điện ảnh vào trong các tác phẩm của mình như Thục sơn truyền kỳ, cũng hứa hẹn sẽ gây tiếng vang lớn với phim Thất kiếm hạ tiên sơn. Điều bất ngờ là Từ Khắc làm bộ phim này dài đến... 4 tiếng đồng hồ và vì thế ông buộc lòng phải cắt phim ra làm hai tập! Từ Khắc cũng cho biết, ông dự kiến phải làm 7 tập phim này vì câu chuyện về bảy tay kiếm chống triều Thanh này quá tuyệt vời. Phim đặt trong bối cảnh năm 1600, khi triều Thanh đã chiếm được Trung Hoa và vẫn còn nhiều bang hội âm mưu tạo phản. Nhà Thanh quyết triệt hạ những bang hội này, và một trong số các bang hội này trong tình thế nguy cấp đã cầu viện bảy tay kiếm trên núi Thiên Sơn giải nguy. Dàn diễn viên của bộ phim cũng thuộc hàng ngôi sao của châu Á, như Chân Tử Đơn, Lê Minh, Dương Thái Ni, Lục Nghị, Lưu Gia Lương... Bộ phim này đã bán được cho khá nhiều các hãng phát phim ở phương Tây, chưa kể phim thu được nguồn lợi lớn từ bản quyền game, phim truyền hình và đồ chơi dù phim đến tháng 7.2005 mới phát hành rộng rãi.

Trong khi đó, Châu Tinh Trì, danh hài số một Hồng Kông, lại xem công nghệ Hollywood là trò góp vui cho phim của anh. Nếu Hollywood học đòi võ công châu Á cho những màn đánh võ ly kỳ như pha chiến đấu của Neo chống lại hàng trăm tên điệp viên Smith trong Ma trận tái tải thì Châu Tinh Trì lại đem kỹ xảo của Hollywood “nhại lại” cảnh chiếu đấu của Ma trận tái tải để làm trò chọc cười thiên hạ trong Võ công tuyệt đỉnh. Bộ phim mới nhất của Châu Tinh Trì, Võ công tuyệt đỉnh, nhanh chóng hốt bạc không chỉ ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan mà nhanh chóng lan toả ra nhiều nước châu Á và đã thẳng tiến đến Bắc Mỹ vào mùa hè này. Trong bộ phim này, khán giả được dịp ôn lại tất cả những chiêu thức võ công nổi tiếng nhất của thể loại phim chưởng Hồng Kông từ xưa đến nay, mà sự hỗ trợ của máy tính đã giúp Châu Tinh Trì phát huy và làm hài hước hết thảy những pha thi đấu võ công, vừa đẹp mắt, vừa buồn cười. Kịch bản của bộ phim khá ấn tượng: tất cả những người dân bình thường đều có thể là một cao thủ võ lâm ẩn mình. Bộ phim này khi trình chiếu tại Việt Nam cũng thu hút một lượng lớn khán giả.

...........

Hollywood có thể học được kỹ thuật – vì kỹ thuật, công nghệ là thứ có thể “chuyển giao” – nhưng không bao giờ học được tinh thần võ thuật châu Á. Chính vì thế, khi Hollywood đã làm ra những tác phẩm phim võ thuật đầy vẻ bề ngoài, các nhà làm phim châu Á khai thác cái tinh thần bên trong, và nhờ đó, phim võ thuật châu Á vẫn có vị trí độc tôn trên bản đồ điện ảnh thế giới.
 
I

iloveyou247_tintin

Lịch sử điện ảnh Hồng Kông


1. Từ năm 1909 đến Thế chiến thứ hai

laimanwaild9.jpg

Phim "Trang Tử thí thê" - phim đầu tiên của điện ảnh Hông Kông​

Trong thời kì này, điện ảnh Hồng Kông chỉ là một bộ phận nhỏ của nền điện ảnh nói tiếng Hoa với trung tâm điện ảnh lớn nhất đặt tại Thượng Hải. Hàng năm số phim được sản xuất tại Hồng Kông rất nhỏ, cho đến nay chỉ còn chừng 4 bộ phim Hồng Kông (trong tổng số khoảng 500 phim) sản xuất ở thời kì này còn được lưu giữ.

Giống như xu hướng chung của điện ảnh Trung Quốc thời kì đầu, các bộ phim đầu tiên của Hồng Kông có liên hệ chặt chẽ với nghệ thuật Hí khúc (戏曲) vốn là ngành nghệ thuật biểu diễn chính ở quốc gia này trong nhiều thế kỉ. Hí khúc cung cấp kịch bản gốc, diễn viên và cả các đạo diễn cho những tác phẩm điện ảnh đầu tiên.

Tác phẩm được coi là bộ phim điện ảnh đầu tiên thực hiện ở Hồng Kông là Trang Tử thí thê (莊子試妻, 1913), một bộ phim được đầu tư bởi một người Mỹ tên là Benjamin Brodsky và do "cha đẻ của điện ảnh Hồng Kông" Lê Dân Vĩ (黎民偉) đạo diễn. Hãng phim đầu tiên hoàn toàn do người Hoa đầu tư được thành lập năm 1923, đó là hãng Minxin Film Company của Lê Dân Vĩ và một số người họ hàng chung vốn.

Trong thập niên 1930, chính quyền Quốc Dân Đảng ra lệnh cấm các bộ phim nói tiếng Quảng Đông (vốn là ngôn ngữ chủ yếu của các bộ phim Hồng Kông) để thực hiện chính sách "Chỉ có tiếng Quan Thoại". Thêm vào đó, các bộ phim võ thuật vốn rất được ưa chuộng cũng bị cấm sản xuất. Tuy vậy ngành điện ảnh Hồng Kông, vốn do thực dân Anh quản lý vẫn tiếp tục phát triển, nhiều hãng phim lớn được thành lập trong đó có Tianyi, hãng phim tiền thân của công ty điện ảnh Thiệu Thị nổi tiếng sau này.

Điện ảnh Hồng Kông có thêm điều kiện phát triển khi Chiến tranh Trung-Nhật bùng nổ năm 1937. Các bộ phim về đề tài yêu nước và chống Nhật được thực hiện rất nhiều, thêm vào đó là sự củng cố về chất lượng nghệ thuật và sản xuất nhờ một lượng lớn các nhà điện ảnh và diễn viên từ trung tâm điện ảnh thời bấy giờ là Thượng Hải (bị quân Nhật chiếm năm 1937) sang Hồng Kông lánh nạn. Giai đoạn phát triển này cũng không kéo dài được lâu khi quân Nhật tiến vào Hồng Kông tháng 12 năm 1941. Không chỉ các bộ phim chống Nhật bị cấm sản xuất mà nhiều kho phim cũng bị quân đội Nhật mang ra trưng dụng để lấy Nitrate bạc.


2. Thập niên 1940 đến thập niên 1960

TheLoveEterne.jpg

Phim "Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài" (1963)​

Sau Thế chiến thứ hai, điện ảnh Hồng Kông phục hồi nhanh chóng nhờ làn sóng di cư thứ hai của các nhà điện ảnh và diễn viên từ Trung Quốc đại lục sang lánh nạn khỏi cuộc Nội chiến Trung Quốc và nhất là sau khi quân Cách Mạng giành chiến thắng trước chính quyền Quốc Dân Đảng năm 1949. Rất nhiều nhân vật xuất sắc của điện ảnh tiếng Hoa đã đổ về hòn đảo này, thêm vào đó là dòng vốn đầu tư của các nước phương Tây cho điện ảnh Hồng Kông để xuất khẩu phim sang Đông Nam Á, những yếu tố này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của nền công nghiệp điện ảnh nước này.

Do các nhà điện ảnh đến từ Đại lục vốn chủ yếu sử dụng tiếng Quan Thoại, các bộ phim sử dụng tiếng Quan Thoại thời kì này thường được đầu tư lớn hơn và cũng có chất lượng nghệ thuật cao hơn nhờ kế thừa những tinh hoa của điện ảnh tiếng Quan Thoại ở Thượng Hải. Các bộ phim tiếng Quảng Đông của các nghệ sĩ địa phương chỉ được coi là các bộ phim "hạng hai". Ngoài hai thứ tiếng chính trên, từ năm 1963, nhà cầm quyền Anh Quốc cũng bắt buộc các bộ phim nói tiếng Hoa phải có thêm phụ đề tiếng Anh, vì vậy đôi khi cùng một bộ phim Hồng Kông ta có thể thấy tới hai dòng phụ đề, 1 dòng phụ đề tiếng Quan Thoại hoặc tiếng Quảng Đông, và 1 dòng phụ đề tiếng Anh.

Hai hãng phim lớn ở Hồng Kông thời kì này là Thiệu Thị (邵氏片場) và Công ty kinh doanh điện ảnh quốc tế (國際電影懋業 - MP&GI). Năm 1964 sau cái chết của Lục Vận Đào, chủ tịch MP&GI, Thiệu Thị bắt đầu chiến ưu thế và thực sự trở thành hãng phim đầu đàn của Hồng Kông sau khi MP&GI chấm dứt lĩnh vực sản xuất phim năm 1970.

Trong giai đoạn này, một thể loại phim mới, các bộ phim ca nhạc Hoàng Mai Điều (黃梅調, bắt nguồn từ Hí khúc), được Thiệu Thị sản xuất và trở nên phổ biến, đặc biệt là sau thành công của bộ phim Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài (梁山伯與祝英台, 1963) của đạo diễn Lý Hàn Tường. Một thể loại phim được ưa thích nữa là các bộ phim tình cảm chuyển thể từ tiểu thuyết Quỳnh Dao vốn rất được ưa chuộng lúc bấy giờ. Nhưng bước đột phá của điện ảnh Hồng Kông phải kể tới sự hoàn thiện của nghệ thuật phim võ thuật với sự hòa trộn của nghệ thuật diễn xuất, võ thuật, nghệ thuật xiếc và Hí khúc. Sự hoàn thiện về mặt nghệ thuật này gắn liền với hai đạo diễn Hồ Kim Thuyên, người thực hiện bộ phim Đại túy hiệp (大醉俠, 1966), Long môn khách sạn (龍門客棧, 1966), và Trương Triệt, đạo diễn của bộ phim mang tính đột phá Độc tý đao (獨臂刀, 1967). Thế hệ ngôi sao phim võ thuật đầu tiên cũng ra đời với các tên tuổi như Trịnh Phối Phối và Vương Vũ.

3. Thập niên 1970 - Giai đoạn chuyển tiếp

houseof72tenantsoa7.jpg

Phim "Thất thập nhị gia phòng khách"​

Điện ảnh tiếng Quan Thoại tiếp tục chiếm ưu thế trong thập niên 1970 ở Hồng Kông. Vào năm 1972, thậm chí không một bộ phim tiếng Quảng Đông nào được các hãng phim Hồng Kông sản xuất. Chỉ nhờ sự phát triển mạnh mẽ của truyền hình Hồng Kông với các bộ phim hài hay cổ trang bằng tiếng Quảng Đông mà nền điện ảnh bản ngữ này mới bắt đầu được phục hồi. Bước tiến đầu tiên của phim Quảng Đông là bộ phim hài ăn khách Thất thập nhị gia phòng khách (七十二家房客), bộ phim tiếng địa phương duy nhất được sản xuất năm 1973 với dàn diễn viên chủ yếu là các ngôi sao truyền hình của hãng TVB vốn cũng do Thiệu Thị đầu tư xây dựng. Một bước tiến nữa của phim tiếng Quảng Đông là bộ phim hài Quỷ mã song tinh (1974) với sự góp mặt của ba ngôi sao truyền hình TVB, ba anh em Hứa Quan Văn, Hứa Quan Kiệt và Hứa Quan Anh, doanh thu bộ phim này thậm chí còn đánh bại các bộ phim tiếng Quan Thoại của huyền thoại Lý Tiểu Long.

Năm 1970, lãnh đạo cao cấp của Thiệu Thị là Trâu Văn Hoài tách ra thành lập một hãng phim mới, hãng Gia Hòa. Với cách kinh doanh năng động hơn Thiệu Thị vốn đã thống trị thị trường quá lâu, Gia Hòa đã nhanh tay kí được hợp đồng với các ngôi sao lớn nhất của điện ảnh Hồng Kông lúc này là Lý Tiểu Long và anh em họ Hứa. Từ cuối thập niên 1970, Gia Hòa bắt đầu chiếm ưu thế và đã góp phần đưa Thành Long trở thành một trong những ngôi sao phim võ thuật hài xuất sắc nhất của điện ảnh Hồng Kông. Thiệu Thị dần mất chỗ đứng của mình và cuối cùng phải tách bỏ hoàn toàn bộ phận sản xuất phim điện ảnh năm 1985 để tập trung vào truyền hình.

Thập niên 1970 cũng chứng kiến sự ra đời của các thể loại phim mới ở Hồng Kông. Đó là phim cấp 3, một thể loại pha trộn giữa phim khiêu dâm và các bộ phim điện ảnh thực sự. Các bộ phim về đề tài xã hội nghiêm túc cũng được sản xuất, thêm vào đó là các bộ phim nghệ thuật của nữ đạo diễn Đường Thư Tuyền. Giai đoạn chuyển tiếp cũng chứng kiến sự hình thành của thế hệ đạo diễn Làn sóng mới Hồng Kông, những người sẽ trở thành trụ cột của điện ảnh nước này trong các thập niên sau đó.

4. Thập niên 1980 và đầu 1990 - Giai đoạn bùng nổ

drunkenmastermoviepostepv4.jpg

Phim "Túy Quyền"​


Giai đoạn phát triển bùng nổ cả về số lượng và chất lượng nghệ thuật của điện ảnh Hồng Kông là thập niên 1980 và đầu thập niên 1990. Không chỉ chiếm lĩnh thị trường phim trong nước, phim Hồng Kông còn đủ sức cạnh tranh với phim Hollywood ở thị trường châu Á và bước đầu được biết tới ở thị trường châu Âu. Công ty tiên phong trong việc quốc tế hóa các bộ phim Hồng Kông là hãng Cinema City do diễn viên hài Mạch Gia thành lập để chuyên sản xuất các bộ phim hài - hành động có tính giải trí cao và dễ trở thành các tác phẩm ăn khách.

Hai đạo diễn và nhà sản xuất có ảnh hưởng nhất của thị trường phim Hồng Kông lúc này là Từ Khắc và Vương Tinh. Từ Khắc không chỉ nổi tiếng với loạt phim Hoàng Phi Hồng mà còn là nhà sản xuất của rất nhiều bộ phim võ thuật hay hành động ăn khách và có tính đột phát về nghệ thuật. Ngược lại Vương Tinh lại nổi danh với các bộ phim hài và ông cũng chính là người đã phát hiện và đưa Châu Tinh Trì trở thành ông vua phim hài của điện ảnh Hồng Kông.

Về mặt thể loại, thập niên 1980 chứng kiến sự phát triển vượt bậc của phim hành động và phim "xã hội đen" với các tác phẩm của đạo diễn Ngô Vũ Sâm, nhà sản xuất Đặng Quang Vinh và ngôi sao Châu Nhuận Phát. Các bộ phim kiếm hiệp cổ trang lại là nơi tỏa sáng của nữ diễn viên Lâm Thanh Hà, còn phim hài bên cạnh Châu Tinh Trì còn có thể kể tới Chung Sở Hồng. Thành Long cũng phát triển riêng cho mình các tác phẩm thuộc thể loại hành động - hài hợp tác cùng Hồng Kim Bảo và Nguyên Bưu, đó thường đều là các tác phẩm ăn khách. Phim nghệ thuật và phim tình cảm của Hồng Kông lúc này cũng bắt đầu có những tác phẩm đặc sắc như các bộ phim của đạo diễn Quan Cẩm Bằng và Vương Gia Vệ.

5. Giữa thập niên 1990 đến nay

infernalaffairsve8.jpg

Phim "Vô gian đạo"​


Từ giữa thập niên 1990, điện ảnh Hồng Kông lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi lượng khán giả đến rạp giảm làm doanh thu giảm sút nghiêm trọng. Đến cuối thập niên này, số lượng phim đã giảm tới hơn một nửa, từ khoảng 200 phim vào đầu thập niên xuống còn chừng 100 phim. Những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này có thể kể tới cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997 đã giáng mạnh vào nền kinh tế chung của Hồng Kông, thêm vào đó là việc sản xuất phim ồ ạt làm giảm sút chất lượng nghệ thuật và lòng tin của khán giả, cuối cùng là sự cạnh tranh của các bộ phim bom tấn đến từ Hollywood. Việc trở về với Đại lục năm 1997 cũng không giúp nền điện ảnh hòn đảo này phục hồi và công nghiệp điện ảnh Hồng Kông xuống đến đáy vào năm 2003. Đây có thể coi là năm đen tối nhất trong lịch sử điện ảnh Hồng Kông khi nó phải đối mặt với sự đóng cửa hàng loạt của các rạp chiếu phim do ảnh hưởng của đại dịch SARS, thêm vào đó là cái chết đột ngột của hai ngôi sao hàng đầu Trương Quốc Vinh và Mai Diễm Phương.

Để cứu ngành công nghiệp từng là niềm tự hào của Hồng Kông, chính quyền hòn đảo này đã thành lập một quỹ hỗ trợ để lần đầu tiên trực tiếp tham gia đầu tư vào điện ảnh. Các nhà điện ảnh Hồng Kông cũng nỗ lực tìm cách thoát ra khỏi khó khăn bằng các bộ phim sử dụng nhiều kĩ xảo, các phim hài kiểu mới hoặc các phim kinh dị. Một hãng phim mới, hãng Milkyway Image của đạo diễn Đỗ Kỳ Phong được thành lập và đã đạt được những thành công bước đầu với các bộ phim "xã hội đen" và hài. Sự trở lại của cả nền điện ảnh Hồng Kông được đánh dấu bằng thành công vang dội về doanh thu và nghệ thuật của bộ phim Vô gian đạo (và hai phần tiếp đó), một tác phẩm hình sự - "xã hội đen" kiểu mới sau này đã được đạo diễn nổi tiếng Martin Scorsese làm lại một phiên bản Hollywood với cái tên The Departed, giành Giải Oscar Phim hay nhất năm 2007. Tiếp nối thành công của Vô gian đạo là hai bộ phim võ thuật - hài Đội bóng Thiếu Lâm (2001) và Tuyệt đỉnh công phu (2004) đều do Châu Tinh Trì viết kịch bản, đạo diễn và thủ vai chính. Đỗ Kỳ Phong cũng mang lại màu sắc mới cho các phim "xã hội đen" truyền thống với Hắc xã hội và Hắc xã hội: Dĩ hòa vi quý.

Hiện nay sau khi Hồng Kông trở về với Trung Quốc, ranh giới giữa hai nền điện ảnh này cũng dần bị xóa nhòa. Các tác phẩm hợp tác giữa các hãng sản xuất phim Hồng Kông với diễn viên Trung Quốc hoặc ngược lại ngày càng trở nên phổ biến và xu hướng chung là sự hình thành một nền điện ảnh Hoa ngữ mới duy nhất.
 
I

iloveyou247_tintin

7 điều quái gở của điện ảnh Trung Quốc

Tại hội thảo về điện ảnh Trung Quốc lần thứ nhất ở Bắc Kinh năm 2003, nhà bình luận nghệ thuật, chủ biên tạp chí "Điện ảnh thế giới" Thiệu Mục Quân đã có bài phát biểu "sặc mùi thuốc súng”. Ông chỉ ra 7 căn bệnh "quái đản" của điện ảnh Trung Quốc hiện nay.

1. Đem công quỹ làm phim, không tính toán lỗ lãi

Đây là tình trạng của các nhà làm phim quốc doanh. Họ đem công quỹ xây dựng phim cho có cái để báo cáo, xong rồi đem chiếu. Có người xem hay không, không quan tâm.

2. Khắt khe với điện ảnh, nới tay với truyền hình

Ở châu Âu, truyền hình thường bị kiểm duyệt chặt chẽ hơn, bởi truyền hình đến với hàng trăm triệu người, già trẻ lớn bé. Ngược lại, sự kiểm duyệt với điện ảnh của họ chủ yếu dựa vào quy luật kinh doanh. Phân cấp điện ảnh chính là kết quả của quy luật đó. Ở Trung Quốc, kiểm duyệt với điện ảnh lại quá chặt chẽ, trong khi đó rất nhiều vấn đề trong phim truyền hình lại được nương tay quá đáng, như tình yêu tay ba, xã hội đen, những cảnh máu me... đều có thể xuất hiện thường xuyên. Việc kiểm duyệt khắc khe sẽ bóp chết điện ảnh Trung Quốc.

3. Biến điện ảnh thành “loại hàng tiêu dùng cao cấp”

Trước đây khi còn là sinh viên nghèo ở Thượng Hải, tôi vẫn có thể thường xuyên đến các rạp chiếu bóng xem phim. Còn bây giờ? Rất nhiều nơi xây dựng các rạp chiếu bóng cao cấp, vé xem một bộ phim bị đẩy lên mấy chục hoặc mấy trăm nhân dân tệ. Việc biến điện ảnh thành “loại hàng tiêu dùng cao cấp” cuối cùng chỉ hình thành loại khán giả có tiền mà không có văn hoá. Thực ra việc quy định giá vé là có quy luật, nó phải dựa trên mức độ phát triển của nền kinh tế quốc dân.

4. Ra sức phát triển phim truyền hình

Phát triển phim truyền hình sẽ dẫn tới việc có sự so sánh mức kinh phí thấp của các tập phim truyền hình với phim điện ảnh. Với kinh phí hạn hẹp thì khó mà tạo ra được một tác phẩm điện ảnh hay. Hơn nữa, người xem sau khi quen với phim truyền hình sẽ không còn hứng thú tới rạp nữa. Chúng ta không thể vì những lý do cho rằng cơ sở hạ tầng điện ảnh không đạt yêu cầu hiện nay mà đẩy điện ảnh về thứ yếu, đó không phải là cách giải quyết vấn đề.

5. Nạn băng đĩa lậu tràn lan

Hiện nay điện ảnh Trung Quốc không chỉ phải đối mặt với sự cạnh tranh của các phim Hollywood mà còn bị đe dọa bởi nạn in sang băng đĩa lậu. Một số lượng lớn khán giả bị cuốn vào vòng xoáy đó. Họ không phải không biết việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thế nhưng rất nhiều bộ phim xuất sắc thông qua con đường hợp pháp thì họ chẳng đến xem. Ngoài ra, với lượng lớn đĩa VCD và DVD trắng do chúng ta sản xuất ra đã tạo điều kiện cho việc in sang băng đĩa lậu phát triển. Khi người xem mua được những tác phẩm điện ảnh hay của nước ngoài từ những cửa hàng bán đĩa lậu một cách dễ dàng thì làm sao họ còn chú ý đến điện ảnh trong nước nữa?

6. Phê bình điện ảnh đã chết

Nói rằng phê bình điện ảnh không phải để hướng đến khán giả mà chỉ dành cho các chuyên gia và đạo diễn, và những bài phê bình ấy nhất định phải đăng trên các báo chí chuyên ngành, chẳng phải là thiếu thực tế sao? Tôi cho rằng các bài phê bình điện ảnh nhất thiết phải coi người xem là bạn, không được trở thành “thầy giáo” của người xem. Có một số người không đồng tình với quan điểm này, cho rằng làm như thế chẳng khác gì tuyên truyền quảng cáo cho phim ảnh. Nhưng tôi cho rằng làm thế nếu giống quảng cáo cũng chẳng có gì là xấu. Vấn đề hiện nay của chúng ta là thiếu những bài phê bình điện ảnh một cách chân chính.

7. Kéo người xem vào bình chọn giải thưởng

Tôi cho rằng đã là giải thưởng điện ảnh thì phải do một ban giám khảo chuyên nghiệp đánh giá chứ không thể chỉ đơn thuần do người xem bình chọn. Bây giờ có khá nhiều giải thưởng do người xem bình chọn, điều này là không hợp lý. Nói rằng làm vậy là để gần gũi với người xem, nhưng hãy xem lại giá vé xem phim cao ngất của chúng ta! Việc khán giả đến rạp nhiều hay ít mới là cách bỏ phiếu của họ. Trong các cuộc bình chọn giải thưởng ở nước ngoài, phim được công chúng yêu thích chỉ là một giải nhỏ, còn các giải có ảnh hưởng lớn, như giải Oscar, đều do các chuyên gia bình chọn.
 
Top Bottom