Bạn có thể tham khảo những bài sau nhé^^
Đề bài: Phân tích bài văn “ Tức nước vỡ bờ” của nhà văn Ngô Tất Tố
Bài 1:
‘Tắt đèn’ là bản tố khổ chân thật, sâu sắc, chan hoà nước mắt và lòng căm phẫn của người nông dân nghèo bị bóc lột, đàn áp. Có lẽ chính nhà văn Ngô Tất Tố cũng không cầm được nước mắt. Cái đáng quý ở nhà văn này là thái độ phẫn nộ với giai cấp bóc lột và lòng thương người mênh mông!
‘Tức nước vỡ bờ’ vốn là câu tục ngữ mang tính quy luật tự nhiên (nước đã dâng lên cao thì bờ ngoài vỡ nhưng cũng có ý nghĩa xã hội sâu sắc…, Người ta đã vận dụng câu tục ngữ này làm tiêu đề, tên gọi của một đoạn trích hết sức điển hình trong tiểu thuyết Tắt đèn.
Tình huống dẫn đến cảnh ‘tức nước vỡ bờ’ có ngay ở giữa nhà Lí trưởng, chị Dậu, nạn nhân trực tiếp của cái thuế thân quái gở kia đã uất nghẹn kêu lên:
‘Ối trời ơi! Tôi bán cả con lẫn chó và hai gánh khoai mới được hai đồng bảy bạc. Tưởng rằng đủ tiền nộp sưu cho chồng, thì chồng khỏi bị hành hạ đêm nay. Ai ngờ lại còn suất sưu của người chết nữa! Khốn nạn thân tôi! Trời ơi! Em tôi chết rồi cồn phải đóng sưu hở trời?… ‘
Như thế là hoàn cảnh đưa đến cảnh ‘tức nước’ là do những trận bão tố từ cái chính sách thuế thân quái gở của bọn thực dân Pháp và những thủ đoạn bóc lột trắng trợn của gia đình Nghị Quế, và hành động đánh trói dã man của bọn lính tráng, tuần đinh, người nhà tên Lí trưởng giội xuống đầu chị Dậu!
Chúng dồn chị đến con đường cùng, khi anh Dậu bị ném ở đình về nằm khóc con, khóc em, khóc số phận mình. Nhưng chị Dậu đã khuyên giải ‘Thịt người tanh không ai ăn được, thầy em cứ yên tâm nằm nghỉ không phải lo lắng gì cả’.
Như vậy là mức nước đã dâng lên rất cao, cái thời điểm ‘vỡ bờ’ chỉ còn chờ đợi từng giây phút. Người đàn bà ấy đã phải chịu nỗi đau đứt ruột vì phải bán đàn chó và bán con đi mà vẫn không giải quyết được nạn sưu thế. Nhất là khi bọn chúng vất anh Dậu về nhà chỉ còn như cái xác chết, người hàng xóm cho bát gạo, chị nâu cháo vội để ‘cứu chồng’(bát cháo lúc này vừa là bát cơm vừa là chén thuốc). Nỗi lo của chị như vừa lắng dịu xuống một chút, vì anh Dậu vừa tỉnh lại, run rẩy cất bát cháo vào miệng định ăn thì chúng sầm sập tiến vào nhà, trong tay là roi song, dây thừng, hình ảnh chúng như bọn quỷ dữ từ âm phủ hiện về chúng hét ‘Thằng kia! Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à? Nộp tiền sưu! Mau!
Thế là cái giọng khàn khàn chỉ hút xác thuốc phiện đã dập tắt ngay sự yên ổn của chị Dậu và hơi tàn của anh Dậu! Anh ‘lăn đùng ra đó, không nói được câu gì’. Trước tình cảnh ây, chúng chẳng có chút gì mủi lòng mà còn quát mắng, chửi bới, đe doạ chị Dậu. Chúng gọi chị là ‘mày’ xưng ‘cha’ rồi xưng ‘ông’ với chị. Chúng doạ ‘dỡ nhà’ và ‘trói cổ anh Dậu điệu ra đình’! Cuối cùng tên cai lệ giật phắt cái dây thừng trong tay người nhà Lí trưởng sầm sập chạy đến chỗ anh Dậu. Đểu cáng và tàn ác hơn nữa, hắn ‘bịch vào ngực chị mây bịch’ và tát vào mặt chị. Thái độ của chị Dậu đã căm giận lắm, nhưng để bảo vệ chồng, chị van xin, ngăn cản, đỡ đòn cho chồng. Mỗi lần chị lùi lại van xin, tên cai lệ càng hung hăng thêm. Vừa đánh, vừa chửi hắn nhảy đến cạnh anh Dậu. Hành động và cử chỉ của tên tay sai mạt hạng chính là ngọn gió gây nên cảnh ‘tức nước vỡ bờ’. Bão táp đã đến độ con bờ phải ‘vỡ’. Sau cái tát vào mặt chị và thêm những lời nói thô lỗ, khốn nạn của hắn như: ‘mày định nói cha mày nghe đấy à’, ‘trói cổ thằng chồng lại’. Chị không chịu được nữa bèn túm lấy cổ hắn dúi ra cửa, hắn ‘ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng lảm nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu’!
Như vậy, chị Dậu là biểu tượng cho những đợt sóng cồn, nước cả có sức mạnh công phá con bờ. Và bọn lính tráng, tay sai chỉ cậy sức mạnh ở cường quyền, bạo lực, còn bản chất của chúng thì hèn yếu, từ cái dáng hình bề ngoài đến lòng dạ bên trong!
Tình huống xảy ra như không thể ngờ chị Dậu lại chống cự mạnh mẽ đến như thế! Lúc đó chị đang tập trung nói ý nghĩ và cử chỉ là an ủi chồng. ‘Thầy em cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ sót ruột’ thì bọn cai lệ dẫn xác vào. Mặc cho chúng quát tháo chị vẫn dịu dàng van xin chúng bằng những lời có tình, có lí: ‘Nhà cháu đã túng lại phải đóng cả suất sưu cho chú nó nữa, nên mới lôi thôi như thế. Chứ cháu có dám bỏ bê tiền sưu của nhà nước đâu’… Nếu những con người có lương tri nhìn cái gia cảnh ây, con người ấy ai nỡ đầy đoạ đến bước đường cùng? Nhưng bọn này là tay sai, ở chúng không có khái niệm ‘tình thương người’ nên chúng chỉ biết ăn nói thô tục, quát tháo ầm ĩ, đánh người bừa bãi, chúng có biết đâu rằng có giết vỢ chồng chị đi thì cũng không còn đồng xu nào nộp suất sưu vô lí nữa. Chị gọi chúng là ‘ông’ và tự xưng là ‘cháu’ và đã hai lần chị xin chúng: ‘Hai ông làm phúc cho nhà cháu khất’… ‘Nhà cháu đã không có, xin ông xem lại… ‘ Như vậy một bên là cố gắng kìm nén, một bên cứ cậy thế chính quyền, luật pháp mà mắng chửi, xô người đến con đường cùng.
Cho nên tình huống đã trở nên không thể nào khác là ‘cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng’. Sau khi bị tên cai lệ đánh và hắn đe doạ không tha anh Dậu, chị Dậu vùng lên trở thành người đàn bà đanh đá, quyết liệt chống lại bọn chúng: từ chỗ xưng ‘cháu’ với ‘ông’ chị gọi chúng là ‘mày’ và xưng ‘bà’ nói những câu áp đảo lại chúng: ‘Ông không được phép’, ‘Mày trói ngay chồng bà đi bà cho mày xem’. Nói là làm, chị đã đánh ngã cả hai thằng cả hai tên ‘đại diện’ cho sự thống trị khốn nát nhất.
Khi nghe chồng than thở và can ngăn chị đã nói một câu chứng tỏ lòng căm thù của những người bị áp bức bóc lột đã lên đến tột đỉnh: ‘Thà ngồi tù. Để cho chúng làm tình, làm tội mãi, không chịu được’. Câu nói là sự thách thức tất cả, không còn sợ gì nữa!
Qua đoạn trích trên đây ta thấy nhà văn đã cắt nghĩa bằng hành động của chị Dậu một quy luật xã hội ‘ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh’. Vì vậy như trên đã nói, câu tục ngữ ‘tức nước vỡ bờ’ có ý nghĩa về mặt qui luật tự nhiên, và cũng có ý nghĩa sâu sắc về mặt xã hội.
Vì thế nhà văn Nguyễn Tuân đã từng nhận xét:
‘Cách viết lách như thế, cách dựng truyện như thế, không phải là phát động quần chúng nông dân chống quan Tây, chống vua ta còn là cái gì nữa? ‘
Quả thực trong chương này, chị Dậu đã nổi loạn chống lại bọn tay sai là bọn cường hào, nanh vuốt của bọn thống trị thực dân, phong kiến.
Viết đoạn này Ngô Tất Tố tuy chưa hoàn tất nhân vật chị Dậu, nhưng nhà văn đã tô điểm thêm cho nhân vật của mình ngoài cái đẹp về hình thức, tâm hồn, tính cách, còn có vẻ đẹp cứng cỏi trong đẩu tranh, một vẻ đẹp đáng quý biết bao.
Nét sắc sảo trong đoạn trích là nhà văn đã dựng được những tình huống để các nhân vật phát triển hết tính cách của mình, các nhân vật chính diện cũng như nhân vật phản diện. Nhân vật chị Dậu là nhân vật điển hình là người phụ nữ đẹp đẽ, mạnh khoẻ, để lại ấn tượng khó quên trong lòng người đọc.
Hoặc bài này ^^
Bài làm "Tức nước vỡ bờ", câu tục ngữ nêu một quy luật của tự nhiên, mà có ý nghĩa xã hội sâu sắc, thâm thuý vô cùng. Tác giả sách giáo khoa đã vận dụng cách nói dân gian ngắn gọn, rất thông minh ấy để đặt tên cho chương XVIII cùa tiểu thuyết Tắt đèn khi chọn đưa vào sách giáo khoa từ buổi đầu xây dựng nhà trường XHCN Việt Nam, cũng thật sâu sắc và thâm thuý vô cùng. Nhờ vậy, ngày nay đọc lại chương truyện này, chúng ta dễ dàng định được hướng đi, để cảm nhận những tình huống hấp dẫn, những hình tượng nhân vật sống động, điển hình. Những điều gì làm "tức nước" ? Khi nào thì nước phá vỡ bờ ? Nước phá, bờ vỡ... ra sao ? Ý nghĩa của cuộc công phá và sự đổ vỡ ? Nghĩa đen, nghĩa bóng ? Quy luật của tự nhiên, quy luật của xã hội ? Những điều gì làm tức nước ? Trước hết, ấy là dồn dập những trận dông tố bất công phi lí từ chính sách thuế thân quái gở của thực dân Pháp, đến những thủ đoạn bóc lột trắng trợn của gia đình nhà Nghị Quế, những hành động dã man của bọn lí dịch trong làng dội xuống gia đình chị Dậu. Chính chị Dậu - nạn nhân trực tiếp của những cơn dông tố ấy - ở giữa nhà lí trưởng, đã phải hét to lên những lời uất nghẹn này : "Ôi trời ơi ! Tôi bán cả con lẫn chó và hai gánh khoai mới được hai đồng bảy bạc. Tưởng rằng đủ nộp tiền sưu cho chồng, thì chồng tôi khỏi bị hành hạ đêm nay. Ai ngờ lại còn suất sưu của người chết nữa ! Khốn nạn thân tôi ! Trời ơi ! Em tôi chết rồi còn phải đóng sưu, hở trời ?" Ba lần người nông dân khốn khổ ấy kêu trời, hỏi đất ! Nhưng làm gì có trời để kêu, để hỏi ? Chỉ có bọn đầu trâu mặt ngựa mà thôi. Chúng không có tai để nghe, chúng không có tim để rung cảm. Chúng chỉ biết văng tục, chửi bới, ức hiếp, đánh đập, hành hạ người khác một cách dã man. Đại diện cho bọn trâu ngựa ấy là tên cai lệ và tên người nhà lí trưởng. Chúng chính là những cơn bão tố, những ngọn hồng thuỷ trực tiếp làm cho cái mặt nước cuộc đời, những con sóng căm uất của chị Dậu đầy lên, căng ứ không thể kìm nén được ! Khi anh Dậu vừa tỉnh lại, run rẩy cất bát cháo kề vào miệng định cố ăn - như cố níu giữ chút hơi tàn của cuộc sống - thì chúng sầm sập tiến vào nhà, với roi song tay thước, dây thừng, hệt như những con quỷ dữ từ âm phủ hiện về. "Thằng kia ! Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à ? Nộp tiền sưu ! Mau !". Cái giọng khàn khàn do hút nhiều xái cũ của tên cai lộ thổi tắt phụt chút hơi tàn của anh Dậu "khiến anh lăn đùng ra đó, không nói dược câu gì". Rồi tới tấp, dồn dập, hắn quát mắng, chửi bới, đe doạ chị Dậu. Trong khi người đàn bà khốn khổ vừa ôn tồn, vừa tha thiết xin khất thuế, thì hắn cứ khăng khăng một mực đòi cho kì được. Hắn gọi chị Dậu là "mày", xưng là "cha", rồi xưng "ông". Hắn doạ "dỡ nhà", rồi doạ "trói cổ" anh Dậu điệu ra đình. Cuối cùng, hắn giật phắt cái thừng trong tay người nhà lí trưởng, sầm sập đến chỗ anh Dậu. Và trắng trợn, tàn bạo hơn nữa, tên ác quỷ ấy đã... đánh chị Dậu. Hắn "bịch vào ngực chị mấy bịch", rồi "tát vào mặt chị một cái đánh bốp"... Mỗi lần chị Dậu van xin, ngăn cản hắn, đỡ đòn cho anh Dậu, là mỗi lần tên cai lệ hung hăng thêm. Vừa đánh, vừa chửi chị Dậu, hắn vừa "sấn đến", "nhảy vào" cạnh anh Dậu. Nhà văn đã sử dụng những từ ngữ thật sát hợp, ngắn gọn, miêu tả thật chính xác cái bản chất ác thú, không còn tính người của tên tay sai mạt hạng trong cái guồng máy bạo tàn của bọn quan lại bấy giờ. Nổi bật là những lời nói thô lỗ của hắn, như câu "Mày định nói cho cha mày nghe đấy à...", "trói cổ thằng chổng nó lại"... và những từ tượng thanh "bịch... bịch"... "... bốp". Chị Dậu càng lùi, càng nhịn, thì tên cai lệ càng lấn tới. Tinh huống truyện cứ căng thẳng mãi lên. Bản chất súc vật của tên cai lộ phơi bày trắng trợn. Bão táp, mưa sa đã dến độ phũ phàng, bức bối. Cơn lũ đã lên đến đỉnh. Nước đã tức ! Sau cái tát giáng xuống chị Dậu, tên cai lệ đã bị chị "túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa... ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chổng kẻ thiếu sưu". Thảm hại thay cho một kẻ cậy thế, cậy quyền, mượn uy danh lũ thống trị ức hiếp người dân ! Cái hình ảnh "ngã chỏng quèo", mấy tiếng nói "nham nhảm" và cả cái hành động "chạy thoát ra đình" để trình báo cấp trên của cai lệ được nhà văn miêu tả thật đặc sắc. Đó là những nét điển hình của bọn lính tráng, tay sait Chúng chỉ mạnh ở cường quyền, bạo lực, còn bản chất thì yếu hèn, xấu xa. Chúng xấu từ hình dáng bên ngoài đến nhân cách bên trong. Cai lộ là thế. Tên người nhà lí trưởng cũng vậy. Sự thất bại của chúng sau trận hành hung và vật lộn với chị Dậu là lời cảnh cáo đối với những kẻ bạo tàn, cũng là sự mỉa mai, giễu cợt mạnh mẽ mà nhà văn nhằm vào cái bộ máy thống trị với một lũ quan lại, cường hào, tay chân lớn nhỏ lúc bấy giờ. Chúng hung hăng, tàn bạo, xảo quyệt, độc ác đến mấy, rồi cũng phải "ngã chỏng quèo" trước người đàn bà lực điền, giàu tình thương và ngang tàng, bất khuất. Có thể nói, chính sách thuế thân vô lí, thuế đánh vào mạng người sống và cả người chết, cùng những hành động ức hiếp nhân dân của bọn thống trị không có tính người là nguyên cớ làm cho... nước bị tức, xô đẩy, dồn ép con người vào cái tình thế bức bách, không sao kìm nén, chịu đựng được. Nước bị tức thì phải nổi sóng, tràn ra. Và phá... vỡ bờ ! Nước tức, phá vỡ bờ như thế nào ? Chị Dậu là biểu tượng cho những đợt sóng cồn tức nước và sức mạnh công phá, đạp vỡ mọi bãi bờ. Giữa cơn hồng thuỷ sưu thuế khốc liệt ở làng Đông Xá những ngày ấy, chị Dậu đã chịu bao nỗi đắng cay, tủi nhục. Nào bán con, bán chó, bán hai gánh khoai - những của cải cuối cùng của gia đình. Nào chăm sóc người chồng bị ốm đau, bị dánh trói. Nào dỗ con nhỏ, nào cầu cạnh nhà Nghị Quế, van xin lí trưởng, rồi than khóc tru tréo, kêu trời, hỏi trời,... Mọi việc ấy, chị đều đảm đương, mọi khổ đau ấy, chị đều chấp nhận. Không một chút phàn nàn với chồng con, không một lời ân hận vé vai trò, trách nhiệm của người vợ, người mẹ - giờ đây chị trở thành trụ cột trong gia đình. Tất cả cái gánh nặng gia đình đè lên vai, chị vẫn bình tĩnh lo toan, cố gắng chu tất mọi việc. Tinh thương, tấm lòng vị tha, đức hi sinh và nghị lực,... đã giúp cho người phụ nữ nông dân ấy đứng vững trước mọi bão tố. Đến giây phút căng thẳng nhất - lúc anh Dậu ngất như một cái xác bị bọn tuần đinh quẳng vể nhà - chị vẫn cố gắng giữ bình tĩnh để chăm sóc, cứu anh khỏi tay thần chết. Buổi sáng hôm ấy, chị mới dịu dàng làm Sao ! Nấu xong cháo, quạt nguội, bưng bát cháo đến tận chỗ chồng nằm, chị động viên anh : "Thầy em hãy cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột". Lúc bọn cai lệ sầm sập vào nhà, chị vẫn dịu dàng và bình tĩnh. Nói với bọn chúng, giọng chị run run : "Nhà cháu đã túng lại phải đóng cả suất sưu của chú nó nữa, nên mới lôi thôi rihư thế. Chứ cháu có dám bỏ bễ tiền sưu của nhà nước đâu"... Lời nói thật rành mạch, rất có lí, có tình. Trong ứng xử với bọn cai lệ, chị Dậu cũng luôn giữ thái độ nhã nhặn, nhún nhường, đủ tình, đủ lí. Khi bọn cai lệ nói năng thô tục, chị Dậu vẫn gọi chúng là "ông", "các ông", xưng là "cháu", "nhà cháu". Hai lần chị xin chúng : "Hai ông làm phúc nói với ông lí hãy cho cháu khất"..., "Nhà cháu đã không có... Xin ông trông lại !". Lần thứ ba, chị van lạy chúng : "Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho !". Như vậy, người nông dân khốn khổ ấy đã cố kìm nén, cố chịu đựng mọi nỗi đau khổ kể cả bị sỉ nhục, bị chửi bới. Phần vì tình thương chồng, phần cũng vì tôn trọng luật pháp, nể sợ người nhà nước đang thi hành nhiệm vụ. "Nước" cố giữ mình trong khuôn khổ tự nhiên, trong phép tắc của xã hội, của trật tự trên dưới. Thái độ ấy của chị Dậu đáng thông cảm biết bao ! Nhưng, "cây muốn lặng, mà gió chẳng đừng", "nước" muốn ở yên mà bão tố cứ quật xuống. Chị Dậu cố chịu đựng nhưng bọn cai lệ vẫn làm càn. Thế là, "nước" đã tức. Sau khi bị tên cai lệ đánh và đe doạ không tha anh Dậu, chị Dậu tức quá, không thể chịu được... cự lại : "Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ !". Và, sau khi tên cai lệ tát chị, nhảy vào cạnh anh Dậu, người đàn bà giàu tình thương chồng và ngùn ngụt lòng căm giận đã đứng thẳng, nghiến hai hàm răng, ngăn cản và thách thức kẻ thù : -Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem ! Thế là tất cả đã thay đổi. "Nước" đã nổi sóng. Nhân vật thay đổi tính cách. Ngôn ngữ vSn chương cũng chuyển sang giọng điệu khác. Thể hiện lời nói của chị Dậu, nhà văn dùng các từ thông tục "mày", "bà" và những câu ngắn, nhịp nhanh ("... ông không được phép !... bà cho mày xem"...). Chị Dậu - với sức khoẻ của người đàn bà lực điền, sự bùng cháy của lòng uất hận và của tình thương để bảo vệ chồng và tự vệ, đã vùng lên nhanh nhẹn, táo tợn, ngang tàng, trong chốc lát đã quật ngã hai tên ác ôn dầu trâu mặt ngựa. Tới đây, tác giả chuyển từ văn kể sang văn miêu tả thật sống động, hào hứng. Cuộc tỉ thí chia làm hai hiệp. Hiệp một : chị Dậu túm cổ tên cai lệ, ấn dúi ra cửa khiến hắn ngã chỏng quèo. Hiệp hai : chị Dậu nắm được gậy của tên người nhà lí trưởng, du đẩy, rồi buông gậy ra, áp vào vật nhau... Rồi chị Dậu "túm tóc lẳng cho một cái", dối thủ ngã nhào ra thềm. Rõ ràng, trong cả hai hiệp, người đàn bà nhà quê ấy đểu chủ động, bình tĩnh, nhanh nhẹn, gan góc, dũng cảm. Chị đã chiến thắng giòn giã. Viết đoạn văn này, lựa chọn được những từ ngữ đúng nhất, những câu vãn đẹp nhất dành cho nhân vật yêu mến của mình, hẳn nhà văn Ngô Tất Tố rất hả hê, sảng khoái ! Ông như nhập hồn cùng nhân vật để đồng cảm, đồng tình, vừa tả, vừa kể, vừa ca ngợi, khích lệ. Người đọc chúng ta, khi đọc truyện, cũng đồng cảm với nhà văn, đổng cảm với nhân vật, trân trọng nhà văn, yêu mến nhân vật. Chị Dậu, đến phút này đã đổi thay căn bản : từ van xin lễ phép, nhẫn nhục chịu đựng, chị trở thành con người quyết liệt, liều lĩnh, muốn chống lại tất cả, muốn quật ngã tất cả. Khi nghe anh Dậu than thở, can ngăn, chị Dậu đã trả lời : "Thà ngồi tù. Để cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được". Lời nói mới rắn rỏi, khoẻ khoắn làm sao ! Người, nông dân ấy dám chấp nhận tất cả, dám thách thức tất cả. Không phải chỉ là tiếng nói của một con người mà là tiếng nói, là bản lĩnh của vạn triệu con người bị áp bức lúc bấy giờ. Đó cũng chính là chân lí muôn đời trong cuộc sống. Với chị Dậu, đến câu nói ấy, nhà văn đã hoàn tất công việc khắc hoạ một hình tựợng. Chị Dậu là điển hình xuất sắc của người phụ nữ nông dân Việt Nam trong xã hội thực dân nửa phong kiến, tuy đói nghèo, vẫn giàu tình thương và tiềm ẩn chí căm thù, tinh thần bất khuất, vẫn đầy đủ sức mạnh để chống lại cường quyền, áp bức. Rõ ràng, nếu gió mưa của bạo lực, bất công cứ liên tiếp quật xuống, làm cho những đấu khổ và lòng uất hận dâng đầy, thì sẽ "tức nước'.' và "vỡ bờ". Khi nước đã phá bờ rồi, nó không hề biết sợ, nó có thể quật ngã tất cả, phá vỡ tất cả. Trở lại với câu tục ngữ tiêu đề của đoạn trích này, suy ngẫm về nghĩa đen, nghĩa bóng của ngôn từ, hình ảnh, chúng ta vừa thấm thìa cái quy luật diệu kì của tự nhiên vừa cảm mến, kính phục ngòi bút hiện thực đầy tính nhân đạo và tính chiến đấu của Ngô Tất Tố. Qua đoạn trích, cũng như cả cuốn tiểu thuyết Tắt đèn, nhà văn giúp chúng ta hiểu sâu sắc một quy luật xã hội : "Có áp bức thì có đấu tranh, sự áp bức càng tàn nhẫn, thắt ngặt thì cuộc vùng lên, đấu tranh chống lại càng mạnh mẽ". Có thể nói đoạn trích Tức nước vỡ bờ được viết bằng ngòi bút hiện thực sinh động, đã vạch trần bộ mặt tàn ác bất nhân của xã hội thực dân phong kiến đương thời. Xã hội ấy đã đẩy người nông dân vào tình cảnh vô vàn cực khổ, khiến họ phải liều mạng chống lại. Đoạn trích còn cho thấy vẻ đẹp tâm hồn và bản lĩnh gan góc, dũng cảm của người phụ nữ nông dân giàu yêu thương, có sức sống tiềm tàng không dễ gì khuất phục. Ra đời trong xã hội thực dân nửa phong kiến, tiểu thuyết Tắt đèn có tác dụng giáo dục, thức tỉnh bạn đọc mạnh mẽ. VI thế, nhà văn Nguyễn Tuân từng nhận xét : "Ngô Tất Tố đã xui người nông dân nổi loạn"..., "Cách viết lách như thế, cách dựng truyện như thế, không phải là phát động quần chúng nông dân chống quan Tây, chống vua ta thì còn là cái gì nữa(1)". Trong chương truyện thứ XVIII nàỵ, chị Dậu đã "nổi loạn", chống lại bọn tay sai của "quan Tây" và "vua ta". Song đó là sự vùng lén tự phát, bột phát. Muốn thực sự được giải phóng để vĩnh viễn thoát khỏi sự hánh hạ của bọn cai lệ, của ách thống trị thực dãn, phong kiến, chị Dậu cũng như những người nông dân khác và cả dân tộc ta phải biết tổ chức nhau lại, phải làm cách mạng, đi theo cách mạng. Khi viết Tắt đèn, nhà văn Ngô Tất Tố chưa được giác ngộ cách mạng. Song ông đã phát hiện những tiềm năng cách mạng trong quần chúng nông dân, phát động họ chống quan Tây, vua ta. Ngòi bút của ông sắc mạnh như gươm giáo. Và ông xứng đáng được xem là đồng minh tích cực của cách mạng !
Nguồn: hoctotnguvan- vanhay
p/s: đây chỉ là tìm và để tham khảo, nên biến bài viết của nta thành của mk ^