Khổ thơ 2: Cảm xúc của nhà thơ khi cùng dòng người vào viếng lăng Bác.
Từ mạch cảm xúc trước không gian, cảnh vật bên ngoài lăng, nhà thơ đã cảm nahanj về Bác khi hòa cùng dòng người vào lăng viếng Bác:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
“Ngày ngày” là quy luật tuần hoàn của thời gian. “Mặt trời đi qua trên lăng” là hình ảnh thực. Đó là một thiên thể thực đang ngày ngày ban phát nguồn sáng lớn nhất, đem lại sự sống cho nhân loại, cho muôn loài. Và nếu như không có mặt trời thì con người và vạn vật sẽ không tồn tại được. Còn “mặt trời” trong câu sau là hình ảnh ẩn dụ. Nhà thơ muốn so sánh Bác như một vầng mặt trời, vầng thái dương rực sáng bởi Người đã tỏa ánh sáng, soi đường dẫn lối cho đan tộc Việt Nam xua tan bóng đêm dài nô lệ, bởi Người đã cống hiến cả cuộc đời, cả bày mươi chín mùa xuân để mang về một mùa xuân lớn cho dân tộc. Ta quên sao được hình ảnh vị cha già dân tộc tham gia chiến dịch, bàn bạc việc quân :
Người ngồi đó với cây chì đỏ
Vạch đường đi từng bước từng giờ (Tố Hữu)
Một mặt trời trên lăng ấm nóng và rực rỡ. Một mặt trời trong lăng bất tử. Phải chăng ví Bác với mặt trời, nhà thơ muốn khẳng định sự vĩ đại của Người, vừa thể hiện được sự tôn kính của nhân dân, của nhà thơ đối với Bác, lại vừa thể hiện sự gần gũi thân thiện của Người. Công lao của Bác đối với đất nước thật lớn lao, Bác mất, dường như tất cả mọi người từ Bắc chí Nam đều một lòng thương nhớ, hướng về lăng, nơi Bác đang yên nghỉ:
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.
Ngày ngày những dòng người vào lăng viếng Bác trong niềm thương nhớ khôn nguôi. Câu thơ với nhịp chậm rãi như những bước chân của đoàn người đến thăm lăng Bác, chậm dần, chậm dần như muốn níu kéo thời gian để được nhìn thấy Bác lâu hơn. Càng cảm động hơn nữa khi tác giả ví dòng người như tràng hoa dâng lên Bác. “Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”, hình ảnh thơ giàu chất suy tưởng. Mỗi người là một bông hoa, những bông hoa đó đang dâng lên Người những gì tốt đẹp nhất với lòng biết ơn và niềm xúc động thiêng liêng. Cách so sánh độc đáo, mới lạ, gợi bao liên tưởng sâu xa. Trong niềm kính yêu vô hạn, Viễn Phương ngỡ như hòa cùng dòng người đến mừng thọ Bác, mừng Bác bảy mươi chín tuổi. “Bảy mươi chín mùa xuân”, một cách nói, một cách nghĩ thật xúc động, tỏ lòng biết ơn sâu nặng đối với vị lãnh tụ đã đổi bảy mươi chín mùa xuân của riêng mình để đem về mùa xuân lâu dài cho dân tộc.
Chỉ biết quên mình cho hết thảy
Như dòng sông chảy nặng phù sa
Xây dựng những hình ảnh sóng đôi, cùng các hình ảnh thực, phép điệp ngữ, nhà thơ đã thể hiện lòng thành kính, tự hào và biết ơn sâu sắc của nhân dân ta đối với Bác.