"CHO DÙ BẠN LÀ AI, HÃY LÀ MỘT NGƯỜI TỬ TẾ" ( Abraham Lincoln ) Thầy giáo Văn Như Cương cũng từng nhắc nhở: "Các em có thể trở thành những nhà lao động chân chính, những nhà kĩ thuật có chuyên môn giỏi, những người nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ,..nhưng trước hết phải là NGƯỜI TỬ TẾ". Vậy người tử tế là người như thế nào? Nếu bạn tra google sẽ có rất nhiều câu trả lời khác nhau. Bởi nghe thì đơn giản nhưng định nghĩa thì rất khó. Tôi xin đưa ra quan điểm của mình:
1. NGƯỜI TỬ TẾ LÀ NGƯỜI SỐNG ĐÚNG
Cô bạn tôi đã lấy câu "luôn sống đúng" làm phương châm sống cho mình. Ban đầu, tôi còn nghĩ đó là lối sống cố chấp, vị kỉ, cứ cho mọi thứ mình làm luôn đúng, không sai. Nhưng giờ tôi nhận ra, chỉ khi ta thấy mình sống đúng, ta mới sống hết mình, vượt qua mọi nghịch cảnh để tìm thấy hạnh phúc, thành công cho bản thân. Không chỉ có vậy, chỉ khi ta thấy mình sống đúng, ta mới biết yêu đời hơn, yêu người hơn.
2. NGƯỜI TỬ TẾ LÀ NGƯỜI SỐNG ĐẸP Tố Hữu từng hỏi: "Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn? " câu trả lời là: Sống đẹp là sống có đam mê, ước mơ, khát vọng, hoài bão, lý tưởng. Sống đẹp là sống có mục đích, có ý chí, quyết tâm để thực hiện mục đích. Sống đẹp là sống biết khẳng định mình, sống có ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Sống đẹp là sống có văn hóa, ý thức, trách nhiệm. Sống đẹp là sống biết trân trọng, yêu thương, nhân ái, vị tha,... Sống đẹp còn là sống biết cống hiến, biết hi sinh vì những điều đúng, điều đẹp. "Đẹp" phải cân bằng hài hoà giữa hình thức và nội dung, bên trong lẫn bên ngoài.
3.NGƯỜI TỬ TẾ LÀ NGƯỜI ĐI KÈM VỚI VIỆC TỬ TẾ Trên chuyển động 24h có chuyên mục "Việc tử tế" đưa tin về những người tử tế. Họ là ai? Đó chính là những người có nghĩa cử cao đẹp, giúp đỡ mọi người xung quanh bằng những hành động, việc làm có ý nghĩa mà không vụ lợi, toan tính cho bản thân. Nhờ những việc tử tế đó, mà cuộc sống mọi người xung quanh tốt đẹp hơn. Điều đó nói lên rằng, sống tử tế không chỉ cho mình mà cần lan toả lòng tốt đến với mọi người. Việc tử tế sẽ là sợi dây kết nối mọi người đến với nhau. Nhờ đó, tử tế không còn trong phạm vi một người, một nhà, mà là cả xã hội, thành phố, đất nước.
Và điều cuối cùng, NGƯỜI TỬ TẾ LÀ NGƯỜI BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẤT Bởi chữ "Tử" có nghĩa là những chuyện nhỏ bé, "Tế" có nghĩa là những chuyện bình thường. Gộp chung lại, "Tử tế" nghĩa là hãy cẩn thận từ những điều bình thường, nhỏ bé nhất. Làm người tử tế đôi khi không quá cao siêu như bạn nghĩ. Mà nó bắt đầu từ những điều bạn có thể làm hàng ngày : Đó là hãy nói lời CẢM ƠN. Cảm ơn cho một ngày mới, cảm ơn khi bạn nhận vé xe từ bác bảo vệ, cảm ơn thầy giáo với tiết học, cảm ơn bạn bè giúp đỡ mình, cảm ơn ba mẹ vì bữa cơm, cảm ơn người bán hàng, cảm ơn cô lao công,... Đó là hãy nói lời XIN LỖI. Bất kể khi nào bạn cảm thấy có lỗi, hãy cứ xin lỗi. Lời xin lỗi đôi khi là hiện thân khác của lời cảm ơn. Đó là hãy nói lời XIN CHÀO và TẠM BIỆT. Tất cả những người mà ta gặp đều đóng một vai trò đặc biệt. Hãy nói xin chào với những người ta gặp mỗi buổi sáng và tạm biệt họ khi kết thúc một ngày. Đó chính là sự trân trọng họ, mà cũng là đang trân trọng chính mình. Đó là hãy nói lời KHEN NGỢI và PHÊ BÌNH. Hãy khen ngợi cho những thành quả mà người khác, kể cả chính bản thân bạn đã đạt được. Lời khen sẽ là động lực để con người có thể tiếp tục gặt hái được nhiều thành quả khác. Và khi gặp những điều không hài lòng, hãy lên tiếng phê bình, nhắc nhở người khác, kể cả chính mình. Lời phê sẽ giúp con người nhận ra khuyết điểm của mình và sửa chữa để tốt hơn. Và sau cùng, đó là sống CHO MÌNH, VÌ MÌNH. Hãy tử tế với chính mình trước, học cách hài lòng, chấp nhận, yêu thương bản thân mình. Có như thế, mới làm nên tất cả những điều trên!
Nguồn: Sưu tầm