Hãy tìm một vài bài thơ (hoặc câu thơ) của các nhà thơ trung đại và hiện đại có sử dụng chất liệu văn học dân gian để chứng minh vai trò của văn học dân gian đối với văn học viết.
Văn học dân gian là nền văn học đầu tiên xuất hiện trong lịch sử văn hoá tinh thần của loài người. Nó đồng hành với cuộc sống con người ngay từ buổi sơ khai. Khi con người bắt đầu có ý thức, biết cảm nhận cái đẹp là lúc văn học dân gian ra đời - một nền văn học chỉ lưu truyền trong trí nhớ. Văn học dân gian , đặc biệt là truyện cổ tích và ca dao sống với thời gian bằng sức hấp dẫn nội tại của nó. Vẻ đẹp đó muôn đời vẫn được khám phá, kiếm tìm. Văn học dân gian và văn học viết vừa song hành, vừa tiếp nối nhau. Nền văn học sau tất yếu phải tiếp thu tinh hoa của nền văn học trước. Các nghệ sĩ sau này đã học tập, tiếp thu những vẻ đẹp cả nội dung và nghệ thuật của nó.
Nổi bật nhất là nhà thơ Tố Hữu, Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Nguyễn Khoa Điềm, Hồ Xuân Hương...
Mình xin trích dẫn một vài đoạn thơ tiêu biểu:
1. Những vầng trăng, những câu thề nguyền, hò hẹn…đi vào truyện Kiều từ miền ca dao cũ . Vầng trăng trong Kiều:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường
được học từ vầng trăng trong ca dao một thuở:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng.
2. Không chỉ có Nguyễn Du, tiếng thơ Nguyễn Bính cứ thấp thoáng đi về một "người nhà quê", một hồn quê với những nỗi nhớ tương tư của con người Việt Nam thuở trước… Hồn thơ Nguyễn Bính đầy ắp chất ca dao. Những từ mình, ta, anh, nàng…lối tỏ tình mộc mạc, thể thơ lục bát với những giai điệu trữ tình mênh mang trong ca dao được Nguyễn Bính học một cách triệt để, khiến ta như được trở về với ca dao:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của giời…
3. Nhà thơ Tố Hữu cũng sử dụng thể thơ lục bát và đem vào thơ kết cấu mình- ta, mượn cách tỏ tình đôi lứa trong ca dao để diễn đạt những tình cảm lớn lao đối với đất nước, dân tộc:
Mình về mình có nhớ ta,
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng…
4. Nguuyễn Khoa Điềm trong trường ca"Mặt đường khát vọng" cũng tìm về ca dao để cắt nghĩa, lý giải sự sinh thành, phát triển của đất nước ở bề sâu văn hoá:
Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi
Đất nước có trong những cái ngày xửa, ngày xưa mẹ thường hay kể
Đất nước bắt đầu với những miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn…
Và rất nhiều, rất nhiều nhà thơ khác nữa sau này đã học tập chất thơ- từ ngữ, hình ảnh, cấu tứ, giọng điệu ở ca dao để viết nên những vần thơ đi vào lòng người.