“Khu vực trồng
“Phượng vĩ được trồng khá phổ biến tại khu vực Caribe.
Tại Hoa Kỳ, nó được trồng ở khu vực Florida, thung lũng Rio Grande ở miền nam Texas, các sa mạc ở Arizona (đến tận Tucson) và California, Hawaii, Puerto Rico, quần đảo Virgin và Guam. Nó là loài cây biểu tượng chính thức của quần đảo Bắc Mariana
Phượng vĩ được coi là đã thích nghi với thủy thổ ở nhiều khu vực mà người ta trồng nó, và bị coi là loài xâm hại tại Australia, một phần là do các bóng râm cũng như bộ rễ của nó đã ngăn cản sự phát triển của nhiều loài thực vật bản địa mọc dưới tán lá của nó. Nó cũng được tìm thấy tại Ấn Độ, tại đây người ta gọi nó là gulmohar, hay tại Việt Nam.
“Quả phượng vĩ được sử dụng tại khu vực Caribe trong vai trò của bộ gõ âm nhạc với tên gọi shak-shak hay maraca.
“Cây phượng vĩ tại Blakiston St, Harare, Zimbabwe, 1975
“Mùa nở hoa
“Phượng vĩ nở hoa từ khoảng tháng 4 đến tháng 6, tùy theo khu vực.
“Ý nghiã tên
“Tên “phượng vĩ” là chữ ghép Hán Việt – “Phượng Vỹ” có nghĩa là đuôi của con chim phượng. Đây có thể là một hình thức đặt tên gọi theo cảm xúc vì các lá phượng vỹ nhất là các lá non trông giống như hình vẽ đuôi của loài chim phượng.
“Biểu tượng
“Tại Việt Nam, phượng vĩ là biểu tượng gắn liền với tuổi học trò, do mùa nở hoa của nó trùng với thời điểm kết thúc năm học, mùa chia tay của nhiều thế hệ học trò. Do vậy, nó gắn liền với nhiều kỷ niệm buồn vui của tuổi học trò, và vì thế người ta gắn cho nó tên gọi “hoa học trò”. Thành phố Hải Phòng là khu vực trồng rất nhiều phượng vĩ, vì thế thành phố này còn được gọi một cách văn chương là “thành phố Hoa Phượng Đỏ”. Nhà thơ Thanh Tùng có bài thơ Thời hoa đỏ đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc thành bài hát cùng tên, viết về những kỷ niệm của tuổi trẻ với mùa hoa phượng vĩ.”
Thật ra, theo tôi biết, có hai loại hoa phượng khác nhau chút ít: Một thứ, như trình bày ở trên, thường gọi nôm là phượng. Phượng vĩ là tên thường thấy trong văn chương. Tên phượng tây cũng vậy. Thật ra, thông thường, người ta hiểu đây là phượng ta, đối nghịch với cách gọi trong phần giải thích nói trên. Phượng tây là tiếng dùng để gọi một loại phượng khác, loại nầy cao chỉ mới quá đầu người. Chỉ cần đứng trên ghế là người lớn tuổi có thể hái được những chùm hoa trên ngọn cây. Đây cũng là loài cây mộc, nhưng cành và thân nhỏ, bông cũng mọc chùm, hình dáng như bông lau, cánh hoa màu đỏ, viền vàng. Những bông hoa phía trong thì đã nở trong khi những bông hoa đầu ngọn còn búp. Loại phượng nầy thường được trồng trong sân các đình, chùa, miếu, vũ để lấy hoa chưng trên bàn thờ; có khi cũng được trồng trong công viên. Trước 1945, khi tôi còn nhỏ, tôi đã theo người anh cả, qua “Nhà Giây Thép” xin ít cánh hoa về để bố tôi chưng trên bàn thờ.
Đây cũng là loại hoa thường được gọi là “bông cúng” - cúng bái. Tuy nhiên, loại nầy không phổ biến như hoa phượng.
Trong một cuốn sách của ông Nguyễn Tường Bách, người gốc Huế, cũng cho biết rằng loài phượng vĩ gốc gác từ Madagascar. Pháp đô hộ Madagascar trước, sau đó tới các nước Đông Dương.
Khi người Pháp bắt đầu xây dựng những thành phố mới ở Việt Nam hay chỉnh trang, phát triển những thành phố đã có từ trước khi họ đến Việt Nam, có lẽ họ đã cho nhập giống phượng từ Madagascar qua Việt Nam để trồng và làm đẹp các đường phố, các trường học, công sở, công viên ,v.v…
Thành phố Huế chẳng hạn. Ở khu phố Tây là phố mới, có nghĩa là được xây dựng sau khi Tây đã đô hộ, thì hầu hết các đường phố ở khu vực nầy được trồng phượng hai bên đường, bên bờ sông, bên cạnh những cây đoác hay cây chuối Tây cũng là loại cây được “nhập cảng.”
Ở khu phố cổ, - tả ngạn - phượngg chỉ được trồng bên bờ sông, hoặc vài ba cây còn nhỏ trên đường ngang cửa Ngô Môn - song song với đường Cột Cờ, đoạn gần cửa Ngăn. Có lẽ đây là một sự “lạc giống” được sở Công Chánh trồng “bổ sung” khi một số cây cũ đã chết.
Trong thành nội Huế, dọc theo đường Hộ Thành - nay là đường Đinh Bộ Lĩnh -, khu vực cửa Hiển Nhơn, hầu hết trồng nhãn - nhãn lồng - đường Tam Tòa trồng mù u.
Loại cây trồng ở Huế, trước khi Tây cai trị phần nhiều là thông, bàng và mù u. Người Huế có câu ca dao:
Văn Thánh trồng thông
Võ Thánh trồng bàng
Ngó lên Xã Tắc hai hàng mù u.
Năm tôi học Đệ Tam với ông VĐH, môn Văn Chương Bình Dân, có đứa trong bọn chúng tôi thóc mách hỏi thầy tại sao Văn Thánh trồng thông mà không trồng bàng, Xã Tắc lại trồng mù u? Ông thầy tôi không trả lời!
Năm Đệ Nhị, học về Nguyễn Công Trứ, tôi nhớ đã học bài thơ sau đây của Nguyễn Công Trứ từ năm Đệ Tứ:
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông.
Cụ Võ Liêm Sơn, một nhà cách mạng, “đồng chí” với cụ Phan Bội Châu, sau nhiều năm bị đày ra Côn Đảo, được tha về, dạy học ở trường Khải Định, có bài thơ “Ngắm Non Hồng”, có mấy câu kết như sau:
Vẫn cứ đinh ninh lời nguyện ước:
Bên mồ có mọc một cây thông
Để cho xương thịt máu vung trồng
Theo gió reo lên một khúc nhạc
Kêu vang chín chín ngọn non Hồng.
Tôi không bàn về sự khác biệt tư tưởng giữa hai tác giả nầy: Một bi quan và một lạc quan, dù là ở “kiếp sau”, người đọc thấy rằng:
Cây thông tượng trưng cho người quân tử vì thân thẳng và cao, như người quân tử chẳng bao giờ chịu oằn lưng vì danh lợi. Tấm lòng quân tử bao giờ cũng xanh, không đổi màu, không thay lòng.
Tư tưởng đó gần gủi với văn hóa nên có phải vì vậy mà thông được trồng ở Văn Thánh, nơi thờ Khổng Tử và thất thập nhị hiền.
Võ Thánh trồng bàng?
Cây bàng gỗ cứng, chịu đựng được sức nặng, lại có tàng rộng, che nắng cho người. Có phải đó là tính chất của các võ tướng.
Xã Tắc trồng mù u?
(Xin độc giả xem bài sau: Hoa Mù u)
Về chữ phượng, “Bách Khoa Toàn Thư” còn giải thích thêm:
“Chòm sao Phượng Hoàng, (tiếng La Tinh: Phoenix) là một trong 88 chòm sao hiện đại, mang hình ảnh chim phượng hoàng.
“Đèo Phượng Hoàng
“Đèo Phượng Hoàng là con đèo nằm trên quốc lộ 26 đoạn giáp ranh giữa tỉnh Đăk Lăk với Khánh Hòa.
Phượng, hay Phượng hoàng, Phụng, là một trong 4 tứ linh theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam và các nước Á Đông khác. Phượng có mỏ diều hâu dài, tóc trĩ, vẩy cá chép, móng chim ưng, đuôi công... Các bộ phận của phượng đều có ý nghĩa của nó: đầu đội công lý và đức hạnh, mắt tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, lưng cõng bầu trời, cánh là gió, đuôi là tinh tú, lông là cây cỏ, chân là đất. Như vậy nó tượng trưng cho bầu trời, khi nó bay hoặc múa (phượng vũ) là tượng trưng cho sự hoạt động của vũ trụ. Vì thế phượng là hình tượng của thánh nhân, của hạnh phúc. Nếu rồng có yếu tố dương, tượng trưng cho vua chúa thì phượng lại có yếu tố âm nên tượng trưng cho hoàng hậu và người đàn bà đẹp.”
Trước khi có cây phượng, hoa phượng, nghĩa là trước khi Tây thực dân đem cây “phượng thực dân” từ Madagascar (Tội nghiệp cho cây phượng bị mang tiếng oan khi dính chùm với thực dân) thì ở nước ta chỉ có chim phượng, hay còn gọi là chim phượng hoàng. Chim trống gọi là hoàng, chim mái gọi là phượng. Gọi chung là phượng hoàng.
Người Tàu có câu:
Phượng hề, phượng hề qui cố hương
Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng.
Con chim phượng trở về quê cũ (hề chỉ là tiếng đệm trong thơ cổ), sau khi ngao du khắp bốn biển để tìm con chim hoàng. Do ý nghĩa đó mà có bản đàn “Phượng cầu kỳ hoàng.”
Trong truyện Kiều, ở đoạn Kiều gảy đàn cho Kim Trọng nghe (Bản đàn thứ nhứt), cùng một ý như trên, Nguyễn Du viết:
“Khúc đâu Tư Mã Phượng Cầu,
Nghe ra như oán như sầu phải chăng!