[Văn 10]:Bài tập làm văn số 3

H

hocmai.nguvan

Tính ích kỷ và lòng vị tha

Chào khocvidauthuong!
Với đề bài suy nghĩ về tính ích kỷ và lòng vị tha chị có thể gợi ý cho em một số luận điểm sau:
MB: Giới thiệu vấn đề: tính ích kỷ và lòng vị tha là hai trạng thái tính cách đối lập nhau.
TB:
- Giải thích:
* Tính ích kỷ:
+ Thế nào là ích kỷ? (ích kỷ hay còn gọi là vị kỷ): ích kỷ nghĩa là chỉ biết nghĩ và làm sao cho có lợi nhất cho bản thân mình.
+ Biểu hiện của tính ích kỷ:
Người ích kỷ là người chỉ biết nghĩ đến bản thân mình mà không biết nghĩ cho người khác. Những người như vậy thường hay so đo, tính toán để trong bất cứ việc gì cũng có lợi cho mình. Đó là những người thường : “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”.
Tính ích kỉ thể hiện dưới nhiều hình thức và ở nhiều mức độ khác nhau như : lười biếng, tham ăn, dối trá, gian xảo, tham nhũng... Trong học tập, tính ích kỉ bộc lộ qua thái độ thiếu quan tâm tới bạn bè, tới công việc của lớp, của trường.
Tính ích kỷ còn thể hiện ở việc khó hoặc không thể tha thứ cho lỗi lầm của người khác.
* Lòng vị tha:
+ Thế nào là lòng vị tha? Vị tha là vì người khác, là chăm lo một cách vô tư đến người khác.
+ Biểu hiện của lòng vị tha:
Người có lòng vị tha là người có thể tha thứ lỗi lầm của người khác
Là người luôn quan tâm, giúp đỡ người khác, không ngại khó khăn, gian khổ
Là người vì người khác có thể hi sinh lợi ích, hạnh phúc của mình
- Mối quan hệ giữa tính ích kỷ và lòng vị tha:
+ Quan hệ: đối kháng nhau, trong mỗi con người đều tồn tại cả tính ích kỷ và lòng vị tha
+ Lòng vị tha cần được biểu dương còn tính ích kỷ cần phải phê phán.
+ Những người có lòng vị tha thì luôn được người khác yêu mến, tin tưởng, người có tính ích kỷ dễ bị người khác ghét bỏ, xa lánh.
- Bài học rút ra:
- Trong mỗi chúng ta đều tồn tại tính ích kỷ và lòng vị tha do đó chúng ta phải biết kiềm chế để hạn chế tối đa tính ích kỷ của mình, phải biết vị tha để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn
Đó là những luận điểm cần có trong bài. Em chú ý lấy dẫn chứng cho từng luận điểm nhé!
Dưới đây là một bài viết chị từng đọc qua, chị thấy khá hay, em có thể đọc để tham khảo.
Chúc em học tốt!
Thân ái!

LÒNG VỊ THA VÀ SỰ ÍCH KỶ
Cuộc sống là chuỗi ngày mỗi con người tự hoàn thiện mình. Mỗi ngày là một bài học vô giá ta nhận được từ cuộc sống. Quá trình hoàn thiện mình chính là gạt bỏ đi từng cái xấu và vun đắp thêm từng cái tốt dù rất nhỏ. "Vị tha" là phẩm chất chúng ta cần rèn luyện. "Ích kỉ" là điều mỗi người nên tìm cách gạt bỏ.

Vậy thật ra thế nào là vị tha, thế nào là ích kỉ? Vị tha là chăm lo một cách vô tư đến người khác, vì người khác mà hy sinh lợi ích, hạnh phúc của cá nhân mình. Ích kỉ nghĩa là chỉ hành động vì lợi ích riêng của mình.
Người có lòng vị tha là người biết nghĩ đến người khác, biết tha thứ cho những lỗi lầm của họ. Trong khi người ích kỉ chỉ biết nghĩ đến mình. Họ luôn đặt lợi ích của bản thân lên trên tất cả. Và dĩ nhiên kẻ ích kỉ sẽ không dễ tha thứ nếu ai đó làm tổn thương mình.
Chúng ta biết "nhân vô thập toàn". Đã là người ai lại không có một lần phạm phải sai lầm. Nếu mọi lỗi lầm đều không được tha thứ thì mối quan hệ giữa người với người trên thế giới này sẽ như thế nào? Vị tha là một phẩm chất không thể thiếu để thắt chặt sợi dây thân ái giữa mọi người. Và ích kỉ là kẻ thù hùng mạnh nhất của lương tâm. Tại sao lại nói như vậy?
Trong mỗi con người, ai ai cũng tồn tại lòng ích kỉ. Người mạnh sẽ có khả năng đóng củi sắt con "quỷ" ích kỉ đó. Người yếu kém sẽ để nó tung hoàng tác oai tác quái. Nhưng chiếc "củi sắt" nhốt lòng ích kỉ làm bằng "lương tâm" và "ý chí". Nếu con người không giữ vững được lương tâm và ý chí của mình thì lòng ích kỉ có thể thoát ra bất cứ lúc nào. Vì thế nên mới nói ích kỉ là kẻ thù hùng mạnh nhất của lương tâm.
Mac-đen đã từng nói: "Tính ích kỉ là nguyên nhân của mọi sự tàn ác". Từ việc chỉ biết có bản thân, người ta dễ dàng lầm lạc bước vào con đường tội lỗi. Lúc đó họ không còn biết gì đến mọi người xung quanh. Thế mới thấy, ích kỉ thật là đáng sợ.
Không chỉ ảnh hưởng đến người xung quanh mà lòng ích kỉ còn làm hại chính người..."nuôi dưỡng" nó. Nó giống như ngọn gió sa mạc làm khô héo tất cả. Khô héo tâm hồn ta và khô héo tình cảm người khác dành cho ta nữa.
"Nếu là con chim chiếc lá
Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ phải chỉ riêng mình" (Tố Hữu)
Con người sinh ra là để sống với cộng đồng. Kẻ ích kỉ chỉ biết lo cho bản thân sẽ không thể tồn tại hay "chết" theo cách nghĩ nào đó mà Huy-gô đã từng nói: "Kẻ nào vì mình mà sống thì vô tình kẻ ấy đã chết đối với người khác". Nói cách khác, không phải họ đang sống mà đơn giản chỉ là tồn tại. "tồn tại" chỉ thật sự nâng lên thành "sống" khi nó được bao bọc bởi tình yêu thương. Những kẻ ích kỉ liệu có được mọi người yêu mến, quý trọng?
Vị tha là "người" đứng bên kia chí tuyến với lòng ích kỉ. Người vị tha luôn nhìn người khác bằng cái nhìn của lòng nhân từ, tình thương yêu. Họ luôn đặt mình vào vị trí của đối phương để hiểu và cảm nhận tình cảm vui buồn của những con người đó.
Trước hết cần nói rằng sống cho vị tha chính là tự tôn trọng mình như Vệ Bá đã từng nói "Khoan dung, vị tha, bác ái là cái nền để kính mình". Để tha thứ và tỏ ra bao dung với người khác không phải dễ. Đơn giản hơn nghĩa là ai cũng biết đó là một điều tốt nhưng không phải tất cả đều làm được. Nó đòi hỏi người ta những phẩm chất nhất định. Có lẽ vì vậy mà Han-đa-rơ gọi những ai biết tha thứ là "những con người dũng cảm".
Như đã nói ở trên thì học cách sống cho vị tha không phải dễ. Nhưng để tha thứ cho kẻ thù của mình lại càng khó gấp bội. Khi ta tỏ ra bao dung trước tội lỗi của kẻ thù chính là ta đang tự chiến thắng bản thân mình. "Tha thứ là bông hoa thượng hạng của chiến thắng" (Arixtot) Người chưa từng biết tha thứ cho kẻ thù thì chưa từng nếm một trong những thú vui tuyệt trần của thế gian.
Khổng Tử dạy rằng "tiên trách kỉ, hậu trách nhân" (trước hãy trách mình, sau mới trách người khác). Người sống vị tha thường xét mình một cách nghiêm khắc và xét người khác một cách nhân ái, bao dung. Khắc khe với chính mình cũng là một trong những cách tiêu diệt lòng ích kỉ và xây dựng tính vị tha.
Ta tưởng tượng lòng vị tha giống như một khu vườn. "Vị tha" trong suy nghĩ là đất, "vị tha" trong lời nói là hoa và "vị tha" trong việc làm là quả. Từ lúc vun trồng cho tới khi ra hoa kết quả, lòng vị tha phải trải qua quá trình nuôi dưỡng lâu dài. Đồng thời cũng nên nhớ rằng người ta chỉ thật sự tha thứ khi học được cách để quên. Cũng như một cái cây làm sao có thể phát triển xanh tươi nếu mảnh đất nuôi lớn nó quá cằn cỗi. Vì thế khi nói rằng "Tôi có thể tha thứ nhưng tôi không thể quên" chỉ là một biến thể của câu "Tôi không thể tha thứ".
Tuy nhiên , việc gì cũng có giới hạn nhất định. Cái gì "quá" cũng không tốt. Vị tha không có nghĩa là hy sinh một cách mù quáng, nhắm mắt bỏ qua tất cả mọi tội lỗi. Đó gọi là ngu ***. Hành động vị tha phải dựa trên sự dẫn dắt của lí trí. Ích kỉ cũng như vậy. Nói nó xấu không có nghĩa là bản thân chúng ta không được phép nghĩ cho riêng mình mà hãy nghĩ cho mình trên cơ sở lợi ích của người khác.
Trước những thử thách của cuộc sống ta cần phân định rõ đâu là ranh giới giữa đúng và sai. Từ đó lựa chọn cho mình một cách cư xử phù hợp. Phẩm chất thì không có chuẩn mực. Mỗi người phải có toà án lương tâm để định hướng cho hành động của mình. Nghĩ tới người khác không đồng nghĩa với việc tự lãng quên bản thân. Biết bảo vệ quyền lợi cá nhân không có nghĩ là đạp đổ hạnh phúc của người khác. Vị tha và ích kỉ cần áp dụng và hạn chế cho phù hợp. Làm được điều đó cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Nhắc đến vị tha và ích kỉ, tôi lại nghĩ về câu nói: "Thêm một chút vị tha và vứt đi một phần ích kỉ sẽ thấy cuộc sống là màu hồng"...”
 
H

happy.swan

tính ích kỉ và lòng vị tha luôn song song tồn tại trong con người .Có giai đoạn người ta thể hiện đúc tính vị tha nhưng cũng có lúc họ thật ích kỉ.hai đức tính đó làm cho cuộc sống con người thêm phong phú nhiều màu sắc và cũng làm cho cuộc sống thêm nhiều điểm nhấn
Một người ích kỉ khi họ luôn giữ mọi thứ cho riêng bản thân mình luôn làm những điều có lợi cho bản thân =>cuộc sống của họ bị thu hẹp dần trong thế giới của riêng họ (thế giới không có hạnh phúc thực sự)
Một người vị tha là họ luôn sẵn sàng mở lòng để tha thứ cho lỗi lầm của người khác để sẻ chia những tâm sự bản thân
nhiều người cho rằng lòng vị tha không mang lợi cho bản thân nhưng điều đó chỉ đúng về mặt vật chất nhưng họ còn được nhận thêm nhiều trong tâm hồn của họ
Tuwf những ý trên cộng với suy nghĩ bản thân bạn hãy lập dàn ý và viết bài nha
(chúc bạn viết bài tốt nha!)
 
Top Bottom