Tiếp tục:
Người đàn bà này mồ côi, vô lo, mà cũng vui tánh. Tính ra cũng trớt quớt, anh con rể có vợ bé sanh ra thằng nhỏ không ăn nhập gì tới bà, nhưng nó kêu mình là bà ngoại thì coi nó như trong nhà luôn cho gọn.
Bà già tính kiếm tới nơi trách thằng rể, rồi cũng quên tuốt chuyện đó. Chỉ có điều bà đi vì nhớ ông chồng đã đi bán muối và thăm hỏi bà con cháu chít vậy thôi. Mọi việc có vẻ không ăn nhập gì với nhau, thôi thì "cũng êm", như ông bác sĩ vườn thường nói với người bịnh sau khi chích thuốc.
Vào một buổi chiều nào đó nhựa đen trên đường lộ cái vẫn còn nóng, ăn thua gì, bà già chân không vẫn bước, mấy anh xe lôi kêu réo bà vẫn không nghe. Nhìn lại con đường đã đi qua thì hóa ra bà xa nhà cũng hơi lâu. Lần khân từ hai ba tháng trước, đâu hồi cuối tháng tư, đầu tháng năm nắng rang, đi qua bao nhiêu làng mạc, bây giờ tháng sáu tháng bảy không thấy mưa, nhiều nơi đất ruộng nứt nẻ, có khi mây đen tối tăm mặt đất mà mưa vẫn không nổi.
Chiều nay bà già dừng chân chỗ cái quán cóc bên đường, hớp khan một ly rượu ngọn. Bà thấy từ xa có một khoảng mờ trắng, gió thổi mạnh, tới gần thì ra là cơn mưa đầu mùa, sấm chớp xanh lè trên trời. Đi một khúc trời lại nắng, con lộ dài sao lại vắng thăm thẳm, lúc nầy chỉ thấy bóng một mình bà thui thủi lúc mưa lúc nắng.
Đừng hỏi bà già làm sao mà sống, nghĩa là ăn uống, ngủ nghỉ và các chuyện khác, vậy mà bà vẫn đi và vẫn sống khỏe re. Đâu phải như mấy đứa nhỏ chạy đua mà mệt, bà đi bước nhỏ từ từ, con rùa đi hoài cũng tới hang của nó, bà lội bộ xóm này qua xóm kia rong chơi. Ai nghe chuyện cũng lạ. Bà già đã đi bộ từ Châu Đốc tới chợ Vãng Long này được rồi thì đi luôn, tới đây bà nghỉ chân đứng đón ngọn gió thổi về một hướng, gió như cái lược vô hình nhẹ nhàng chải xuôi lại mái tóc bạc của bà. Bà nhìn cột cây số ngả nghiêng mờ mờ tróc sơn không thấy số nào là số gì, bà chợt nhớ Hai Tô - con trai của bà, có vợ miệt này, với đứa cháu nội gái lâu nay chưa biết mặt.
Bà quay lại tìm, đi ngược qua mấy cột cây số mới tới chỗ Cầu Đôi, quẹo trái lội bộ thêm vài cây số thì tới chợ Hòa Lộc, đi xe ôm chi, không đi xe ôm cũng tới. Con đường đất đỏ vô nhà Hai Tô coi vậy mà khó bước, tháng mưa trơn lùi, với nước sông tràn bờ không khéo chụp ếch, chỉ đi được ở mé mé cỏ nhìn nhìn mấy gò mả cũ mới trên ruộng.
Bà già cằn nhằn, lại còn qua cầu khỉ cầu vượn mắc công, bà bước xuống rạch lội tắt qua bên kia, lội qua khúc rạch nước trong khe có cái bộng dừa, đưa nước ngoài ruộng vô mương, có mấy con cá bống rảnh rang lội chơi. Bà già lội qua hàng chuối hoang, con rùa nhỏ nằm ngủ im re trên mô đất, mấy ngọn lúa ma đưa nhánh bông cứng lên khỏi mặt nước... Lội một hồi bà thấy xa xa đàng kia có cây cầu ván, bên kia con rạch, miếng ván de ra sông cửa sau nhà của Hai Tô.
Ngay lúc này mắt bà già nhấp nháy nhìn đứa con trai của bà mới đây mà coi nó cũng hơi già. Hai Tô nín thinh chèo chiếc xuồng cũ trét dầu chai tá lả từ lùm cây bần ra dáo dác thấy bà già leo lên miếng ván ngồi rửa chân. Có tiếng đàn bà ho khan vẳng ra từ trong căn nhà lá xiêu vẹo của Hai Tô.
Ngoài kia, trên con đường đất đỏ, vài chiếc xe ôm phóng qua. Sân nhà Hai Tô nhỏ mà cũng có cái ao đầy bèo, con vịt xiêm má dẫn bầy con hơn chục đứa, vài con vịt con kêu chíp chíp, còn bên kia bờ ruộng xanh cỏ vài cái mả cũ ngập nước, có cái mả đất vun lên còn mới, người chết cũng ở không xa người sống, cũng là bà con không.
Con gái Hai Tô cháu nội của bà ngồi trên chiếc xuồng với vài con cá mè vinh vảy bạc và chỉ có một con tép nhỏ. Cháu nội của bà cũng nín thinh. Nó bận cái áo bà ba của người lớn, áo cũ màu cháo lòng, nước mưa ướt vai, thân dính bùn sình. Con nhỏ ít nói, gương mặt quàu quạu với đôi mắt buồn như khóc.
Bà nội lội bộ đi thăm cháu như những dòng sông nơi này vẫn thường phiêu lưu ngày tháng qua những con sông khác. Nước lớn tràn bờ, cánh đồng ngoài kia nhìn ngút mắt. Nước mấp mé cây cầu ván, mặt nước in bóng chiếc xuồng cũ, in bóng con trai của bà với bà và đứa cháu gái.
Sông bao nhiêu tuổi, không thể nhớ, không thể biết, không thể hỏi. Trên sóng nước con sông ngược xuôi với bao cuộc hội ngộ, dòng sông khó hay rằng mình chứng kiến biết bao thay đổi phận người. Sông trôi chậm chạp lừ đừ từ đời này qua đời khác. Rồi cháu của bà cũng cười tươi khi bận áo mới, căn nhà xiêu vẹo của vợ chồng Hai Tô ngon lành hơn, con đường đất đỏ từ Cầu Đôi vô chợ Hòa Lộc phải tráng nhựa, bà nhìn qua bên kia sông, cánh đồng rồi cũng ngăn được mặn. Lượt về bà sẽ đi ngang qua đó với màu xanh của nền trời, của lúa mới trổ đòng đòng. Đó là chuyến đi cuối cùng của bà để thăm cháu.
MẠC CA
(Nakita, 11-5-2010)