Tớ xin lỗi vì không thể viết đầy đủ và hoàn chỉnh, nhưng tớ cũng muốn góp vài dòng tản mạn về đề tài này, vì nó khá hấp dẫn.
Quá khứ - hiện tại - tương lai - những điệp vần quen thuộc, như khối vuông ru-bic có mặt trái, mặt phải, mặt tối, mặt sáng, cuộc đời và thời gian cũng lắm khía cạnh, góc nhìn, chỉ là mỗi người nhìn một hướng khác nhau.
Như có người bảo để thành công và thăng tiến trong cuộc sống cần phải biết lãng quên những sai lầm và thất bại trong quá khứ.
Người khác lại vặn rằng ký ức như là một điều quan trọng trong cuộc sống, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.
Ngẫm ra không ý nào là không có lý, nhưng suy kĩ lại lại thấy rằng ai cũng có cái thiển cận riêng mình.
Từng nghe ai đó nói rằng quá khứ trôi qua đã là lịch sử, hiện tại món quà của thượng đế và tương lai là một phép màu. Mỗi thứ đều có điều kì diệu riêng của nó. Quá khứ là những gì đã trôi qua, chỉ còn là dĩ vãng, nó thuộc về thời gian mà vòng quay thời gian chẳng ai có đủ khả năng níu giữ, nó chỉ có thể trôi đi, lướt qua và bước vào vĩnh hằng. Chỉ có những con người ham thích sự hoài niệm, thích chiêm nghiệm về cuộc sống lại hay mơ về quá khứ, nhìn ngắm và yêu quý nó như thể một người bạn chí tâm. Tôi vốn không thích tuyệt đối hoá bất cứ điều gì, từ tình yêu, cuộc sống đến cả quan niệm. Ai dám chắc rằng tôi đúng hay anh sai? Học thuyết còn có cái gọi là “tương đối” thì nói gì đến chuyện đời, chuyện người vốn lắm đa đoan, khúc mắc. Nhưng tôi tin một điều, bất kì ai muốn đặt chân đến ngưỡng cửa thành công và thắng lợi thì phải chấp nhận hi sinh cái gọi là quá khứ đau buồn. Bất cứ thứ gì cũng có giá của nó, mà con người có một thói quen khá xấu, họ luôn ghi nhớ và dằn vặt mình về những thất bại đã qua, lấy nó làm tấm lá chắn bất trị để không phải đi tiếp nữa. Đấy là những kẻ hèn nhát, thiếu bản lĩnh. Chắc chắn thế. Tự nguỵ biện rằng đã đuối sức, tự nguỵ biện rằng con đường ấy quá khó hay giả là nó không dành cho mình... Bác Hồ đã từng nói:
“Đường đi khó không vì ngăn sông cách núi
Mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.
Ngẫm ra câu ấy có lý vô cùng. Đã gọi là cuộc sống thì phải có thử thách, anh muốn đi trên con đường bằng phẳng, chẳng chông gai thì... hoạ ra chỉ có trong mơ, mà thậm chí ngay cả trong giấc mơ cũng hiếm người thấy được. Có vậy mới biết thử thách, khó khăn, vấp ngã là điều tất yếu trong cuộc sống, nhưng một quy luật khắc khe của cuộc sống là hễ ai muốn chạm đến tia sáng vinh quang thì trước hết hãy biết cách nếm trải đau buồn trước đã. Anh ghi nhớ làm gì những thứ chỉ làm anh nản chí. Tôi khuyến khích cần phải quên những thứ không cần thiết đi, để tâm hồn trong sạch, để tình cảm lắng lại, để ý chí lần nữa sống dậy. Nhưng tôi cũng không muốn xoá hết. Nếu anh bất chấp tất cả để bấm nút xoá sạch mọi kí ức thì anh cũng chả phải một con người cao cả hay can đảm.. Cái sự đau và sự buồn đều có tự giá trị bản thân nó. Thất bại là bài học dạy ta cách làm người. Anh quên vết thương vấp té ấy đi, nhưng anh không được quên bài học đi đường mà nó dạy cho anh. Đó là một bài học quý, cực giá trị và không thể đổi bằng vật chất, tiền bạc hay bất cứ thư gì quý giá khác. Trên nền tảng những kinh nghiệm ấy, anh sẽ là người chững chạc, biết nghĩ, biết suy, biết cái gọi là hay dở, biết cái gọi là đúng sai, biết cái gọi là đời và người. Và như người xưa vẫn nói: “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Lại nhớ đến người mà tôi vẫn thần tượng : Ê-đi-xơn, tôi khâm phục ý chí và cách suy nghĩ của ông ấy. Quá khứ cuộc đời ông ấy là một dãy những khó khăn, phải dừng học khi mới học tiểu học, phải chạy đôn chạy đáo để kiếm tiền theo đuổi đam mê. Thực thì những biến cố trên con tàu lửa tuổi thơ - nơi ông bán báo đã dạy ông nhiều điều về nghị lực sống của con người. Vượt lên tất cả, bước lên trên mọi thử thách và trở ngại, ông trở thành “nhà phát minh vĩ đại nhất của mọi thời đại” (Anh-xtanh khẳng định). Giả sử ông quên đi những buồn khổ lúc xưa và chỉ biết đắm chìm trong vinh quang lần đầu tiên trong cuộc đời thì tin chắc rằng cái gọi là nhà phát minh vĩ đại sẽ không bao giờ đến được với ông. Vì con người biết bước qua tất cả, dám thách thức số phận. Vì não của ta không phải dùng để ghi dấu khoảnh khắc té ngã mà là để khắc ghi bài học đau đớn đó vào tận đáy lòng, ghi lòng tạc dạ để không bao giờ đau lần nữa.
Nhắc về quá khứ, hiện tại, tương lai tôi lại nhớ về thời đại văn học Việt Nam sau những năm 1975, với tôi, theo những gì tôi có thể cảm nhận đó là khoảng thời gian tệ hại nhất trong lịch sử văn học nước ta. Vì sao? Vì các văn phẩm chỉ hướng về những khoảnh khắc đã qua, cứ mãi ngủ quên trên chiến thắng, những thứ vốn không còn phù hợp nữa thì thiết nghĩ rằng nên xoá nó đi để đắp vào cái mới, đó mới gọi là cuộc sống. Đồng ý rằng quá khứ là sợi dây kết nối vô hình giữa cuộc sống hiện tại với những khao khát tương lai. Quá khứ sẽ là nền tảng để ta phấn đấu trong thực tại và nó cũng là động lực để tiếp tục dấn bước trong tương lai. Bỏ mất đi quá khứ là bỏ mất đi những phần hạnh phúc đáng nhớ đã qua, là tự cắt đi một phần cuộc sống tất yếu không thể thiếu của mình. Bộ nhớ của con người có thể chia làm ba, phần chính cho những đam mê hiện tại, phần phụ dành cho những ước vọng sắp thành và một phần tuy rất nhỏ, nhưng không thể mất ấy là kí ức. Chính kí ức nuôi sống con người cả về tâm hồn lẫn thể xác, dựa trên những kỉ niệm đẹp, những ấn tượng khó phai, những bài học giá trị, con người bắt đầu học cách đứng trên đôi chân mình mà vạch ra những kế hoạch cho bản thân. Nhưng sẽ rất sai lầm khi cứ mãi níu giữ những gì vốn không thể nào trở lại. Chẳng mâu thuẫn chút nào nếu nói con người cần biết ghi nhớ nhưng cũng phải biết quên quá khứ. Dĩ nhiên, anh nhớ những thứ cần nhớ và quên những thứ cần quên. Cái mà anh đang sống là thực tại chứ không phải quá khứ, nó có thể nuôi sống anh nhưng không thể giúp anh tồn tại với thời gian, không thể trực tiếp dẫn anh đi tới con đường vinh quang và thắng lợi, mà có chăng nó là tấm thảm dẫn bước đường anh đi còn chiếc đòn bẩy đánh bật anh về phía trước là hiện tại và tương lai. Sống phải là kẻ thức thời, sống là phải biết chọn cách quên và cách nhớ. Như văn học nước ta năm 1975 vừa nói, chưa biết cách quên và cách nhớ, chưa biết cách nhìn chính vì thế những tư tưởng, nội dung tác phẩm văn học thời kì này có phần hạn hẹp, chỉ mãi lưu luyến một thời đại bi hùng mà quên đi rằng thực tế phô ra trước mắt nhiều vấn đề rất cần văn học phản ánh. Đó là minh chứng rõ ràng nhất về sự quên và nhớ của con người cũng như sợi dây liên kết quan hệ giữa quá khứ - hiện tại - tương lai.
Cá nhân tôi không thích kẻ chỉ biết ủ rũ u sầu khi níu giữ những phần ký ức không đẹp, nhưng cũng rất ghét kẻ vội vã phủ bỏ phần hoài niệm vốn có của mình. Như đã nói, tất cả chỉ là tương đối, phải biết chọn cách nhớ cách quên, phải biết cách chọn lọc những gì cần giữ và không cần giữ. Ví như một bộ đầm cũ mình từng yêu quý, nay đã lỗi thời, có người muốn giữ làm kỉ niệm còn người lại muốn vứt đi để trống nhà cửa. Vậy phải làm sao? Một bộ váy yêu thích không phải mặc chỉ một lần, phải biết dọn nó đi để thay thế những cái khác hợp hơn vào, còn cái gọi là kỉ niệm? Chẳng phải ta đã có một quãng thời gian dài gắn bó với nó sao? Những bức ảnh hay ít nhất là cảm giác vui vẻ khi có nó bên cạnh, đó mới là cái cần phải giữ để không phải trở thành kẻ bội bạc.