tham khảo nhé p
Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến, người lính- anh bộ đội cụ Hồ đã nhanh chóng trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến, trở thành niềm tin yêu và hi vọng của toàn dân tộc. Nhà thơ Tố Hữu đã viết về Anh bằng những vần thơ tươi thắm nhất, sôi nổi nhất của lòng mình. Bởi anh là Tổ quốc, anh là hôm nay, anh là mãi mãi. Anh mang trong mình lí tưởng cao đẹp- đó là giải phóng dân tộc,là thống nhất đất nước.Tố Hữu đã nói hộ tình cảm của nhân dân đối với anh vệ quốc quân- những con người anh hùng thời kháng chiến chống Pháp:
Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ
Anh vệ quốc quân ơi
Sao mà yêu anh thế
Trong một phút gặp gỡ bất ngờ nhưng nhà thơ Tố Hữu đã kịp ghi lại hình ảnh Anh và tình cảm của mình dành cho những con người ấy.
Sinh ra ở một nước nông nghiệp,họ vốn là những người nông dân mặc áo lính.Vì độc lập tự do của Tổ quốc, họ tạm biệt quê hương, gia đình, tạm biệt người vợ trẻ ra đi chiến đấu.Trong bài thơ “Thăm lúa”, Trần Hữu Thung đã khắc hoạ khá thành công hình ảnh anh vệ quốc quân nông dân qua nỗi nhớ của người vợ trẻ ở quê nhà:
Một buổi sáng mai ri
Chiền chiện cùng cao hót
Lúa cũng vừa sậm hột
Em đưa anh lên đường
Cái sắc mây anh mang
Em xách mo cơm nếp
Lúa níu anh trật dép
Anh cúi sửa vội vàng
Vượt cánh đồng tạt ngang
Đến bờ ni anh bảo:
“ Ruộng mình quên cày xáo
Nên lúa chín không đều
Nhớ lấy để mùa sau
Nhà cố làm cho tốt”.
Cái chất nông dân thuần phác rất đáng quý ở con người anh và chính nó đã tạo nên sức mạnh để anh vượt qua mọi khó khăn gian khổ chiến thắng kẻ thù. Bài thơ tuy không trực tiếp viết về anh bộ đội nhưng người đọc vẫn cảm thấy hình ảnh đẹp đẽ gần gũi của anh trong tâm tưởng, nỗi nhớ của người vợ trẻ
Trong cuộc chiến đấu một mất một còn, anh bộ đội là người trực tiếp chịu biết bao hi sinh gian khổ. Chúng ta thán phục sức chịu đựng phi thường của những người nông dân mặc áo lính. Đó là tinh thần vượt khó chịu đựng gian lao:
“.....ngày đi, vắt với sương
Ngô bung xôi nhạt,nước lưng bương
Đêm mưa rình giặc, tai thao thức,
Mùa lại mùa qua, rét nhức xương”
Tố Hữu
Trong bài “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu, hình ảnh đó lại hiện lên gây xúc động lòng người:
“Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
Trong chiến tranh, họ bao đêm “ngủ ngoài rừng”, “trải lá cây làm chiếu”, “lấy manh áo làm chăn”, lấy sức người chống chọi lại với thời tiết khắc nghiệt (Đêm nay Bác không ngủ- Minh Huệ). Họ đã từng ở nơi rừng thiêng nước độc, đối mặt với bao hiểm nguy gian khổ.Nhưng chính sự đối chọi đó càng làm tăng thêm khí phách anh hùng của người lính cách mạng, mà kẻ thù, cũng như gian khổ không thể khuất phục nổi.Hình ảnh những người lính Tây Tiến qua nét vẽ của Quang Dũng thật khác thường.Khác thường ở sự gian khổ cùng cực: ăn đói, mặc rét; bệnh tật, sốt rét đến xanh da,trụi tóc:
Tây Tiến doàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Câu thơ tạo nên hình ảnh đối lập,bề ngoài thì xanh như lá nhưng bên trong người chiến sĩ thể hiện một phong độ anh hùng, oai như hùm nơi “rừng thiêng nước độc”. Đó là dũng khí của người chiến binh Tây Tiến, là dáng dấp kiêu hùng của người coi thường gian khổ, hi sinh để giữ cái thế hiên ngang của đoàn quân.
Và trong một bài thơ khác, nhà thơ Tố Hữu cũng đã tìm thấy ở anh sức mạnh Việt Nam- sức mạnh thần kì:
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn
Anh là ý chí quyết tâm thắng giặc của toàn dân tộc.Vóc dáng của anh là vóc dáng của Việt Nam, là vóc dáng của lịch sử. Đây là chân dung anh trong những phút giây lửa đạn căng thẳng quyết liệt:
Những đồng chí, thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai Ào ào vũ bão
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Họ là những Bế Văn Đàn,những Phan Đình Giót, những Tô Vĩnh Diên, những La Văn Cầu...
Nhưng đời lính đâu phải toàn có khói bom và thuốc súng. Với một tâm hồn rộng mở, trong sáng, người lính cũng có những phút giây, những kỉ niệm thật êm đẹp, thơ mộng.Giữa cảnh núi rừng mênh mông yên tĩnh, ánh trăng vằng vặc, các anh phục kích chờ giặc tới, bỗng phát hiện ra “Đầu súng trăng treo”...Phải có tâm hồn lãng mạn, rộng mở trước thiên nhiên, người lính mới thấy được vẻ đẹp nên thơ của đất trời tạo vật .
Và trong đời lính còn có không ít những kỉ niệm làm ấm áp lòng người- những kỉ niệm được gợi lên từ những sinh hoạt thường ngày hồn nhiên của người lính:
“ Kì hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng
Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa
- Đằng nớ vợ chưa? - Đằng nớ?
- Tớ còn chờ độc lập
Cả lũ cười vang bên ruộng bắp
Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu...”
Nhớ - Hồng Nguyên
... đủ để người đọc hình dung ra vẻ đẹp tâm hồn trong kháng chiến của người chiến sĩ.
Nhà thơ Quang Dũng cũng đã viết đúng hình ảnh người lính Tây Tiến từ Hà Nội ra đi chiến trường:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Đó là chất lính của người thanh niên Hà Nội hào hoa, lãng mạn, đời sống tâm hồn phong phú.Cuộc sống tâm hồn ấy là nguồn động lực giúp người lính tiếp tục chiến đấu để giành độc lập tự do cho Tổ quốc thân thương.
Còn trong kháng chiến chống Mĩ- cuộc kháng chiến toàn dân được phát huy cao độ đã tạo nên chủ nghĩa anh hùng toàn dân.Cho nên người đàn bà con mọn cũng hăng hái cầm súng, những em nhỏ cũng muốn lập chiến công, những bà mẹ già cũng tham gia chiến đấu. Cả nước thành chiến sĩ. Và hình ảnh anh giải phóng quân hiện lên thật đẹp- một vẻ đẹp hùng vĩ nhưng cũng thật giản dị đơn sơ:
Hỡi người Anh giải phóng quân
Ba mươi năm chẳng dừng chân trên đường
Vẫn đôi dép lội chiến trường
Vẫn vành mũ lá coi thường hiểm nguy
Vẫn là Anh- chàng Thạch Sanh của thời đại Hồ Chí Minh đánh giặc bằng tất cả những gì vốn có: một luỹ tre, một cây mã tấu cũng làm nên những chiến công.Tố Hữu đã cất lên tiếng thơ ca ngợi Anh:
“ Kính chào Anh con người đẹp nhất !
Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất
Như Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi
Một dây ná, một cây chông, cũng tiến công giặc Mĩ
Không tự ngắm mình, Anh chẳng hay đâu, hỡi chàng dũng sĩ
Cả năm châu chân lí đang nhìn theo”
Tố Hữu đã tạc tượng Anh trong những năm dài khói lửa, tâm hồn nhà thơ hướng về Anh- con người đẹp nhất- với lòng ngưỡng mộ tự hào. Ông đã khắc hoạ chân dung của những người con anh hùng của một thời đại anh hùng. Đó là những con người đổ máu vì đất nước- Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ- anh bộ đội Việt Nam.
Hình ảnh người lính đã hoà làm một với hình ảnh của dân tộc, của đất nước.Nguyễn Đình Thi đã khắc hoạ tầm vóc người lính ở ý nghĩa cao cả này:
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng
Để cho:
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà
Anh chính là sự kết tinh cao độ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc suốt trong bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước.Hình ảnh người chiến sĩ mãi là hình ảnh đẹp nhất trong thơ, mãi là chân dung đẹp nhất của thời đại chúng ta.