1. Chính thức bổ sung khối thi A1
Việc bổ sung khối thi A1 gồm ba môn toán, lý, tiếng Anh được sự nhất trí cao của các trường ĐH. Khối thi mới bên cạnh khối A cho một số ngành có nhu cầu tuyển sinh sẽ giúp mở rộng đối tượng dự thi, nhất là ở các chuyên ngành đào tạo cần tiếng Anh.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, để bảo đảm sự ổn định ở các trường tuyển sinh theo khối thi truyền thống và không ảnh hưởng đến việc học tập, định hướng ôn tập của học sinh trong ba năm THPT (theo ban và theo khối), các trường sẽ vẫn phải tuyển sinh theo các khối thi của từng ngành đào tạo như những năm trước. Việc bổ sung khối thi mới được thực hiện nếu trường thấy cần thiết và phù hợp với từng ngành đào tạo.
2. Thêm cụm thi Hải Phòng, mở rộng cụm thi Vinh
Để tạo điều kiện thuận tiện cho việc đi lại, thi tuyển và tiết kiệm chi phí cho thí sinh, năm 2012 ngoài các cụm thi Vinh, Quy Nhơn, Cần Thơ sẽ có thêm cụm thi Hải Phòng - nơi tiếp nhận thí sinh Hải Phòng, Quảng Ninh thi vào ĐH Hàng hải và các trường ĐH tại Hà Nội. Cụm thi Vinh sẽ mở rộng việc tiếp nhận thí sinh các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị thi vào các ĐH tại TP.HCM, TP Hà Nội và ĐH Vinh.
3. Bộ không đứng tên trong cuốn Những điều cần biết...
Trước hội nghị, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ không in cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ như mọi năm. Các thông tin chi tiết về trường, chỉ tiêu cụ thể, mã ngành dự thi, khối thi, xét tuyển, vùng tuyển sinh, phương thức tuyển sinh mà trường đăng ký với bộ sẽ được đưa lên trang thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT.
Các thông tin chi tiết khác về tuyển sinh như chuyên ngành đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh phân bổ cho từng ngành, môn thi năng khiếu, môn nhân hệ số, học phí, số chỗ trong ký túc xá, các trường công bố công khai trên website của trường, các phương tiện truyền thông và hoàn toàn chịu trách nhiệm về các thông tin do trường công bố.
Tuy nhiên, tại hội nghị, đại diện nhiều trường cho rằng việc thiếu vắng cuốn Những điều cần biết... là sự thiệt thòi, không công bằng cho học sinh vùng sâu vùng xa. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định trường THPT nào chưa có mạng Internet thì thông báo với Cục Công nghệ thông tin của bộ, lập tức sẽ được nối mạng, phục vụ thí sinh.
Trước băn khoăn của nhiều trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận kết luận sẽ đề nghị Nhà xuất bản Giáo Dục xem xét việc in cuốn sách này, nhưng bìa sách sẽ không để tên Bộ GD-ĐT như mọi năm, vì đó không phải nội dung do Bộ GD-ĐT quy định, ban hành. Tính chính xác của thông tin tuyển sinh sẽ do các trường chịu trách nhiệm.
4. Không giới hạn hồ sơ xét tuyển
Một nội dung nằm trong chiến lược giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ là năm 2012 Bộ GD-ĐT giao cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm khi xét tuyển. Thí sinh sẽ được nộp hồ sơ xét tuyển không giới hạn đến các trường khác nhau và các trường sẽ xét tuyển nhiều lần mà không bị hạn định về thời gian mỗi đợt xét tuyển hay bắt buộc điểm xét tuyển lần sau phải cao hơn lần trước...
Sau khi xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học đối với thí sinh đăng ký dự thi vào trường, nếu còn chỉ tiêu, các trường thông báo công khai các điều kiện xét tuyển, thời gian nhận hồ sơ, thời gian công bố điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển, chỉ tiêu cần tuyển, ngành và khối xét tuyển, mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển...
Bộ cũng dự định hằng năm chậm nhất đến ngày 31-12, các trường sẽ báo cáo về kết quả thực hiện chỉ tiêu của năm. Thậm chí sau ngày 31-12, nếu các trường chưa tuyển hết chỉ tiêu (nhất là các trường theo học chế tín chỉ) có thể tiếp tục tuyển sinh.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phạm Vũ Luận khẳng định sẽ giao Vụ Kế hoạch - tài chính xem xét lại phương án gia hạn thời gian đăng ký xét tuyển cho các trường đến hết ngày 31-12 vì thời hạn như vậy quá dài. “Chốt thời gian báo cáo kết quả tuyển sinh về bộ là ngày 31-12 sẽ có thể khiến xã hội có cảm giác các cơ sở giáo dục vơ hết cái này, cái kia. Bộ sẽ điều chỉnh theo hướng rút ngắn thời hạn xét tuyển của các trường, phù hợp với ngày bộ báo cáo chỉ tiêu tuyển sinh lên Quốc hội” - bộ trưởng cho biết.
5. Trường đặc thù có thể tuyển sinh trung cấp
Theo thông tư 57 quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ được áp dụng bắt đầu từ mùa tuyển sinh 2012, các trường ĐH sẽ không được phép tuyển sinh hệ trung cấp. Tuy nhiên, tại hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, nhiều trường thuộc khối năng khiếu - nghệ thuật, y - dược cho rằng quy định này quá cứng nhắc, không phù hợp với thực tế đào tạo tại nhà trường.
Đại diện Học viện Âm nhạc quốc gia VN thẳng thắn cho rằng: “Học viện Âm nhạc quốc gia với đặc thù đào tạo riêng biệt, nếu không có hệ trung cấp thì cũng không phát triển được đào tạo ĐH. Thực tế đa số sinh viên ĐH xuất phát từ hệ trung cấp của trường”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định sẽ xem xét cụ thể đề nghị của các trường, đáp ứng nguyện vọng thật sự của người học và người dạy, có thể điều chuyển để một số trường ĐH đặc thù về văn hóa - nghệ thuật, các trường quốc phòng - an ninh, y - dược tiếp tục được tuyển sinh đào tạo trình độ trung cấp.
6. Tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia vào ĐH
Một quyết định được nhiều học sinh các trường THPT chuyên, học sinh thi học sinh giỏi quốc gia mong đợi là quyết định tuyển thẳng học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia vào ĐH.
Đối với học sinh không sử dụng quyền tuyển thẳng hoặc không đăng ký vào học đúng nhóm ngành theo môn thi đoạt giải, nếu dự thi ĐH, CĐ thì được ưu tiên theo hai hướng: thứ nhất, nếu dự thi đủ số môn quy định, kết quả thi đạt điểm sàn ĐH trở lên, không có môn nào bị điểm 0 thì các trường tuyển thẳng vào ĐH; thứ hai, nếu dự thi đủ số môn quy định, kết quả thi đạt điểm sàn CĐ đến dưới điểm sàn ĐH, không có môn nào bị điểm 0 thì các trường tuyển thẳng vào CĐ.