Văn tự sự - bài viết số 2

N

nhatnguyen1999

L

lalinhtrang

PN - Tình cảm yêu - ghét đối với một con người nào đó có thể bộc lộ bất cứ lúc nào và ở đâu, nhưng nghiệm ra nó bộc lộ chân thành nhất, cụ thể nhất lúc con người đó qua đời. Mấy ngày hôm nay kể từ 4/10/2013, cả thế giới đã chứng kiến lòng tiếc thương, sự mến mộ sâu sắc đến nhường nào của nhân dân ta cũng như không ít những bạn bè quốc tế đối với người con ưu tú bậc nhất của dân tộc Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Rất nhiều bài viết đã trân trọng nhắc đến tài năng kiệt xuất và những cống hiến hết sức lớn lao của nhân vật huyền thoại này. Có một vấn đề cần được làm rõ: đâu là vẻ đẹp bên trong của ông - nói khác đi, đâu là phẩm chất cơ bản nhất đã tác động, chi phối suy nghĩ và hành động của ông suốt 80 năm ròng rã, kể từ ngày ông là học sinh trường Quốc Học Huế, được gặp gỡ và mến trọng “Ông già Bến Ngự” Phan Bội Châu và chính thức tham gia hoạt động cách mạng cho đến phút lâm chung?

Trước hết, tôi nghĩ đến trái tim nhân hậu của Đại tướng. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nhớ lại: bao nhiêu năm kề cận với vị Tổng tư lệnh của mình, chưa bao giờ ông nghe một lời nói nặng của Đại tướng với bất cứ ai dưới quyền. Nhiều vị tướng khác đã đinh ninh ghi tạc lời dặn - đồng thời cũng là mệnh lệnh của Đại tướng - trước mỗi trận đánh phải chuẩn bị thật kỹ để hạn chế đến mức thấp nhất sự hy sinh của các chiến sĩ.

Người dân xếp hàng chờ đến lượt vào thắp hương tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng của Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu, Hà Nội.

Tôi lại nhớ đến câu chuyện nhà báo Bùi Thanh kể trong bài “Mơ ước duy nhất” đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 19/5/2006. Chuyện thế này: ra Hà Nội công tác, anh được biết “Có một ông già ra Thủ đô để khiếu kiện và tố cáo tham nhũng. Ông đã đi nhiều nơi, gõ nhiều cửa, nhưng chẳng ai thèm ngó ngàng. Một bác xe ôm biết chuyện, lại thấy ông già chẳng giàu có gì nên đã chở đi không lấy tiền.

Và trên đường đi, bác xe ôm đã nói thế này: “Ông ơi, ông đi làm gì, gõ cửa làm gì… nhiều người họ có còn là cách mạng nữa đâu!”. Nhưng ông già vẫn đi, vẫn gõ cửa, và rồi ông đến nhà nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Sau khi trình bày khiếu kiện và tố cáo tham nhũng, ông già đã kể câu chuyện và tâm sự của người chạy xe ôm cho nguyên Tổng bí thư nghe. Quá nặng lòng trước việc này, nguyên Tổng bí thư đã sang kể lại cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nghe xong câu chuyện, người học trò trung thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rơi nước mắt…

Nhớ lại, khi đọc đến đấy tôi đã rùng mình, gai người khi hình dung những giọt nước mắt lẽ ra không phải đổ ra của nhà cách mạng chân chính đã tròn 96 tuổi trời. Nghe một số vị lão thành cách mạng kể lại, trong suốt cuộc đời hoạt động, nhiều lúc vào sinh ra tử, không ít thời gian tưởng như đậm chất bi kịch, Đại tướng tuy luôn bình tĩnh, chủ động, sáng suốt, nhưng cũng đã hai lần rơi nước mắt, cả hai lần đều hòa trộn tình riêng và nghĩa chung. Lần thứ nhất, đầu năm 1945, khi nghe tin người bạn đời thương quý của mình - nhà cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái hy sinh. Lần thứ hai, sáng 2/9/1969, khi ông và các vị lãnh đạo cao cấp khác, chứng kiến phút lâm chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nếu quả đúng như thế, thì đây là lần thứ ba, vị tướng khả kính của chúng ta rơi nước mắt. Ông không đau nỗi đau riêng mà xót xa trước một thực tế phũ phàng: lòng tin vào cách mạng của nhân dân đã bị suy giảm. Tình hình đáng lo ngại này đã được đặt ra hết sức nghiêm túc tại những diễn đàn quan trọng nhất (Đại hội Đảng toàn quốc, các hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, những kỳ họp Quốc hội v.v…), đã được những người đứng đầu cao nhất (Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Quốc hội) đề cập đến trong những bài phát biểu chính thức.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh: Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến thị sát bộ đội diễn tập năm 1957)

Tôi lại nghĩ đến một trong những yếu tố cơ bản của nhân cách: tinh thần trách nhiệm rất cao của ông trước nhân dân, với đất nước. Có thể kể vô số việc làm của ông đã thể hiện sâu đậm phẩm chất này. Đã từng 10 năm đứng trên bục giảng tại Trường trung học Thăng Long, vì thế bức xúc trước bức tranh u ám của giáo dục Việt Nam, ông đã nhiều lần góp ý với Quốc hội về việc phải khẩn trương, nghiêm túc cải cách giáo dục.

Sự việc tiêu biểu cho phẩm chất tận tình, trách nhiệm của một công dân Cách mạng của Đại tướng, đó là quyết định thay đổi phương lược chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Rất nhiều bài báo, công trình chuyên khảo đã phân tích thiên tài quân sự của vị Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam, lúc ấy trực tiếp cầm quân tại chiến trường. Ở đây chỉ xin bàn góp về một phương diện. Về nguyên tắc, kế hoạch tác chiến đã được Tổng quân ủy nhất trí, Bộ chính trị đã thông qua. Quân đội đã vào vị trí tập kết, 88 khẩu pháo đã sẵn sàng giăng lưới lửa. Tướng lĩnh cũng như binh sĩ hân hoan với chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh”. Ai cũng nghĩ sau 2.000 trái pháo 105 ly trong trận mở màn, quân ta sẽ giải quyết gọn “con nhím” Điện Biên Phủ trong vài ba ngày.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nghĩ như thế nên mới hạ bút ký vào bản kế hoạch để được trình Hồ Chủ tịch và Bộ chính trị. Chỉ khi đến chỉ huy sở Mường Phăng trực tiếp quan sát trận địa, nghiên cứu lại cách bố phòng mang tính “giăng bẫy” của đối phương, so sánh tương quan lực lượng địch - ta, Đại tướng mới thấy không thể theo phương án cũ. Lời dặn của Hồ Chủ tịch trước lúc lên đường luôn văng vẳng bên tai ông: “Chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn”. Xương máu của đồng đội nhắc ông phải muôn vàn cẩn trọng. Đánh theo kế hoạch cũ chắc chắn sẽ “hết vốn”.

Thay đổi kế hoạch ư? Việc này lớn hơn chuyển lay một trái núi. Nhưng không thể không thay đổi như lời tâm sự của chính ông: “Đêm 25/1/1954 tôi không sao chợp mắt. Đầu đau nhức. Đồng chí Thùy, y sĩ, buộc lên trán tôi một nắm ngải cứu" (hồi ký Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, tr.101, NXB Quân đội nhân dân, 2001). Và rồi Đại tướng có một quyết định lịch sử, rất có trách nhiệm, hết sức dũng cảm và hoàn toàn sáng suốt: chuyển từ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Chỉ trong buổi sáng 26/1/1954, ông thực hiện hàng loạt công việc cần thiết: họp và thuyết phục Đảng ủy mặt trận, báo cáo hỏa tốc về Hồ Chủ tịch và Bộ chính trị. Chưa nhận được ý kiến phản hồi từ cấp trên, nhưng với tư cách tư lệnh chiến trường, ông đã chỉ thị rút pháo ra, mở ngay một số mặt trận phối thuộc ở cả ba miền chuẩn bị cho cách đánh mới.

Sau 43 ngày khẩn trương hoạt động, ngày 13/3/1954, tiếng súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã nổ. Sau 56 ngày đêm chiến đấu, kết quả của trận quyết chiến chiến lược này như thế nào chúng ta đều đã rõ. Chỉ xin nói thêm, 10 năm sau, đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn đã phát biểu: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”.

Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ có cách nói khác: “Tôi nghĩ nếu lần đó cứ “đánh nhanh, thắng nhanh” thì cuộc kháng chiến có thể lui lại 10 năm” (Sdd tr.109-110).

Điều đáng bàn ở đây là tinh thần trách nhiệm nhất thiết phải có của người lãnh đạo. Cương vị càng cao, phẩm chất này càng phải vững. Về mặt lý thuyết có thể ai cũng dễ nhất trí như thế, nhưng trong thực tiễn mấy ai mà dám nghĩ - dám quyết định như Võ đại tướng?
GIỜ ĐÂY MỌI CHUYỆN ĐÃ ĐI VÀO LỊCH SỬ. TÍNH TỪ NGÀY 4/10/2013, ĐẠI TƯỚNG ĐÃ “VÀO CUỘC TRƯỜNG SINH NHẸ CÁNH BAY”. NHƯNG KHÔNG BIẾT TẤM LÒNG NHÂN HẬU VÀ TINH THẦN CÔNG DÂN CỦA NGƯỜI CÓ THÔI THỔN THỨC TRƯỚC NHỮNG ĐIỀU CHƯA VUI CỦA XÃ HỘI HÔM NAY? KHÔNG BIẾT NỮA, CHỈ THA THIẾT CẦU CHÚC TRONG “THẾ GIỚI NGƯỜI HIỀN”, ĐẠI TƯỚNG KHÔNG CÒN RƠI NƯỚC MẮT VÀ TÂM TRẠNG CỦA NGƯỜI LUÔN HOÀN TOÀN THANH THẢN
 
Top Bottom