Nhưng làm tiên, làm ẩn sĩ hay làm chinh phu chỉ là chuyện mộng. Sự thực thì khi nhe tiếng ái ân réo rắt, chỉ có khách chinh phu" đi theo đuổi bước tương lai", còn thi nhân và chúng ta ở lại bên sông cùng thiếu nữ. Sự thực thì giấc mộng ẩn sĩ tan dần trong một căn phòng tại Hà Nội. Và nói cho đúng, thi nhân có lên tiên cũng chỉ để nói chuyện dưới trần. Những áo đào thiên tiên người thấy trong khi say thường phấp phới trên bờ hồ Hoàn Kiếm: Tôi muốn nóiThế lữ vẫn nặng lòng trần, Người say theo những cảnh đẹp của trần gian muôn hình muôn vẻ, từ
Cảnh vĩ đại sóng nghiêng trời, thác ngàn đổ;
cho đến
Nét mong manh, thấp thoáng cánh hoa bay;
Người đã khéo tả hình sắc lại cũng khéo tả âm thanh. Những đoạn thơ tả cảnh, tả tiếng của Thế lữ thực không sao kể xiết. Ngay sau những bài không hay lắm, vẫn có nhiều cái rất thân tình, chẳng hạn như:
Sáng hôm nay, sương biếc toả mờ mờ
Như hương khói đượm đầu cau, mái rạ;
ánh hồng tía rắc ngọc châu trên lá,
Trời trong xanh, chân trời đỏ hây hây.
Nhưng trong "vườn trần gian" còn có gì thắm tươi hơn những thiếu nữ. Cho nên không biết bao nhiêu lần thi nhân tả người đẹp với những nét tinh tế, dịu dàng và âu yếm. Người thấy rõ:
Trên vầng trán ngây thơ, trong sáng
Vẩn vơ qua một áng hương buồn.
Người lặng nhìn: Đôi mắt cô em như say, như đắm,
Như buồn in hình ảnh giấc mơ xa
Người mải mê nghe tiếng hát người đẹp:
Tiếng hát trong như ngọc tuyền,
Êm như gió thoảng cung tiên.
Cao như thông vút, buồn như liễu:
Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên.
Có những thi nhân chỉ tìm ý thơ trong tình yêu của một người. Trái lại, trong Thế lữ thấp thoáng hình ảnh không biết bao nhiêu người. Mỗi thiếu nữ đã đi qua trong đời thi nhân hay trong trí tưởng thi nhân đều mang theo một chút hưoưng ân ái. Đối với họ thi nhân chưa đủ thân mật để gọi bằng em; thi nhân chỉ dùng hai tiếng "cô em", nghe lẳng lơ, mà xa vời và thiếu tình ấm áp. Có lẽ Thế lữ là một người khát yêu, lòng mở sẵn để đón một tình duyên không thấy tới. Mối tình yêu không người yêu ấy man mác khắp cỏ cây mây nước, nên thi nhân thường tả những cảnh đượm tình luyến ái: Mây hồng ngừng lại sau đèo,
Mình cấy nắng nhuộm, bóng chiều không đi:
Trời có những dải mây huyền thấp thoáng
Như vấn vương lưu luyến quyện lòng ai;
Khiến cho cảnh bồi hồi ngây ngất.
Tiếng sáo chưa nỡ dứt trên không,
Khiến cho hồ nước mịt mù,
Ngày không muốn hết, ta không muốn về.
Thơ Thế lữ là nơi hẹn hò của hai nguồn thi cảm. Thế lữ đã băn khoăn trước hai nẻo đường: nẻo về quá khứ với mơ mộng, nẻo tới tương lai và thực tế. Đáng lẽ Thế lữ nên rẽ nẻo thứ hai này. Sau một hồi mộng mị vẩn vơ, thơ Thế lữ như một luồng gió lạ xui người ta biết say sưa cái sán lại của cuộc đời thực tế, biết cười cùng hoa nở chim kêu, biết yêu và biết yêu tình yêu. Thế lữ đã làm giáo sư dạy khoa tình ái cho cả một thời đại
Nhưng hình như có hồi Thế lữ đã đi lầm đường. Bởi người ta nói quá nhiều, nên thi nhân tưởng quê hương mình là tiên giới và quên rằng đặc sắc của người chính ở chỗ tả những vẻ đẹp thực của trần gian.
Tuy vậy, dầu về sau thơ Thế lữ có phần kém trước, nhưng giá những bài thơ ấy là của một người khác, thì vẫn có thể dành cho tác giả nó một địa vị khá trên thi đàn. Bởi vì Thế lữ ít khi ghép những lời suông, khi nào viết cũng có chuyện gì để nói.
Tôi nói về Thế lữ đã quá nhiều rồi. Nhưng còn biết bao nhiêu điều muốn nói nữa. Tôi thấy chung quanh tôi người ta lạnh lùng quá. Thế lữ cơ hồ đã đi theo phần đông thi sĩ trong " Văn đàn bảo giám". Cái cảnh lạt phai ấy sao buồn thế!
Không, ta hãy đi ngược lại thời gian, quên những sở thích nhất thời và trân trọng lấy những bông hoa vẫn thắm tươi như hồi mới nở.
Tháng 1 - 1941